Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần VI: Những nét phát thảo đầu tiên của đường biên giới Việt Nam – Cao Miên (2)
Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới Việt Nam – Cao Miên được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên đã thành hình từ 1700 đến 1847 bởi hai phía dưới những tác động của những biến động chính trị của vùng Đông Nam Á lục địa, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ.
B. Vàm Cỏ Đông – Long Hồ – Kampot
—
*Sử Cao Miên:
Năm 1730, một người Lào tị nạn tự xưng là tiên tri xúi dục một nhóm người Miên cuồng tín hạ sát tất cả Việt kiều nào chúng bắt gặp trong vùng Banam. [1]Quốc vương Satha II phái quan quân đánh dẹp nhưng không có kết quả. Chúa Nguyễn hay tin, nằm lấy cơ hội cho rằng để sắp xếp trật tự, gọi một đạo binh tiến đến Phnom-Penh.[2]Quốc vương Satha II bỏ kinh thành chạy trốn ở tỉnh Sântouk.
Năm 1731, Ngài chịu nhượng cho người bảo hộ mình hai tỉnh ở miền nam: Mésa (Mỹ Tho) và Long Hôr (Vĩnh Long).[3]
Năm 1736, một cuộc nội loạn trong hoàng cung lật đổ quốc vương Satha II. Nguyên do ngài nghi hoàng hậu và mấy người em con chú âm mưu hại ngài mất ngôi. Ngài định bắt giết. Được mật tin, hoàng hậu và mấy vị hoàng thần chạy tìm cựu vương Thommo Réachéa và nhờ quân Xiêm đánh Satha II. Một đạo binh từ tỉnh Korat ở miền Bắc chiếm vùng Angkor, một đạo khác do Thommo Réachéa chỉ huy đồ bộ ở Kampot. Quốc vương Satha II chỉ còn một ngả đường: trốn về Việt Nam.[4]
Thommo Réachéa làm chủ tình hình và lên ngôi vua. Quốc vương Thommo Réachéa (1738-1748) đóng đô ở Kampot, còn người con trai trưởng và người em con chú là Ang Tong chiếm miền Tây nước Cao Miên nhờ quân lực của Xiêm. Năm 1738, quốc vương Thommo Réachéa làm lễ đăng quang lần thứ ba. Hoàng thân Ang Tong làm phụ chính. Quốc vương cố gắng tái lập trật tự trong nước và ngăn ngừa sự xâm chiếm của người Việt Nam.[5]
Trong tỉnh Srok Trang người Việt nổi dậy. Nhiều cuộc đụng độ quan trọng xảy ra giữa người Việt và người Miên. Nhóm người Việt thua trận chạy trốn trên một cù lao giữa sông Mê Kong tên là Hong Peam Misa và đặt cơ cấu cai trị luôn, bất chấp sự phản kháng của quốc vương Cao Miên.[6]
Quốc vương Thommo Réachéa không thể lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp vùng Peam. Nguyên vào năm 1735, Mạc Cửu chết, quốc vương Satha II nhân cơ hội đòi lại quyền hành thì người con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ cho biết đã chịu lệnh Chúa Nguyễn Minh Vương cai trị đất này. Chúa Nguyễn phái quan văn và võ tướng, quân sĩ đến tổ chức cơ cấu hành chánh và quân sự. Năm 1739, quốc vương Thommo Réachéa thân chinh đánh chiếm vùng Peam bị Mạc Thiên Tứ đẩy lui. Chúa Nguyễn ban khen họ Mạc và phong chức đại tướng.[7]
—
[1]Sau khi Nặc Yêm đầu phục Xiêm, truyền ngôi cho người con là vua Satha II Nặc Tha, thì phe phái người Lào ở đất Miên bỗng trở nên “dữ dằn” hơn nhiều, hoặc vua Nặc Tha có dấu hiệu không kiểm soát được cánh tay đắt lực của cha mình, hoặc chính Nặc Tha dung túng nhằm mượn tay người Lào để nắm chặt vùng Long An mà hơn mười năm trước 10 ngàn lính Xiêm chốt chặn đã giúp phe Xiêm thắng thế phe Việt hoàn toàn.
Người Lào tị nạn vùng đông bắc Cao Miên không những xung đột/ đánh giết Việt kiều ở Banam (như sử Miên chép), mà còn có tham vọng lớn hơn là đánh sang phía đông, tức vùng Gia Định như sử Việt chép:
“Mùa hạ, tháng 4, người Ai Lao là Sá Tốt đem quân Chân Lạp vào cướp Gia Định. Sai Thống suất Trương Phước Vĩnh điều khiển binh các đạo đi đánh … Cai cơ Đạt Thành (không rõ họ) cùng giặc Lào đánh nhau ở sông Lật Giang, không được, bị chết…” (ĐNTL)
Điều này cho thấy ranh giới Gia Định lúc này có thể là ngay sông Lật Giang tức sông Vàm Cỏ Đông, đây là một nét phác thảo của đường biên giới Việt Nam – Cao Miên còn hằn rõ tới ngày nay (xem bản đồ biên giới hiện nay ở vùng này sẽ thấy).
[2]Quân Xiêm mười mấy năm trước chỉ là đóng binh chặn đường chứ không dám đánh Gia Định, nay mấy ông Lào + Miên vùng Banam lại cả gan xâm lấn, tất nhiên phải đánh, dĩ nhiên là lần này chỉ cần binh Long Môn và quân dinh Phiên Trấn là đủ đánh “giặc Lào” thua to:
“Thống binh Trấn Đại Định (con Trần Thượng Xuyên) suất lĩnh các thuộc tướng Long Môn đi đánh giặc ở Phù Viên [Vườn trầu]. Giám quân Nguyễn Cửu Triêm lại do sông Lật Giang đánh nhau với giặc. Giặc lùi chạy về Cù Ao. Trương Phước Vĩnh bèn cùng Trần Đại Định và Nguyễn Cửu Triêm chia quân làm ba đường để tiến. Quân giặc thua to, chạy trốn. Đại Định tiến giữ Cầu Nam”(ĐNTL)
Sử Miên chép rằng chúa Nguyễn nhân cơ hội mà “sắp xếp trật tự” ý muốn nói chiếm lại ưu thế đánh mất trước người Thái, tuy thế qua sử Việt ta lại thấy góc nhìn khác, trước hết là chuyện bên Miên chủ động xâm lấn (dù qua tay người Lào nhưng rõ là Lào kiều trên đất Miên và sử Việt chép rõ về cai cơ Đạt Thành chết trên sông Vàm Cỏ Đông), tiếp đến là một lùm xùm giữa hai ông tướng Trương Vĩnh Phước và Trần Đại Định, vua Nặc Tha “đem nhiều của cải đút lót” cho ông Phước để ông ta rút quân. Về sau khi chúa quở trách sao giặc Lào chưa bình xong còn để dây dưa thì ông Phước lại đổ lỗi cho ông Định, cho thấy lúc này quân Việt không có ý thức “xâm chiếm” mà chỉ là giữ yên vùng Gia Định mà thôi, thành thử ra đánh tới Cầu Nam là thấy “êm” rồi, ông Phước sinh ý tham tài là vậy.
Nói vậy cho rõ cái trận đánh này chả phải cố tình gây sức ép lên vua Nặc Tha để ông ta ngả lại về phe Việt lần nữa, việc này thực ra là liên quan đến bên Xiêm hơn là bên Việt.
[3]Sử Việt và Miên chép bị lệch năm về sự kiện Nặc Tha chịu nhượng bộ quân Việt, bắt quân Lào để chuộc tội và “chịu nhượng cho người bảo hộ mình” hai tỉnh Mỹ Tho và Long Hôr. Sử Miên chép năm 1731 còn sử Việt chép 1732, theo tôi thì năm 1732 hợp lý hơn cả, giải thích rốt ráo cả việc Nặc Tha bắt đầu ngả lại về phía Việt từ thời điểm này, vì năm 1732 bên Thái có một“cuộc nội chiến lớn nhất Ayutthaya” xảy ra.
Năm 1732, Thai Sa vị vua của triều Ban Phlu Luang – Ayutthaya băng hà, hoàng tử Phon em trai vua Thai Sa lãnh đạo quân đội chống lại cháu trai, hoàng tử Aphai và hoàng tử Paramet. Và chiến thắng sau đó một năm, Phon lên ngôi vua lấy hiệu Borommakot năm 1733.
Vua Nặc Tha lúc này, một mặt là sức ép của người Việt, một mặt lại lúng túng trong việc cầu Xiêm vì chính biến xảy ra ở Xiêm, mà cựu vương Nặc Thu và vây cánh còn ở Xiêm đó, chưa biết rồi đây vua Xiêm mới sẽ nâng đỡ phe nào. Do đó với tình thế trước mắt, ngả lại về phía Việt Nam thì lợi hơn cả.
“Nặc Tha […] sợ chạy đến Sơn Bô (tên phủ ở Chân Lạp), đưa thư cầu hoãn binh, và xin bắt giặc để chuộc tội … mùa xuân, tháng giêng, giặc Lào lại hợp quân cướp phá Cầu Nam…Mùa hạ, tháng 4, Trần Đại Định tiến quân đến Lô Việt. Thế giặc cùng quẫn. Nặc Tha góp sức đánh bắt, bắt được giết hết…” (ĐNTL)
Vua Cao Miên vì quá cần cậy nhờ phía Việt chống lưng sau khi biết tình hình bên Xiêm, và lần này cũng như các lần trước của cha ông mình, vua Nặc Tha “nhường đất”.
Lúc này, triều đình chúa Nguyễn có một quyết định chiến lược sáng suốt ảnh hưởng lớn nếu không muốn nói là yếu tố quyết định của lịch sử vùng tây nam bộ từ đó đến nay: lập dinh Long Hồ.
“Chúa cho rằng Gia Định địa thế rộng rãi, sai khổn thần chia đất đặt châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ” (ĐNTL)
Có lẽ lúc này người có tầm nhìn ngắn hạn sẽ chọn lấy đất Tầm Bôn, nơi thua đau hơn mười năm trước và đất này nối liền Gia Định và Mỹ Tho kiểm soát bờ tây Gia Định nơi mới bị người Lào đánh vào, thực sự rất dễ để có xu hướng chọn quyết định này. Nhưng còn có một hướng khác, tầm nhìn xa hơn và lợi hại hơn, đó là thọc sâu vào đất Miên, dựng dinh trấn ngay tại trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, nơi có 3 cái lợi lớn ở thời điểm đó và về sau này nữa:
– thứ nhất là có thể kiểm soát cả hai sông Tiền và sông Hậu, với chúa Nguyễn thủy binh là quân cờ mạnh nhất, với thủy binh, kiểm soát đường sông là sống còn, đất nhiều chỉ vô ích, bờ tây có giữ thì cũng ngày đêm đối mặt Miên + Thái + Lào, chi bằng kiểm soát sông MeKông, và với các kênh rạch thông nhau, có thể theo đường sông mà đánh.
– thứ hai là chốt chặn và gây ảnh hưởng lên vùng người Miên sống tập trung là Trà Vang và Ba Thắc.
– thứ ba là đầu mối liên kết với Hà Tiên (qua Trấn Giang → Kiên Giang), đồng minh đang ngày càng mạnh ở phía nam.
(Chú ý là buổi đầu, lỵ sở dinh Long Hồ đặt ở thôn An Bình Đông, thuộc xứ Cái Bè nên còn gọi là dinh Cái Bè. Sau vào năm 1757, theo đề nghị của ký lục dinh Long Hồ là Nguyễn Cư Trinh và thống suất Trương Phước Du, chúa Nguyễn thuận cho dời lỵ sở dinh Long Hồ và châu Định Viễn về xứ Tầm Bào thuộc địa phận Long Hồ thôn tức vùng chợ Vĩnh Long ngày nay).
Việc bỏ hướng tây đẩy mạnh xuống hướng nam mà các dấu mốc là sông Vàm Cỏ Đông và dinh Long Hồ cho thấy rõ những nét phác thảo từ thời kì này ảnh hưởng sâu đậm cho tới mãi sau.
Mà không những bên Việt có những quyết định sáng suốt, bên Miên cũng thế, đó là việc vua Nặc Thâm quyết định đóng binh ở Kampot.
[4]Sau khi bên Xiêm ổn định tình hình, lập tức phe cánh thân Xiêm rục rịch, năm 1736 vua Nặc Yêm chết nhường ngôi cho con là Nặc Tha, với chuyện Nặc Tha lật bài theo phe Việt thì bên Xiêm cần động binh để lấy lại vị thế, lần này như mười mấy năm trước, binh cũng chia hai đường, một đạo binh đánh tây bắc Cao Miên và một đạo binh khác đánh bờ nam, vua Nặc Thâm Thommo Réachéa lại một lần nữa cho thấy tài năng và sự am hiểu phe Việt của mình, ông lãnh đạo binh về đóng ở Kampot, chốt chặn đường tiếp binh thuận lợi duy nhất của quân Hà Tiên vào đất Miên, một đường khác trắc trở hơn quá nhiều là phải băng qua vùng núi Thất Sơn tiếp theo đó là vũng nước ngập quá sâu Châu Đốc, Láng Linh, Tháp Mười.
Với tình hình này thì đúng là như sử Miên chép “Quốc vương Satha II chỉ còn một ngả đường: trốn về Việt Nam”.
[5]Gia Định Thành thông chí chép rằng phe thân Xiêm lúc này được toàn cõi Cao Miên, vua Nặc Tha về trú đóng ở phía bắc sông Nghi Giang tức sông Thị Nghè ở Gia Định. Điều đặc biệt là theo sử Miên thì vua Nặc Thâm lên ngôi đóng đô ở Kampot chứ không ở Oudong, phải nói tôi phục vua Nặc Thâm Thommo Réachéa lắm, trước đó chính ông hiến kế cho vua Xiêm đóng binh ở Tầm Bôn, lúc này ông lại có một quyết định tuyệt vời, dời về Kampot là ông né luôn thủy binh hùng mạnh của chúa Nguyễn và chặn luôn đường tây tiến của Hà Tiên.
Như đã nói trên về địa hình phía bắc Hà Tiên, thành lũy tự nhiên này làm cho Hà Tiên chỉ có nhìn về phía tây, nay bị Nặc Thâm chặn, mà còn cao cờ hơn, “đóng đô”, tức là đưa thêm dân Miên vào định cư, thúc đẩy từ một nơi vắng vẻ bỏ hoang thành vùng dân cư đông đúc, dần dà trở nên vùng tách biệt, dù sau này khi Việt thắng thế, vùng Kampot và Kampong-son qui về Hà Tiên năm 1757, Mạc Thiên Tứ cũng chỉ đưa các quan người Việt tới cai trị mà thôi, dĩ nhiên ở chiều ngược lại khi Xiêm thắng thế thì cũng không đánh bật gốc rễ Hà Tiên được.
Ta lại thấy thêm một nét phác thảo của đường biên giới Việt Nam – Cao Miên từ thời kì này còn hằn rõ trên bản đồ hiện đại.
Nhìn vào đường biên giới ngày nay thì rõ ràng là hậu thế men theo những dấu vết tiền nhân, mà nói đúng hơn là quyết định của tiền nhân thời kì này định hình vùng di cư của dân Việt rồi theo thời gian khi dân đã định cư lâu năm, rất khó để uốn nắn nữa, có chăng thì làm cho đường biên uốn oắn chi li hơn thôi chứ nét chính vẫn còn đó.
[6]Khi người Xiêm lăm le trở lại, phía Việt phải tìm cách khống chế toàn bộ sông Tiền để tránh phạm sai lầm khi xưa, và các cù lao giữa sông Tiền chính là nơi lý tưởng đặt các đồn binh. Các cù lao có nhiều giồng, đặc điểm của những giồng này là chịu ảnh hưởng nước lớn nước ròng do thủy triều, nhưng không bao giờ bị ngập vào mùa lụt của sông Cửu Long. Sau Nguyễn Cư Trinh có đặt đồn binh ở cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang), nên tôi đoán “cù lao giữa sông Mê Kong tên là Hong Peam Misa” mà sử Miên chép lúc này chính là cù lao Giêng.
Mà cũng có thể ở xa hơn nữa, đó chính là Hồng Ngự, Nguyễn Cư Trinh cũng lập đồn binh ở đây, tôi ngờ như thế vì tên đảo này là “Hong”, hay chính là “Hồng” ? , tác giả Lê Hương trong Sử Cao Miên đã căn cứ vào cuốn A History of South-East Asia của D.G.E Hall nên có thể dùng tên sau này chứ chưa hẳn tên thời đó, lại thêm sử Miên chép rằng quân Việt chạy từ Sóc Trăng thì chắc là ngược dòng sông Hậu, nếu thế chạy ra Hồng Ngự hợp lý hơn cù lao Giêng. Nếu là Hồng Ngự thì ta sẽ có thêm một nét phác thảo nữa của biên giới ngay từ thời kì này (xem bản đồ sẽ thấy).
Dù thế nào thì qua đó ta cũng thấy được chiến lược kiểm soát sông Tiền của phía Việt, giữ được đường sông là ta êm. Người Việt mạnh thủy binh, rành thủy chiến, xưa từ sông Bạch Đăng tới thời nay sông Mekông ta luôn là ông kẹ trên sông, Tàu đến đánh Tàu, Xiêm sang đánh Xiêm, thậm chí sau đây mấy chục năm Đàng Trong suy yếu sắp sụp đổ mà 300 chiến thuyền của ta còn đánh cho Xiêm La thời cực thịnh lên bờ xuống ruộng.
Khi bên Việt phòng thủ đường sông, Xiêm cũng án binh, hai bên kèn cựu nhau không dễ động binh, đây lại là thời cơ cho tham vọng của vua Nặc Thâm.
[7]Việc vua Nặc Thâm đóng binh ở Kampot tất nhiên không chỉ để phòng thủ mà còn để “dòm ngó” Hà Tiên nữa, năm 1739 Nặc Thâm cho rằng thời cơ tới, quyết định đánh Hà Tiên, và đúng như ông ta đoán, binh Việt – Xiêm im lặng, cả sử Miên và Việt đều chép không có quân Xiêm và Việt chống lưng cho hai phe Miên ở Kampot và Hà Tiên trong lần tranh chấp này.
Kết quả là quân Hà Tiên đánh bật quân Miên ra, chúa Nguyễn dĩ nhiên vui mừng lắm, phong cho Mạc Thiên Tứ “chức Đô đốc tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ đai”. Có điều thú vị là ĐNTL chép rõ công lao bà “Nguyễn thị” nổi bật lắm “Vợ là Nguyễn thị đốc suất vợ lính vận lương đến nuôi quân, quân không bị thiếu ăn, hăng hái cố đánh phá được quân … phong Nguyễn thị làm phu nhân …”, xem chừng các sử quan nhà Nguyễn tâm tư cũng láu cá lắm )
—
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
ĐNTL
Gia Định thành thống chí – Trịnh Hoài Đức
Lịch sử khẩn hoang miền nam – Sơn Nam
Phần VI.1: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1269632503388050/
Phần V.1: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1263588983992402/
Phần V.2: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1266972263654074/
Phần IV: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1260802204271080/
Phần III: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1258172774534023/
Phần II: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1255601788124455/
Phần I: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1254156164935684/