Chủ nhật, ngày 18/05/2025 17:06 GMT+7
Vụ 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả: Bộ Y tế phối hợp với CA Hà Nội xác minh, làm rõ
Diệu Linh Chủ nhật, ngày 18/05/2025 17:06 GMT+7
Trong vụ 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả vừa được CA Hà Nội triệt phá, Cục An toàn thực phẩm cho biết đang phối hợp với công an xác minh, làm rõ các sản phẩm bị thu giữ.
Liên quan đến vụ 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả vừa được Công An Hà Nội triệt phá, ngày 18/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an thành phố Hà Nội cung cấp thông tin các sản phẩm công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các công ty nói trên để phục vụ công tác điều tra nhằm xác minh, làm rõ các sản phẩm bị thu giữ.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua hoặc sử dụng các sản phẩm liên quan đến vụ việc trên đã đăng nhằm tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế.

Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm sẽ cập nhật thông tin trên website các sản phẩm thực phẩm chức năng giả để người tiêu dùng biết và không sử dụng.
Trước khi vụ việc được Công an thành phố Hà Nội phát hiện, ngày 5/5/2025, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2657/BYT-ATTP về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả gửi các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh thành phố.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 790/ATTP-SP ngày 18/4/2025 về tăng cường kiểm tra hậu kiểm thực phẩm giả, kém chất lượng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố.
Để tăng cường quản lý chặt chẽ đối với thực phẩm chức năng, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Mục tiêu của việc sửa đổi là tăng cường chất lượng và an toàn của sản phẩm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) – Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả.
Đường dây này do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, cư trú tại số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Theo đó, các đối tượng khai, đã thành lập 17 công ty trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Các đối tượng nhập một lượng nhỏ sản phẩm thật từ nước ngoài để tạo lòng tin, đồng thời dùng hồ sơ nhập khẩu này che giấu hoạt động sản xuất hàng giả. Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng phòng PC03, cho biết: “Họ chỉ nhập khẩu một phần rất nhỏ, còn 99% là sản xuất trong nước”.
Lợi dụng chuyên môn là dược sĩ, Tiến tự nghĩ ra công thức sản phẩm, thu mua nguyên liệu trôi nổi trong nước rồi giao cho nhân viên không có chuyên môn pha trộn, đóng gói thành các sản phẩm mang nhãn mác nước ngoài, bao gồm thực phẩm chức năng và thiết bị y tế. Những sản phẩm nhập khẩu thật được dùng làm “vỏ bọc” để hợp pháp hóa hồ sơ, giấy tờ.