VƯƠNG HẬU, THÁI HẬU ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CHÉP VÀO CHÍNH SỬ: DƯƠNG NHƯ NGỌC

VƯƠNG HẬU, THÁI HẬU ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CHÉP VÀO CHÍNH SỬ: DƯƠNG NHƯ NGỌC

Phối ngẫu: Ngô Quyền

Tại vị: 939-944

Dương Như Ngọc hay Dương hậu là vương hậu của Ngô Quyền, con gái ruột của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (tương đương với công chúa). Bà cũng chính là mẹ ruột của Ngô Xương Văn (em trai khác mẹ của Ngô Xương Ngập). 

Bà không có tên rõ ràng trong chính sử. Cái tên Dương Như Ngọc xuất phát từ dân gian và mang màu sắc Đạo giáo. Cũng giống như một bà Dương hậu khác được đặt tên văn nghệ, Dương Vân Nga.

Vương hậu họ Dương quê ở xã Dương Xá, Ái Châu (nay là huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), là con gái Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, một hào trưởng có thế lực mạnh. Thời chính quyền họ Khúc, Dương gia là một bộ tướng cũng là một thủ lĩnh lớn ở Ái châu có công lao trong sự nghiệp đấu tranh chống lại ách thống trị của phương Bắc.

Tương truyền khi người vợ của Dương Đình Nghệ mang thai, đêm đến nằm mộng thấy có tiên nữ từ trên trời bay xuống, tay cầm viên ngọc trắng đến xin làm con. Khi trở dạ liền sinh ra một bé gái trắng trẻo xinh đẹp, lúc đó trong phòng thoang thoảng mùi hương thơm dịu mát.

Dương Đình Nghệ và người trong nhà đều thấy làm lạ, dựa theo giấc mộng của vợ, ông đặt tên cho con là Dương Như Ngọc với ý nghĩa dung nhan đẹp đẽ, thuần khiết như ngọc…

Lớn lên càng ngày Như Ngọc càng xinh đẹp như tiên nga giáng thế, cử chỉ đoan trang, dáng điệu quý phái. Người ta cho rằng thiếu nữ ấy sau này sẽ ở hàng tôn quý. Không chỉ giỏi nữ công gia chánh mà bà còn được rèn luyện trong lò võ Dương Xá ở quê hương nên vương hậu còn tinh thông côn quyền võ nghệ.

 Lúc Dương thị trưởng thành cũng là lúc đất nước chịu ách đô hộ của quân Nam Hán từ tháng 7/923 sau khi giặc bắt được Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ. Sử sách chép lại rằng sau khi đất nước mất quyền tự chủ, Dương Đình Nghệ đã nổi quân đánh giặc lấy lại sự độc lập, tự do. Nhiều anh hùng từ khắp bốn phương có chí cứu nước đã kéo về đất Ái châu xin ra nhập lực lượng Dương Đình Nghệ, trong đó có Ngô Quyền…

Thấy Ngô Quyền trẻ tuổi nhưng có tài, lại là con trai của hào trưởng Ngô Mân, một người bạn cũ cùng làm quan với mình thời chính quyền họ Khúc, Dương Đình Nghệ rất yêu quý cho Ngô Quyền làm gia tướng. Ông còn đem Như Ngọc gả cho Ngô Quyền dù đã biết rõ Ngô Quyền đã có vợ con.

Chắc chắn rằng mối nhân duyên này ảnh hưởng bởi chính trị và quyền lực. Đồng thời là sợi dây liên kết giữa 2 họ Ngô- Dương trong công cuộc chống quân Nam Hán. Còn tình yêu giữa 2 người chắc cũng không cần phải nói nhiều. Việc quan trọng là Dương thị có phải mệnh phượng hoàng hay không thôi…

Như Ngọc xinh đẹp tài giỏi, lại là con gái của vị hào trưởng danh tiếng vang dội nên tuy lấy Ngô Quyền trước nhưng bà vợ đầu của ông lại nhường lại ngôi vợ cả chính thất cho Dương thị, còn mình xuống làm vợ thứ.

Chính bà vợ đầu của Ngô Quyền đã thuyết phục ông chấp thuận việc đó. Theo àng địa vị chỉ là thứ bậc, quan trọng là thân gái phải lo đến sự nghiệp của chồng và đặc biệt được ở bên chồng thương yêu gắn bó.

Vì khéo nhường nhin nên những bà vợ của Ngô Quyền thân thiết coi nhau như chị em ruột, sống với nhau chan hòa đầm ấm. Dù sao cũng giúp cho cuộc sống của Dương hậu bớt đi phần nào thị phi không cần có. 

Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đăng năm 938 mở ra một thời kỳ độc lập tự cường của dân tộc. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở Cổ Loa. Sau đó không lâu ông nhanh chóng sách phong Dương Như Ngọc thành vương hậu để hợp với vị thế lúc bấy giờ. Cách làm này cũng giống với những triều đại sau như Tiền Lê- Lý, Lý- Trần, Hậu Lê- Tây Sơn…

Bà trở thành vương hậu đầu tiên được ghi vào sử sách, vì trước Ngô Quyền, đã có nhiều vua Việt Nam xưng hiệu nhưng không thấy sử sách chép vợ của các vua này (An Dương Vương, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Hậu Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế).

Dương hậu ắt cũng sẽ tự hào về điều này vì ít ra không bị đời sau quên lãng, ít ra mình đã có vai trò gì đó, dù rất nhỏ thôi, trong lịch sử xây dựng nước nhà.

Dương Như Ngọc quen biết Ngô Quyền khá muộn. Thậm chí lúc lấy nhau, Ngô Quyền đã có vợ con đuề huề, con trai Xương Ngập tuổi tác cũng ngang ngửa với bà. Đây cũng là bằng chứng chứng minh Xương Ngập không phải con trai ruột của bà. 

Theo một số giai thoại, Ngô Quyền còn một người vợ họ Đỗ, quê ở Cổ Loa, nhưng bà họ Đỗ không có con. Do đó có thể cả ba người con sau của Ngô Quyền là Xương Văn, Nam Hưng và Càn Hưng đều là con đẻ của Dương hậu.

Năm 944, Ngô Quyền mất sớm khi chính quyền chưa kịp hoàn chỉnh. Tiếc rằng người ông nhường ngôi lại không phải ai trong 3 đứa con trai ruột của bà, mà lại chính là Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập. Dĩ nhiên Dương hậu không được tấn phong làm Thái hậu, càng không thể can dự triều chính. Nhưng cũng may thay Ngô Quyền ủy thác cho Dương Tam Kha- em trai của Dương hậu chấp chính. Chính quyền đất nước, nhà Dương không phải là không có ảnh hưởng.

Nhưng chấp chính không lâu, Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua. Căn bản ông luôn cho rằng cơ nghiệp này một tay họ Dương dựng lên, nhà Ngô chỉ chờ nước đục thả câu. Đất nước vốn dĩ chưa ổn định nay lại thêm sự kiện này, ắt sẽ thêm loạn lạc. Đáng lẽ trong hoàn cảnh này Dương hậu phải là người sáng dạ, có những quyết định đúng đắn để trung hưng đất nước vì bà là người có mối liên hệ mật thiết giữa 2 họ. Nhưng không, bà quyết định đứng ngoài, làm ngơ như chưa có chuyện gì xảy ra. 

Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền làm con nuôi. Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Biến loạn thực sự đã tới gần.

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh loạn hai thôn Đường, Nguyễn. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công, tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập.

Con trai giống mẹ đúng là khó ba đời. Muốn làm nên nghiệp lớn thì ắt phải nhẫn tâm. Nhưng ông lại luôn nghĩ tới tình thâm máu mủ mà tha cho cậu ruột- vẫn luôn là một mối nguy hại khó lường.

 Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, là Thiên Sách Vương năm 951. Lúc đó tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương.

Ai đời một núi lại có 2 hổ, một nước có 2 vua. Loạn kia chưa tan, loạn này đã tới. Âu cũng là một phần trách nhiệm của Thái hậu họ Dương. Nếu bà không hồ đồ yếu đuối, thẳng tay trừng trị kẻ gian thì nhà Ngô cũng không sụp đổ nhanh đến thế. Dương thị quả thực là một con người kém cỏi trong việc triều chính.

Sau đó, Ngô Xương Ngập chuyên quyền, không cho Ngô Xương Văn tham gia chính sự. Ngô Xương Ngập còn định trừ Ngô Xương Văn để một mình làm vua, nhưng năm 954, Ngô Xương Ngập lâm bệnh thượng mã phong mà chết, làm vua được 4 năm. Thử hỏi nếu lúc đó, Xương Ngập không chết thì ngai vàng về tay ai, Xương Văn con trai bà liệu có được toàn mạng mà làm vua tiếp. 

Biến cố này qua đi, Dương hậu cũng không tham gia bất cứ việc gì hệ trọng nữa. Từ đó không thấy sử sách nhắc thêm gì. Cũng không biết bà mất năm nào. Nhưng theo một số phỏng đoán bà qua đời trước khi Xương Văn tử nạn năm 965.

Tiếc rằng thời thế có nhưng lại không tạo ra được một vĩ nhân. Sự lu mờ trong sử sách của bà cũng là những trái đắng cuối cùng bà phải nhận lấy. Nếu khi ấy, bà quyết đoán và mạnh mẽ hơn thì lịch sử Việt Nam đã rẽ theo 1 hướng khác. Không có loạn 12 sứ quân, không có Thăng Long, không có Lý phế hậu,… Nhưng trong lịch sử vốn dĩ đã không có 2 chữ “nếu như” rồi…

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *