Thứ sáu, ngày 04/07/2025 19:20 GMT+7
“Tôi sống với HIV” – nghẹn ngào khi được sống thật
Tuấn Kiệt Thứ sáu, ngày 04/07/2025 19:20 GMT+7
Tại sự kiện “35 năm HIV tại Việt Nam”, nhiều người sống với HIV đã bước ra công khai, nói về cuộc sống thật của họ bằng tất cả sự dũng cảm và niềm tin, được sống vui, sống có ích.
Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM phối hợp cùng các tổ chức cộng đồng vừa tổ chức chương trình “35 năm HIV tại Việt Nam” tại Trung tâm thương mại Parc Mall (Q.8, TP.HCM).
Người có HIV vẫn sống vui, sống có ích
Tại sự kiện, nhiều người đang sống với HIV đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời chông gai nhưng cũng tràn đầy nghị lực của họ.
Một người đàn ông nói: “Tôi sống với H 8 tháng”. Một người khác cười nhẹ: “Tôi 10 năm rồi”.
Ngay sau đó, cô Nguyễn Thị Hồng (sống tại TP.HCM) đã đứng lên dõng dạc nói: “Tôi sống với H 33 năm!”. Cô là một trong những người đã sống với HIV lâu nhất ở Việt Nam.

Cô chia sẻ, năm 1996, cô phát hiện mình bị nhiễm HIV nhưng không dám nói với ai. Lúc điều trị bằng thuốc ARV, da mặt cô đen sạm, hàng xóm đồn đoán ác ý. Nhưng cô vẫn làm việc cộng đồng, phát bao cao su, kim tiêm sạch cho người làm nghề mại dâm.
“Tôi sợ nhất là chết vì HIV trông hình ảnh thê thảm. Nên tôi tự nhủ: đã sống là phải sống cho đẹp, nếu chết thì cũng phải… chết đẹp”, cô Hồng nghẹn ngào tâm sự.
Lắng nghe câu chuyện của những người có H, bác sĩ bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM – Trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Chúng tôi muốn để người dân thấy rằng: người có HIV không còn là nhóm phải giấu mặt, phải sống trong bóng tối. Họ đã đủ tự tin để bước ra, chia sẻ, sống có trách nhiệm và cống hiến cho xã hội”.
Anh Nguyễn Anh Phong, nhà hoạt động cộng đồng từng được vinh danh tại Thái Lan, cho biết: “Trước đây, để được nhận thuốc ARV, chúng tôi phải vượt qua hàng loạt thủ tục, câu hỏi, thậm chí cảm giác bị xét nét. Giờ đây, nhờ cải cách ngành y tế và chính sách an sinh xã hội, người có H dễ dàng tiếp cận điều trị hơn.”
Theo anh Phong, cần phải truyền thông để mọi người hiểu rằng, không phải ai có H cũng vì lối sống xấu. Nhiều người chỉ vì một sai lầm nhỏ, hoặc tai nạn y khoa. Nếu xã hội vẫn giữ định kiến, họ sẽ không dám đi khám, không dám điều trị – như vậy mới nguy hiểm.
Bởi vì “HIV không lây qua cái bắt tay, nhưng kỳ thị thì lây nhanh hơn cả virus”.

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030
Tại chương trình, TS, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế – cho biết: “Tính đến nay, cả nước có khoảng 250.000 người sống với HIV. Phần lớn được điều trị ổn định bằng thuốc ARV và vẫn sinh hoạt, lao động bình thường.”
Ngành y tế đang thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, theo mô hình “95 – 95 – 95” do Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất: 95% người nhiễm biết tình trạng của mình; 95% người biết bệnh được điều trị; và 95% người điều trị có tải lượng virus thấp không còn khả năng lây.
“Trước đây, người có HIV thường tử vong sau vài năm. Nhưng nay, nếu điều trị đúng cách, họ có thể sống khỏe như người bình thường. Đặc biệt, thuốc dự phòng PrEP và các dịch vụ miễn phí của bảo hiểm y tế đã giúp nhiều người không còn lo sợ khi phát hiện bệnh,” ông Tâm nhấn mạnh.
Hiện tại, những con số thống kê cho thấy nhóm thanh niên, người đồng tính, người chuyển giới và người làm nghề mại dâm là những nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV, nhưng cũng là nhóm chịu kỳ thị nhiều nhất.
Tại sự kiện, đại diện Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM kêu gọi người dân – đặc biệt là người trẻ – hãy trang bị kiến thức đúng, không nghe theo tin đồn, không xa lánh người bệnh.