Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần V: Bốn lần lên ngôi của Chey Chetta đệ tứ (1)
Chey Chetta là vị vua Cao Miên lên ngôi tới bốn lần 1675 – 1695, 1696 – 1699, 1701 – 1702, 1703 – 1706. Đối với chế độ phong kiến mà nói thì đây là hiếm có, nguyên nhân có lẽ hoặc theo sử Cao Miên thì “Suốt đời, ngài thoái vị bốn lượt nhưng các vị quốc vương thay ngài không cảng đáng nổi, ngài lại phải trở lại gánh vác việc nước”, hoặc do sức ép từ hai thế lực người Thái dõi mắt về phía đông và người Việt nam tiến.
—
Chey Chetta IV lên ngôi lần thứ nhất (1675 – 1695)
*Sử Cao Miên:
Từ năm 1675 đến 1691, quốc vương Chey Chetta IV phải chống trả những cuộc nổi loạn của người em họ Ang Non.
Sau khi thất trận, hoàng thân Ang Non chạy xuống miền nam, thỏa thuận với chúa Nguyễn cho người Việt vào định cư ở tỉnh Bà Rịa và Đồng Nai và 3000 người Trung Hoa tị nạn. Nhóm người này trung thành với nhà Minh, vừa bị Mãn Thanh lật đổ, không muốn sống đưới chế độ ngoại lai.
Hoàng thân Ang Non chiêu mộ người Việt và Người Trung Hoa lập thành một đạo binh tấn công quốc vương Chey Chetta IV vào năm 1682. Bị đánh bất ngờ, quân đội Miên bỏ cả tỉnh Kan Kan (Basak – Ba Thắc hoặc Sóc Trăng) và Préah Trapeang (Trà Vinh) rút lui về thủ đô Oudong phía tây. Nhờ quân Xiêm trợ lực và binh sĩ Miên gia nhập thêm, quân đội hoàng gia phản công vào năm 1684 và đuổi được kẻ phản nghịch khỏi nước.[1]
Hoàng thân Ang Non điều đình với vua Xiêm Narai (1657-1688) làm trọng tài giúp đỡ mình nhưng bị từ khước. Hoàng thân lại ra Huế nhờ Chúa Nguyễn Hiền Vương. Năm 1688, Chúa Nguyễn cấp cho hoàng thân một đạo binh 20.000 người do hai tướng Thuyen Khuon và Thoum Mou (?) chỉ huy, tiến đến Oudong, chiếm thủ đô. Còn hoàng thân dắt 5000 binh sĩ đến Veal Hong bị quân đội hoàng gia đánh tan rã. Quân Việt Nam hay tin này liền rút về. [2]
Năm 1689, hoàng thân lại đem quân về đánh Chey Chetta IV lần chót. Hoàng thân chỉ huy một đại đội Việt và vài tên Trung Hoa chiếm thành Phnom-Penh. Quốc vương chạy về Kampong Luong xin điều đình. Vài ngày sau, một hiệp ước ra đời, nhìn nhận vương quyền của Việt Nam.[3]
Khi tái lập hòa bình vào năm 1689 xong, quốc vương Chey Chetta IV mới làm lễ đăng quang. Năm 1695, tuy vẫn còn trẻ, Ngài thoái vị nhường ngôi cho người cháu (con của anh) tên Prah Outey.[4]
—
[1] Sử Việt không thấy chép gì về sự kiện 1682-1684 này, mà người Hoa lúc này gần như là được chúa Nguyễn cho toàn quyền hành động, lại thêm vua Nặc Nộn đệ nhất đang mưu đồ ở Sài Gòn, cho thấy đây là hành động tự phát của nhóm binh thuyền Dương Ngạn Địch / Hoàng Tiến sẵn đường ghé thăm … cửa sông Bassac – Ba Thắc (một trong tám cửa sông cửu long).
Trước đó (cuối phần 3), hoàng thân Ang Saur hay Chey Chetta IV được Xiêm chống lưng đánh bại quân viễn chinh Đàng Trong, và lúc này viện binh Xiêm lại một lần nữa giúp người Miên, đánh đuổi không chỉ quân Việt mà cả quân Minh Hương nữa. Nhưng qua cách chép của sử Miên “đuổi được kẻ phản nghịch khỏi nước” ta có thể thấy vùng Trà Vinh, Sóc Trăng quan trọng với người Miên hơn hẳn vùng Sài Gòn – Mỹ Tho (còn vùng Đồng Nai – Bả Rịa thì như đã nói ở phần 2, là vùng “rừng” họ cố ý bỏ hoang như là một biên giới tự nhiên với Chiêm Thành).
Để hiểu điều này ta cần lần lại 2 thế kỷ trước, vào thế kỷ XV và XVI, khi chịu áp lực từ phía Xiêm La, người Miên chuyển trọng tâm xuống phía đông nam Thủy Chân Lạp, dời đô tới Oudong và dân Miên men theo sông Mekông xuống định cư ở các vùng đất cao ở hạ lưu MeKông: Cần Thơ (Prek Rusey), Trà Vinh (Trà Vang – Trah Păng) và Sóc Trăng (Ba Thắc).
Để ý là người Miên xuôi dòng lại định cư nhiều ở Trà Vinh, Sóc Trăng chứ không phải vùng giáp ranh biên giới Campuchia ngày nay, đó là bởi vì có hai vùng ngập lụt là Đồng Tháp Mười (có diện tích khoảng 500,000 ha) và Tứ giác Long Xuyên (mà sau gọi là Tầm Phong Long, vùng đất cuối cùng của nam bộ sát nhập vào Đàng Trong, có diện tích khoảng 400,000 ha) chen giữa. Hai vùng này không những là rào cản tự nhiên làm giảm bước tiến của người Khmer xuống phía đông nam thời điểm này, mà về sau còn cản bước chân người Thái sang phía Đông. Sau này Nguyễn Ánh là người đầu tiên nhìn thấy tiềm lực của vùng đất này và biến nơi đây thành căn cứ của mình.
Đại Nam nhất thống chí viết rằng: “Đất Ba Thắc nguyên là đất Cao Miên”. Năm 1779, chúa Nguyễn duyệt xem bản đồ, nâng vùng Mỹ Tho làm dinh (Tường Đồn dinh) đồng thời cũng thử bày một chuyến phiêu lưu, dời dinh Long Hồ đến cù lao Hoằng Trấn, ở giữa Hậu giang: “đương thời có người bàn rằng địa thế Hậu giang rộng lớn, rừng núi mù mịt, vùng Ba Thắc, Cần Thơ, Trà Vinh có nhiều sốc của Cao Miên mà cách xa dinh Long Hồ, nên đặt một đai trấn để khống chế, mộ dân đến khai khẩn ruộng đất”. Dinh Long Hồ dời đến Hoằng Trấn năm trước là năm sau (1780) lại phải lui về chỗ cũ, tức là vùng chợ Vĩnh Long.
Sau này tuy thuộc về Đàng Trong nhưng việc cai trị vẫn thuộc về họ vì những vùng này người Miên sống quá tập trung, thậm chí tới tận thời Minh Mạng, quan cai trấn vẫn là người Miên – Trà Long.
Quay lại sự kiện 1682 thì ta thấy so với nhóm Trần Thượng Xuyên quy củ hơn thì nhóm Dương Ngạn Địch / Hoàng Tiến khuất lất hơn và “tham vọng” hơn, có lẽ vào sâu đất Miên “béo tốt” mà chủ đất lại ở thế yếu, lại xa bàn tay chúa Nguyên (thực ra có thể nói thời điểm này không hề có một ràng buộc quyền lực nào của chúa Nguyễn áp đặt lên hai nhóm Minh Hương).
[2]Năm 1687, chúa Hiền băng hà, chúa Nghĩa nối ngôi khi đã 39 tuổi. Sang năm, không biết có phải do coi nhẹ vị chúa mới hay không mà nội bộ binh Long Môn lục đục rồi làm phản “Tháng 6, phó tướng Long Môn Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, tự xưng là Phấn dũng hổ oai tướng quân, thống lĩnh dư chúng Long Môn, dời đồn sang Nan Khê, thủ hiểm đắp lũy, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi cướp bóc. Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu oán giận, bèn mưu với bề tôi là ốc Nha Cống Sa bỏ việc triều cống và đắp ba lũy Bích Đôi [Gò Bích], Cầu Nam và Nam Vang, rồi chằng xích sắt ngăn cửa sông, làm kế cố thủ…”.
Tất nhiên nếu chỉ nhìn theo góc này, thì rõ ràng phản ứng của vua Miên là điều dễ hiểu vì ông phó tướng trở mình thành “tướng cướp” kia chặn ngay yết hầu đường xuôi xuống vùng con dân Cao Miên sinh sống ở hạ lưu.
Nhưng sử Miên không hề chép dù rằng có chép việc bị đánh úp năm 1682 trước đó, mà qua ĐNTL ta thấy sau này vua Miên Nặc Thu dùng mỹ nhân kế chiêu dụ Hoàng Tiến có thấy chép “Tướng quân ở đất Chân Lạp đã lâu năm. Người xưa ăn một bữa cơm cũng phải báo ơn” cho thấy việc binh thuyền Hoàng Tiến “hoạt động” ở vùng này không phải ngày một ngày hai và có lẽ đã “giao dịch” với phía vua Miên nhiều lần, vì Hoàng Tiến đáp lại rằng “về nói với chúa mày đừng ngờ”.
Một điều thú vị là theo ĐNTL, vua tôi chúa Ngĩa biết vụ này là do Nặc Nộn đệ nhất … chạy lại “méc”: “Vua thứ nhì là Nặc Nộn biết mưu ấy, cho chạy báo với dinh Trấn Biên”, chứ không biết liệu Hoàng Tiến có phản hay không: “vả Hoàng Tiến giết chủ tướng nó, cầm quân ở Nan Khê, lòng hắn thế nào chưa lường được”. Vậy mốc thời gian “tháng 6” khi Dương Ngạn Địch bị giết / Hoàng Tiến làm phản (và có thể ngả theo Miên)là sử quan “nghe” theo Nặc Nộn mà chép lại, chưa rõ ràng, có thể Hoàng Tiến đã theo Miên trước đó “lâu” rồi.
Vậy thì cái chuyện vua Miên vì cớ Hoàng Tiến mà “oán giận bỏ việc triều cống” chỉ là cớ để mang binh sang Miên mà thôi. Vấn đề vì sao tới thời điểm này Nặc Nộn mới tới báo việc này ? Và vì sao chúa Nguyễn cũng sẵn dựa vào đó mà viện cớ mang binh viễn chinh ?
Qua sử Miên ta sẽ thấy có dấu vết hé lộ động cơ ẩn giấu: “Hoàng thân Ang Non điều đình với vua Xiêm Narai làm trọng tài giúp đỡ mình nhưng bị từ khước. Hoàng thân lại ra Huế nhờ Chúa Nguyễn”. Như vậy trước khi “méc” với chúa Nguyễn vụ Hoàng Tiến, Nặc Nộn đệ nhất đã ngầm liên hệ với vua Thái Narai, sau bất thành mà sang viện nhờ chúa Nguyễn. Nhưng ta thấy quân Thái triều vua Narai thắng thế quân chúa Nguyễn ở đất Cao Miên suốt từ năm 1674tới thời điểm 1688 này, trong hơn 10 năm, vua Nặc Nộn thân Việt thất thế so với vua Nặc Thu ở Nam Vang thân Xiêm, vậy cớ gì tại thời điểm này vị vua thất thế ở SaìGòn bỗng nhiên có thể “điều đình” với vua Thái ? và lại bỗng nhiên “cậy nhờ” được chúa Nguyễn viễn chinh sau hơn 10 năm ?
Đó là bởi bên phía Thái, vua Narai ngã bệnh nặng vào tháng 3 năm 1688, và triều đình Thái có nhiều tranh chấp liên tiếp trong tháng 5, tháng 7 một trong bảy vị “đại đế” của lịch sử Thái Lan băng hà, tiếp theo đó là một cuộc đảo chính.
—
Tóm lược một chút sử Thái giai đoạn này để biết căn nguyên cuộc đảo chính này: Xiêm khi đó là Ayutthaya đã sớm tiếp xúc với phương tây và là nước hiếm hoi chủ động giao lưu thương mại, đặt quan hệ với các cường quốc tây Âu. Về phía các nước tây Âu, họ cũng nhận thấy Ayutthaya là một thế lực có ảnh hưởng ở khu vực, đặt biệt là đối với một số tiểu quốc bán đảo malay, cho nên nước nào chiếm/tranh giành eo malacca cũng đều có ngoại giao mật thiết với Ayutthaya.
Người Thái đã tận dụng mối quan hệ với phương tây để phát triển kinh tế, quân sự (súng, thuốc đạn) và sự ủng hộ của họ để tranh với Miến Điện. Nhưng đồng thời người Thái cũng phải đối mặt với tham vọng của các đế quốc phương tây hiện diện ngày càng nhiều ở khu vực, trước là Bồ Đào Nha âm mưu chiếm đóng Tenasserim, cửa ngõ thông thương quan trọng ra Ấn Độ Dương của Xiêm, người Thái thân với Hà Lan để chống Bồ. Sau khi người Bồ đánh mất Malacca vào tây người Hà Lan thì ảnh hưởng của Hà Lan trở nên ngày càng lớn ở Xiêm mà lại không ủng hộ người Thái chống Miến, người Thái lại tận dụng triệt để sự hiện diện của Anh/Pháp ở khu vực làm yếu tố căn bằng ảnh hưởng của Hà Lan.
Tới thời vua Narai, mối quan hệ Xiêm – Hà Lan trở nên căng thẳng hơn hết. Dưới sự cố vấn của Phaulkon – một nhà phiêu lưu người Hy Lạp – sau trở thành cận thần số một của Narai – đã tìm cách cân bằng ảnh hưởng của người Hà Lan bằng cách ủng hộ người Pháp. Nhưng có lẽ mối quan hệ Xiêm – Pháp đã đi quá xa, bản thân Narai lên ngôi với sự ủng hộ bên ngoài cho nên ông đã dành toàn bộ triều đại của mình làm giảm sức mạnh của các quan lại bản xứ gây ra nhiều đổ máu trong thời gian của người tiền nhiệm, vì lẽ đó mà người Pháp đã được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ tôn giáo đến các hoạt động quân sự, nửa sau của triều đại Narai là thời kỳ ảnh hưởng của Pháp ngày càng gia tăng. Nhiều quan lại và chư hầu Xiêm cũng phẫn nộ về ảnh hưởng của Phaulkon và ông ta nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự bài ngoại tại triều đình, với lãnh đạo là Phetracha, một cận thần khác của Narai, người mà tương lai sẽ trở thành vị vua đầu tiên của Vương triều Ban Phlu Luang.
Trước sức ép của Pháp, vua Narai phải ký hiệp ước thương mại tháng 9-1687, trong đó quyền lợi của Pháp được ưu đãi hơn, còn có đặc quyền về ngoại giao và quân sự (đóng quân ở Bangkok và Mergui). Và có lẽ sự kiện người Pháp đi xa nhất chính là việc yêu cầu Narai cải đạo. Một cuộc đảo chính diễn ra sau cái chết của vua Narai tháng 7 năm 1688, Phetracha tự tuyên bố mình là vua, quân Xiêm đã tấn công quân đội Pháp trong cuộc bao vây Bangkok, buộc Pháp phải rời khỏi Xiêm.
—
Vậy là vua thứ nhì Nặc Nộn có nghe ngóng tình hình bên Xiêm, sau chạy qua “rỉ tai” chúa Nguyễn rằng đây là cơ hội giành quyền chủ động ở đất Cao Miên.
Có lẽ vị chúa thứ năm nước Quảng Nam nghe lọt tai, nên lệnh xuất binh, mà nghĩ rằng không có Xiêm chống lưng thì vua Cao Miên Nặc Thu chỉ là “một tên man nhỏ ghẻ lở”, cho nên “không cần phiền đến đại tướng của triều đình” làm gì, binh dinh trấn biên là đủ, lại có ông ” đội trưởng Trương Thiêm Lộc” nghe rằng “đất Chân Lạp có nhiều của báu” sinh lòng tham bèn xin chúa Nguyễn cho ông chú già của mình là Mai Vạn Long lãnh binh.
Ông tướng già Vạn Long này có vẻ không giỏi dụng binh, theo sử Miên chép thì binh chúa Nguyễn lần này tới 20.000 lính lận, ấy thế mà lần thần mãi chả phá ải Nan Khê của Hoàng Tiến, rồi theo ĐNTL chép theo kiểu sử tàu, “bày mưu nghĩ kế” bẫy được Hoàng Tiến, ĐNTL không chép rõ sinh tử của vị phó tướng Minh Hương nhưng Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn trước ĐNTL 1 thế kỷ chép rằng: “Tiến chạy chết…”.
Tiếp theo đó là đại binh thẳng tiến thủ đô Long Úc (Oudong), dĩ nhiên là vua Nặc Nộn đánh hăng nhất theo chân toán quân tiên phong, nhưng lại bị vua Nặc Thu đánh tan tác “hoàng thân dắt 5000 binh sĩ đến Veal Hong bị quân đội hoàng gia đánh tan rã”, sử Việt cũng chép “cai đội Nguyễn Thắng Quyền khinh địch ham tiến, bị Nặc Thu đánh bại”. Thủy binh hùng mạnh của chúa Nguyễn đã phải dừng bước, ĐNTL chép nguyên nhân do thời tiết : “…nay nước sông đang chảy mạnh, chiến thuyền đi ngược không tiện…”, điều này có lẽ đúng, vì cũng theo ĐNTL chép thì đầu năm 1688 “mưa gió to, nước lụt tràn ngập, mặt đất nước sâu 3 thước”, cho thấy năm ấy mưa rất dữ, cho nên lúc này nước sông MeKông chạy mạnh không phải bịa ra để chống chế cho lần hành binh thất bại.
[3]Dĩ nhiên chúa Nguyễn “cả giận” rồi, làm hỏng mất thời cơ vắng mặt viện binh Xiêm, cho nên “tội không thể tha” biếm Mai Vạn Long làm thứ dân (GĐTNTC). Lần này chúa sai Nguyễn Hữu Hào con trai danh tướng Nguyễn Hữu Dật, lại kén thêm binh, tỏ rỏ quyết tâm đánh Cao Miên. Theo ĐNTL ngược với đầu năm, mùa đông năm đó trời hạn, lúc này thì Cao Miên không ngăn được thủy quân chúa Nguyễn nữa, ĐNTL không chép nhưng sử Miên có chép về lần đánh năm 1689 mà vua Nặc Thu phải “nhìn nhận vương quyền của Việt Nam”.
[4]Điều thú vị là sang năm 1690, hình như có một mặt trận “ngoại giao” diễn ra, chúa Nguyễn sai trung sứ đến dụ Nguyễn Hữu Hào về các điều khoản hiệp ước với Cao Miên, nhưng bên Cao Miên lại đáp “Nước nhỏ thờ nước lớn cũng như con thờ cha, đâu dám có lòng gì khác. Bữa nọ nước tôi đương sửa soạn lễ cống thì chợt thiên sứ đến nên chưa sắm đủ thôi. Xin tướng quân rộng cho một tuần nữa, đâu dám trái lệnh”. Vị “thiên sứ” kia ắt hẳn là phe Xiêm La trở lại đánh cờ rồi.
Thế là có hai phe chủ chiến “Chân Lạp lừa dối, nhiều mánh khóe không thể tin được, gương Vạn Long không xa. Chẳng bằng đánh đi” và chủ hòa “Họ đã về với ta mà ta lại đánh, đó là bắt chẹt người trong lúc nguy, không phải là võ. Huống chi Nặc Thu ngày nay như thỏ đã ra hầm, chim đã mắc lưới, còn lo gì nó lừa dối ?”, chúa Nguyễn lại “cả giận” biếm ông tướng đầu têu phe chủ hòa Nguyễn Hữu Hào làm thứ dân. Sang năm 1691 thì chúa Nghĩa ốm nặng rồi băng hà, nên thôi luôn, tới năm 1699 mới lại động binh.
Ta có thể hiểu một nước Đàng Trong mới thoát cuộc nội chiến cách đó chưa lâu nên ý thức “bành trướng” còn mơ hồ, nên mới có chuyện hai ông tướng “lần chần làm hỏng việc quân”.
—
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
ĐNTL
Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức
Phủ Biên tạp lục – Lê Quý Đôn
Xiêm trước sự xâm nhập của các nước phương tây – Võ Xuân Vinh
Wiki