vu-chay-nha-tro-khien-14-nguoi-chet:-chi-biet-trach-ong-troi,-than-ba-hoa

Vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết: Chỉ biết trách ông Trời, than bà Hỏa

Quá nửa đêm, tôi hoảng hốt giật mình vì tiếng còi xe cứu hỏa hú hét xé toạc bầu không khí yên tĩnh của Hà Nội. Ở đâu đó lại cháy, nhưng lần này gần lắm. Rất gần. Có một cảm xúc gì đó bất an bỗng nhen lên trong tôi.

Sáng sớm, theo thói quen vừa thức dậy tay quờ chiếc điện thoại, đập vào mắt tôi là thông tin một khu nhà trọ bị cháy. Nhưng thật kinh hoàng và xót xa là thông tin: Có tới 14 người tử vong trong vụ cháy đó. Hóa ra linh cảm đã không đánh lừa tôi.

Đáng nói, căn nhà đó nằm ngay ngõ 119 Trung Kính (Cầu Giấy), con ngõ mà cách đây có vài ngày, chính tôi cũng rong ruổi vào đó đi tìm một căn phòng trọ để mẹ con cách ly sau khi cháu đi điều trị hóa chất về.

Nếu như con ngõ đó không quá nhỏ, quá sâu, taxi không thể vào và xe lăn của con tôi không phải đi quá xa thì có thể mẹ con tôi cũng đã chọn một căn phòng trong khu đó.

Bởi lẽ… nó vừa túi tiền của chúng tôi! Đơn giản vậy thôi.

Cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong: Chỉ còn biết trách ông Trời, than bà Hỏa- Ảnh 1.

Căn nhà trọ bị cháy nằm trong ngõ nhỏ và hẹp ở phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: PV

Vâng, không ai muốn ở trong một căn phòng trọ chật hẹp, nằm trong con ngõ dài đến 300 mét và xe cứu hỏa không thể vào được khi xảy ra chuyện.

Cũng chẳng ai muốn phải trọ ở một căn phòng kín bưng, lối đi cầu thang tối và nhỏ, lối thoát hiểm cũng không có. Chẳng ai muốn ở một căn nhà trọ chung với chủ, sáng đi ra, tối đi vào phải khép nép, chào hỏi, bạn đến chơi nhà phải báo cáo, dạ thưa…

Càng không ai muốn ở một căn nhà trọ đã nhỏ, hẹp, trong ngõ sâu mà phía dưới lại có một cửa hàng sửa chữa xe đạp điện… lúc nào cũng như một “quả bom nổ chậm” với đầy những cảnh báo về chập, cháy, nổ pin mà báo chí đã ra rả cả năm trời, nhất là sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình (Thanh Xuân) khiến 56 người thiệt mạng vào cuối năm ngoái.

Không ai muốn cả. Nhưng đó là sự lựa chọn bất đắc dĩ.

Tôi ở Hà Nội gần 20 năm, và trong quãng thời gian đó cũng có vô số lần đi tìm phòng trọ. Thời sinh viên, chúng tôi chấp nhận sống ở một căn nhà trọ 6 mét vuông ở trong một ngách nhỏ trên phố Hào Nam. Đó là ¼ căn nhà chung của người chủ cũ chia cho 4 đứa con của họ.

Căn phòng không chỉ lụp xụp, tối tăm, nhiều chuột bọ mà còn không có toilet. Nó chỉ có duy nhất một cái vòi nước để tắm rửa tại chỗ, còn muốn đi vệ sinh, chúng tôi phải xách 1 xô nước chạy vòng xung quanh khu tập thể, để đến một cái toilet công cộng cách đó cả trăm mét.

Và thế là ở cái khu trọ đó, cứ ai đi “giải quyết nỗi buồn” là cả xóm đều biết vì phải xách xô nước chạy vòng vòng.

Tất nhiên, với điều kiện nhếch nhác, tạm bợ như vậy, không ai muốn ở cả. Nhưng với mức giá 500.000 đồng/phòng, rẻ hơn quá nửa so với các phòng trọ thời điểm đó, rõ ràng nó là một sự lựa chọn hợp lý cho mấy đứa sinh viên nghèo như chúng tôi.

Mấy đứa bạn sinh viên trường ĐH Luật của tôi cũng trọ ở một căn ngõ nhỏ bên khu Pháo Đài Láng. Nói là phòng trọ cho sang, thực chất nó là căn phòng “độ” thêm từ căn nhà của người chủ theo kiểu balo – chuồng cọp – rộng vỏn vẹn 8 mét vuông cho 3 cô gái.

Và để lấy cái giá 1,2 triệu/tháng (khá là đắt đỏ khi đó), chủ trọ đã thiết kế một toilet khép kín nhưng… không có bồn cầu mà duy nhất là một ống nhựa cỡ lớn gắn thẳng xuống nền nhà. Thế là, lúc đi vệ sinh phải khéo léo lắm bạn mới có thể “nhắm” đúng cái lỗ của ống nhựa đó để “đi” mà không bị rơi ra ngoài.

Lúc đó chưa ai nghĩ đến chuyện phòng cháy chữa cháy cả. Có chỗ để trọ gần trường, tiện đi học, lại tự do đi làm thêm là quá tốt rồi. Tất nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, thời đó cũng ít điện thoại di động, xe đạp điện, bếp điện… nên nguy cơ cháy nổ cũng ít hơn bây giờ.

Hiện tại, cuộc sống sinh viên, người lao động ở Thủ đô có khá hơn ngày xưa nhưng không vì thế mà những khu trọ kiểu ổ chuột, chuồng cọp rúc trong những ngõ nhỏ, ngách nhỏ biến mất… Thậm chí, nó mọc ngày một nhiều hơn bởi tình trạng nhập cư làm dân số tăng nhanh hơn, mạnh hơn trước.

Và đáng nói, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về cháy nổ tại các khu trọ kiểu đó cao hơn trước bởi tần suất và mật độ sử dụng các thiết bị hiện đại mà “hại điện” lại càng được phổ biến hơn.

Thế nhưng, với sinh viên, người lao động nghèo họ không có nhiều sự lựa chọn hơn thời của chúng tôi cách đây 15–20 năm là mấy.

Cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong: Chỉ còn biết trách ông Trời, than bà Hỏa- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Nguyễn Thiêm. Ảnh: DV

Đọc thông tin về vụ cháy, bên cạnh những dòng thương cảm, xót xa về cái chết của 14 nạn nhân xấu số, đâu đó vẫn có người buông lời cay độc: “Sao không tìm chỗ trọ khác mà rúc vào đó?”; “Biết là nguy hiểm mà vẫn chui vào”; “Bao nhiêu vụ cháy rồi mà vẫn trọ ở những chỗ như thế?”…

Không phải người trong cuộc, mọi lời nói ra đều vô cùng dễ dàng. Những nạn nhân trong vụ cháy có biết như vậy là rủi ro không? Có chứ!

Họ có sự lựa chọn khác không? Chắc chắn có!

Nhưng đó là khi họ có mức sống tốt hơn, có nhiều tiền hơn. Khi đó cơ hội để có nhiều lựa chọn mới dành cho họ.

Hà Nội đất chật người đông, tấc đất ngàn vàng… bao năm nay vẫn luôn là “miền đất hứa”, “chốn đổi đời” của lao động nhập cư. Dân số tăng nhanh nhưng đất vàng không thể đẻ thì việc “sống chồng lên nhau” trong các ngõ ngách chật hẹp, trong những căn nhà trọ thiếu đủ thứ là điều tất yếu.

Và khi các chính sách vĩ mô, những quy định, quy chuẩn về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy vẫn chưa thể chạm đến những căn nhà trọ tồi tàn, chật hẹp trong các ngõ ngách… thì việc người dân nghèo phải học cách sinh tồn giữa Thủ đô, tự bảo vệ mạng sống cho mình là điều khó tránh khỏi.

Vậy chỉ còn biết trách ông Trời, than bà Hỏa mà thôi…!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *