VIRUS – CHIẾN BINH ĐẮC LỰC TRONG CÔNG CUỘC CHINH PHỤC CHÂU MỸ CỦA NGƯỜI ÂU

Tầm quan trọng của các vi trùng gây chết người trong lịch sử nhân loại được minh họa rõ ràng qua việc người châu Âu chinh phục và làm chết hầu hết cư dân ở Tân Thế giới.
Số người châu Mỹ bản địa chết trên giường vì các vi trùng của Âu-Á cao hơn rất nhiều so với số người chết trên chiến trường vì súng và gươm của người Âu. Các vi trùng này đã xói mòn sức kháng cự của người Anh-điêng bằng cách giết chết gần hết người Anh-điêng cùng các lãnh tụ của họ và khiến những người sống sót nhụt hết nhuệ khí. Chẳng hạn, vào năm 1519 Cortés đổ bộ lên bờ biển Mexico cùng 600 người Tây Ban Nha để chinh phục đế quốc Aztec với dân số nhiều triệu người và một đội quân hùng mạnh. Việc Cortés đến được thủ đô Tenochtitlán của đế quốc Aztec, sau đó thoát được mà “chỉ” mất hai phần ba lực lượng của mình và lại mở được đường máu quay về bờ biển minh họa cho cả ưu thế quân sự của người Tây Ban Nha lẫn sự ngây thơ ban đầu của người Aztec. Nhưng khi Cortés tấn công ác liệt lần thứ hai, người Aztec không còn ngây thơ nữa mà chiến đấu hết sức ngoan cường để giữ từ con phố này sang con phố khác. Cái giúp cho người Tây Ban Nha có ưu thế quyết định chính là bệnh đậu mùa vốn đã đổ bộ sang Mexico vào năm 1520 cùng với một nô lệ bị nhiễm bệnh đến từ Cuba thuộc Tây Ban Nha. Trận dịch từ đó sinh ra đã giết chết gần một nửa dân số Aztec trong đó có cả Hoàng đế Cuitláhuac. Những người Aztec sống sót thì mất hết tinh thần trước căn bệnh bí hiểm đã giết chết bao nhiêu người Aztec nhưng lại không đụng đến người Tây Ban Nha, cứ như là quảng bá cho sự bách chiến bách thắng của người Tây Ban Nha vậy. Dân số Mexico ban đầu là 20 triệu, đến năm 1618 đã tụt hẳn xuống còn vỏn vẹn 1,6 triệu người.
Tương tự, Pizarro cũng đã gặp may khi đổ bộ lên bờ biển Peru vào năm 1531 với 168 thuộc hạ để chinh phục đế quốc Inca đông tới hàng triệu người. May cho Pizarro và thật không may cho người Inca, bệnh đậu mùa đã lan đến xứ này bằng đường bộ từ khoảng năm 1526, giết chết hầu hết dân số Inca kể cả Hoàng đế Huayna Capac và người được chỉ định kế vị ông ta. Như ta đã thấy ở Chương 3, việc ngai vàng bị bỏ trống đã đưa tới hậu quả là Atahualpa và Huascar, hai con trai khác của Huayna Capac, gây cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn và Pizarro chỉ việc lợi dụng để chinh phục xứ Inca vốn đã bị chia rẽ.
Nói đến những xã hội đông dân nhất ở Tân Thế giới vào năm 1492, chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ đến người Aztec và người Inca. Chúng ta quên rằng Bắc Mỹ cũng từng là nơi có những xã hội Anh-điêng đông đúc ở chính nơi hợp lý nhất là thung lũng sông Missisippi, một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất của Hoa Kỳ ngày nay. Tuy nhiên, trong trường hợp Bắc Mỹ, các nhà chinh phục người châu Âu đã không hề góp phần trực tiếp vào việc hủy diệt các xã hội đó, mà chính các vi trùng Âu-Á – vốn bành trướng đến đó trước con người – đã làm tất cả. Khi Hernando de Soto trở thành nhà chinh phục người châu Âu đầu tiên hành quân ngang qua vùng đông nam Hoa Kỳ vào năm 1540, ông đã đi qua những thành thị của người Anh-điêng bị bỏ hoang từ hai năm trước đó bởi dân cư đã chết sạch vì bệnh dịch. Những trận dịch đó đã lây lan từ những người Anh-điêng vùng duyên hải bị nhiễm bệnh bởi những người Tây Ban Nha đặt chân lên bờ biển. Các vi trùng của người Tây Ban Nha phát tán vào nội địa nhanh hơn bản thân người Tây Ban Nha.
De Soto vẫn có cơ hội nhìn thấy một số thành thị Anh-điêng có dân cư đông đúc dọc theo vùng hạ lưu Missisippi. Sau khi cuộc hành quân của ông kết thúc, phải mất một thời gian dài sau đó người châu Âu mới lại đặt chân đến thung lũng Missisippi, nhưng các vi trùng Âu-Á giờ đã chắc chân ở Bắc Mỹ và tiếp tục phát tán. Đến khi người châu Âu tái xuất hiện ở vùng hạ lưu Missisippi, ấy là khi người Pháp đến định cư vào cuối thập niên 1600, hầu như tất cả các thành thị lớn của người Anh-điêng đã biến mất. Vết tích còn lại của chúng là các di chỉ gò đống lớn ở thung lũng Missisippi. Chỉ gần đây người ta mới vỡ lẽ rằng nhiều xã hội trong số các xã hội từng xây các gò đống đó nói chung vẫn còn nguyên vẹn khi Columbus đặt chân đến Tân Thế giới, và các xã hội đó đã sụp đổ (có lẽ vì bệnh tật) trong khoảng từ năm 1492 đến khi người châu Âu khai phá vùng Missisippi một cách có hệ thống.
Hồi tôi còn trẻ, người ta vẫn dạy trẻ con Mỹ rằng ngày xưa Bắc Mỹ vốn chỉ có chừng một triệu người Anh-điêng sinh sống. Con số nhỏ nhoi này có ích trong việc biện minh rằng hồi xưa khi người da trắng chinh phục châu Mỹ thì thật ra vùng này chỉ coi như một lục địa không người ở mà thôi. Tuy nhiên, các khai quật khảo cổ, cùng với các nghiên cứu kỹ lưỡng những mô tả của chính các nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đặt chân lên bờ biển Hoa Kỳ đã cho ta thấy, thật ra Bắc Mỹ vốn từng có đến khoảng 20 triệu người Anh-điêng. Nếu tính chung toàn bộ Tân Thế giới thì trong vòng một, hai thế kỷ sau khi Columbus đặt chân đến đây, dân số người Anh-điêng đã sụt giảm những 95%.
Tác nhân giết người chính là các vi trùng của Cựu Thế giới mà người Anh-điêng chưa bao giờ tiếp xúc nên chưa hề được miễn dịch cũng không hề có kháng thể di truyền. Đậu mùa, sởi, cúm và sốt phát ban tranh nhau vị trí đầu bảng trong những tác nhân giết người này. Thế mà, như thể ngần ấy vẫn chưa đủ, theo bén gót lại còn những bệnh bạch hầu, sốt rét, quai bị, ho, dịch hạch, lao và sốt hoàng nhiệt. Trong không biết bao nhiêu trường hợp, người da trắng đã thực sự có mặt đặng chứng kiến sự hủy diệt xảy ra khi các vi trùng đến. Chẳng hạn, vào năm 1837, bộ lạc Manda của người Anh-điêng, với một trong những nền văn hóa tinh vi nhất của vùng Đồng bằng Lớn Bắc Mỹ, đã nhiễm bệnh đậu mùa từ một con tàu hơi nước chu du từ St. Louis ngược dòng Missouri. Chỉ trong dăm tuần lễ, dân số của một làng Manda đã tụt thảm hại từ 2.000 người xuống còn chưa đầy 40 người.
(SÚNG, VI TRÙNG VÀ THÉP – Jared Diamond)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *