Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần VI: Những nét phát thảo đầu tiên của đường biên giới Việt Nam – Cao Miên (1)
Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới Việt Nam – Cao Miên được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên đã thành hình từ 1700 đến 1847 bởi hai phía dưới những tác động của những biến động chính trị của vùng Đông Nam Á lục địa, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ.
A – Lan Xang tan rã và Hà Tiên sáp nhập Đàng Trong
—
*Sử Cao Miên:
Năm 1708, nhóm kiều dân Lào do tiên vương Chey Chetta IV cho định cư vài năm trước ở tỉnh Bati nổi loạn chống chính quyền địa phương[1]. Chính hoàng thân Ang Em, sau khi bị bắt buộc phải thoái vị năm 1701, đã rời triều đình đi cầm đầu cuộc tạo phản này. Hoàng thân kêu gọi người Samrẻ và người Kouy là hai sắc dân thiều số ở miền Bắc tỉnh Ang Kor và Kampong Thom, đồng thời được một lực lượng Việt Nam ở miền nam ủng hộ.
Ngài chỉ huy người Lào, Samrès và Kouy tiến xuống thủ đô Oudong, toán quân Việt Nam chiếm các tỉnh miền Đông. Quốc vương Thommo Réachéa bị vây ở giữa suốt ba tháng mới thoát được giữa đêm với người em tên Ang Tong chạy qua Xiêm.[2]
Năm 1710, sau khi quốc vương Thommo Réachéa bỏ thủ đô, Ang Em lên ngôi (1710-1722). Đây là lần thứ hai ngài trị nước. Trong 3 năm 1711, 1716 và 1722, Ngài đầy lui được 3 lần tấn công của Thommo Réachéa nhờ quân Xiêm trợ giúp.[3]
Ngài nhờ triều đình Huế che chở và giúp về mặt quân sự. Ngài phó thác việc phòng thủ các tỉnh Peam (Hà Tiên), Kampot và Kompong Som, cả cù lao Phú Quốc cho một người Trung Hoa tên Mạc Cửu. Họ Mạc gốc ở Quảng Đông di cứ sang Cao Miên sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ. Ông gây dựng được một sự nphiệp to tát nhờ mở sòng cờ bạc. Ông xây một cái pháo đài ở Peam, tuyển mộ quân sĩ và thủy thủ. Có lần một hạm đội Xiêm đến gần thị trấn định đổ bộ giúp Thommo Réachéa bị Mạc Cửu tiêu diệt gần hết.[4]Tuy nhiên, đến năm 1715, Mạc Cửu qui phục Chúa Nguyễn, Quốc vương Ang Em thuận cho người Việt Nam kiểm soát bờ biển từ miền Nam đến Xiêm.[5]Về sau, hoàng triều Cao Miên lấy lại quyền hành trực tiếp hai tỉnh Kampot và Kompong Som, nhưng tỉnh Peam và Cù Lao Phú Quốc đến năm 1867 vẫn còn bị hậu duệ của Mạc Cửu “cai trị” cho vua Việt Nam.
Để tránh cuộc tấn công của người Xiêm, quốc vương Ang Em điều đình với vị đại tướng Xiêm, chịu thần phục nước Xiêm nếu Vua Xiêm loại trừ các vị hoàng thân vừa mất ngôi. Vị đại tướng Xiêm chấp thuận. Đây là một hành động có ảnh hưởng rất tai hại cho vương quyền Cao Miên. Người Xiêm từ ngày ấy có quyền can thiệp vào việc quốc sự. Chỉ vì tham vọng cá nhân mà quốc vương Ang Em đã chánh thức làm mất nền độc lập của Cao Miên.[6]
Năm 1722, ngài thoái vị, nhường ngôi cho con. Thái tử Prah Satha lên ngôi tức là quốc vương Satha II (1722-1726). Ngài vừa được 20 tuổi. Tình hình rối loạn trong nước là một gánh nặng cho ông vua còn trẻ.
—
[1]Trong những năm 1694 – 1707, Lan Xang (Lào) rơi vào cảnh tranh giành ngai vàng, và kết quả là nó đã rơi vào giai đoạn suy tàn, sau đó lãnh thổ Lan Xang bị chia thành ba quốc gia phụ thuộc lẫn nhau với quốc gia lớn nhất Luang Prabang ở phía bắc, Vientiane ở trung tâm, và Champasak ở phía nam vào năm 1707.
Việc Lào bị tan rã có tác động lớn đối với mối quan hệ Xiêm – Cao Miên – Việt Nam. Ở thời điểm này, Việt đang chiếm ưu thế ở miền đông bắc, hay rõ hơn là dọc hữu ngạn sông MeKông từ Lào chạy xuống Nam Vang uốn xuống men theo sông Tiền ra đến Mỹ Tho ra biển. Đường cong “bảo hộ” này biến đổi theo hai biến động sau như là những nét phát thảo đầu tiên của đường biên giới Cao Miên – Việt Nam:
– Thứ nhất chính là Lào suy yếu nên sau này làm mập cho người Thái, lúc người Thái mạnh lên và chiếm ưu thế địa lý thì phần dọc trên dần bị ép về phía đông vào giữa từ biên giới Lào dọc xuống tới bờ sông Tiền.
– Thứ hai là Hà Tiên sáp nhập vào Đàng Trong, theo thời gian mối liên kết với Hà Tiên ngày càng chặt và với sự giúp sức rất lớn từ họ phần ngang men theo sông Tiền dần ép thẳng về phía tây vào giữa như biên giới hiện nay, và theo đà dân cư nam tiến nó trở thành đất nam bộ của người Việt.
Dĩ nhiên về sau những biến động lớn hơn sẽ có tác động chính, nhưng vẫn thấy rằng những người thời sau men theo những nét chính vạch ra ở thời kì này.
Có một điều đáng nói ở đây là sự thờ ơ của Phú Xuân với đất Lào, theo tình trạng chung của chính sách rất mềm mỏng với các nước nhỏ vùng tây nguyên, ĐNTL tới thời điểm này chép về Lào rất ít, chỉ chép thoáng qua một sự kiện có lẽ liên quan đến việc Lan Xang sụp đổ vào năm 1705 “Tạo Vĩ ở Lục Hoàn nước Ai Lao thả quân sang quấy dân biên thùy, cướp bóc khách buôn”, chúa Nguyễn cũng chỉ sai hai ông “cai cơ” đem quân đi đánh rồi thì “hai người đến địa giới Ai Lao được vài tháng thì chết, bèn rút quân về”. Lúc Lan Xang rã làm ba (sử Việt gọi là Ai Lao, Vạn Tượng và Lục Hoàn), nước nhỏ nhất (có thể là yếu nhất lúc đó) ở hạ Lào là Champasak (Lục Hoàn) triều cống cho cả Việt và Xiêm, cũng không thấy sử Việt chép về sự áp đặt nào lên nước này, chưa hẳn là do không muốn mà là vì khó.
Lần ngược lại hơn 200 năm trước, khi đó bang giao với Đại Việt gặp khó khăn vì tranh chấp ở xứ Bồn Man, dẫn đến chiến tranh Đại Việt – Lan Xang (1478-1480), họ liên minh với Lan Na đẩy lui quân Đại Việt, sau dưới áp lực của Đại Việt, vua Lan Xang cố dựa vào Vương quốc Ayutthaya của người Thái. Mối quan hệ đó càng được thắt chặt trước sức ép đến từ vương quốc hùng mạnh Taungoo của người Miến. Do đó mà Lan Xang phụ thuộc và chịu ảnh hưởng rất lớn từ Ayutthaya từ kinh tế, văn hóa và tất nhiên là chính trị. Bởi thế so với người Cao Miên nữa nạc nữa mỡ, người Lào ngả về phía Thái hơn nhiều. Có điều trớ trêu là sau cả ba tiểu quốc Lào bị người Thái thôn tính, làm mập cho Thái với đất đai, của cải và nô lệ.
Những người Lào thất thế chạy về nam, chắc đồng bệnh tương liên mà có mối liên hệ khá chặt với phe phái ông hoàng Nặc Yêm và sau này con của Yêm là Nặc Tha cũng vậy. Theo sử gia Phan Khoang thì có hai nhóm Lào lận, nhóm người Lào trước tị nạn được vua Nặc Thu cho định cư ở tỉnh Bati trong giai đoạn Lan Xang nội loạn thời vua Tian Thala kẻ cướp ngôi (trùng hợp là cùng thời với nhóm tị nạn người Chàm khi Việt đánh Panduranga 1693-1694), nhóm thứ hai thì rõ ràng hơn, năm 1705 khoảng 5000 thuộc hoàng gia Lào ở Viên Chăn bị đuổi chạy xuống phía nam, lúc này Nặc Yêm Ang Em được người Việt chống lưng kiểm soát vùng đông bắc, nên không lạ chuyện ông ta có mối liên hệ với nhóm người Lào này.
[2]Hai “hạng” người Lào ấy theo chân Nặc Yêm cùng hai nhóm dân thiểu số Samrè và Kouy ở hai tỉnh Ang Kor và Kampong Thom miền Bắc Cao Miên tiến xuống đánh Nặc Thâm ở Oudong. (tui học theo sử gia Phan Khoang dùng từ “hạng”, có lẽ ông ám chỉ nhóm “hoàng gia thất thế” sau là “hạng” khác với nhóm trước, ít nhất là về mặt “tham vọng chính trị”). Quân Việt thì án bờ đông, không lạ.
[3]Lần đánh này giúp Nặc Yêm đuổi Nặc Thâm chạy qua Thái, lên ngôi lần thứ hai, lâu dài hơn lần đầu và đặc biệt theo sử Miên thì Nặc Yêm đẩy lui Nặc Thâm (nhờ quân Xiêm giúp) tới ba lần, nhưng đối chiếu sử Việt thì không được “mạnh mẽ” như thế.
Trước hết ta cần làm rõ rằng tuy sử Cao Miên chép vua “chính thống” là Nặc Yêm nhưng Cao Miên lúc này bị chia làm hai phần đông – tây, Nặc Thu (cha của Nặc Thâm) cũng xưng vương và kiểm soát phần phía tây với sự giúp sức của Thái, Nặc Yêm với sự giúp đỡ của Việt kiểm soát vùng phía đông, có lẽ theo sử Cao Miên thì ai chiếm thủ đô Oudong thì ai là chính thống. Hai thế lực liên tục gây chiến để tìm cách giành quyền quản lý toàn đất nước, điều nay ta có thể thấy qua các dấu vết tìm trong sử Việt:
.Mùa đông, tháng 10, Tân mão 1711, “Nặc Thâm nước Chân Lạp từ nước Xiêm về … mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người Ai Lao là Nặc Xuy Bồn Bột chạy báo hai dinh Trấn Biên … chúa cho thư trả lời rằng : Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên phải an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu, mà Nặc Thu không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Bọn khanh nên xét kỹ tình hình bên địch, tùy cơ ứng biến, khiến cho Nặc Thâm bỏ mối thù oán, mà Nặc Yêm cũng được bảo toàn. Đó là thượng sách”.
.Nhâm thìn, 1712, “chúa thấy nước Chân Lạp sản nhiều sơn tốt, sai người đem sang 100 lạng vàng theo giá mà mua để dùng về việc nước, và gửi thư cho phiên vương là Nặc Thu”
.Quý tỵ, 1713, “Nặc Thu nước Chân Lạp mưu phản, thám tử biết được tình trạng báo lên. Chúa sai đưa thư dụ … Nặc Thu được thư, mưu làm phản bèn thôi”
Ta có thể thấy rõ ràng là chúa Nguyễn mong muốn tình trạng cân bằng trên đất Miên như thế này, không hề có ý định theo Nặc Yêm đánh phiên vương Nặc Thu Thommo Reachea ở phía tây, dĩ nhiên so với ông hoàng Nặc Yêm khát khao toàn bộ đất Miên thì cái chúa Nguyễn cần là sự ổn định của vùng Gia Định, không dại gì nhảy vào tranh chấp với vùng đất được Xiêm “bảo hộ” phía tây.
Lại cũng qua sử Việt ta thấy mối quan hệ giữa Nặc Yêm và nhóm người Lào tị nạn mà đứng đầu là Nặc Xuy Bồn Bột, có thể nói nhóm người Lào này đã trở thành cánh tay đắt lực và đáng tin của vua Cao Miên Nặc Yêm:
.Giáp ngọ, 1714, “Nặc Thâm nước Chân Lạp cùng bầy tôi là Cao La Hâm dấy binh vây Nặc Yêm rất gấp. Nặc Yêm cầu Xuy Bồn Bột ứng tiếp. Xuy Bồn Bột chọn trong quân của mình 2.000 người kéo về theo đường bộ. Bấy giờ số quân của Nặc Thâm có 4 vạn, mà số quân của Nặc Yêm và Xuy Bồn Bột không đầy 1 vạn, Nặc Yêm lo quân ít, phải cầu viện với hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên”.
Sẽ không là nói điêu khi cho rằng mối quan hệ khăng khít này có ảnh hưởng nhất định đến việc Nặc Yêm đảo ngược thuần phục phe Thái vài năm sau (theo sử Miên là vào năm 1722). Như đã nói về chuyện người Lào ngả về phía Thái bởi dòng chảy lịch sử trước đó ở đoạn trên, thêm việc sau này có sự kiện “cáp duồn” đầu tiên trong lịch sử (vào năm 1730) mà người đầu têu là một người Lào, cho thấy người Lào chả ưu gì người Việt lúc này. Dĩ nhiên phe cánh đắt lực tin cậy ở bên mình “tham mưu” cho thì ông vua Nặc Yêm rõ ràng cần phải cân nhắc.
ĐNTL chép năm 1715 “Nặc Thâm nước Chân Lạp ở thành La Bích, ngày thêm cùng quẫn, bèn phóng lửa đốt nhà cửa trong thành, rồi ra cửa Nam trốn đi. Nặc Thu nghe tin cũng trốn … Nặc Thu sợ không dám ra, xin nhường ngôi cho Nặc Yêm”. Lúc này thì Nặc Yêm mới thực sự giành quyền kiểm soát luôn vùng phía tây, nhưng chẳng được bao lâu, vài tháng sau phe Xiêm trở lại gây áp lực.
Sách Gia Định thành thông chí chép:
“Mùa đông năm Ất Mùi (1715), vua Xiêm sai bọn Phi nhã Bồ Diệt đem 1500 quân đưa Thâm về Cao Miên xin giảng hòa. Yêm không chịu, đem quân chống lại ở phủ Tầm Bôn”
“Mùa xuân năm Bính Thân (1716), bọn Bồ Diệt kéo nhau về Xiêm, Thâm xin vua Xiêm sai em của y là Tân (Tôn) về trước để chiêu tập binh 2 phủ Tầm Bôn và Vô Lật. Yêm dò biết bèn cùng với quân ta tiến đánh tên Tân ở phủ Vô Lật; vua Yêm bắn trúng vai của Tân. Tân chạy về núi Sư Sinh dưỡng bệnh”
“Mùa đông năm Đinh Dậu (1717), Phi nhã Chất Tri ở Xiêm đem 10.000 quân bộ đến đồn trú ở Tầm Bôn”
Đầu tiên ta cần quay trở lại “đường cong ảnh hưởng” của Việt tại thời điểm này để làm rõ về tầm quan trọng của phủ Tầm Bôn. Đường cong này bám sát hữu ngạn sông Mekông là vì chúa Nguyễn gây ảnh hưởng nhờ vào sự cơ động của thủy binh ngược dòng sông Tiền là vào đất Miên, mà điểm hợp binh ắt hẳn là Mỹ Tho đại phố vì tại thời điểm đó người Việt sinh sống ở vùng Đồng Nai Gia Định và phần từ Mỹ Tho ra biển, còn vùng từ Mỹ Tho trở vào đất liền tức là vùng Long An và Đồng Tháp ngày nay là đất Miên, phủ Tầm Bôn chính là Long An ngày nay (xem hình). Phủ này nằm án ngữ đường thủy binh chúa Nguyễn chi viện cho vua Nặc Yêm ở Oudong.
Sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên cho rằng vua Xiêm La quyết đánh Cao Miên nên chia hai đường binh: quân bộ từ Xiêm đánh xuống tây bắc và quân thủy đánh vào Hà Tiên. Nhưng ông không phân tích kỹ vì sao đánh Hà Tiên và vì sao đóng binh ở phủ Tầm Bôn.
Tôi cho rằng Nặc Thâm hiểu rõ để đánh Cao Miên thì trước nhất là chặn đường quân Việt tiếp viện ở hai dinh trấn biên và đồng minh mới của phe Việt mà vua Miên “phó thác” canh giữ đường biển phía nam là Hà Tiên, bởi thế Nặc Thâm hiến kế cho vua Xiêm và xin cho ở lại tập binh 2 phủ Tầm Bôn và Vô Lật, dọn đường cho thủy quân Xiêm chia 10 ngàn binh chốt chặn ở phủ Tầm Bôn, còn lại 5 ngàn đánh cướp Hà Tiên. Lúc này thì lục quân Xiêm cũng đã đánh vào đất liền Cao Miên.
[4][5]Sử Miên rất coi trọng sức mạnh của Hà Tiên, chép rằng vua Miên “phó thác” việc phòng thủ phía nam cho Mạc Cửu, và lúc đó Hà Tiên kiểm soát hết bờ đông vịnh Thái Lan, nắm hết đường biển phía nam Cao Miên, nếu thế thì không lạ chuyện Xiêm phải đánh Hà Tiên.
Tuy thế theo Mạc Thị Gia Phả thì Mạc Cửu chỉ mới thành lập Hà Tiên mười mấy năm về trước thôi (1700), thế nên việc dựng binh xây “pháo đài” (sử Miên chép thế) chắc tầm mười năm đổ lại, binh lực còn yếu ớt, chẳng lạ khi bị đánh úp thì “không địch nổi”
“Tháng 2 năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5.000 thủy binh hợp đồng với quân Thâm cướp đường kéo xuống Hà Tiên cướp phá. Mạc Thống binh (Mạc Cửu) không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ, gặp khi có cơn gió lớn thổi mạnh, thuyền bè của quân Xiêm bị chìm, người chết rất đông, Cù Sa bèn thu tàn quân trở về Xiêm La, chỉ còn Thâm thì chạy đến chỗ binh thứ của Tân ở thủ phủ Bô Bô. Khi ấy một mình Yêm chống với Thâm và lén sai sứ nạp lễ cống cho vua Xiêm. Quân của Chất Tri ở lâu mà không làm được gì, nhân đó mới đem bọn Thâm, Tân cùng về Xiêm La, từ đấy nơi biên cảnh mới yên tĩnh” (Gia Định thành thông chí)
[6]Sự im lặng của quân Việt lúc này là một dấu hỏi, có thể 10 ngàn lính Xiêm chốt chặn ngay hiểm địa khiến chúa Nguyễn không dễ mạo hiểm động binh chăng ?
Điều này khiến cho Nặc Yêm “một mình” hai mặt thụ địch, kết quả là ông ta thuần phục vua Xiêm, phe Thái thắng thế hoàn toàn phe Việt trong chiến dịch này, cả hai phe hoàng thân Miên đều về tay người Thái, mà xem ra cách “bảo hộ” của người Thái không nhẹ nhàng như người Việt (cứ nhìn cách sau này họ đối xử với Lào thì biết), nên sử Miên có những đánh giá rất nặng nề : “Đây là một hành động có ảnh hưởng rất tai hại cho vương quyền Cao Miên. Người Xiêm từ ngày ấy có quyền can thiệp vào việc quốc sự. Chỉ vì tham vọng cá nhân mà quốc vương Ang Em đã chánh thức làm mất nền độc lập của Cao Miên”
Phải thông qua việc Mạc Cửu dựng lại cơ đồ và việc họ Mạc thân hành ra Phú Xuân cảm tạ chúa Nguyễn mới thấy dấu vết sự trở lại của quân Việt, nếu không có “bảo kê” thì họ Mạc khó trở lại, lúc này có lẽ đường biển bờ đông vịnh Thái Lan bị cưa đôi. Về phần Mạc Cửu thì sau trận thua đau này, ông hoàn toàn ngả về phía chúa Nguyễn và ra sức tái tạo lại cơ đồ, đào hầm, đắp lũy, rèn quân, luyện tướng, thu hút nhân tài (kể cả …cướp biển), sau này tới thời con ông là Mạc Thiên Tứ uy thế lại bốc lên như gió, có lúc mang mấy chục chiến thuyền bao vây Băng Cốc.
—
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
ĐNTL
Gia Định thành thống chí – Trịnh Hoài Đức
Việt sử xứ Đàng Trong – Phan Khoang
Việt sử tân biên – Phạm Văn Sơn
Sự hình thành đường biên giới Việt Nam – Campuchia thời Nguyễn – Vũ Đức Liêm