[WARNING: WALL OF TEXT]

12 năm trước– Lehman Bros phá sản…… Giải thích phim the Big Short và cuộc khủng hoảng 2008

Ngày này 12 năm trước– Lehman Bros phá sản…… Giải thích phim the Big Short và cuộc khủng hoảng 2008.

Post này sẽ giải thích phim Big Short và sự sụp đổ của thế chấp dưới chuẩn năm 2008 với những thuật ngữ đơn giản nhất.

Post này sẽ dài hơn bình thường – Hãy dành ra 20 phút để đọc hết cả bài và suy ngẫm. Nhưng tôi hứa khi bạn đọc xong bạn sẽ cảm thấy mình hiểu được toàn bộ hệ thống tài chính.

Key Player

Đầu tiên, tôi muốn giới thiệu với các bạn những người chơi trong cuộc khủng hoảng tài chính, vì thoạt đầu họ có vẻ chẳng có ý nghĩa gì cả. Một trong những phần tệ nhất trong nền công nghiệp tài chính đó cách họ sử dụng những ngôn ngữ ngớ ngẩn một cách cố ý để giải thích cho những thứ tương đối đơn giản. Các từ viết tắt trong chuyên ngành tài chính của họ rất khó theo dõi. Để giải thích Big Short, những người chơi này – và vai trò của họ – đó là chìa khoá chính.

Những cá nhân, a.k.a người bình thường, những người cầm cố để mua nhà, ví dụ, bạn và tôi!

Những người cho vay thế chấp, ví dụ như ngân hàng địa phương hay những cửa hàng cho vay thế chấp, những người cung cấp các khoản thế chấp cho những cá nhân. Họ thường là những người ở địa phương nơi mà những người mua nhà gặp trực tiếp.

Những ngân hàng lớn, ví dụ như Goldman Sachs và Morgan Stanley, những người mua rất nhiều thế chấp từ những người cho vay. Sau giao dịch này, những người mua nhà sẽ nợ ngân hàng lớn thay vì những người cho vay.

Các nghĩa vụ nợ có thế chấp (CDO)— hít một hơi thật sâu nào!— những người nhận những khoản thế chấp của các ngân hàng lớn và gộp tất cả lại thành một trái phiếu (xem bên dưới). Và vẫn cứ như trước, bước này có nghĩa là những người mua nhà bây giờ trở thành con nợ của CDO. Tại sao việc này lại được thực hiện? Tôi sẽ giải thích sau, hứa đấy.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng, việc của họ là đánh giá rủi ro của một CDO — xem đó là thế chấp an toàn hay thế chấp rủi ro.

Những nhà đầu tư, những người mua một phần CDO và được trả lãi khi những người mua nhà bắt đầu trả các khoản thế chấp của họ. Thấy mông lung chưa? Tôi sẽ là một hướng dẫn viên giỏi và đưa bạn qua mớ rắc rối này, cứ bám lấy tôi nhé.

Định nghĩa nhanh: Trái phiếu

Một trái phiếu có thể hiểu như một khoản cho vay. Khi bạn mua một trái phiếu, tức là bạn đang cho người khác vay tiền bạn. Người phát hành trái phiếu đang vay tiền bạn. Để đổi lại việc vay tiền bạn người phát hành trái phiếu hứa sẽ trả lại bạn, cộng thêm lãi suất, trong một giới hạn thời gian. Đôi lúc, Những người mượn tiền không thể trả lại cho nhà đầu tư, và trái phiếu bị vỡ nợ, hay phá sản. Vỡ nợ không phải là một điều tốt đẹp gì cho nhà đầu tư.

CDO – một loại trái phiếu – có thể chứa hàng ngàn thế chấp trong đó. Đó là một loại trái phiếu được đảm bảo bằng thế chấp, do đó được xem như là một loại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Nếu bạn mua 1% CDO, tức là bạn đang cho vay số tiền tương đương với 1% tổng thế chấp, với hi vọng rằng sẽ được trả lại số tiền đó cộng thêm lãi suất khi các khoản thế chấp được trả.

Có thêm một key player nữa, nhưng tôi sẽ giới thiệu sau. Đầu tiên…

Lý do tại sao, đã được giải thích.

Tại sao những cá nhân lại đi cầm cố? Bởi vì họ muốn mua nhà, Bạn có thể trách họ không?! Một thị trường nhà đất lành mạnh liên quan đến người mua nhà và người bán nhà.

Thế còn những người cho vay; tại sao họ cho vay? Để họ có thể thu được lãi suất khi các khoản thế chấp được trả. Nhưng ngày nay, người cho vay sẽ nhận một khoản phí (từ chủ nhà) vì tạo ra khoản thế chấp, và lập tức bán thế chấp đi…

Một ngân hàng lớn. Lại sao họ lại mua thế chấp từ những người cho vay?

Từ những năm 1970, Phố Wall bắt đầu mua lại các nhóm khoản cho vay, gộp chúng lại với nhau thành trái phiếu – CDO – và bán từng miếng của “bộ sưu tập” đó cho các nhà đầu tư. Khi người ta mua và bán những miếng đó, những ngân hàng lớn được hưởng một khoản hoa hồng.

Tại sao các nhà đầu tư lại mua những miếng CDO thế chấp đó?

Bởi vì, cũng như bất cứ phi vụ đầu tư nào khác, những ngân hàng lớn hứa rằng những nhà đầu tư sẽ có lại tiền của mình cộng thêm một phần tiền lãi khi người mua nhà trả lại khoản đã thế chấp.

Bạn gần như có thể theo dõi dòng tiền và rủi ro chuyển từ túi người chơi này sang người chơi kia.

Cuối cùng, những nhà đầu tư cần có khoản trả lại, và khoản đó đến từ những người mua nhà.

CDO chính là những thùng rỗng.

Chủ nhà và người cho vay thế chấp thì rất dễ hiểu. Nhưng có một dấu hỏi lớn xoay quanh các CDO của phố Wall.

Tôi thích nghĩ về CDO như là một sân bóng đầy những cái thùng rỗng — mỗi thùng là một tài sản thế chấp. Là một nhà đầu tư, bạn không mua một thùng riêng, hay một khoản thế chấp riêng. Thay vào đó, bạn mua một lát mỏng cắt ngang tất cả các thùng – ví dụ, một nửa inch ở mốc 1 gallon nhé.

Khi các khoản thế chấp được trả, trời bắt đầu mưa. Khoản trả lại — hay mưa — từ khoản thế chấp A không đi thẳng vào thùng A, mà rơi đều vào tất cả các thùng, và tất cả các thùng từ đó được làm đầy một cách từ từ.
Miễn là nước đầy đến phần cắt ngang của bạn, cuối cùng bạn sẽ nhận lại được tiền và lãi suất. Bạn không cần tất cả các khoản thế chấp được trả lại. Bạn chỉ cần đủ khoản thế chấp để lấy phần của mình thôi.

Hợp lý đúng không, nhưng mà, phần trên cũng của thùng — phần được làm đầy sau cùng — chính là phần rủi ro nhất. Nếu như có quá nhiều khoản thế chấp của CDO vỡ nợ và không được trả lại, thì phần trên cùng của những cái xô sẽ không bao giờ được làm đầy, và những nhà đầu tư đó sẽ không có lại tiền của mình.

Những lát cắt ngang này được gọi là các đoạn, nếu bạn xem phim rồi thì sẽ thấy nó khá quen.

Cho đến nay, không có gì là quá sai về cách làm này. Đó chỉ đơn giản là chuyển rủi ro từ những người cho vay thế chấp đến các nhà đầu tư. Chắc chắn, những người trung gian (Ngân hàng, người cho vay, CDOs) đều nhận được một khoản trong các giao dịch mua bán đó. Nó chả khác gì mua rau từ cửa hàng tạp hoá và mua rau ở ngay nông trại. Những người trung gian sẽ có một khoản trích ra. Nó luôn luôn là như vậy.

Nhưng bây giờ, người chơi của chúng ta bước vào giai đoạn…
Giao dịch hoán đổi mặc định tín dụng: Trung tâm của Big Short

Đcm những cái từ chuyên ngành của phố Wall, Giao dịch hoán đổi tín dụng nghe phức tạp ha, đơn giản nó chỉ là bảo hiểm. Rất đơn giản, nhưng nó có vai trò then chốt để giải thích The Big Short.

Những nhà đầu tư đã nghĩ, “Chà, tôi đang mua một khoản CDO đầy rủi ro, tôi nghĩ mình sẽ phải phòng ngừa các khoản cược của mình và mua bảo hiểm phòng trường hợp vỡ nợ.” Đó chính xác là hoán đổi mặc định tín dụng. Đó là một bảo hiểm phòng ngừa vỡ nợ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng giữa hoán đổi nợ tín dụng và bảo hiểm thông thường.

Tôi không thể mua một hợp đồng bảo hiểm cho ngôi nhà của bạn, cho xe của bạn, hay trên mạng sống của bạn. Chỉ có bạn mới mua được những hợp đồng bảo hiểm đó. Thế nhưng tôi có thể mua bảo hiểm cho một trái phiếu CDO thế chấp, kể cả tôi không sở hữu trái phiếu đó!

Không chỉ vậy, tôi có thể mua bảo hiểm hàng tỉ $ cho một CDO chỉ có giá trị thế chấp tiền triệu.

Nó như kiểu mua được chính sách bảo hiểm của một ô tô triệu $ cho một con Honda Civic vậy.

Chả có một công ty bảo hiểm nào cho phép bạn làm điều này, nhưng nó xảy ra trên khắp phố Wall trước năm 2008. Kịch bản này về cơ bản là “Big Short” (xem bên dưới) — Mua một bảo hiểm khổng lồ cho CDOs và cược rằng chúng sẽ vỡ nợ — Và có nhiều ngân hàng lớn đã mắc sai lầm trong vụ cược này.

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng liên đới đến món nợ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn. Đó là khi những vụ cược lớn nhất phố Wall diễn ra.

Định nghĩ nhanh: Short

Một short là một vụ cược rằng thứ gì đó sẽ vỡ nợ, sẽ tệ hơn, hay đi xuống. Hầu hết mọi người khi đầu tư, họ sẽ buy long (“Tôi muốn giá cổ phiếu này sẽ tăng”). Một short thì ngược lại với cái đó.

Một số cá nhân — ví dụ như nhân vật chính Steve Eisman (aka Mark Baum trên phim, đóng bởi Steve Carrell) và Michael Burry (đóng bởi Christian Bale) trong bộ phim được đề cử giải Oscar – Big Short – nhận ra rằng hàng tấn thế chấp được thực hiện để người ta không thể nào mà trả lại được.

Nếu có đủ số thế chấp vỡ nợ, thì đồng nghĩa với việc các đợt CDO bắt đầu vỡ nợ – Không có tiền trả nợ thế chấp nghĩa là không có mưa, và không có mưa dẫn đến việc các thùng đó sẽ rỗng. Nếu CDOs vỡ nợ, thì các hợp đồng hoán đổi rủi ro được thanh toán. Vậy thì phải làm gì? Mua các hợp đồng hoán đổi rủi ro chứ gì nữa! Đó là một cách nhanh gọn và bẩn bựa để giải thích Big Short.

Tại sao lại mua mấy thứ Dog Shit đó?

Đợi tí đã. Tại sao ngay từ đầu người ta đã đầu tư vào các trái phiếu CDO nếu chúng có những thế chấp dog shit? Chẳng phải nếu các nhân vật chính của Big Short nhận ra được điều đó thì những nhà đầu tư khác cũng phải nhận ra được những cái xô sẽ không bao giờ đầy chứ?

Thứ nhất là bản cáo bạch – một từ hoa mỹ cho “sổ tay của chủ sở hữu” — của một CDO rất khó để phân tích. Rất khó để hiểu được chính xác thế chấp nào nằm trong CDO. Đây là một mánh khó chịu của bên ngân hàng/CDO. Và kể cả bạn biết thế chấp nào nằm trong CDO, bạn cũng gần như không thể nhận ra khoản thế chấp nào là gian lận.

Những người cho vay thế chấp cố tình tạo ra các khoản thế chấp xấu. Họ cho những người không có khả năng trả vay tiền. Tại sao? Bởi vì người cho vay biết rằng họ có thể ngay lập tức bán những thế chấp đó – hay những rủi ro – cho một ngân hàng lớn, sau đó sẽ “chứng khoán hoá” khoản thế chấp thành CDO, và rồi bán CDO cho những nhà đầu tư. Bất cứ rủi ro nào khi người cho vay nhận phải khi tạo ra các khoản thế chấp xấu nhanh chóng được chuyển sang cho các nhà đầu tư.

Do vậy… Khi bạn không thể giải mã các bản cáo bạch để biết thế chấp nào nằm trong CDO, do đó việc dựa vào xếp hạng của CDO sẽ dễ dàng hơn so với việc đánh giá từng khoản thế chấp cơ bản. Đó cũng giống lí do tại sao bạn không cần hiểu cách bộ máy hoạt động khi mua một chiếc xe hơi; bạn chỉ cần nhìn vào xe, tham khảo ý kiến tài xế và người mua, hoặc xếp hạng của xe.

Cơ quan xếp hạng tín dụng

Những nhà đầu tư thường dựa vào xếp hạng để xác định nên mua trái phiếu nào. Hai cơ quan xếp hạng tín dụng nổi tiếng nhất năm 2008 là Moody’s và Standard & Poor’s. Việc của họ là nhìn vào CDO mà một ngân hàng tạo ra, nghiên cứu các tài sản cơ bản (trong trường hợp này là các khoàn thế chấp), và đánh giá CDO để xác định nó an toàn đến mức nào. Nếu xếp hạng của nó là AAA – tuyệt vời, nó có 3 lần A.

Vậyyyyy, những cơ quan xếp hạng tín dụng có làm đúng công việc của họ không? Không! Có một vài lời giải thích cho việc này:

Kể cả họ – các chuyên gia phụ trách việc phân loại trái phiếu – cũng chả hiểu cái gì đang diễn ra trong CDO. Bản mô tả của chủ sở hữu (Bản cáo bạch) quá phức tạp. Trên thực tế, các cơ quan đó thường được các ngân hàng lớn dạy cho cách để đánh giá CDO, nó giống như việc một giáo viên học cách để chấm các bài kiểm tra từ Timmy, một đứa miệng còn hôi sữa, còn Timmy chỉ muốn được điểm A thôi.

Những cơ quan xếp hạng tín dụng là những công ty hoạt động vì lợi nhuận. Khi họ đưa ra một đánh giá, họ có tiền. Nhưng nếu các cơ quan đưa ra các đánh giá thấp quá nhiều thì khách hàng của họ – những ngân hàng lớn – sẽ đưa yêu cầu của họ đi nơi khác với hi vọng đạt được số điểm cao hơn. Các cơ quan xếp hạng đó đã đánh giá một cách không khách quan, thay vào đó họ thiên vị, vì lợi nhuận của họ.

Còn nhớ các khoản thế chấp gian lận mà những người cho vay tạo ra không? Trừ khi bạn thực hiện một nghiên cứu sâu tận chân răng, nếu không thì rất khó để khám phá ra sự thật này. Cũng không thể đổ lỗi cho các cơ quan xếp hạng vì không nắm bắt được điều này.

Vậy thì trách ai?

Tất cả mọi người? Hãy cùng chơi một trò biện hộ của ma quỷ nhé.
Các cá nhân: Một vài người chỉ thẳng vào chủ nhà mà rằng, “Các người biết mua nhà giá 1 triệu $ với mức lương giáo viên khó thế nào không hả?”. Những người đó, được bao bọc bởi giấc mơ sở hữu nhà của Mỹ, tin rằng họ sẽ ổn thôi. Những người vay thế chấp không có động cơ để bán một khoản thế chấp tốt, họ chỉ có động cơ để bán một khoản thế chấp thôi. Vậy nên, rất khó để đổ lỗi quá nhiều cho những người mua nhà.

Những người cho vay thế chấp: Một vài người biết. Tôi không nói tất cả những người cho vay thế chấp đều nhận thức được tác động từ hành động của họ, nhưng vài người biết rằng những khoản thế chấp gian lận được tạo ra, và chọn phớt lờ nó đi. Ví dụ, hãy xem người tố giác Eileen Foster.

Những ngân hàng lớn: Vâng đúng rồi! Chắc chắn phải đổ lỗi cho họ rồi. Thay vì đi sâu vào tất cả các trò hái ra tiền khác nhau, tôi muốn kể ra một giai thoại cụ thể. Đó là năm 2010, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, Lloyd Blankfein đã điều trần trước Quốc hội. Như này:

Để giải thích rõ hơn, ở đây có hai điều đang diễn ra.

Đầu tiên, ngân hàng Goldman Sachs bán CDO cho các nhà đầu tư. Họ muốn kiếm hoa hồng trên những thương vụ đó.

Đồng thời, các chủ ngân hàng khác CŨNG CHÍNH TẠI GOLDMAN SACHS đã mua các khoản hoán đổi tín dụng, hay còn gọi là cá cược với cùng một CDO mà các chủ ngân hàng Goldman Sachs đầu tiên đang bán.

Nó tương tự như việc bán cho ai đó một con ngựa đua bị bệnh và rồi ra trường đua đặt cược con ngựa đó sẽ thua vậy. Lời biện hộ của Blackfein trong video đó là, “Nhưng mà người bán con ngựa và người cược con ngựa thua không phải là cùng một người!” và nghị sĩ quốc hội trả lời, “Nhưng họ làm việc ở cùng một trang trại ngựa, và có phiếu lương như nhau!”

Vậy thì các bạn nói xem, các ngân hàng lớn có đáng bị xét tội không?

Điều tra Goldman Sachs

Một lí do khiến Goldman Sachs sống sót năm 2008 đó là họ bắt đầu mua hoán đổi tín dụng mặc định (bảo hiểm) ngay khi thị trường nhà đất bắt đầu sụp đổ. Họ vẫn đứng sai phía trong vụ cược đó, nhưng hầu hết là ở bên có lợi. Rốt cuộc họ vẫn có lãi ròng.

Không may cho họ, ngân hàng nợ tiền của Goldman bị phá sản vì nợ của chính họ, và rồi Goldman không bao giờ được nhận lại số tiền bảo hiểm của mình. Goldman sẽ phải thanh toán khoản cược xấu của họ, nhưng lại không nhận được phần cược tốt mà đáng ra được nhận. Nói theo cách riêng của họ thì họ đã “bị nướng”.

Điều này khá là đáng kể. Dù cho ngân hàng ở một vị thế “tốt” cũng có thể bị phá sản. Bởi vi những người mắc nợ nhiều nhất không thể trả hết số nợ của họ. Hãy tưởng tượng nó như một chuỗi vậy; Ngân hàng A nợ tiền ngân hàng B, ngân hàng B nợ tiền ngân hàng C. Nếu ngân hàng A phá sản, ngân hàng B sẽ không thu hồi được nợ, và rồi không thể trả cho ngân hàng C. Ngân hàng C cược “tốt”, nhưng không thể thu được tiền, và phá sản.

Những vụ phá sản này sẽ xáo trộn cả thế giới. Đó là lí do tại sao chính phủ Mỹ cảm thấy cần phải cứu trợ các ngân hàng. Số tiên liên bang cho phép các ngân hàng có vị thế “tốt” thu lợi nhuận của mình và “ngăn chặn sự xáo trộn” và xé nát nền kinh tế của thế giới. Trong khi các CDO và hoán đổi mặc định tín dụng giải thích sự khởi đầu của Big Short, thì sự thất bại này chính là cơ chế ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới.

Cược nhiều hơn số tiền bạn có.

Nhưng nếu ai đó có một ván cược tệ – bán bảo hiểm xấu – Tại sao họ không có đủ tiền để trang trải cho vụ cược đó?? Nó phụ thuộc vào rủi ro. Nếu bạn bán một hợp đồng bảo hiểm trị giá 100 triệu $, và bạn nghĩ có 1% mình phải thanh toán hợp đồng đó, thì mức độ rủi ro của bạn như thế nào? Lấy khoản lỗ rủi ro nhân với xác suất = 1% của 100 triệu $, tức là 1 triệu.

Những ngân hàng đó bán hàng tỉ $ bảo hiểm với giả định rằng tỉ lệ thị trường nhà đất sụp đổ là 5%, hoặc 3%, hoặc 1%. Nên họ nghĩ minh chỉ cần có trong tay số tiền ít hơn 20 lần, 30 lần, hay 100 lần số tiền phải đền bù nếu có. Hoá ra, tỉ lệ thị trường nhà đất sụp đổ là 100%… oops!
Các cơ quan xếp hạng tín dụng – Họ không nên thiên vị. Nhưng họ bán mình vì lợi nhuận. Họ mời những con sói già – những ngân hàng – về nhà để dạy họ cách đánh giá CDOs. Có lẽ họ nên đọc một blog để giải thích Big Short cho họ. Tất nhiên là phải trách họ rồi. Đây là một giai thoại khủng khiếp khác về sự khủng khiếp của các phán xét từ các cơ quan này:

Hãy nhớ lại ví dụ về những cái thùng của tôi. Đôi lúc, một cơ quan xếp hạng nhìn vào cái xô và nói, “Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể làm đầy tất cả các xô đâu. Cái phần trên cùng á hả – những phần đó không đầy được – chúng quá rủi ro. Nên chúng tôi sẽ cho nó một con điểm xấu.” Có những phần Dog Shit, mà Dog Shit thì phải nhận điểm kém.

Nhưng rồi quản lý của CDO sẽ quay lại văn phòng của họ và cắt phần trên cùng của những cái xô. Và họ làm điều này với tất cả các CDOs – cắt tất cả phần ngọn cả tất cả các xô CDO. Và rồi họ gắn những cái phần ngọn đó lại với nhau và tạo thành một cái sân đầy những cái xô Frankenstein, với tên gọi chính thức là CDO square. Bởi vì những cái xô Frankenstein ban đầu là một phần của những CDO khác, những cái xô này chỉ bắt đầu được làm đầy khi mà những cái xô gốc (những cái xô đã bị cắt phần ngọn) được làm đầy. Nói cách khác, những quản lý của CDO quyết định tập trung những Dog Shit lại một nơi, và gắn chúng lại bằng keo siêu dính.

Một người hiểu chuyện sẽ nhìn vào đống Dog Shit Frankenstein và nói, “Thật là lộn xộn, Kenny.”

NHƯNG MÀ CƠ QUAN ĐÁNH GIÁ LẠI CHO CDO SQUARE ĐIỂM CAO!!! Khoan đã, tôi xin lỗi, tôi đang hét đấy à?!

“Nó đa dạng”, có thể họ sẽ khẳng định vậy, như thể trộn phân chó Poodle với phân chó Labrador sẽ tạo ra một loại phân tốt hơn phân Poodle nguyên chất ấy.

Một lần nữa, bạn nói tôi nghe. Mấy cơ quan đánh giá có nên bị đổ tội không?!

Chính phủ có đáng bị đổ tội không?

Có và không.

Ví dụ, một phần của Đạo luật Phát triển Cộng đồng và Nhà ở năm 1992 quy định rằng các công ty tài chính cho vay thế chấp của chính phủ (Freddie Mac và Fannie Mae) phải mua một số khoản thế chấp dưới chuẩn.

Ở bề nổi, điều này có vẻ là một điều tốt: nó mang lại tiền cho những người mua nhà tiềm năng, những người không đủ điều kiện vay thế chấp. Nó cung cấp Giấc mơ Mỹ.

Nhưng như chúng ta đã đề cập từ trước, chả có gì tốt khi cung cấp một khoản vay thế chấp cho một người không thể trả nổi. Đó là thứ gây ra toàn bộ mối tai hoạ này. Freddie, Fannie và HUD đang đổ tiền vào bộ máy, giúp vận hành nó. Họ có mục đích tốt, nhưng họ lại không để ý đến kết quả ngoài mong muốn.

Thế còn uỷ ban chứng khoán & giao dịch (SEC), cơ quan giám sát phố Wall thì sao? Họ có vai trò giải thích Big Short không? Chẳng phải họ nên để ý đến những ngân hàng lớn, đến CDOs, đến cơ quan đánh giá tín dụng?

Có, họ cũng đáng bị đổ tội. Họ phải làm những việc như đảm bảo rằng các Ngân hàng lớn có đủ tiền trong tay để trang trải các khoản cược rủi ro của họ. Đây được gọi là “quản lý rủi ro” thích hợp, và nó còn thiếu nghiêm trọng . SEC cũng có quyền khai thác các CDO và tìm ra các khoản thế chấp gian lận đang tạo ra chúng. Tại sao họ không làm điều đó?

Có lẽ vấn đề ở đây là SEC đã quá thân thiết với phố Wall, nó giống như việc cơ quan đánh giá nhận lời khuyên từ những ngân hàng lớn vậy. Những cơ quan giám sát đáng lẽ ra không nên nhận thứ không nên nhận từ những người mà họ đáng ra phải kiểm tra. Và cũng có thể rằng CDOs và hoán đổi tín dụng mặc định quá khó để SEC có thể hiểu được.

Dù sao thì, SEC cũng chẳng có một lời giải thích thoả đáng. Nếu bạn lên giường với người mà bạn đang phải trông coi, tức là bạn đang làm việc một cách tệ hại. Nếu bạn phê duyệt một thứ mà bạn không hiểu, bạn đang làm việc một cách tệ hại.

Giải thích Big Short, một cách ngắn gọn:

Mấy từ viết tắt tài chính thật hãm l.

Tiền chảy từ nhà đầu tư xuống người cho vay cầm cố, và rủi ro chảy từ người cho vay cầm cố lên nhà đầu tư. Ở giữa, các ngân hàng lớn và CDO đóng vai trò trung gian và phân phối.

Khi ai đó cảm thấy hành động của họ không có rủi ro hoặc không có hậu quả, họ sẽ hành xử kém chuẩn mực (các ngân hàng lớn, người cho vay thế chấp) Khi ai đó được giao cho một thỏa thuận đáng kinh ngạc, họ sẽ nhận nó (người mua nhà).

CDO giống như những cái thùng rỗng. Các khoản thanh toán thế chấp như mưa, làm đầy các xô. Các nhà đầu tư mua theo từng đợt, hoặc từng phần, trên tất cả các nhóm. Nếu các khoản thế chấp vỡ nợ, thì các thùng có thể không đầy và các nhà đầu tư sẽ không lấy lại được tiền của họ.
CDO có chủ đích phức tạp. Phức tạp đến nỗi ngay cả những người chấm điểm họ cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra (các cơ quan xếp hạng).
Mua bảo hiểm cho thứ mà bạn không sở hữu là một hành vi có khả năng bị trục lợi (các ngân hàng lớn)

Mua bảo hiểm cho một thứ gì đó nhiều hơn giá trị của nó là một hành vi có khả năng bị trục lợi (các ngân hàng lớn). Đây là nơi mà hầu hết số tiền trong cuộc khủng hoảng tài chính được chuyển sang tay.
Nguồn : https://bestinterest.blog/explain-the-big-short/
_____________________
Link Reddit: https://redd.it/iryghr
_____________________
Bài dịch của một member chăm chỉ dịch bài – Nguyễn Hùng trong group: https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/634537450789800/
Edited by https://rvnweb.site

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *