PV: Thưa bà, vừa qua nhiều ĐBQH đã kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện để người dân “muốn đến khám ở đâu cũng được”. Quan điểm của bà về điều này thế nào?
Bà Trần Thị Trang:
Tôi khẳng định việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và việc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT là cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác đều áp dụng điều này.
Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật để giúp xác định được nguồn lực đầu tư cũng như tổ chức sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, phù hợp với tình trạng bệnh tật của người dân cũng như khả năng kinh tế của người dân và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta thấy những bệnh thông thường khám mà các cơ sở tuyến dưới có thể điều trị tốt, giúp tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của người dân. Đồng thời cũng không làm quá tải tuyến trên.
Chúng ta khám chữa bệnh theo nguyên lý về mặt chuyên môn: bệnh mức độ nào thì điều trị ở cơ sở tương ứng.
Điều này giúp ổn định hệ thống y tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. Nếu người bệnh bỏ tuyến, lên hết tuyến trung ương sẽ gây quá tải tuyến trên. Khi quá tải thì các sai sót chuyên môn rất dễ xảy ra.
Ngoài ra, khi bệnh nhân dồn hết lên tuyến trên thì bỏ phí nguồn lực tuyến dưới, các bác sĩ cũng không có người bệnh để khám và điều trị, có nguy cơ mai một chuyên môn, không phát triển được kỹ thuật, không nâng cao được chất lượng chuyên môn. Như vậy, hệ thống y tế sẽ bị mất cân đối, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, quyền lợi cả người bệnh.
Giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: cơ sở đã điều trị, cơ sở người bệnh được chuyển đến, lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án…,
Điều này giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng trao đổi thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…, đồng thời cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT tùy thuộc vào lý do chuyển tuyến để phục vụ việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Chính vì vậy, tôi khẳng định rằng phân tuyến kỹ thuật và chuyển tuyến khám chữa bệnh là điều cần thiết.
PV: Nhiều người dân có ý kiến rằng việc chuyển viện quá nhiêu khê, có hiện tượng giữ chân bệnh nhân không cho chuyển viện, dù tuyến dưới điều trị không hiệu quả. Bà có ý kiến thế nào về điều này?
Bà Trần Thị Trang:
Trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc.
“Từ ngày 1/1/2016 việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ 01/01/2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Toàn quốc có gần 10.000 trạm y tế xã có khám chữa bệnh ban đầu nhưng năm 2022 giảm chỉ còn chiếm 14% lượt khám chữa bệnh BHYT. Tăng số lượt khám chữa bệnh nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh…. “
Bà Trần Thị Trang
Những vướng mắc, bất cập trên đặt ra những câu hỏi về việc có giữ tuyến hay không cần giữ tuyến, bỏ giấy chuyển tuyến hay tiếp tục giữ giấy chuyển tuyến, có nên thông cả lên tuyến trung ương hay không…
Các nội dung này đã là vấn đề thời sự sôi nổi trên nghị trường Quốc hội những ngày qua, ngay cả một số nhà chuyên môn ngành y cũng có ý kiến khác nhau.
Mặc dù vậy, với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải.
Người bệnh ai cũng muốn lên tuyến trên để điều trị, thậm chí bệnh nhẹ như ho, đau đầu cũng muốn khám tuyến tỉnh, tuyến trung ương, điều này gây quá tải cho tuyến trên một cách không cần thiết.
Các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Nếu bỏ chuyển tuyến sẽ gây xáo trộn cả hệ thống khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT.
Quỹ BHYT của chúng ta chỉ có hạn, chúng ta phải phân bổ hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người bệnh được khám bệnh chữa bệnh hiệu quả trong nguồn quỹ cho phép. Nếu chúng ta đều có xu hướng vượt lên tuyến trên thì sẽ bội chi quỹ, mất cân đối quỹ và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người bệnh khác.
PV: Ngành y tế sẽ làm gì để giải quyết các khó khăn bất cập trong việc chuyển tuyến, chuyển viện như hiện nay, thưa bà?
Bà Trần Thị Trang:
Chúng ta cần phải đổi mới, cải thiện các quy định pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện các quy định về chuyển tuyến, cấp giấy chuyển viện để giảm tối đa phiền hà cho người bệnh, sát với thực tiễn và đảm bảo chuyên môn kỹ thuật mà vẫn đáp ứng được vấn đề cân đối Quỹ BHYT.
Hiện nay, chúng tôi đang kiến nghị đồng bộ các giải pháp như kiến nghị Chính phủ cho phép sớm tính đủ giá dịch vụ y tế, có cơ chế tài chính đột phá và thu hút nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở…..
Áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng;
Lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sỹ gia đình với cơ chế chuyển tuyến thuận tiện, bác sỹ gia đình có thể chuyển người bệnh lên tuyến trung ương phù hợp với tình trạng bệnh;
Mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính, một số thuốc mới, chi phí lớn cho các bệnh mãn tính có thể khám, chẩn đoán ban đầu ở tuyến trung ương và về cấp phát, lĩnh thuốc lâu dài ở tuyến xã…
Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực xây dựng dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để trình Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2024. Đây là dịp thuận lợi để sửa đổi, bổ sung, đổi mới các các quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT để đáp ứng yêu cầu của công tác khám chữa bệnh cũng như kỳ vọng của người dân.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 20/11, GS. Nguyễn Anh Trí ĐBQH Đoàn Hà Nội, nguyên Viện trưởng Huyết học -Truyền máu Trung ương) kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện.
Theo ông Trí, trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay với trên 93% dân số tham gia BHYT thì việc có “barie” đi xin giấy chuyển viện rất nên bãi bỏ, cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa.
“Luật BHYT sắp đến cần sửa đổi để người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc của người có BHYT”, ông Trí kiến nghị.