#WedNonQuora

GIÁO HOÀNG JOHN XXIII, ĐẠI LY GIÁO PHƯƠNG TÂY VÀ CÔNG ĐỘNG CONSTANCE

GIÁO HOÀNG JOHN XXIII, ĐẠI LY GIÁO PHƯƠNG TÂY VÀ CÔNG ĐỘNG CONSTANCE

[Wall of text]
*Nếu cần tìm một cái vựa để hit drama cho bổ phổi thì chắc Giáo hội là ứng cử viên sáng giá. Drama hoàng tộc chưa đủ tuổi với drama Giáo hội.
*Note: Giovanni di Bicci trong bài là người đã sáng lập ra Ngân hàng Medici và bắt đầu thời đại hoàng kim của gia tộc này. Vì bài này trích từ cuốn sách viết về gia tộc Medici cho nên mọi sự kiện sẽ đều dính líu đến gia tộc và ngân hàng. Mình rất khuyến khích các bạn tìm hiểu về Jan Hus, vì có vẻ nhân vật này khá thú vị và ảnh hưởng nhiều đến phong trào Kháng Cách sau này (còn mình chỉ là con thích hít drama nên mình đọc qua qua tiểu sử Jan Hus cho biết thôi).
===
[…]
Dù là người thận trọng, thì Giovanni vẫn không tránh được sai lầm trong đánh giá của bản thân. Lệnh cấm buôn bán với người được, cái đã được viết thành các giao kèo gia tộc, cho thấy rằng Giovanni có lẽ cũng đã mất tiền vì việc làm ăn của Hội Huynh đệ Teuton (3) ; và thậm chí những mối quan hệ kinh doanh chính của ông đôi khi cũng vượt-ra-khỏi-các nhân vật đáng tin. Đây chắc chắn là trường hợp của Baldassare Cossa, người mà Giovanni đã kết bạn trong thời kỳ còn ở văn phòng Rome. Baldassare xuất thân từ dòng dõi quý tộc Naples nghèo khó, và khi còn là một thanh niên ngao du trên biển, ông ta đã kiếm được cả gia tài nhờ làm hải tặc. Quay lại đất liền, ông ta dùng số tiền này để giành được học vị tiến sĩ ngành luật tại Đại học Bologna; sau đó ông ta mua cho mình một ghế trong Giáo hội, nơi mà ông ta sẽ sớm trở nên giàu có. Năm 1402, Baldassare quyết định mua mũ giáo hoàng, và tìm đến Giovanni di Bicci để vay 10.000 ducat (xấp xỉ 12.000 đồng florin của Florence). Đáng kinh ngạc làm sao, Giovanni đã giúp đỡ – và quyết định này thậm chí còn gây bất ngờ hơn khi người ta xét đến tính cách của Baldassare Cossa. Theo một nhà văn đương thời, trong chín năm làm hồng y đại diện cho giáo hoàng tại Bologna, các phẩm chất tâm linh của ông ta bằng ‘không, hoặc dưới không’, và nơi ở của hồng y nhanh chóng trở lên khét tiếng vì ‘hai trăm hầu gái, vợ và các góa phụ, cùng rất nhiều nữ tu.’

(3) Huynh đệ Teuton: Tên đầy đủ là Huynh đệ Teuton nhân danh Thánh Mẫu tại Hierosolymitanorum, một giáo binh đoàn gốc Đức được thành lập vào cuối thế kỷ XII tại Acre thuộc Địa Trung Hải. Hội được lập ra với múc đích trợ giúp các tín đồ Kito hành hương và lập ra các bệnh xá. Các hiệp sĩ thuộc hội Huynh đệ Teuton mặc áo choàng trắng với chữ thập đen. Cho đến nay, Huynh đệ Teuton vẫn tồn tại với trụ sở tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, hội đã trở thành một dòng tu Công giáo thuần túy. Các thành viên của giáo đoàn được gọi là Kị sĩ đoàn Teuton hoặc Kị sĩ dòng German. – ND

Vậy tại sao Giovanni khôn ngoan lại liên quan đến một kẻ trác táng vô liêm sỉ như Baldassare? Lại cho ông ta ‘vay’ một khoản lớn như vây? Câu trả lời thật đơn giản: Giovanni đã đặt cược vào Baldassare Cossa bởi ông biết rằng ông ta đang trong cuộc chạy đua cho chức giáo hoàng, và Giovanni đã làm việc ở Rome đủ lâu để hiểu được rằng chủ ngân hàng cho giáo hoàng là phần thưởng tài chính lớn nhất trong tất thảy. Nếu Ngân hàng Medici có thể giải quyết các vấn đề tài chính cho Giáo triều, nó sẽ trở thành một trong số những thể chế thương mại quan trọng ở Châu Âu. Trong tám năm Giovanni di Bicci kết bạn với Badassare Cossa và đóng vai chủ nhà ngân hàng của ông ta, dù thường xuyên trao đổi thư từ và làm hết sức mình để kiềm hãm những chi tiêu phung phí của Baldassare, thì các nguồn lực của Ngân hàng Medici vẫn liên tục bị tiêu hao. Sau đó, vào năm 1410, tất cả đã được đền đáp: Baldassare Cossa được bầu, trở thành Giáo hoàng John XXIII, và Ngân hàng Medici tiếp quản việc quản lý tài chính của Giáo triều.
Đầu thế kỷ XV, ngành ngân hàng trở thành thứ vũ khí của giáo hoàng. Không giống như bất kỳ cường quốc cùng thời nào ở châu Âu, phần lớn nguồn thu của nó đều kiếm được từ nước ngoài, đa số dưới dạng những món tiền từ vô số các tòa giám mục khắp châu Âu. Các tòa giám mục này mở rộng đến tận những ranh giới của thế giới phương Tây – xa tới Iceland và thậm chí là Greenland (giám mục ở những nơi này trả bằng da hải cẩu và xương cá voi, các mặt hàng được chuyển đổi sang tiền mặt ở Bruges). Một dạng thu nhập khác là bán thánh tích linh thiêng, thường có mức giá khổng lồ, bởi chúng có sức mạnh làm biến đổi cả nền kinh tế, biến khu vực sở hữu chúng thành trung tâm hành hương. Thậm chí sinh lời hơn nữa là bán xá tội, cái đem lại cho người mua sự miễn thứ của giáo hoàng cho những tội y phạm phải, giá cả tăng tùy theo tính nặng nhẹ của tội lỗi. Nguồn thu đều đặn khác nữa là bán chức sắc giáo hội, bao gồm các chức sắc từ thấp đến cao và có cả hồng y.
Các khoản tiền liên quan đến công việc kinh doanh rộng khắp lục địa rất lớn – lớn hơn nhiều so với số tiền mà bất kỳ công ty đa quốc gia nào này nay tích lũy được – và ngân hàng xử lý được chúng tất nhiên sẽ đảm nhận công việc, đồng nghĩa với lợi nhuận khổng lồ thường niên. Bất cứ ngân hàng nào được chọn để xử lý việc làm ăn của giáo hoàng sẽ cần có sự thành thạo đã được kiểm chứng: ngân hàng đó sẽ phải giải quyết số tiền đổ về từ nhiều nguồn trên khắp châu Âu, và cũng sẽ phải tuyệt đối đáng tin, hoàn toàn thỏa mãn giáo hoàng nói riêng. Trong thời gian Baldassare được tấn phong làm Giáo John XXIII, Giovanni di Bicci đã thuyết phục được ông ta rằng mình rất có năng lực, hoàn toàn đáng tin và, trên hết, tuyệt đối trung thành.
Ngoài việc dàn xếp những khoản thu như vậy, văn phòng Rome của Ngân hàng Medici giờ đây cũng thu hút giao dịch từ các hồng y, giám mục và cố vấn lặt vặt, những người đã biến nó trở thành công việc của mình để gia nhập vào Giáo triều ở Rome. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, theo các ghi chép của nhà Medici, chi nhánh Rome dành nhiều thời gian để cho vay tiên hơn là nhận về. Chức sắc cao cấp trong nhà thời có thể được hưởng một khoản thu nhập cao, nhưng dường như nó thường kéo theo khoản chi thậm chí còn cao hơn: các sổ sách kế toán của nhà Medici cho thấy rằng tài khoản của nhiều hồng y thường xuyên bị chi trội, và với một khoản đáng kể. Bất chấp những khoản nợ nần này, chi nhánh Giáo triều Rome sinh lời không ít hơn 30% khoản đầu tư cho Giovanni di Bicci và các cộng sự của mình. Do đó, chi nhánh này chiếm hơn một nửa lợi nhuận của cả ngân hàng. Theo libro segreto giai đoạn 1397-1420, chi nhánh Giáo triều Rome đem về 79.195 florin, trong tổng số 151.820 florin lợi nhuận. Khoản thu này dễ dàng vượt xa nỗ lực của các chi nhánh tại Florence, Venice, Naples, Gaeta, những đại lý và hai xưởng len cộng lại. Số tiền này so với các số liệu thống kê tài chính hiện đại có vẻ thật nhỏ nhoi, nhưng nó cho thấy khoản thu nhập thường niên của Giovanni di Bicci vào khoảng 1900 đồng florin – ở thời điểm mà một quý ông có thể sống thoải mái cả năm với 200 florin, và một thợ thủ công lành nghề phải nuôi cả gia đình với thu nhập hàng năm chưa đến 100 florin.
Tương lai tài chính của Giovanni di Bicci và của Ngân hàng Medici, có vẻ như được đảm bảo. Nhưng những dấu hiệu có thể là sự lừa dối, không chỉ trong các vấn đề liên quan đến giáo hoàng. Đây là thời kỳ của Đại ly giáo (4), thời điểm mà cùng lúc có không ít hơn 3 đối thủ cạnh tranh cho ngôi vị giáo hoàng: John XXIII, Gregory XII và Benedict XIII. May mắn thay, phần lớn các chức sắc tăng lữ đều cho rằng Giáo hoàng John XXIII chí ít là ứng cử viên hàng đầu, dù không may là những ý kiến được biết đến đó không thuyết phục được vua Ladislas xứ Naples, người ủng hộ Gregory XII. Vua Ladislas tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại các Giáo triều láng giềng, và John XXIII cuối cùng buộc phải ký một hiệp ước nhục nhã liên quan đến việc chi trả cho vua Ladislas một khoản tương được 95.000 florin. John XXIII tự thấy xấu hổ về phương diện tài chính, và đã tiếp cận các chủ ngân hàng của giáo hoàng để vay tiền trả nợ. Sau đôi chút đau khổ, Giovanni di Bicci quyết định rằng khoản chi ngoài này chắc chắn đáng để mạo hiểm, nếu chỉ để duy trì khoản đầu tư của mình. Thực tế việc ông thậm chí có thể xem xét cho vay số tiền như vậy – nhiều hơn gần 20% tổng lợi nhuận từ chi nhánh Rome trong hơn 20 năm – thể hiện mức độ tài sản mà Giovanni khôn ngoan đã tích lũy được, dù chắc chắn ông cũng sẽ huy động ít nhất một phần tổng số tiền này dưới dạng các khoản vay. Ngân hàng Medici giờ đã liên đới đến những rủi ro cũng như các lợi ích của tài chính cao cấp. Giovanni sắp xếp để trả John XXIII 95.000 florin, nhưng đã đề phòng bằng cách yêu cầu sự đảm bảo nào đó. Vị John XXIII này đáp ứng dưới dạng một chiếc mũ nạm đá quý cổ và nhiều miếng đĩa vàng khác nhau được lấy ra từ kho tàng của giáo hoàng.

(4) The Great Schism/ The Western Schism/ Đại ly giáo phương Tây 1378 – 1417: Sự kiện chia cắt của giáo hội. Thời giáo hoàng Clemente V (1305-1314) đã di rời tòa thánh về Avignon tại Pháp, gây ra nhiều mâu thuẫn trong giáo hội, đặc biệt là việc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo. Các tân hồng y người Pháp nhiều hơn người Ý nên dân chúng tại Rome đã nổi loạn chống đối, cản trở nhiều giáo hoàng kế nhiệm đưa tòa thánh về lại Rome. Năm 1378, giáo hoàng Gregori XI (người Pháp) qua đời, khiến người Rome muốn bầu giáo hoàng kế nhiệm là người Rome hoặc người Ý. Sau nhiều tranh cãi lẫn biểu tình bạo lực từ người dân Rome, Hồng y đoàn miễn cưỡng chọn một tổng giám mục người Ý là Bartolomeo Prignano lên ngôi Giáo hoàng, lấy hiệu là Urban VI. Tuy nhiên, giáo hoàng Urban VI lại không được lòng cả các hồng y tại Rome lẫn các hồng y người châu Âu nói chung. Vì thế, vua Pháp đã đưa ra đề nghị bầu giáo hoàng khác, trong cuộc họp tại Avignon, hồng y đoàn lại lựa chọn một người Pháp làm Giáo hoàng với hiệu là Clemente VII (1378 – 1394). Từ đây diễn ra cuộc ly giáo. Sau khi giáo hoàng John XXIII (tức Balthasar Cossa) lên ngôi, châu Âu có đến 3 giáo hoàng khác nhau. Năm 1413, vua Ladislaus của xứ Naples chiếm đóng Rome rồi bị Louis II của Pháp đánh bại, khiến John XXIII phải nhờ cậy sự bảo hộ của vua Đức là Sigismund. – ND

Tuy nhiên vẫn còn vấn đề với hai đối thủ của John XXIII, Gregory XII và Benedict XIII. Hoàng đế Thánh chế La Mã quyền lực Sigismund, người có quyền cai trị mở rộng vượt khỏi những vùng đất nói tiếng Đức từ Áo cho đến Biển Bắc, quyết định rằng đã đến lúc giải quyết cuộc Đại Ly Giáo một lần và mãi mãi, và vào năm 1414 ông kêu gọi Công đồng Constance, triệu tập cả ba giáo hoàng tranh chấp đến trình diện mình. Để theo dõi sát sao khoản đầu tư của mình, Giovanni di Bicci ra lệnh cho con trai lớn Cosimo của ông hộ tống John XXIII trong chuyến đi về phía bắc, vượt dãy Alps đến thành phố Constance bên bờ hồ ở nước Đức, nơi vào thời bấy giờ là đế đô của Sigismund. Cosimo 25 tuổi, và đã cho thấy sự hứa hẹn đáng kể với tư cách một nhân viên ngân hàng; như chúng ta sẽ thấy, chuyến đi đến Constance đại diện cho Ngân hàng Medici là một sự gánh vác trách nhiệm đặc biệt, và nó là dấu hiệu cho lòng tin tuyệt đối của Giovanni vào con trai mình, ông đã chọn Cosimo làm việc này.
Theo dữ liệu trong libro segreto về giai đoạn này, Ngân hàng Medici giờ có hai chi nhánh tại Rome: chi nhánh Rome và chi nhánh Giáo triều Rome. Nhiều sử gia đã xem vị trí địa lý này theo nghĩa đen, viện dẫn sự cần thiết của hai chi nhánh tại Rome như bằng chứng cho khối lượng lớn công việc kinh doanh mà Ngân hàng Medici thực hiện ở Thành phố Vĩnh Hằng. Trên thực tế, chỉ một trong số những chi nhánh này vẫn còn ở Rome; chi nhánh khác đi cùng với giáo triều (đó là ‘Giáo triều Rome’) trong chuyến đi đến Constance, để đáp ứng những nhu cầu tài chính tức thời của giáo hoàng. Trong khi đó, chi nhánh ban đầu vẫn ở Rome để giải quyết vấn đề quan trọng nhất về những nguồn thu của giáo hoàng từ nước ngoài.
Công đồng Constance sẽ chứng minh nó là sự kiện chính trị – xã hội lớn nhất vào đầu thế kỷ 15, và thu hút các nhân vật hàng đầu trên toàn Châu Âu. Đây là nơi mà chàng Cosimo de’ Medici trẻ tuổi đầy hứa hẹn sẽ có cơ hội gặp gỡ với những đại diện của tất cả những ngân hàng cũng như gia tộc kinh doanh quốc tế lớn, như là nhà Fugger đang lên của Augsburg và các nhà buôn đến từ nơi xa xôi như Ba Lan và Tây Ban Nha. Nhờ đó, những liên lạc cá nhân trong sự kiện này sẽ thắt chặt các mối quan hệ buôn bán xa xôi trong hàng thập kỷ tới, ở một vài trường hợp còn đem đến cơ hội trong đời để gặp gỡ các ông chủ của những hãng buôn mà tên tuổi của họ từ đó về sau sẽ được tin cậy như là bảo chứng cho sự đáng tin của các hóa đơn trao đổi, những tín dụng và tài liệu buôn bán khác, những thứ tạo dựng lên huyết mạch của thế giới tư bản mới nổi tại Tây Âu. Tuy nhiên, mục đích chính cũng như được tuyên bố của Công đồng vẫn không có gì hơn là để giải quyết một lần và mãi mãi quy tắc tâm linh của thế giới Thiên Chúa giáo. Bên cạnh việc hòa giải cuộc Đại Ly Giáo, hoàng đế Sigismund còn dự dịnh dứt điểm một vài khác biệt về giáo lý đã nảy sinh trong Thánh chế La Mã của mình. Để chuyện này chấm dứt, kẻ dị giáo người Bohemia Jan Hus được triệu tập, dưới sự bảo hộ cá nhân của hoàng đế ở lối đi an toàn, để biện minh cho những quan điểm tôn giáo bất đồng riêng, trong đó bao gồm cả sự phản đối của ông ta đối với việc bán sự xá tội của giáo hoàng. Trong sự kiện này, những lời giáo huấn của Hus bị xem là không thể chấp nhận với ít nhất 30 tội danh, và Sigismund đã thiêu ông trên cọc, bất chấp sự bảo hộ cá nhân của mình. Sau đó Công đồng quay lại việc cân nhắc các thưa kiện do ba giáo hoàng kình địch đưa ra: John XXIII người đến từ Rome, Benedict XIII người đến từ Avignon, và Gregory XII – người mà giáo triều lưu vong của ông lang thang khắp miền bắc Italy. Khi đến lượt John XXIII đưa ra bằng chứng, ông lúng túng nhận ra mình phải chịu một cuộc điều tra về lối sống của giáo hoàng, trong đó có những cáo buộc về một danh sách các hành vi cá nhân sai trái. Ngoài cáo buộc ban đầu về dị giáo (điều có thể thấy là nghiêm trọng, như trong trường hợp của Hus), ông còn bị cáo buộc đầu độc Giáo hoàng tiền nhiệm Alexander V, và ít nhất là 70 cáo buộc khác – mặc dù cuối cùng thì 16 ‘trong số hành vi đồi bại không tưởng nhất được loại bỏ, không phải vì sự kính trọng dành cho giáo hoàng, mà vì chuẩn mực đạo đức chung’. Điều này rõ ràng không phải uyển ngữ, bởi sử gia thế kỷ XVIII Edward Gibbon chỉ ra: ‘Những cáo buộc tai tiếng nhất đã bị lấp liếm; Người đứng đầu giáo hội (5) chỉ bị kết tội cướp biển, giết người, cưỡng hiếp, kê gian và loạn luân.’ Thay vì phải đối mặt với bất kỳ sự xem xét nào kỹ lưỡng hơn về những thói quen cá nhân của mình, Giáo hoàng John XXIII hứa từ chức – với điều kiện các đối thủ của ông cũng làm vậy; sau đó ông ta chốn khỏi thành phố, cải trang làm cung thủ. Động thái sau không phải là sự đổi ý vào phút chót nhân danh John XXIII; ngược lại, đó là hành động được tính toán nhằm tước đi quyền lực của Công đồng, bởi theo giáo điều của Giáo hội, một công đồng đai kết bị vô hiệu hóa nếu không có sự hiện diện của giáo hoàng. Nhưng hoàng đế Sigismund lại không còn tâm trạng cho những thứ máy móc như vậy, và ra lệnh cho Công đồng tiếp tục các công việc của mình một cách bất chấp; cùng lúc đó ông ta phái binh lính đi lùng bắt John XXIII, người đã bị bắt và tống giam trong lâu đài Heidelberg.

(5) Nguyên văn Vicar of Christ: Tức Vicarius Christi trong tiếng Latin, một danh hiệu khác của Giáo hoàng, có nghĩa là Người đứng đầu Giáo hội – ND

Vì vậy, Cosimo de’ Medici bị bỏ mặc ở Constance. Chàng nhanh chóng nhận ra mối nguy tiềm tàng đối với vị trí của bản thân, và bắt đầu dàn xếp để trốn khỏi thành phố; khi làm vậy, chàng không chỉ tránh khỏi bất kỳ kẻ truy đuổi nào mà hoàng đế có thể gửi tới, mà còn có thể giữ chiếc mũ nạm ngọc mà John XXIII đã giao cho chàng để giữ an toàn trước chuyến đào tẩu của ông ta. Liệu đây có phải vẫn là chiếc mũ tế mà John XXIII đã cầm cố đổi lấy khoản vay 95.000 florin để trả cho vua xứ Naples hay không vẫn còn chưa được làm rõ; nếu vậy, hẳn ở giai đoạn nào đó John XXIII đã chuộc lại và trả món nợ này. Không có giao dịch nào liên quan đến chiếc mũ tế nạm ngọc thuộc về giáo hoàng xuất hiện trong libro segreto của Ngân hàng Medici vào thời kỳ này: những giao dịch như vậy chắc chắn rất kín đáo, kể cả là với libro segreto.
Hoàng đế Sigismund giờ đây tuyên bố rằng Giáo hoàng John XXIII đã bị truất phế. Quay trở lại Constance, các giáo hoàng khác được khuyến khích từ bỏ những đòi hỏi của họ: Gregory XII bị ép từ chức, Benedict XIII cuối cùng bị truất phế (7), và cuộc Đại ly giáo chấm dứt bằng cuộc bầu cử năm 1417 cho một giáo hoàng hoàn toàn mới, Martin V. Hoàng đế Sigismund thông cáo rằng cựu giáo hoàng John XXIII, giờ đơn giản là Baldassare Cossa, hiện đang bị bắt giữ đòi tiền chuộc khoảng 38.500 đồng Rhineland (6) (tương đương 35.000 florin). Dù bị giam hãm, bệnh tật và nghèo túng, Baldassare vẫn lén lút chuyển lời đến Cosimo rằng ông sẵn sàng chọn chàng ta làm người thừa kế, nếu chàng nâng mức tiền chuộc lên 35.000 florin. Việc ném tiền ra ngoài cửa sổ này có ích gì không? Cosimo đã quyết định là có: chàng đến gặp Giovanni và thuyết phục ông thay mặt John XXIII trang trải hết nợ nần. Một lần nữa, số tiền cần dùng rất lớn, lần này tương đương với gần một nửa lợi nhuận của cả Ngân hàng Medici trong 20 năm kể từ khi thành lập – mặc dù rủi ro lớn hơn nhiều: tương lai ảm đạm đối với Baldassare, người không có của cải và ít trông mong gì về bất kỳ khoản thu nhập nào trong tương lai. Tuy nhiên, Giovanni di Bicci vẫn muốn mạo hiểm: khoản tiền chuộc của Baldassare Cossa được trả đầy đủ cho hoàng đế Sigismund, và vị cựu giáo hoàng thất thế được phóng thích.

(6) Nguyên văn Rhenish guilder: Tiếng Đức là Rheinischer Gulden, tiếng Latin là florenus Rheni. Tên đồng vàng được dùng làm đơn vị tiền tệ của Rhineland – vùng Tây Đức chạy dọc sông Rhine vào thế kỷ 14-15 – ND.

(7) Giáo hoàng Benedict XIII từ chối từ chức nên bị kết tội ly giáo và bị rút phép thông công.

Tại sao Giovanni di Bicci lại vốn thận trọng lại một lần nữa đặt cược quá nhiều vào nhân vật giờ không còn giá trị này? Trái ngược với vẻ ngoài, đây không phải là động thái mạo hiểm lạ thường – không liên quan đến rủi ro, bởi thậm chí còn không có khả năng lấy lại tiền. Cũng không phải vì lòng trung thành cá nhân, như người ta có thể nói; bất chấp thói quen của Baldassare xưng hô với Giovanni trong thư từ là ‘Người bạn vô cùng yêu quý của ta’, sự thỏa thuận giữa hai bên có vẻ như là lòng trung thành làm ăn thuần túy. Thế nhưng, như chúng ta sẽ thấy, đây là một trong số những nước đi sắc sảo nhất mà Giovanni di Bicci đã làm trong cả cuộc đời mình (một giai đoạn có nhiều nước đi như vậy). Và không phải ngẫu nhiên mà con trai Cosimo, người đang chứng minh từng chút một là sắc sảo ngang ngửa cha mình, lại thúc giục ông làm vậy.
=====
Bonus: Kết cục của John XXIII hay Baldassare Cossa cũng khá êm đềm trong thời cuộc đó. Ông ta được nhà Medici đổ tiền chuộc về, sau đó làm hòa với Martin V và được bổ nhiệm làm tổng giám mục. Sau khi qua đời, ông ta được an táng trong lăng mộ hạng sang ở Nhà rửa tội Florence 🤷‍♀️ Còn giáo hội thì sau đó khoảng 5-6 đời giáo hoàng nữa là đến bố già Borgia lên và tiếp tục tạo những drama hít muốn bể phổi.
Nguồn: The Medici – Power, Money, and Ambition in the Italian Renaissance – Paul Strathern
Trans: Green
Không repost bài, xin cám ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *