Bảo mẫu nghi bạo hành bé trai hơn 1 tháng tuổi có thể bị truy tố hình sự
Ngày 16/12, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Công an phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị H.Y (35 tuổi) về việc con trai hơn 1 tháng tuổi của mình nghi bị bảo mẫu bạo hành gây phẫn nộ.
Theo vị lãnh đạo Công an phường Nghĩa Đô, vụ việc đã được chuyển lên Công an quận Cầu Giấy thụ lý, giải quyết.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh bé trai hơn 1 tháng tuổi nhiều lần bị nữ giúp việc tác động vật lý. Có lúc người này dùng tay đấm mạnh vào người cháu bé, có lúc vứt mạnh xuống giường, lắc lư mạnh, véo tai… mặc cho tiếng cháu bé kêu khóc yếu ớt.
Những lúc cháu bé quấy khóc, người này không những không dỗ dành mà còn liên tục có dấu hiệu bạo hành. Đỉnh điểm vụ việc, dù người thân cháu bé ngủ ngay cạnh giường nhưng người này vẫn nhiều lần bạo hành cháu bé.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS. Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, sau khi xem clip, hành vi của người phụ này nữ này là rất tàn nhẫn, có dấu hiệu của hành vi hành hạ người khác nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý với người phụ nữ này.
Theo luật sư Cường, trẻ mới hơn một tháng tuổi thường sẽ hay quấy khóc, không có khả năng tự vệ nên việc đánh đập hành hạ những đứa trẻ như vậy là vô cùng tàn nhẫn, có thể gây ra thương tích, thậm chí có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé. Một người phụ nữ độ tuổi như vậy thì hoàn toàn có thể nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi bạo hành đối với cháu bé đó.
“Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thụ lý tin báo và xác minh trong thời hạn 20 ngày. Nếu vụ việc phức tạp, có thể kéo dài 2 tháng để xem xét có quyết định khởi tố vụ án hình sự hay không. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy lời khai của người giúp việc này, lời khai của mẹ cháu và thu thập các dữ liệu điện tử, các chứng cứ khác có liên quan, đồng thời sẽ tiến hành đưa cháu bé đi thăm khám điều trị để xác định mức độ tổn thương, thương tích có xảy ra không.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé đã bị thương tích do hành vi đánh đập hành hạ thì sẽ xử lý người phụ nữ này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng là phạm tội với người dưới 16 tuổi. Trường hợp cháu bé may mắn không xảy ra thương tích nhưng hành vi đánh đập, hành hạ cháu bé như vậy gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội nên người phụ nữ này có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt tù từ 1 năm đến 3 năm tù do hành vi được xác định là phạm tội với người dưới 16 tuổi”, luật sư Cường nêu rõ.
“Đã đến lúc cần phải quy định điều kiện tiêu chuẩn về đạo đức, về kỹ năng đối với người giúp việc”
Luật sư Cường nhấn mạnh, vụ việc này một lần nữa cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bạo hành bất kể khi nào, kể cả trường hợp mẹ cháu bé đang ở bên cạnh như trong clip và những người có nguy cơ bạo hành trẻ em thường là những người có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em. Khi người có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, thiếu đạo đức, thiếu tình yêu thương, thiếu kỹ năng sống và bản tính ích kỷ thì rất dễ thực hiện hành vi bạo hành đối với trẻ em.
“Thời gian qua, không ít những vụ việc bảo mẫu thực hiện hành vi bạo hành trẻ em dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vậy đã đến lúc cần phải quy định về điều kiện tiêu chuẩn về đạo đức, về kỹ năng đối với người giúp việc gia đình có nhiệm vụ trông trẻ nhỏ. Với những người không đủ sức khỏe, có bệnh truyền nhiễm hoặc những người không đủ phẩm chất đạo đức, không có kỹ năng thì không cho phép làm nghề chăm sóc trẻ em”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Với những đối tượng bạo hành trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ như vậy thì cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp xử lý bằng chế tài hình sự để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
“Các bậc phụ huynh cũng cần tỉnh táo, thận trọng khi lựa chọn người giúp việc trông trẻ em, cần phải kiểm tra, giám sát, sử dụng các thiết bị điện tử để bảo đảm an toàn cho trẻ em, kịp thời phát hiện ra những hành vi bạo hành trẻ em để có thể can thiệp, ngăn chặn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, luật sư Cường cảnh báo.