Bi hài muôn kiểu tiết kiệm từng giọt nước ở Khu đô thị Thanh Hà
Ba ngày qua, kể từ khi toà chung cư bị mất nước sạch, gia đình anh Bùi Đức Cửu (39 tuổi), ở toà HH03A Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội chuyển sang ăn bát nhựa, đũa sử dụng một lần.
Với gia đình anh Cửu và hàng vạn cư dân ở đây, chưa bao giờ “khát” nước sạch đến như vậy. Bữa cơm tối của gia đình bắt đầu lúc gần 20h sau khi anh xuống sảnh chung cư hì hục xách từng xô nước sạch lên nhà ở tầng 15.
Cơm và đồ ăn đều được vợ chồng anh Cửu đựng trong bát nhựa, đi kèm với đôi đũa loại chỉ dùng một lần, không cần rửa. Mỗi lần cầm bát cơm nhựa trên tay, anh Cửu và vợ con không khỏi hụt hẫng cảm thấy chiếc bát trơn, dễ rơi nhưng không còn cách nào khác. Thấy hàng xóm dùng màng bọc thực phẩm quấn bát, đũa trước khi ăn, anh nói vợ thử áp dụng nhưng nhận thấy hơi phức tạp.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, anh Cửu chia sẻ, dù biết bát nhựa một lần sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng trong tình cảnh bị cắt nước dài hạn như hiện nay thì đây là giải pháp cuối cùng giúp gia đình anh tiết kiệm từng giọt nước.
Mấy ngày liên tiếp mất nước sinh hoạt đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình anh Cửu. Anh khôngnhớ đã chi bao nhiêu tiền để mua nước đóng bình về nấu ăn, tắm giặt.
“Nước khan hiếm nên hai ngày tôi mới dám tắm một lần, mỗi lần chỉ tắm qua loa vì sợ tốn nước. Giờ mất nước mới thèm cảm giác tắm dưới vòi hoa sen. Để khắc phục, mỗi ngày sau giờ làm tôi phải đi xin nước sạch từ hàng xóm cách nhà khoảng 1km. Mỗi lần xách được xô nước lên nhà đau nhức khắp cơ thể, mồ hôi nhễ nhại”, anh Cửu chia sẻ.
Chứng kiến hình ảnh nhiều trẻ nhỏ, người già đi hứng từng xô nước khiến anh Cửu không khỏi xót xa. Hơn bao giờ hết, anh cùng khoảng 30.000 cư dân tại 26 toà nhà Khu đô thị Thanh Hà rất cần nước sạch cho sinh hoạt.
Cũng như gia đình anh Cửu, kể từ hôm mất nước sạch sinh hoạt tới nay, anh Thanh Bình (36 tuổi) đề ra các quy định chặt chẽ sử dụng nước cho cả gia đình. Cụ thể, 3 xô nước loại 20 lít hứng từ xe bồn “giải cứu” được sử dụng để đánh răng, rửa mặt, sau tích lại dội nhà vệ sinh. Nước rửa rau giữ lại lau nhà và tưới cây, còn nước thải từ điều hòa dùng để rửa bát. 4 thành viên trong gia đình nhịn tắm, dùng giấy ướt để lau người.
“Nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ đưa các con sang nhà người quen ở quận Thanh Xuân tắm nhờ. Chúng tôi thà dùng nước sạch ít một chút còn hơn dùng nước không đảm bảo sau ảnh hưởng tới sức khoẻ”, anh Bình nói.
Lên cơ quan tắm giặt nhờ, lấy nước hồ xả nhà vệ sinh
Còn gia đình bốn người của chị Quỳnh Mai (30 tuổi, tòa HH02B) để tiết kiệm nước đã thống nhất đi vệ sinh cùng một lúc, chỉ xả nước một lần. Đặc thù công việc của hai vợ chồng không thể xin nghỉ làm, chị tranh thủ về sớm để canh… nước.
“Đi làm về, hễ nghe tòa nào có nước, tôi lại mang xô đi xin. Cư dân các tòa nhà rất nhiệt tình hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn này”, chị Mai nói, cho biết bên cạnh việc đi xin nước, gia đình cũng mua thêm nước đóng bình, chủ yếu để vệ sinh cá nhân cho hai con.
Ngày toà nhà bị mất nước chị Ngô Thị Đào (36 tuổi, tòa HH03A) đã phải đèo con nhỏ đến cơ quan ở đường Nguyễn Xiển, cách nhà hơn 3km để tắm nhờ và giặt quần áo. Chen chân xách được 2 chậu nước sạch lên đến nhà, chị Đào vô cùng mui mừng.
Ba ngày không có nước sạch, bà Đặng Thị Phương Hoa (60 tuổi) không dám gội đầu. Trong khu bếp rộng chừng 10m2 nối liền với máy giặt, là chồng bát đũa ba ngày chưa rửa, đống quần áo ba ngày chưa giặt. “Cuộc sống mất nước khổ quá”, bà vừa thở dài rồi chỉ vào bình nước to tích trữ mà chồng mua mang về từ huyện Thanh Trì. Phía trên là mớ rau vừa hái ở vườn nhưng không có nước sạch để rửa.
Vợ chồng bà Hoa mua đồ ăn từ quán cơm, ưu tiên mua củ, quả có thể ăn ngay mà không cần rửa; tranh thủ mang rau sang nhà hàng xóm nhờ rửa hộ. “Tôi không biết tình cảnh này còn tiếp diễn trong bao lâu, chúng tôi đang dần kiệt quệ vì mất nước”, bà Hoa chia sẻ.
Để tiết kiệm nước sạch nhiều hộ dân tại Khu đô thị Thanh Hà cũng đã mang xô chậu ra hồ về để xả nước nhà vệ sinh. “Không khổ gì bằng khổ mất nước, cực chẳng đã chúng tôi mới phải ra hồ lấy nước về để xả nhà vệ sinh như thế này. Còn nước sạch lấy được từ xe cứu trợ mọi người trong gia đình đều sử dụng tiết kiệm nhất có thể”, một người dân nói thêm.