Hai trăm lẻ hai năm sau ngày tổ tiên của mình là chúa Nguyễn Hoàng rời Thăng Long lần cuối (1600) để vào Nam mở mang cơ nghiệp, vua Gia Long mới chính thức đặt chân đến xứ Bắc Hà. Khi đó, nhà vua vẫn đang trong chiến dịch cuối cùng đánh lại vua Quang Toản của nhà Tây Sơn
Tháng 5 năm 1801, Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân, vua Quang Toản chạy ra Bắc. Đến ngày 2 tháng 5 năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Ngay cuối tháng này, ông tiến quân ra Bắc.
1. Khi ra đến Thanh Hoa, nhà vua “dạo xem hình thế núi sông rồi vời người già ở làng Bố Vệ (thuộc huyện Đông Sơn, nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) hỏi về sự tích cũ miếu nhà Lê. Những người dòng dõi họ Lê tranh nhau đem trâu rượu đến lạy mừng. Vua yên ủi rồi cho về”.
Nhân dịp này, nhà vua cho hoãn binh dao tô thuế cho trấn Thanh Hoa. Chiếu rằng: “Thanh Hoa là ấp thang mộc của trẫm. Nay mới khôi phục, nghĩ đất căn bản cần phải vỗ về nuôi nấng trước, nên đặc biệt chuẩn cho phàm binh dao tô thuế đều hoãn, gọi dân trở về để đều yên nghiệp làm ăn, cùng nhau hưởng phúc thái bình”.
Tại Thanh Hoa, vua phong cho Nguyễn Đức Xuyên tước Quận công, lãnh chức Đốc trấn Thanh Hoa. Lúc này, Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt tiến đánh lấy được đồn Tam Điệp (Ba Dội), chiếm trấn Thanh Hoa ngoại (tức tỉnh Ninh Bình ngày nay). Vua Gia Long tiếp tục tiến ra đến trấn Thanh Hoa ngoại, phát tiền kho chia cho các quân, sai Phạm Văn Nhân ở lại trấn giữ trấn này.
Ngày 17.6, vua Gia Long ra đến trấn Sơn Nam thượng (nay thuộc Hà Nội). Đô đốc nhà Tây Sơn là Lê Văn Hòa, Hiệp trấn là Tín đầu hàng. Ngày 21.6 âm lịch (tức 20.7.1802), xa giá đến thành Thăng Long. Lúc này vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản đã bỏ thành chạy trước cùng với em là Quang Thùy, Quang Duy, Quang Thiệu và Tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ qua sông Nhĩ Hà đến sông Xương Giang (thuộc tỉnh Bắc Ninh), đêm trú ở chùa Thọ Xương, bị dân bản địa đánh cướp, quân đi theo đều tan. Quang Thùy tự thắt cổ chết; Quang Toản, Quang Duy, Quang Thiệu, Văn Dụng, Văn Tứ bị thôn dân bắt được, bàn giao cho quân của Tả quân Lê Văn Duyệt, đóng cũi đưa về Thăng Long.
Từ lúc này, vua Gia Long chính thức dành chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Sơn, thu phục tất cả 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện, 40 châu ở Bắc Hà.
2. Khi vua Gia Long đến Thăng Long “nghe tin xa giá đến, nhân dân đều đặt án đốt hương để đón, xa gần dắt cõng nhau đến xem, đông như tường đứng. Chợ không thay đổi cửa hàng, làng xóm yên ổn, nhân dân đều mừng lại thấy cảnh tượng thái bình”.
Vua dừng lại ở Thăng Long, ngự ở điện Kính Thiên (do nhà Lê dựng), bầy tôi chầu mừng. Vua xuống chiếu dụ dân Bắc Hà rằng: “Nay đại binh tới đâu, chỉ giết những giặc đầu sỏ, còn người nào bị ép phải theo thì đều tha, nên cứ ở yên như cũ. Những kẻ có nhận quan chức của giặc (nhà Tây Sơn) ra thú thì được miễn tội, gần thì hạn 3 ngày, xa thì hạn 5 ngày. Nếu quá hạn mà không ra thú, bị người ta bắt được thì làm tội. Những tàn quân của giặc mang theo binh khí trốn về thì lập tức phải đến cửa quân trao nộp, nếu cất giấu thì xử theo quân pháp”.
Để cai trị các trấn Bắc Thành, vua Gia Long đặt mỗi trấn đặt một trấn thủ, dùng chức thống chế, chưởng cơ, cai cơ cho làm, và một hiệp trấn, một tham trấn. Các trấn gồm: Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Yên Quảng, Cao Bằng, Tuyên Quang.
Các Thượng thư nhà Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan, Phan Huy Ích đến hành tại chịu tội. Vua Gia Long cho là sắp có cuộc bang giao với nhà Thanh mà bọn Nhậm vốn là bầy tôi cũ của triều Lê, đã quen công việc, Huy Ích lại từng làm sứ thần của nhà Tây Sơn đi sang nước Thanh, bèn hạ lệnh cho ở ngoài để phòng hỏi đến.
Vua thấy nước mới yên định, sổ sách tản mát, tô dung thuế khóa chưa có định chuẩn, nghe Tư mã nhà Tây Sơn là Nguyễn Văn Dạng từng coi việc hộ, nên sai kê các ngạch thuế, do Hộ bộ tâu lên từng điều để tham chước thi hành.
Tháng 7, tân triều ban ấn đồng cho các trấn từ Nghệ An ra Bắc, chính thức đánh dấu việc thay đổi chế độ. Ngoài ra, việc đo lường cũng được thống nhất, khi vua sai Hộ bộ chế các kiểu phương thăng bát mới dùng vào việc thu chi lương thực.
3. Với hậu duệ các chúa Trịnh, vua Gia Long có cách ứng xử khá bất ngờ, là sai chọn người dòng dõi họ Trịnh để giữ việc thờ cúng. Nguyên khi Gia Long tiến quân ra Bắc, người họ Trịnh ai ai cũng sợ bị giết, vì trước đây Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông, rồi Nam Bắc phân tranh hai họ đánh nhau mấy trăm năm. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: “Tiên thế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ giữ việc thờ cúng, để giữ tình nghĩa đời đời”.
Đến tháng 9, vua lại cấp ruộng thờ cho họ Trịnh, sai hậu duệ họ Trịnh là Trịnh Tư coi giữ việc thờ cúng. Chiếu của vua Gia Long viết rằng: “Từ khi nhà Lê mất ngôi, nơi thờ họ Trịnh bỏ nát. Nay ta một trận dẹp yên, bốn biển trong lặng, nói đến tình thân qua cát (Qua cát tức là cây dưa hấu và cây sắn, cây nọ quấn quýt cây kia), nghĩ cũng nên thương. Vậy cho ngươi coi giữ việc thờ tự họ Trịnh, cấp cho ruộng 500 mẫu để thờ cúng”. Hằng năm ruộng này thu tô được 333 hộc lúa, 75 quan tiền. Lại tha binh dao, và thân thuế cho 247 người họ Trịnh.
Vua Gia Long cũng chú trọng việc thu nạp nhân tài, khi cho học trò Bắc Hà dâng phong bì kín trình bày công việc. Có 32 người trình bày hợp ý vua là bọn Phan Chính Thể, Nhữ Công Thiệu, Nguyễn Duy Cung, Bùi Phổ, vua đều sai ghi tên để bổ dụng.
Để mừng việc lấy được thiên hạ, Vua Gia Long cho miễn thuế vụ hạ năm đó cho Bắc Thành, Nghệ An và Thanh Hoa ngoại trấn. Vua thân yết miếu vua Lê Thái Tổ và sai Lễ bộ đặt đàn tế các thần núi sông.
Vua lại cho Đô thống chế Hữu dinh quân Thần sách là Tôn Thất Chương lãnh chức Đốc trấn Thanh Hoa. Từ đây về sau, người đứng đầu trấn (sau là tỉnh) Thanh Hoa, đất thang mộc của nhà Nguyễn, thường là người họ Tôn Thất nắm giữ.
Về việc bang giao, lúc đầu vua Gia Long định xin nhà Thanh cho làm lễ tuyên phong ở Nam Quan, các cựu thần chuyên về giao tế của nhà Lê và nhà Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích nói rằng lệ xưa không có việc tuyên phong ở đó, vua mới thôi.
4. Vua thấy buổi đầu đại định cần tiền rất nhiều, bèn sai chiếu theo lệ cũ mà thu tiền thuế nửa năm từ tháng 7 về sau để sung việc chi dùng của nhà nước.
Lúc này, vua Gia Long mới có thời gian chăm sóc đến lăng mộ tổ tiên. Ông sai kén 30 dân làng Quý hương (tức làng Miêu Gia ngoại trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hoa, quê phát tích của các chúa Nguyễn) để trực ở lăng miếu núi Thiên Tôn, là lăng mộ Triệu Tổ Nguyễn Kim, lấy 100 người dân ở 11 trang thuộc tổng Thượng Bạn sung làm việc.
Tháng 8, vua Gia Long đến Văn Miếu làm lễ tế thu. Vua cũng cho đặt lại phủ huyện ở Bắc Hà. Đời Lê các trấn đều đặt phủ huyện, đến đời Tây Sơn không đặt phủ, chỉ đặt huyện. Nay vua Gia Long quy định các trấn Sơn Nam thượng hạ, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Thanh Hoa nội ngoại, Nghệ An, mỗi phủ đặt một quản phủ, một tri phủ, kiêm lý một huyện, mỗi huyện đặt một tri huyện.
Để thuận tiện cho việc giao thông, vua sai dựng hành cung ở dọc đường từ Thăng Long đến Nghệ An, cũng là để chuẩn bị cho chuyến trở về Phú Xuân.
Tháng 9, vua Gia Long cho tìm và phong cho hậu duệ của vua Lê là Lê Duy Hoán làm Diên Tự công. Trước kia trong thời Tây Sơn, Duy Hoán theo cha là Duy Chi chạy đến Bảo Lạc, Duy Chi bị giết, Duy Hoán lẩn nấp nương nhờ bọn phiên thần Thái Nguyên là Ma Thế Cố. Đến nay vua sai hỏi dòng dõi nhà Lê, Thế Cố đem việc ấy tâu lên, nên vua triệu Duy Hoán mà phong tước và cho hằng năm thu tiền tô dung hơn 2.600 quan tiền, lại thêm tiền kho 370 quan để cung việc tế tự; ruộng 10.000 mẫu, hằng năm thu thóc tô hơn 6.000 hộc, chia cấp cho người trong họ làm lộc thường. Các chi họ Lê đều được miễn binh dao và thân thuế. Duy Hoán vào tạ, vua ban cho mãng bào (áo thêu rắn, dành cho bậc hoàng tử) và mũ áo.
Lúc đó, các hậu duệ họ Lê họ Trịnh cùng các cựu thần văn võ và phiên tù nhà Lê dâng biểu xin vua lên ngôi hoàng đế. Vua khiêm nhường không nhận.
Trước khi rời Thăng Long, vua Gia Long phong cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc. Phàm những việc cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng, đều cho Thành được tùy mà làm rồi sau mới tâu. Ở Bắc Thành cũng cho đặt ba tào Hộ Binh Hình, Hộ bộ Nguyễn Văn Khiêm, Binh bộ Đặng Trần Thường, Hình bộ Phạm Như Đăng lãnh các tào ấy, theo quan Tổng trấn để xét biện công việc.
Ngày 24.9 âm lịch, xa giá đi từ thành Thăng Long về Trung. Vua Gia Long dụ Nguyễn Văn Thành rằng: “Công việc Bắc Thành, ủy hết cho khanh, khanh nên cố gắng”. Văn Thành lạy xin vâng mệnh, nhân đó tâu rằng: “Việc binh việc dân và việc lý tài ở Bắc Thành ba điều ấy rất quan trọng, phải xếp đặt rất nhiều, thần xin ngày ghi từng việc, mỗi tháng đóng thành tập đệ tâu một lần”. Vua cho là phải.
Đến ngày 1 tháng 10, xa giá đến Thanh Hoa yết lăng miếu ở núi Thiên Tôn. Ngày 14.10, xa giá đến Hành cung Thượng Lập, vua ra lệnh chuyển sang đi đường sông. Ngày 15.10, xa giá về đến Kinh sư Phú Xuân. Ngày 29.10, vua thân yết Thái miếu rồi đến thăm sức khỏe của Từ cung (mẹ đẻ của vua là Hiếu Khang hoàng thái hậu) và đặt yến lớn đãi bầy tôi.
Phải đến hơn một năm sau, tháng Giêng năm 1804, vua Gia Long mới chính thức có chuyến Bắc hành để nhận lễ tuyên phong của nhà Thanh tại Thăng Long.
Theo: Tìm hiểu về lịch sử Việt Nam (The history of Vietnam)