NỖI CÔ ĐƠN CỦA CHÚNG TA

NỖI CÔ ĐƠN CỦA CHÚNG TA.

Một vài chỗ có thể đi qua hơi nhanh vì giới hạn không gian trình bày, vì thế bất kỳ chỗ nào bạn cảm thấy lấn cấn hãy đề cập phía dưới phần bình luận để cùng nhau thảo luận thêm.

Loài người là giống loài đặc biệt. Khả năng suy nghĩ trừu tượng đã giúp chúng ta trở nên tốt hơn, làm được nhiều điều phi thường nhưng cũng đặt lên ta “lời nguyền” về sự đau khổ.
Chúng ta không chỉ muộn phiền vì hiện tại con mình đang đói, mà còn đau khổ khi nghĩ đến chuyện tháng tới cả nhà sẽ thiếu ăn. Ta không chỉ trải nghiệm nỗi đau của chính mình, của những cá thể xung quanh mà còn đồng cảm với những câu chuyện cách đây hàng trăm năm, kể cả khi đó là chuyện bịa. Ta không chỉ tuyệt vọng trong giây phút chia ly, mà đã trực tiếp trải nghiệm điều này ngay cả khi chỉ mới thoáng nghĩ đến nó.
Chúng ta cũng trải nghiệm sự cô đơn ngay cả khi sống giữa cộng đồng 8 tỷ dân.
1. Chúng ta là ai?
Tháng ba năm ngoái, một cá thể sói xám ở bang Oregon chết và dư luận đổ dồn trách nhiệm cho các nhà bảo tồn động vật, thay vì thợ săn hay người dân địa phương [1]. Con sói này trước khi được thả ra môi trường tự nhiên đã bị bắt để gắn chip theo dõi. Nguyên nhân cái chết được ghi nhận không phải vì bị bắn hay đánh bả.
Nó đã chết vì stress.
Cụ thể hơn là do “tổn thương mô cơ do bị bắt giữ” (capture myopathy). Đây không những là nguyên nhân gây chết của chú sói xám Oregon kia, mà còn với nhiều loài động vật hoang dã khác [2]. Việc bắt giữ đã kích hoạt hệ thống sinh học “chiến hay chạy” (fight or flight) của sinh vật, khiến cơ thể chúng liên tục tiết ra nhiều chất hóa học để kích thích cơ cũng như tác động đến hoạt động của thận và hệ tuần hoàn.
Việc kích thích này nhằm giúp chúng có đủ năng lượng và các cơ quan thay đổi theo hướng thích hợp để bỏ chạy, nhưng nếu số chất hóa học này không được giải phóng (vì chúng đang bị bắt giữ); chúng sẽ tích lũy và tạo ra ngộ độc. Tình trạng kích thích kéo dài có thể dẫn đến tổn thương các mô cơ, suy đa tạng và tử vong.
Để có thể hình dung rõ hơn về capture myopathy, hãy tưởng tượng chiếc xe đua của Vin Diesel trong Fast and Furious được kích hoạt hệ thống Nitro, kéo hết ga nhưng lại bị ghì chặt lại một chỗ.
Động vật cũng chỉ là những “cỗ máy sinh học” được lập trình phức tạp và phản ứng dựa trên những tác động từ môi trường. Do đó, chúng không thể biết rằng ai đó bắt chúng vì mục đích tốt hay xấu, cũng như không có khả năng tự trấn an bản thân. Hệ thống “chiến hay chạy” đơn giản chỉ kích hoạt dựa trên bản năng và vô tình tự tổn thương chính mình.
Và loài người cũng thế.
Tuy Homo Sapiens đã phát triển nhận thức đến tầm có thể đánh giá tốt xấu, biết tự trấn an bản thân, nhưng cơ thể của chúng vẫn phản ứng theo bản năng. Stress hay trầm cảm cũng là phản ứng “chiến hay chạy” của bản năng sinh học [3]. Khi đối diện với những kích thích được xem là nguy cơ, cơ thể chúng ta bắt đầu tiết ra những chất hóa học và chính những chất này mới là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, áp lực, mệt mỏi và ảnh hưởng đến cơ thể – chứ không phải bản thân những nguy cơ kia.
Và dù bản năng này đã giúp chúng ta sống sót trong hàng trăm nghìn năm, ngày nay nó lại là một gánh nặng.
Theo thuyết tiến hóa, toàn bộ những cơ chế phản ứng sinh học như không ăn thì đói, ngán ăn khi đã no, động dục khi đến mùa sinh sản, chạy trốn khi gặp kẻ thù, đứng yên khi gặp nguy hiểm, trầm cảm, uể oải kém hoạt động vào mùa lạnh… nhằm phục vụ cho mục đích tối thượng của sự sống là sinh tồn và duy trì nòi giống.
Những cá thể gặp thú dữ không biết sợ, mùa lạnh vẫn bị tăng động hoặc không có hứng thú với việc giao phối hay không có cảm giác đói đã dần bị loại trừ và biến mất.
Tuy nhiên, có lẽ tạo hóa là một giáo viên bảo thủ và quan trọng ở quá trình hơn kết quả, nên đôi khi việc nó muốn không phải là “sống”, mà là phản hồi đúng “quy trình”. Khi cơ thể phát tín hiệu rằng nó đói, bạn phải ăn. Việc từ chối ăn có thể khiến bồn chồn mệt mỏi, trong khi đáp ứng lại tiếng gọi bản năng sẽ nhận được tưởng thưởng tương xứng bằng một mớ những chất hóa học tạo ra cảm giác thỏa mãn, hài lòng và hạnh phúc [4]. Thực tế chưa chắc việc ăn đã cần thiết đến thế.
Xã hội chúng ta đang ở đủ tiên tiến để đảm bảo cho sự sinh tồn của loài người, nhưng cơ chế sinh học thì không biết được điều này mà vẫn phản ứng dựa trên kích thích. Việc đứng trước đám đông, đi gặp người lạ có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái bồn chồn, hồi hộp hoặc kích động vì nó kích hoạt trạng thái “chiến hay chạy”.
Tương tự như vậy, bất kể những nhà bảo tồn có cố gắng cho những con vật họ bắt giữ tạm thời ăn uống đầy đủ có thể chẳng có nhiều ý nghĩa nếu không thể giúp chúng bớt căng thẳng. Việc stress – vốn là cơ chế giúp tăng khả năng sinh tồn – thậm chí còn ảnh hưởng đến những cơ chế sinh tồn khác như ăn uống, gây chán ăn, nôn mửa và dẫn đến chết vì suy nhược [5].
Có lẽ tạo hóa khi tạo ra cơ chế stress chỉ để dùng trong thời gian ngắn và một vài trường hợp nhất định. Vì bản chất của hệ thống “chiến hay chạy”, theo quan điểm của tâm lý học tiến hóa, là những phản ứng cấp thời dùng cho những trường hợp não bộ không có đủ thời gian để xử lý.
Có lẽ tạo hóa đã không nghĩ rằng loài người sẽ phát triển đến mức tạo ra căng thẳng kéo dài cho những loài khác.
Và cho chính giống loài của mình.
2. Cô đơn là thứ cảm giác xa xỉ của người hiện đại
Sự phát triển và tiến hóa của xã hội loài người diễn ra nhanh hơn rất rất nhiều so với quá trình tiến hóa sinh học. Dựa trên lịch Holocene, loài người bắt đầu định cư từ cách đây khoảng 12.000 năm [6], trong khi thời điểm đầu tiên xuất hiện loài Homo Sapiens được cho là cách đây khoảng 200.000 năm [7]. Cơ chế “chiến hay chạy” thậm chí còn có tuổi đời dài hơn lên đến hàng triệu năm, kể từ khi xuất hiện những loài động vật có bộ não bao gồm hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm [8].
Theo quan điểm của khoa học hiện đại, gen và môi trường là hai yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của chúng ta. Nếu như gen thuộc về tiến hóa, thuộc về sinh học và có phần ổn định trong suốt nhiều nghìn năm nay, thì yếu tố từ môi trường đã thay đổi liên tục đến mức chóng mặt.
Mâu thuẫn giữa hai yếu tố này khiến loài người phải “chịu đựng” nhiều cảm giác không mấy vui vẻ do cơ thể sinh học phản ứng với kích thích đến từ môi trường hiện đại.
Cô đơn là một trong những cảm giác mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Có lẽ điều này sẽ khiến bạn cảm thấy hoài nghi.
Nhưng mãi đến năm 1959, ngành tâm thần học mới chú ý đến cảm giác gọi là “cô đơn”, thông qua bài luận của Chuyên gia phân tích Frieda Fromm-Reichmann [9].
Trong cuốn “A Biography of Loneliness: The History of an Emotion” (Oxford), nhà Sử học người Anh Fay Bound Alberti cho rằng sự cô đơn không hề tồn tại trước thế kỉ thứ 19, hoặc ít nhất không phải ở dạng mãn tính [10]. Nghĩa là những người phụ nữ góa chồng, những đứa trẻ bị bỏ rơi vẫn trải qua cảm giác cô đơn cấp thời nhưng nhanh chóng hòa nhập hoặc họ sẽ không thể sống quá lâu để nói về sự cô đơn của mình.
Robinson Crusoe là tác phẩm văn học nổi tiếng về chàng thủy thủ trên đảo hoang nhưng không xuất hiện bất kỳ từ “cô đơn” nào. Chỉ duy nhất xuất hiện 13 lần từ “cô độc” (alone) [11]. Fay Bound Alberti còn lập luận rằng sự xuất hiện của từ “cô đơn” hiếm đến mức khó tin ở những tác phẩm văn học trước thế kỷ 19.
Sở dĩ có việc này vì loài người là giống loài cộng đồng và việc chúng ta có thể sống một mình chỉ là hiện thực mới xuất hiện gần đây. Cảm giác “cô đơn” kéo dài đủ lâu để ai cũng có thể chú ý đến cũng vậy. Còn trong suốt lịch sử loài người, “cô đơn” nghĩa là chết.
Cô đơn vốn là trạng thái căng thẳng của cơ thể do phản ứng “chiến hay chạy” được kích hoạt [12]. Trạng thái khó chịu này nhắc nhở loài người xích lại gần nhau hơn để có thể đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Vì một cá thể tách khỏi nhóm có thể gây hại cho chính anh ta lẫn nhóm của mình.
Ở thời tiền sử, cảm giác cô đơn sẽ kích hoạt khi ai đó bị lạc khỏi đoàn hoặc gặp những cá thể lạ mặt. Khả năng cao họ sẽ chết nếu không hoảng sợ và nhanh chóng bỏ chạy tìm về đoàn của mình. Cảm giác cô đơn cũng là hình phạt cho những cá nhân có những hành vi chống lại bộ tộc của mình (ăn cắp thức ăn chẳng hạn) [13].
Trước khi diễn ra cách mạng công nghiệp, con người vẫn cần bám víu lấy nhau để cùng sinh tồn. Hệ thống làng xã địa phương có luật lệ chặt chẽ để đảm bảo để luôn đủ nhân lực sản xuất lương thực cho tất cả. Do đó, việc bị tẩy chay, trục xuất là một trong những hình phạt nặng nhất – một dạng án tử treo lơ lửng trên đầu.
Sự tồn tại của các cá nhân ở thời điểm này phụ thuộc vào những mối quan hệ xung quanh. Chỉ khi họ được hòa nhập vào cộng đồng, họ mới có thể sống. Những người gánh chịu hình phạt này sẽ chết đói trước cả khi họ cảm thấy cô đơn; hoặc ngay cả khi họ đã trải qua cảm giác này, họ cũng chẳng thể nói về nó cho bất kỳ ai vì chẳng ai thèm nghe hoặc chẳng ai hiểu nổi.
Vậy, trước thế kỷ 19, gần như những ai trải qua cảm giác cô đơn mãn tính đều sẽ chết vì điều kiện môi trường đủ để kích hoạt cảm giác này cũng là điều kiện mà họ không thể tồn tại được nữa. Trừ vua chúa, những người đứng ở trên cao có vẻ như phải sống với sự cô đơn kéo dài [14].
Tuy nhiên, sự xuất hiện của gương soi và chủ nghĩa cá nhân đã thay đổi tất cả [15]. Từ khi có nhận thức rõ ràng hơn về nhân diện bản thân, loài người bắt đầu có những cái nhìn vượt xa bản năng sinh học. Chủ nghĩa cá nhân ra đời đánh dấu bước ngoặt con người quyết định sống chung với nỗi cô đơn vì họ đề cao sự riêng tư cá nhân hơn.
Xã hội kể từ sau sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân, trật tự xã hội bắt đầu có những chuyển biến sâu sắc. Hệ thống gia đình truyền thống (nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau) dần thay thế bằng mô hình gia đình hạt nhân (vợ chồng và con).
Những ngôi nhà sinh hoạt chung dần được chia thành nhiều gian khác nhau dành cho những đối tượng khác nhau [16] và sau đó là tách hẳn ra sống ở nhà riêng.
Song song với đó, cách mạng công nghiệp và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã đẩy chúng ta đến với những môi trường sống mới ít ràng buộc với nhau hơn. Các công nhân trong nhà máy dù rằng gắn bó với nhau vẫn tốt hơn, nhưng việc cư xử lạnh lùng cũng không khiến bạn gặp nguy đến mức không thể sống nổi.
Và rồi chúng ta bắt đầu cảm thấy cô đơn, lần đầu tiên trong nghìn năm có lẽ.
3. Chủ nghĩa tư bản và nỗi cô đơn
Chủ nghĩa cá nhân ngày nay, theo một hướng nào đó, có thể xem là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản.
Việc rời khỏi nhà, dọn ra ngoài ở và tự chủ tài chính đang dần trở thành một loại đồ chơi mà đứa trẻ 18 tuổi nào cũng khao khát. Đó như một dấu hiệu của sự trưởng thành và người ta đánh đổi chúng bằng mọi giá, bất kể rằng đạt được nó cũng có nghĩa rằng đặt bản thân vào một tình trạng căng thẳng và khó khăn hơn. Sau khoảng vài tháng tận hưởng cảm giác ở một mình, có thể bạn sẽ thích cảm giác này, có thể không, nhưng điểm chung là nhận ra rằng không thể quay lại được nữa.
Nếu như mô hình gia đình truyền thống cho phép chuyện nhiều thế hệ trong một dòng tộc sống trong một ngôi/khu nhà chung, thì mô hình gia đình hạt nhân tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản – điều mà nhà tư bản nào cũng thích.
Việc “sở hữu sự riêng tư” khá đắt đỏ, không chỉ ở việc bạn phải bỏ ra cả đời để dành dụm cho ngôi nhà riêng của chính mình, mà còn ở việc tiêu pha mua sắm và giải trí để bù lại sự cô đơn của việc một mình. Không có gì lạ nếu phần lớn chúng ta rơi vào cảnh đến ¼ cuối cùng của đời người mới trả xong số nợ liên quan đến căn nhà mình sở hữu.
Ở một mình bản thân nó đã cô đơn, nhưng việc phải làm việc nhiều hơn để duy trì sự một mình đó còn khiến chúng ta cô đơn hơn nữa. Người hiện đại liên tục phải tiếp xúc với người lạ – thứ tạo ra cảm giác căng thẳng do cơ chế “chiến hay chạy” đã nhắc ở phía trên. Bên cạnh đó là hàng loạt căng thẳng không thể gọi tên khác.
Kết quả, vào cuối ngày, chúng ta thường phải đối mặt với cảm giác trống rỗng thường trực quen thuộc. Đó chính là nỗi cô đơn.
4. Vì sao sinh ra ở Việt Nam là một sự may mắn (và vì sao mọi thứ sắp thay đổi).
Những áp lực trên sẽ rõ ràng hơn ở xã hội nằm ở phía Tây, nơi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân nắm quyền chi phối sâu sắc đến gần như mọi thứ.
Vì dù sao đi chăng nữa, người Việt Nam vẫn nhận được sự trợ giúp nhiều từ gia đình, bạn bè, dòng họ trong những việc như cưới xin, mua nhà hay thậm chí tìm kiếm công việc. Vay ngân hàng là lựa chọn xếp sau sự nhờ vả.
Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi theo hướng tệ hơn. Millennials (cuối 8x, đầu 9x) và Z Gen ở Việt Nam dạo gần đây có vẻ thích xu hướng độc lập tài chính và dọn ra ở riêng. Phần nhiều trong số họ chưa đủ già để nhận ra rằng mình sẽ có phần tuổi trung niên khổ hơn bố mẹ của mình – hệt như thế hệ Baby Boomers ở Mỹ ở thập niên 80 của thế kỷ trước.
Phần nhiều trong số họ chỉ mới lờ mờ nhận ra sự cô đơn, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức giễu cợt.
Hãy nhớ rằng cô đơn khác hoàn toàn với cô độc hay hướng nội. Cô độc là khi tôi và bạn thích cảm giác ở một mình, tận hưởng chút thời gian tránh xa khỏi những mối quan hệ xã hội mệt mỏi.
Nếu như cô độc là cảm giác tuyệt vời khi ngồi cạnh cửa sổ trong ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xắn ở Đà Lạt để đọc sách uống trà, thì cô đơn là cảm giác trống rỗng sau khi kết thúc phiên làm việc hoặc ván game vào lúc gần nửa đêm.
Cô độc là một lựa chọn, còn cô đơn là hoàn cảnh ta phải chấp nhận.
“Sự cô đơn là trải nghiệm đau đớn đến mức đáng sợ và khiến chúng ta làm mọi thứ để tránh né”, Frieda Fromm-Reichmann viết trong bài tiểu luận của mình. Đây không chỉ là trải nghiệm về mặt tinh thần, khoa học đã chứng minh nó có liên quan đến việc suy giảm tuổi thọ, bệnh tim mạch và hàng loạt điều nghiêm trọng khác về mặt thể chất [17].
Phương Tây đã có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn nạn này ở tầm vĩ mô. Giới y tế đã có hẳn một bộ quy chuẩn về Thang Đo Cô Đơn, cựu Tổng Y sĩ Hoa Kỳ từng ban bố “đại dịch cô đơn” trong khi nước Anh có hẳn Bộ trưởng Bộ Cô đơn. Báo chí phương Tây cũng bắt đầu nghiêm túc hơn khi nói về cô đơn, trong khi hàng loạt nghiên cứu đã được xuất bản để xem xét tác động của cảm giác này đối với sức khỏe cá nhân và ổn định xã hội.
Chúng ta mặc dù bước vào thế giới kết nối hơn bao giờ hết, nhưng việc này chẳng những không giúp giảm bớt, mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng này.
Cộng đồng tuy ngày một đông nhưng lại phân rã hơn do khác biệt về xuất thân, chủng tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, quan điểm chính trị, giai cấp, học thức… và những thứ này còn va chạm nhau liên tục trên internet. Thời xưa tuy đơn giản và ít tự do nhưng mọi thứ có phần nhất quán hơn.
Sự phức tạp của xã hội hiện đại cũng khiến chúng ta ngày càng ít điểm chung hơn, vì dù sao tâm trí của con người là có hạn để quan tâm đến tất cả mọi thứ. Điều này dẫn đến việc duy trì những mối quan hệ trở nên khó và cần nhiều nỗ lực hơn. Bạn bè chơi chung với nhau cho đến khi ra trường, cho đến lúc mỗi đứa làm một nghề, quan tâm một thứ khác nhau, quan điểm chính trị khác nhau…
Bản thân chúng ta cũng có quá nhiều mối quan tâm và bị chúng chi phối đến mức không còn thời gian và tâm trí để bận tâm đến việc duy trì các mối quan hệ nữa. Chúng ta có công việc, việc nhà, xem phim, đọc truyện, netflix, hóng drama… và tất cả những thứ trên đã chiếm gần như toàn bộ thời gian – hãy nhớ rằng ai cũng vậy.
Sự đa dạng cũng khiến bạn có cảm giác rằng “đại dương còn nhiều cá” và xem nhẹ những mối quan hệ, nhưng thực chất tất cả mọi người đều đang đối mặt với đại dịch cô đơn do ai cũng có ít hơn thời gian để dành cho nhau và cần nhiều hơn thời gian cho chính mình. Sở dĩ có việc này là do chúng ta phải cật lực để trả tiền cho sự tự do mà ta đã mua (chẳng phải ai đó đã nằng nặc đòi ra ở riêng đó sao?) và để trở nên “ổn” theo quy ước của xã hội.
Sự mâu thuẫn giữa mô tả về tình bạn/tình yêu trong các tác phẩm văn học (có thể nó đã từng đúng) trong quá khứ kết hợp cùng mâu thuẫn của xã hội hiện đại khiến chúng ta ngày càng đau khổ hơn nữa do có mức kỳ vọng quá cao mà thực tại không thể đáp ứng nổi.
Chúng ta luôn mong chờ được tụ tập bạn bè nhưng những cuộc tụ tập của những người “luôn mong chờ được tụ tập” thường có chất lượng kém hơn kỳ vọng của họ vì họ đã bị phân tâm như họ vốn luôn như vậy -> ít tụ tập hơn do không thỏa mãn -> cô đơn hơn.
5. Đừng vội phán xét
Sự cô đơn mà chúng ta đang trải nghiệm là kết quả của dòng chảy lịch sử và không thể tránh khỏi. Chúng là sự kết hợp của nỗi đau sinh học có nguồn gốc cách đây hàng triệu năm và những biến chuyển mạnh mẽ của thời đại.
Chuyển biến này tuy mạnh mẽ nhưng vẫn mượt mà từ trước đến nay, khiến chúng ta không mấy bận tâm hay đặt câu hỏi về chuyện về sự thiếu vui vẻ của mình. Cho đến khi đại dịch xuất hiện.
Những cô cậu trẻ tuổi ở riêng vốn vẫn nghĩ mọi chuyện rất ổn cho đến khi họ bị mắc kẹt trong căn hộ của mình hàng tháng trời. Việc này có lẽ chẳng vấn đề gì với mô hình gia đình truyền thống nơi cả dòng họ ở cùng nhau (hãy liên tưởng đến phim Coco).
Nếu bạn vẫn nghĩ rằng việc mắc kẹt ở nhà hàng tháng trời hoàn toàn ổn vì đã có Facebook, Netflix, Steam và YouTube, thì hãy nghĩ đến chuyện internet biến mất. Mọi thứ sẽ trở nên mất kiểm soát. Con người sẽ nhận ra từ lâu mình đã trở thành những con thú tự nhốt mình trong lồng. Và điều này không phải không thể xảy ra, chiến tranh nổ ra hoặc sự cố kỹ thuật nghiêm trọng nào đó chẳng hạn.
Nỗ lực cá nhân đúng là có tác dụng và là tất cả những gì chúng ta có thể làm để đối mặt với nỗi cô đơn của chính mình, nhưng nhìn ở góc nhìn vĩ mô và dòng chảy lịch sử thì không đáng kể.
Giải pháp về đại dịch cô đơn có lẽ xin phép nhường lại cho các bạn, vì bài viết cũng đã tương đối dài.
Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta vốn chỉ là những sinh vật nhỏ bé chịu sự chi phối của những thứ lớn lao.
Vì thế, hãy tận dụng khoảng thời gian xuất hiện ngắn ngủi của mình trên hành tinh này. Và hãy khiến chúng trở nên có nghĩa.
Nguồn: Monster Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *