Chủ nhật, ngày 18/05/2025 19:02 GMT+7
Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 18/05/2025 19:02 GMT+7
Bên cạnh vai trò Giám đốc tại công ty chuyên phục vụ ép vỉ sản phẩm giả, Phạm Ngọc Tiến còn điều hành doanh nghiệp có ngành kinh doanh chính về thuốc, dụng cụ y tế.
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây thực phẩm chức năng giả có quy mô lớn hơn 100 tấn, do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu, thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra cho hay, để phục vụ sản xuất, Tiến lập xưởng tại thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên) và thành lập Công ty in Âu Việt tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc chuyên in màng nhôm, phục vụ ép vỉ sản phẩm. Các công ty còn lại thuộc hệ sinh thái của nhóm này chưa được Công an công bố.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, Công ty TNHH Phát triển công nghệ in Âu Việt được thành lập vào tháng 5/2022, mức vốn điều lệ đăng ký là 19 tỷ đồng. Tại đây, Phạm Ngọc Tiến giữ chức danh Giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty.
Cùng với Công ty TNHH Phát triển công nghệ in Âu Việt, Phạm Ngọc Tiến hiện tại đang là Giám đốc – người đại diện của một doanh nghiệp có ngành kinh doanh chính về thuốc, dụng cụ y tế, nước hoa, mỹ phẩm là Công ty TNHH Dược phẩm Medical Việt Nam (Dược phẩm Medical).
Thành lập tháng 9/2016, Dược phẩm Medical có trụ sở tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Thời điểm đó, Phạm Ngọc Tiến là một trong 2 cổ đông góp vốn, với 50% tỷ lệ sở hữu.
Tính đến cuối năm 2018, Dược phẩm Medical nhiều lần có biến động về cơ cấu cổ đông góp vốn, tuy nhiên Phạm Ngọc Tiến luôn giữ tỷ lệ trên 50% quyền sở hữu. Tháng 8/2018, trụ sở của Công ty đặt tại phố Ngô Thì Sỹ, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Theo cơ quan Công an, kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm thu giữ được 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu…
Các loại thuốc, thực phẩm chức năng bị thu giữ bao gồm cả sản phẩm dành cho nhóm nhạy cảm về sức khoẻ như trẻ em, bà bầu và người già.


Tất cả các nhãn mác trên sản phẩm này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ,..).
Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và đã xuất bán hàng hóa cho hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.
Tra cứu qua mạng internet, phóng viên nhận thấy nhiều sản phẩm gắn với Công ty TNHH Dược phẩm Medical Việt Nam được quảng cáo, lưu hành công khai. Trong đó, một số sản phẩm còn đi kèm với các Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế như thực phẩm hỗ trợ gan Maxbumin, hay viên bổ sung vitamin khoáng chất cho bà bầu Mineralfolic..

Với mức giá đắt đỏ, hệ thống phân phối dày đặc nhưng thông tin nhiễu loạn, đi kèm sự không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất.. người tiêu dùng rất dễ rơi vào “ma trận”, khó phân biệt được thật giả.
Như thông tin Dân Việt đã đưa trước đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an thành Hà Nội vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả.
Theo cơ quan điều tra, Phạm Ngọc Tiến đã chỉ đạo kế toán lập 17 công ty “bình phong”, gồm 6 công ty chuyên nhập khẩu và 11 công ty phân phối hàng trong nước. Ban đầu, nhóm này nhập khẩu thực phẩm chức năng chính hãng từ nước ngoài để hợp thức hóa hoạt động kinh doanh.
Sau đó, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, Tiến chuyển sang sản xuất hàng giả trong nước, nhưng gắn mác hàng nhập ngoại nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Điều đáng nói là số lượng lớn sản phẩm giả đã được đưa ra tiêu thụ trên phạm vi toàn quốc.