Việc đánh giá lại nhân vật Taira no Kiyomori
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã soi sáng thêm về con người của Taira no Kiyomori [平清盛: Bình Thanh Thịnh] (1118-1181) và đánh giá lại giá trị lịch sử của ông. [1]
Cho đến nay Kiyomori được biết như là một người hùng thời trung cổ, một quân nhân đã quật ngã được tầng lớp quí tộc để giành lấy quyền bính và là chính trị gia độc tài thao túng triều đình Heian với một chế độ gia đình trị (gia tộc Taira/ Heike). Thế nhưng ngày nay khi người ta xét lại điều đó đã cho rằng ông còn là người viễn kiến, biết đi trước thời cuộc. Giáo sư Motoki Yasuo của Đại học Kyôto phát biểu: “ Nhà Heike đã có thể tổ chức được một chính quyền mạc phủ hùng mạnh như dưới thời Shôgun Ashikaga Yoshimitsu” (người nắm chính quyền 26 năm từ 1368- 1394, đã xây Kinkakuji [Kim Các Tự] và mở rộng mậu dịch với nhà Minh). Ông cho rằng nếu Kiyomori sống thêm ít lâu nữa thì sẽ thực hiện được chế độ kôbu gattai (công vũ hợp thể), nền móng của các mạc phủ sau này bởi vì ông đã chấm dứt được chế độ insei (viện chính), một nước với hai triều đình và đã có ý hay dời đô từ Kyôto về Fukuhara (cảng gần Kobe bây giờ) để khuyến khích mậu dịch Nhật – Tống.
Takahashi Masaaki, giáo sư danh dự của Đại học Kobe cho biết Kiyomori đã biết sử dụng các bushi (võ sĩ) địa phương để bảo vệ kinh đô và tổ chức họ thành một đội quân. Minamoto no Yoritomo, Shôgun đầu tiên của Mạc phủ Kamakura, đã ảnh hưởng từ Kiyomori rất nhiều, chỉ mô phỏng ông mà thôi. Giáo sư Takahashi chủ trương rằng nếu chính quyền Heike còn thì Nhật Bản sẽ mở cửa ra thế giới với các cảng Hakata ở Kyuushuu và Ôwada no Tomari ở vùng Fukuhara. Kiyomori đã sửa soạn cả trục giao thông trên biển nội địa cho phép tàu lớn vào đến vùng kinh đô. Lưu huỳnh, vàng, bạc, gỗ, kiếm Nhật, đồ sơn của Nhật sẽ được xuất khẩu qua Tống và đồ gốm, kinh sách, tiền đồng sẽ được nhập từ Tống vào.
Kojima Tsuyoshi, giáo sư Đại học Tôkyô xem cuộc tranh hùng giữa Genji và Heike như một cuộc tranh chấp giữa xã hội nông nghiệp bảo thủ (vùng miền Đông ủng hộ nhà Minamoto) và xã hội thương nghiệp tiến bộ của nhà Taira.
Nguyên nhân thất bại của gia tộc Heike có lẽ vì không giải quyết được nạn đói ở miền Đông, đạt được địa vị quá dễ dàng nên trở nên ngạo mạn, xa rời quần chúng, thêm vào đó, sự quí tộc hóa đã làm khả năng chiến đấu của họ suy giảm trước sự vũ dũng của các võ sĩ miền Đông vốn không có gì để mất.
Người ta còn đặt lại câu hỏi xem Kiyomori có phải là con người bất nhân như vẫn được đánh giá. Giáo sư Uesugi của Đại học Meiji thấy nơi ông tình yêu gia đình, sự quan tâm và hào hiệp đối với bộ hạ và có khi khoan thứ trước kẻ thù. Giáo sư Takahashi cho biết ông có kiến thức rộng về Trung Quốc và không loại ra khả năng Kiyomori rất thông thạo tiếng Trung.
[1]The Nikkei Weekly, Feb, 6, 2012, p.29, Was Kiyomori villain, or humanist? (Matsumoto, Haruto, staff writer).
Từ cuốn Lịch sử Nhật Bản của giáo sư Đào Hữu Dũng (Nguyễn Nam Trân)