Thứ hai, ngày 05/05/2025 10:28 GMT+7
Gia Khiêm Thứ hai, ngày 05/05/2025 10:28 GMT+7
Đó là chia sẻ của TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương với PV Dân Việt liên quan đến vụ việc bé trai 4 tuổi ở Nam Định trước đó nhập viện cấp cứu gây xôn xao dư luận.
Vụ bác sĩ bị tố thờ ơ, yêu cầu phải nộp đủ tiền tạm ứng mới cấp cứu: Bé trai qua cơn nguy kịch
Sáng 5/5, trao đổi với PV Dân Việt, TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đến thời điểm hiện tại, bệnh nhi M.T.A. (4 tuổi, quê Nam Định) đã dần ổn định, thoát cơn nguy hiểm tính mạng.
Theo TS.BS Cao Việt Tùng, hiện các bác sĩ vẫn tích cực theo dõi thêm nhưng cơ bản xử lý được tổn thương. Trước đó, khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương rách cơ hoành trái gây thoát vị dạ dày và ruột lên lồng ngực, chấn thương thận độ 3, đụng dập ruột non… Ê-kíp phẫu thuật khâu tạo hình cơ hoành, cắt bỏ đoạn ruột bị dập và nối ruột, bảo tồn được thận cho bệnh nhi.

“Hiện tại bác sĩ xử lý được tổn thương, khu vực cơ hoành, thận của cháu đang dần phục hồi tốt”, TS.BS Tùng nói và cho biết thêm, vẫn cần làm thêm một số xét nghiệm, chụp chiếu thăm dò khác và theo dõi tích cực để hồi phục hoàn toàn.
Trước đó, tối 3/5, mạng xã hội lan truyền clip dài khoảng 2 phút về sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Theo nội dung clip, một người đàn ông thấy cháu bé gặp tai nạn với xe ba bánh tự chế nên đã đưa trẻ đi cấp cứu. Tuy nhiên, người này cho hay khi đưa bệnh nhi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, các nhân viên y tế yêu cầu phải nộp đủ tiền tạm ứng viện phí thì mới cấp cứu.

Báo cáo nhanh ngày 4/5 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khẳng định nhân viên đã thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện để không phải nộp tiền tạm ứng thêm.
Ê-kíp trực ngày 3/5 giải trình không trao đổi trực tiếp với người đưa cháu A. đến cấp cứu nội dung “nộp đủ tiền mới đi cấp cứu”. Quá trình cấp cứu tại bệnh viện, bố mẹ bệnh nhi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, viện này cho biết “sẽ tiếp tục rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”.
Yêu cầu bệnh viện và Sở Y tế Nam Định báo cáo trung thực, cầu thị
Chiều 4/5, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Sở Y tế chỉ đạo làm rõ vụ việc bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị tố thờ ơ, yêu cầu phải nộp đủ tiền tạm ứng mới cấp cứu cho bé 4 tuổi gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, trong văn bản nêu rõ, trên các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin vụ việc cháu bé “không được cấp cứu vì chưa đóng viện phí” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Trước sự việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Giám đốc Sở Y tế khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin, vụ việc nêu trên; nếu phát hiện vi phạm, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có) theo đúng quy định.
Cùng với đó, kịp thời chấn chỉnh các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện, tuân thủ quy trình cấp cứu, công tác trực bệnh viện và kỹ năng trao đổi, thông tin với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; đảm bảo chấp hành đúng quy định và an toàn cho người bệnh. Báo cáo UBND tỉnh kết quả xác minh, giải quyết (qua Văn phòng UBND tỉnh) trước 10 giờ ngày 5/5.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh đang yêu cầu Giám đốc Sở Y tế và lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định khẩn trương xác minh làm rõ, trên tinh thần báo cáo trung thực, cầu thị.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Hà Anh Đức, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ra văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nam Định và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định báo cáo, làm rõ thông tin.
“Quan điểm của Cục Quản lý Khám chữa bệnh là thực hiện nghiêm các quy định về cấp cứu người bệnh bị tai nạn. Nghiêm khắc xử lý các cá nhân, tập thể nếu phát hiện có các vi phạm”, ông Đức nhấn mạnh.
Điều 44 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định “Nghĩa vụ đối với người bệnh”
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này (liên quan quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh của thầy thuốc).
2. Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.
3. Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này.
4. Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.
5. Chỉ được yêu cầu người bệnh chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.