Việt Nam từ thời xưa (đến nay vẫn còn nhưng đỡ hơn) là một đất nước mang nặng tính chất cục bộ và địa phương.
Hiện nay để khỏa lấp đi việc cục bộ cát cứ cũng như dung hòa 54 dân tộc anh em, chúng ta thường tiếp cận lịch sử ở góc độ “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, nhưng thực tế là ở mỗi triều đại khác nhau, tùy vào căn cơ của triều đại đó mà vùng kiểm soát và vùng ảnh hưởng của mỗi triều đại cũng khác.
Xa quá khoan bàn, từ thời nhà Hồ thì có thể thấy nhà Hồ được sự ủng hộ từ các thế lực ở Thanh – Nghệ, kiểm soát không tốt Đông Kinh – Tây Bắc, cộng thêm chính sách quá nát nên … thôi không nói nữa. Các cuộc khởi nghĩa Hậu Trần thì vùng họ kiểm soát tốt là Đông Kinh và các khu vực lân cận, còn khởi nghĩa Lam Sơn thì lấy đất Thanh – Nghệ làm căn bản, đất Đông Kinh phải tới đời Thánh Tông mới gọi là thần phục hoàn toàn. Đó là lý do vì sao Lê Thái Tổ rất thận trọng đối với khu vực Đông Kinh và Tây Bắc, vụ Phạm Văn Xảo và Đèo Cát Hãn là một phần trong nỗ lực của Lê Thái Tổ để kiểm soát khu vực này.
Thời Mạc thì Mạc Đăng Dung lấy Hải Dương, Đông Kinh làm căn bản, các thế lực phù Lê thì lại lấy đất Thanh – Nghệ làm hậu phương, chiến tranh Nam – Bắc triều kỳ thực chính là sự phân tranh của hai tập đoàn thế lực này để đến cuối cùng thì phe TRịnh chiến thắng.
Thời kỳ Đàng Trong – Đàng Ngoài, chúa Trịnh củng cố vùng kiểm soát của mình ra toàn bộ Bắc Hà, vẫn lấy Trung quân phủ, tức quân Thanh – Nghệ làm căn bản, cũng là dẫn đến cái họa quân Tam phủ sau này. Có thể nói là thành bởi Thanh Nghệ bại cũng bởi Thanh Nghệ.
Phía chúa Nguyễn từ phần căn bản là đất Thuận – Hóa bắt đầu quá trình khai phá về phía nam, và mở rộng ảnh hưởng của mình lên đến vùng cực nam của đất nước. Ở đây có một lưu ý là do sự thiếu thốn về nhân lực , các sắc dân khác thâm căn cố đế và đông đảo nên chúa Nguyễn thi hành chính sách tương đối cởi mở và hòa hợp dân tộc. Vùng viễn Nam là Đồng Nai – Gia Định do hạn chế về giao thông cũng như thế lực người Hoa rất mạnh nên quyền thống trị của chúa Nguyễn ở đây cũng hạn chế, gần như là một dạng bán tự trị. Vùng đất căn bản của chúa Nguyễn vẫn là tộc người Kinh và các khu vực đồng bằng duyên hải từ Thuận Hóa ra tới Quảng Nam.
Khi Tây Sơn khởi sự, vùng đất căn bản của họ là Quy Nhơn, đây là đất mà Nguyễn Nhạc coi là căn cơ. Căn cứ khởi nghĩa ban đầu của Tây Sơn là An Khê, thời đó gọi là Đèo Mang (có nghĩa là Cổng theo tiếng Bahnar) Vùng đất phía Đông đèo Mang là Tây Sơn hạ đạo, vùng phía Tây trở lên chen lẫn trong rừng rậm và núi cao gọi là Tây Sơn thượng đạo.
Khác với chúa Nguyễn trực trị đồng bằng thì ảnh hưởng ban đầu của Tây Sơn lại có liên quan mật thiết với khu vực Tây Nguyên, và sau này dần mở rộng sức ảnh hưởng ra toàn Đàng Trong, những nơi mà chúa Nguyễn ngày xưa trực trị kỳ thực lại là vùng trung thành với Tây Sơn nhất, thân binh của Nguyễn Huệ chủ yếu lầy từ Thuận – Quảng.
Về sau này, Tây Sơn phân liệt thành 2 mảnh. Nguyễn Nhạc chỉ có tham vọng thay thế chúa Nguyễn làm chúa ở Đàng Trong tách bạch với triều đình nhà Lê, trong khi Nguyễn Huệ lại muốn nhân lúc Bắc Hà suy yếu chiếm lấy miền Bắc. Từ đó xảy ra xung đột giữa hai người.
Cũng phải nói rằng, Nguyễn Nhạc nhìn nhận việc chiếm lấy Bắc Hà lúc đó có rất nhiều rủi ro, các thế lực Trịnh – Lê thâm căn cố đế trong khi Tây Sơn chưa có căn cơ gì ngoài Bắc, lại có nguy cơ xảy ra sự can thiệp của nhà Thanh, đây là những chướng ngại rất lớn và nguy hiểm. Dù sao thì Đàng Trong trước nay vẫn là phe yếu thế hơn so với Đàng Ngoài.
Nhưng ngược lại, lựa chọn của Nguyễn Nhạc suy cho cùng là yên ổn nhất thời nhưng hỏng về lâu dài.
Đàng Trong có hạn chế rất lớn về mặt nhân lực (kể cả trong trường hợp thu phục hoàn toàn được Gia Định thì tới tận cuối triều Nguyễn dân số khu vực miền Bắc vẫn là đông hơn hẳn) , lãnh thổ Đàng Trong lại dài hẹp khó kiểm soát, mặt trông ra biển, lưng tựa vào núi. Đặc biệt, sự trỗi dậy của Xiêm trong thời Taskin và Rama I khi Miến bị sa lấy vào cuộc tranh chấp với nhà Thanh đã khiến chỉ trong 10 năm sức ảnh hưởng của Xiêm lan rộng tới các tiểu quốc phía Tây, Chân Lạp, Lang Xa, Ai Lao và chạm tới sau dãy Trường Sơn, sát bên hông của nước ta.
Khác với thời chúa Nguyễn là tranh chấp với các tiểu quốc rời rạc phía Tây thì ở thời kỳ này Đàng Trong chịu sự va chạm cường độ cao hơn nhiều với Xiêm và các tiểu quốc thân Xiêm, ở Đàng Trong chúng ta cũng không có lá chắn tự nhiên là dãy Trường Sơn che chắn như ở phía Bắc.
Do đó, lựa chọn của Nguyễn Nhạc rất dễ đặt mình vào thế 3 mặt thụ địch. Thực tế là thời gian sau này, Nhạc không chỉ phải chống với mình Nguyễn Ánh mà đó là một liên minh Xiêm – các tiểu quốc phía Tây – Nguyễn Ánh, trong trường hợp Bắc Hà khôi phục có vua mới hoặc bị nhà Thanh chiếm lấy thì trường hợp xui xẻo nhất là sẽ phải đối mặt với đòn tấn công từ 4 phía (Tập kích từ mạn biển)
Ở phía bên kia của Tây Sơn, Nguyễn Huệ cố gắng mở rộng lãnh thổ, vượt qua ranh giới sông Gianh chiếm lấy miền Bắc muốn dùng đây làm trung tâm lãnh thổ mới của mình ở Nghệ An, ông ta đã hoàn thành được những việc khó khăn nhất là đánh bại thế lực chúa Trịnh – vua Lê, cũng như đánh tan sự can thiệp của nhà Thanh và ngoại giao thành công nhận được sự công nhận của Thanh triều.
Tuy nhiên, căn cơ của Tây Sơn ở đây là không vững vàng, sự ra đi đột ngột của Nguyễn Huệ càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng khi một thời gian dài sau đó nội bộ Tây Sơn rơi vào lục đục, tự chặt tay chân của mình, còn các thế lực khác thì trỗi dậy mạnh mẽ.
Ở phía Nguyễn Ánh thì vùng mà Nguyễn Ánh kiểm soát tốt được là ở Đàng Trong, miền Bắc Nguyễn Ánh không có căn cơ gì, việc đặt đô ở Phú Xuân càng khiến việc quản lý Bắc Hà trở nên khó khăn nên không lạ lùng gì việc Nguyễn Ánh dứt khoát cắt hẳn Trấn Ninh cho Lào, tinh gọn lãnh thổ để dễ quản lý.
Thực tế, đất nước của chúng ta chịu rất nhiều phân liệt, bởi hạn chế tự nhiên cũng có, hạn chế từ triều đình cai trị cũng có, mà hạn chế từ cái tư duy cục bộ địa phương lại càng nhiều, chỉ từ khi áp dụng tinh thần dân tộc, đề cao việc hòa hợp 54 dân tộc anh em, “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” dùng đó làm kim chỉ nam trong hệ tư tưởng và dùng chiến công đánh đuổi ngoại xâm làm nền tảng chủ chốt thì chúng ta mới thực sự thống nhất lại được thành một khối.