Ngày 9/9/2001, ở một góc hẻo lánh ở vùng cực Bắc nước Afghanistan, hai kẻ khủng bố của Taliban đóng giả phóng viên đến phỏng vấn Ahmed Shah Massoud – thủ lĩnh quân sự của Liên minh phương Bắc. Khi tiếp cận được Massoud, 2 tên này kích nổ bom mang theo và giết chết ông. Tin này là một tin chấn động khủng khiếp với Liên minh phương Bắc, với người dân Afghanistan, với tất thảy các nước xung quanh và các lực lượng đang ngày đêm miệt mài chống lại mối đe dọa khủng bố của Taliban. Tuy nhiên, trong đống nước mới nêu ra ở trên – không có Mỹ – quốc gia lúc này vẫn rảnh mắt khỏi Afghanistan kể từ khi Liên Xô bị đánh bại, và gần như không có khái niệm về Taliban hay Liên minh phương Bắc.
Kết quả như đã rõ, 2 ngày sau, 11/9/2001, những kẻ khủng bố lái máy bay đâm vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, sát hại hơn 3.000. Đến lúc này, người Mỹ mới bàng hoàng lật lại hồ sơ và nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều điều để có thể tránh khỏi thảm kịch. Vậy Ahmed Shah Massoud là ai và ông có liên hệ gì đến vụ 11/9?
Ahmed Shah Massoud sinh năm 1953 trong một bộ lạc quyền lực của người Tajik – dân tộc lớn thứ 2 ở Afghanistan và là sắc dân đông nhất ở miền Bắc nước này. Miền Bắc Afghanistan còn 2 dân tộc lớn khác là Uzbek và Hazara, còn miền Nam Afghanistan là lãnh thổ của dân tộc Pashtun lớn nhất đất nước.
Để nói một câu tổng quát nhất về cuộc đời của Ahmed Shah Massoud thì đó là ''chỉ huy du kích Mujahideen nổi tiếng nhất chống Liên Xô''. Đúng, trong tất cả Mujahideen chống sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan, Massoud là nổi tiếng nhất, không ai bì được. Vì vậy, nói chuyện Afghanistan mà không biết Ahmed Shah Massoud là ai thì tốt nhất không nên nói nữa. Chỉ huy lực lượng người Tajik đánh bại quân đội Liên Xô ở quê nhà tại thung lũng Panjshir, ông được các chỉ huy quân Liên Xô kính nể đặt cho biệt danh ''Sư tử Panjshir''.
Sau khi quân đội Liên Xô rút lui, thanh thế của Ahmed Shah Massoud tăng mạnh và ông được bầu làm Bộ trưởng quốc phòng của chính phủ mới, do Burhanuddin Rabbani làm Tổng thống. Tuy nhiên, vấn đề là chính phủ mới của Afghanistan không thể hoạt động hiệu quả do tranh chấp và xung đột lợi ích lẫn nhau giữa các nhóm sắc tộc cùng kháng chiến chống Liên Xô trước đó. Các nhóm quân người Tajik, Pashtun, Uzbek, Haraza,… đều có các lực lượng quân sự riêng của mình và được các nước chống lưng như Ấn Độ, Nga, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, các nước Trung Á,… nhưng một lần nữa nhấn mạnh: không có Mỹ. Riêng phe người Tajik của Massoud do là phe mạnh nhất, nên được gần như tất cả các nước trên kia ủng hộ, chỉ trừ nước duy nhất coi là kẻ thù: Pakistan.
Từ năm 1992 đến 1996, các phe phái này đã xung đột lẫn nhau, làm chính phủ Afghanistan tê liệt và hàng nghìn dân thường thiệt mạng. Mọi chuyện chỉ tạm chấm dứt, khi mùa hè năm 1996, một đội quân tự xưng Taliban từ dưới đất chui lên đánh chiếm hầu hết lãnh thổ Afghanistan và thủ đô Kabul. Thực ra là không có chui rúc gì cả, Taliban là một nhóm Hồi giáo cực đoan của học sinh người Pashtun đã thành lập năm 1994 ở miền Nam Afghanistan, nhưng lúc đó chính phủ Afghanistan còn đang bận đấu đá nhau ở thủ đô Kabul nên không thèm để mắt đến. Phải đến khi Taliban lớn mạnh nhanh chóng (do tình báo Pakistan chống lưng), thì chính phủ Afghanistan mới bừng tỉnh nhưng đã quá muộn – thủ đô Kabul và 90% lãnh thổ đã bị Taliban chiếm mất.
Sau khi Kabul thất thủ vào tay Taliban, chính phủ Afghanistan vỡ vụn, các chỉ huy đồng loạt chạy ra nước ngoài tị nạn. Duy chỉ có Ahmed Shah Massoud là ở lại, mang quân về vùng cực Đông Bắc hiểm trở của đất nước dựng căn cứ, kêu gọi các sắc tộc Afghanistan đoàn kết chống lại Taliban. Sự quả cảm của Shah Massoud đã có tác dụng, các chỉ huy quân sự đào tẩu lần lượt tìm về lãnh thổ của Massoud. Có được sự ủng hộ đông đảo của nhân dân và các lực lượng quân sự, Ahmed Shah Massoud lập ra liên minh quân sự – đặt tên là ''Liên minh phương Bắc – ám chỉ lực lượng phần lớn là của các dân tộc Bắc Afghanistan như Tajik, Uzbek, Kyrgyz,…Ngay sau khi thành lập, Liên minh phương Bắc đã được ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ các nước Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Á, châu Âu,… do giờ đây họ là niềm hy vọng duy nhất ở Afghanistan để chống lại mối de dọa khủng bố to lớn của Taliban. Ví dụ như chính phủ Nga, thường xuyên lấy máy bay chở khách cỡ lớn để chuyển vũ khí đến cho Liên minh phương Bắc, và trong một lần sơ suất một máy bay của họ bị Taliban tạt đầu ép hạ cánh và giam giữ hơn 1 năm trời (xem: sự cố Airstan).
Trong thời gian Liên minh phương Bắc chiến đấu với Taliban, họ chỉ kiểm soát 10% lãnh thổ nhưng người dân Afghanistan từ khắp các vùng Taliban chiếm đóng ồ ạt đổ về tị nạn. Ở vùng Liên minh phương Bắc, do Ahmed Shah Massoud phản đối chủ nghĩa Hồi giáo chính thống của Taliban, nên người dân ở đây có cuộc sống dễ thở hơn, phụ nữ được tôn trọng, được đi học, có viện trợ quốc tế,… nhưng điểm hạn chế là việc trồng thuốc phiện. Trong từng đó thời gian dưới sự chỉ huy của Massoud, quân Liên minh phương Bắc đã chống trả Taliban rất hiệu quả, giữ vững lãnh thổ. Ahmed Shah Massoud còn là người thông thạo tiếng Anh, Pháp,… và có cơ hội phát biểu trước Nghị viện châu Âu. Và trong một lần như thế, Ahmed Shah Massoud đã từng công khai cảnh báo: Taliban sẽ tấn công nước Mỹ. Nhưng lúc đó, lời cảnh báo của Massoud bị bỏ ngoài tai. Lúc đó là tháng 4/2001
Việc tồn tại Liên minh phương Bắc ở một góc lãnh thổ Afghanistan cũng là một cái gai trong mắt Taliban. Ngày 9/9/2001, tận dụng sự lỏng lẻo ở căn cứ của Liên minh phương Bắc, 2 kẻ khủng bố Taliban đóng giả phóng viên phỏng vấn Massoud đã kích nổ bom ám sát thủ lĩnh Liên minh phương Bắc. Massoud sau đó được khẩn cấp trở bằng trực thăng đến căn cứ của quân đội Ấn Độ ở nước Cộng hòa Tajikistan ở Trung Á nhưng đã không qua khỏi.
Cái chết của Ahmed Shah Massoud là một tin chấn động với người dân Afghanistan và các nước ủng hộ ông. Đám tang của ông đã có hàng trăm nghìn người để tang bất chấp sự ngăn cản của Taliban. Nhưng ở Mỹ nó bị lu mờ bởi vụ 11/9 diễn ra ngay sau đó, và bởi vì người Mỹ không có nhiều khái niệm về Afghanistan. Nhưng sau khi phát hiện ra mối liên hệ giữa vụ ám sát Massoud và vụ 11/9, cơ quan tình báo Mỹ mới té ngửa ra rằng họ đã bỏ lỡ không ít những cảnh báo xác thực của Ahmed Shah Massoud về vụ tấn công. Để chuộc lại sai lầm này, sau vụ 11/9 quân đội Mỹ đã chính thức can thiệp vào Afghanistan với chiến dịch tấn công lật đổ Taliban năm 2001. Trong cuộc chiến này, quân đội Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Liên minh phương Bắc và sát cánh cùng họ.
Tuy nhiên, việc mất đi thủ lĩnh linh hồn đồng thời là biểu tượng đoàn kết – thủ lĩnh – Ahmed Shah Massoud, Liên minh phương Bắc không còn duy trì được động lực. Họ tự nguyện rút lui khỏi chính trường Afghanistan, từ chối tham gia chính phủ do người Mỹ dựng lên. Liên minh phương Bắc coi như hoàn thành sứ mệnh lịch sử chống Taliban của mình. Đến nay, tàn dư của Liên minh phương Bắc chỉ còn trong các lực lượng tự vệ bộ lạc địa phương ở miền Bắc Afghanistan.
Để tưởng nhớ anh hùng Ahmed Shah Massoud và những người ngã xuống để chống lại Taliban, người dân Afghanistan sau này đã chọn ngày 9/9 hàng năm – ngày Massoud bị ám sát – làm ngày đoàn kết dân tộc. Trong ngày này thường diễn ra lễ tưởng niệm lớn đối với cái chết của Massoud, nhưng thỉnh thoảng Taliban cũng nhằm đúng dịp này để thực hiện các vụ tấn công gây thương vong lớn.