Vụ nổ tàu La Coubre – Pháp chơi sau lưng Mỹ bán vũ khí cho Cuba và sự ra đời của bức ảnh huyền thoại.

Có lẽ không ai không biết bức ảnh này của Che Guevara – một trong những nhân vật được ngưỡng mộ nhất thế giới. Nhưng điều người ta không biết lại là ảnh chụp toàn cảnh của nó. Thực ra đây không phải là bức ảnh chụp chân dung Che Guevara – mà cắt ra từ một bức ảnh chụp Che cùng với những người khác – ”người khác” ở đây là những nhân vật cao cấp nhất trong lãnh đạo cách mạng Cuba lúc đó, tuy rằng 2 nhân vật cuối hàng có hơi ”nhạy cảm”. Và bối cảnh của nó: sự kiện vụ nổ tàu La Coubre – cũng không phải nhiều người biết.

Trước tiên, nói rõ bối cảnh của sự kiện này. Vụ nổ tàu chở vũ khí La Coubre xảy ra vào ngày 4/3/1960. Lúc này Hoa Kỳ CHƯA CẤM VẬN chính quyền của Fidel Castro. Lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ áp đặt vào chính quyền Fidel Castro diễn ra ngày 19/10/1960. Tuy nhiên, đấy là 2 chuyện khác nhau, và vào tháng 3/1960, Cuba vẫn chịu sự cấm vận vũ khí của Mỹ. Có vẻ khó hiểu, nhưng lý do là ở đây: ngày 14/3/1958, chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với chế độ độc tài Batista ở Cuba với mục tiêu hạ bệ nhà độc tài và ủng hộ cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân Cuba. Do đó, đến năm 1960 dù chính quyền Batista đã bị lật đổ nhưng lệnh cấm vận vũ khí này vẫn còn hiệu lực, các tàu nước ngoài không được chở vũ khí đến cảng của Cuba. Dĩ nhiên lệnh này chỉ có hiệu lực với những nước chịu ảnh hưởng của Mỹ, còn Liên Xô có vác cả tên lửa hạt nhân đến Cuba thì Mỹ cũng chịu bó tay.

Tuy nhiên, trong số ”đồng minh” của Mỹ, có một nước đã có ý định đâm sau lưng Mỹ để ”đi đêm” với Cuba – đó là Pháp. Vào cuối những năm 50s – đầu 60s, quan hệ giữa Mỹ và chính phủ Pháp của Charles de Gaulle không lấy gì làm êm đẹp. Hai bên mâu thuẫn về rất nhiều vấn đề. Từ việc tái vũ trang cho Tây Đức, chính sách đối phó với Liên Xô, vấn đề Israel-Arab và kênh đào Suez, ý đồ tự phát triển hạt nhân của Pháp,… cho đến việc Mỹ ủng hộ các nước thuộc địa Pháp ở châu Phi giành độc lập, tranh giành ảnh hưởng với Pháp ở châu lục mà Pháp vốn coi là ”sân sau”,… Để đáp trả Mỹ, Pháp cũng có những chiêu trò riêng của mình: tự phát triển bom nguyên tử, hỗ trợ cả Ấn Độ, Iraq,…trong vấn đề hạt nhân, đơn phương hòa hoãn với Liên Xô, xây dựng quan hệ với các nước Arab (Muammar Gaddafi ở Libya, Hafez al-Assad ở Syria bị coi là kẻ thù của Mỹ nhưng là đối tác thân cận của Pháp). Và trong một đòn được coi là hiểm nhất, Pháp đã đi đêm buôn vũ khí với Cuba, kề lưỡi dao không ngờ ngay sát nách nước Mỹ.

Trong những năm cách mạng Cuba, các tàu buôn của Pháp đã không ít lần tổ chức các chuyến buôn bí mật, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, đạn được, hàng hóa,… đến các cảng Cuba và các đảo Carribean xung quanh, hỗ trợ cho cuộc chiến chống nhà độc tài Batista ở nước này.

Sau khi cách mạng Cuba thắng lợi, các chuyến buôn ”thầm kín” này vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, để tránh bị Mỹ để ý, Pháp bày ra cách sử dụng các tàu chở hàng để lẫn vũ khí vào. Hơn nữa, họ không xuất phát từ nước Pháp mà sử dụng các cảng của Bỉ, Hà Lan, Algeria, Đan Mạch hay thậm chí là cả Canada – những nước Mỹ ít để ý hơn. Tương tự như thế, đầu năm 1960 người Pháp chất gần 100 tấn hàng hóa (có 76 tấn đạn dược, thuốc nổ, lựu đạn,…) lên tàu chở hàng ”La Coubre” vốn chở 4310 tấn hàng. Tàu xuất phát từ bến cảng Antwerp của Bỉ và xuôi đến Cuba mang theo số vũ khí, chất nổ nguy hiểm trên tàu.

Ngày 4/3/1960, tàu ”La Coubre” cập cảnh Havana của Cuba. Do sự ”đặc biệt” của hàng hóa trên tàu và cũng để tránh bị theo dõi, ”La Coubre” không được bốc dỡ tại cảng mà được đưa đến một khu riêng trong cảng Havana, gần một sà lan tự hành để từ đó tải hàng xuống. Tàu được đưa đến gần nhà kho nhiên liệu Tallapiedra, quyết định được đích thân Raul Castro ký tên. Trong lúc đang bốc dỡ hàng hóa thì lúc 3:10 chiều ngày 4/3/1960, gần 100 tấn vũ khí trên tàu phát nổ, thổi bay hàng hóa và làm con tàu hỏng nặng.

Sau vụ nổ, hàng nghìn người Cuba gồm quân đội, cảnh sát, nhân viên y tế, người dân và cả các thuyền viên khác ở cảng đã tham gia việc giải cứu con tàu và những người bị thương. Trong những người tahm gia giải cứu có linh mục John McKniff – người 2 lần thoát chết trong 2 vụ nổ – sau này được phong thánh. Đúng lúc này, vụ nổ thứ 2 đã xảy ra trong lúc hàng nghìn người đang làm việc, gây ra hậu quả lớn. Khoảng 100 người bị chết, con số bị thương không thể thống kê được. Một lượng lớn hàng hóa trên tàu bị thiêu rụi.

Ngay sau khi vụ nổ thứ 2 xảy ra, Che Guevara (lúc này đang ở Bộ Nông Nghiệp Cuba), đã trực tiếp lái xe đến hiện trường để cấp cứu người bị nạn. Cần nhớ rằng Che Guevara xuất thân là một bác sĩ giỏi ở quê nhà Argentina. Ngày hôm sau, 5/3/1960, một buổi lễ tưởng niệm lớn đã được tổ chức với sự tham gia của những nhân vật cao cấp nhất của cách mạng Cuba, từ Thủ tướng Fidel Castro, Chủ tịch Osvaldo Dorticos, Bộ trưởng Công nghiệp Ernesto “Che” Guevara, Bộ trưởng Quốc phòng Auguslo Martinez Sanchez, Bộ trưởng Môi trường Antonio Nunez-Jimenez, William Morgan (người Mỹ từ Toledo, Ohio) và Eloy Guttierez Menoyo (người Tây Ban Nha)… đã cùng tham gia. Chính trong buổi lễ tưởng niệm này, nhiếp ảnh gia Alberto Korda đã ”chộp được” bức ảnh Che Guevara với khuôn mặt nghiêm nghị và bản lĩnh, toát lên khí khái phi thường. Người chụp sau đó đã cắt chân dung Che Guevara riêng ra thành một bức ảnh, và rồi từ đó trở thành một bức ảnh huyền thoại trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên cũng vì thế mà bối cảnh lịch sử của bức ảnh đó bị bỏ quên mất.

Sau vụ nổ, lãnh tụ Fidel Castro đã cáo buộc người Mỹ âm mưu làm nổ con tàu. Cáo buộc này dĩ nhiên thiếu bằng chứng. Chính phủ Mỹ ngay lập tức bác bỏ, và có vẻ như họ thậm chí còn chưa biết chuyện người Pháp chơi khăm họ bằng cách chất vũ khí lên tàu hàng chở đến Cuba. Một vụ tranh cãi ngoại giao lớn đã nổ ra sau đó giữa Pháp và Mỹ, dẫn đến Mỹ ra lệnh tăng cường theo dõi các cảng biển vốn khá ”tự do” trước đây của Bỉ, Hà Lan, Canada,… Đến tháng 10 năm đó, để ngăn chặn những ý đó ”lách luật” buôn bán với Cuba như của Pháp, chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Cuba, nghiêm ngặt hơn rất nhiều lệnh cấm vận chế độ độc tài Batista trước đó.

*Số phận tàu La Coubre: sau vụ nổ, tàu La Coubre được sửa chữa ở Cuba trong vài tháng nhưng điều kiện không đáp ứng được. Nó được một công ty Hà Lan kéo về châu Âu sửa chữa sau đó, đến năm 1961 sửa xong và trả cho Pháp. Nó hoạt động đến năm 1979 thì bị bỏ. Để tưởng niệm vụ nổ, Pháp đặt tên con tàu cho một bãi biển ven bờ Đại Tây Dương.

*Vụ William Alexander Morgan: William Alexander Morgan là một nhà cách mạng người Mỹ đã chiến đấu cho cách mạng Cuba từ những ngày đầu. Ở Cuba, Morgan chiến đấu gian khổ cùng những người cách mạng Cuba từ chiến khu trong rừng núi đến ngày chiến thắng. Ông kết hôn cùng nữ chiến sĩ Cuba Olga María Rodríguez Farinas. Ông bị Hoa Kỳ tước quyền công dân.

Sau khi cách mạng thành công, William Alexander Morgan được chính quyền Fidel Castro trọng dụng, bổ nhiệm vị trí trong chính quyền và được sử dụng để tuyên truyền với người dân Mỹ. Trong buổi lễ tưởng niệm vụ nổ con tàu La Coubre, William Alexander Morgan được trang trọng đi hàng đầu, ngang hàng với Fidel Castro và Che Guevara. Tuy nhiên, sau đó một người Mỹ đào tẩu từ Cuba về Miami đã cáo buộc rằng William Alexander Morgan âm mưu cho nổ con tàu. William Alexander Morgan bác bỏ và chỉ trích gay gắt, cho rằng chính phủ Hoa Kỳ tạo ra màn kịch để gây ra sự nghi ngờ trong nội bộ Cuba. Không lâu sau đó, sự nghi ngờ này khiến Morgan bị chính quyền Cuba bắt tử hình. Đây được coi là một thành công của tình báo Mỹ, khi đã gây chia rẽ trong nội bộ Cuba và loại bỏ được một người phản bội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *