Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam: “Chúng tôi vẫn tin công lý sẽ sớm được thực thi”
Ngày 28/8, trao đổi với PV Dân Việt, bà Đỗ Mai Khanh, Trưởng Ban Đối ngoại Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết, đơn vị vừa ra tuyên bố về việc Toà phúc thẩm Paris (Pháp) phán quyết “không có thẩm quyền” xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga kiện các Công ty/Tập đoàn hoá chất của Hoa Kỳ. Tuyên bố do Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam ký.
Theo đó, ngày 22/8, Tòa Phúc thẩm Paris, Cộng hòa Pháp đã công bố kết luận phán quyết “Toà không có thẩm quyền xét xử vụ kiện” về vụ bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty/tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam/Dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gây ra hậu quả nghiêm trọng làm tổn thương tâm lý, sức khỏe cho bà và các con của bà.
“Tòa Phúc thẩm Paris đã ra phán quyết giống với Tòa Sơ thẩm Đại hình Ervy về vụ việc này và đã thiếu sự xem xét công tâm, đầy đủ các yếu tố liên quan đến công dân của mình. Việc trả lời “không có thẩm quyền xét xử vụ kiện” của bà Trần Tố Nga càng cho thấy rõ Tòa Phúc thẩm Paris đã khước từ quyền đã được luật pháp nước Pháp thừa nhận để xét xử các vụ kiện của công dân Pháp bị các thể nhân và pháp nhân nước ngoài gây thiệt hại”, tuyên bố nhấn mạnh.
Bà Trần Tố Nga kiện các công ty/tập đoàn hóa chất của Hoa Kỳ với tư cách là công dân nước Pháp đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin trong thời kỳ chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mà bà đã sống và làm việc. Đến nay, vụ kiện của bà Trần Tố Nga đã kéo dài 11 năm gồm 7 năm ở Tòa Đại hình Evry và 4 năm ở Tòa Phúc thẩm Paris, được dư luận các nước quan tâm, nhân dân các nước ủng hộ.
Thông qua vụ kiện, nhiều người đã hiểu rõ hơn về tình hình nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, về hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại cho nhân dân Việt Nam. Nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế đã có Thư kêu gọi gửi Tòa phúc thẩm Paris để bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ đối với bà Trần Tố Nga, cũng như bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ của họ với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
“Việc Tòa Phúc thẩm Paris đưa ra phán quyết thiếu công bằng đối với đơn kiện của bà Trần Tố Nga khiến chúng tôi, những người đang ngày đêm làm việc cho và vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất lấy làm tiếc và vô cùng thất vọng trước kết luận của Tòa Phúc thẩm Paris.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin vào lương tri, tin vào thực tế, tin rằng công lý sẽ sớm được thực thi mang lại công bằng cho bà Trần Tố Nga, và đem lại hy vọng cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đang từng ngày vật lộn với bệnh tật, với sự đau khổ về tinh thần cùng chung hoàn cảnh với bà Trần Tố Nga”, tuyên bố nêu rõ.
Gửi thư kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ hàng triệu nạn nhân chất độc cam/Dioxin
Qua đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam cũng đề nghị Tòa Phúc thẩm Paris nên xem xét lại quyết định của mình một cách nghiêm túc và đầy đủ các yếu tố liên quan để đưa ra phán quyết nhằm yêu cầu các công ty/tập đoàn hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xứng đáng cho công dân của mình là bà Trần Tố Nga. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam hoàn toàn ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, ủng hộ quyết định của bà và các luật sư Pháp sẽ sớm trình đơn kháng cáo lên Tòa Tối cao Paris.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam đã gửi thư kêu gọi với 4 nội dung kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng đoàn kết và hành động” để giúp đỡ nạn nhân chất độc cam/Dioxin và gia đình họ một cách thiết thực và hiệu quả hơn, đồng thời đại diện của VAVA đã có mặt tại phiên tranh tụng ngày 7/5 tại Tòa Phúc thẩm Paris cùng bà Trần Tố Nga.
“Chúng tôi mong rằng bạn bè, tất cả những người yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ mạnh mẽ hơn cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam và cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin”, tuyên bố nêu thêm.
Trước đó, chia sẻ với PV Dân Việt sau phán quyết trên của toà, bà Trần Tố Nga cho biết, bản thân bà đang ở Việt Nam và đã nắm được sự việc. Bà cảm thấy Tòa phúc thẩm Paris càng làm khó càng gây thêm sự căm phẫn và tức giận của những người đứng về phía công lý, đứng về phía các nạn nhân chất độc da cam trên toàn thế giới.
“Mọi người có buồn nhưng không ai cảm thấy thất vọng hay buông tay. Nhận được tin, tôi quyết định tiếp tục nộp đơn lên Toà án tối cao. Trong ngày, rất nhiều người gọi điện và gửi tin cho tôi. Không ai buông hay bỏ tôi một mình. Tôi thấy chính nghĩa càng ngày càng sáng, chính nghĩa sẽ thắng thôi”, bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, động lực để bà đeo đuổi sự việc nhiều năm qua xuất phát từ việc chứng kiến hàng triệu người dân Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam. 10 ngày tiếp xúc liên tiếp với bệnh nhân da cam vào năm 2008 khiến bà Nga có 2 điều day dứt: Cha mẹ chết ai sẽ là người lo cho họ? Nạn nhân chất độc da cam khổ và nghèo nhất, vậy phải làm gì giúp cho họ?
“Tôi nhen nhóm ý định từ năm 2009, khi đó có 3 triệu nạn nhân chất độc da cam và giờ con số đã tăng lên gần 5 triệu người. Tôi đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam dioxin Việt Nam ở Paris. Cũng cùng năm đó, tôi chính thức đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ. Giờ còn thở, tôi còn làm. Luật sư người Pháp của tôi nói câu rất hay rằng, họ sẽ cùng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nếu cần. Đến luật sư còn nói vậy thì lẽ gì người Việt Nam không chiến đấu, đấu tranh. Gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam chờ đợi công lý”, bà Nga nhấn mạnh.
Bà Nga là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam kiên cường, dám đứng lên kiện 14 công ty của Mỹ cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Bà mong muốn nhất đó là việc đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam sẽ kết thúc trước khi mình qua đời.
Theo AFP, ước tính khoảng 4 triệu người tại Việt Nam, Lào và Campuchia đã bị phơi nhiễm chất độc da cam khi quân đội Mỹ rải khoảng 76 triệu lít chất diệt cỏ xuống miền nam Việt Nam trong thời gian từ năm 1962-1971. Chất độc hóa học này đã gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng đối với khoảng 150.000 trẻ em tại Việt Nam.
Cho tới nay, chỉ mới có các cựu chiến binh quân đội của Mỹ, Australia và Hàn Quốc nhận được đền bù đối với các hậu quả gây ra bởi hóa chất có độc tính rất cao này. Chất độc da cam đã phá hủy các thực vật, ô nhiễm đất và làm nhiễm độc các loài động vật, gây ung thư và dị tật ở người, cũng như tấn công hệ thống miễn dịch của con người.
Tập đoàn hóa chất Đức Bayer, hiện sở hữu Monsanto, và các công ty khác bị khởi kiện thanh minh rằng, họ không chịu trách nhiệm về việc quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ. Trong khi, các luật sư của bà Nga lập luận rằng các công ty đáng lẽ phải từ chối cung cấp hóa chất rất độc hại như vậy cho quân đội Mỹ.