Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần IV: Minh Hương dạt bờ
Từ giữa thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ thứ VII, vương quốc Chân Lạp hình thành trong nội địa, đem quân đánh đuổi triều đình Phù Nam ra đảo Java. Cư dân Phù Nam vẫn còn ở lại một số nơi trên đồng bằng Nam Bộ, duy trì nền văn hoá Óc Eo. Nhưng đến cuối thế kỷ VIII thì văn hoá Óc Eo tàn lụi hẳn, khi các vương triều Java đưa quân về đánh Chân Lạp để báo thù và cướp phá. Vương quốc Chiêm Thành cũng bị Java đánh phá hai lần vào năm 774 và năm 787. Sau đó, Chân Lạp và Chiêm Thành đã đụng độ khốc liệt với nhau liên tiếp chỉ trong vài thế kỷ. Năm 813 và năm 817, Chiêm Thành tiến đánh Chân Lạp. Năm 1145, Chân Lạp đánh chiếm Chiêm Thành trong 3 năm. Năm 1177, Chiêm Thành quật khởi đánh chiếm Chân Lạp trong 4 năm. Năm 1203, Chiêm Thành trở thành thuộc quốc của Chân Lạp trong 17 năm. Sự ra đời các tháp gạch Bình Thạnh, Chót Mạt ở Tây Ninh, bi ký Chăm ở Biên Hoà, cũng như sự hình thành các vòng thành đất hình tròn nhằm mục tiêu phòng thủ của các tộc người bản địa ở Bình Phước, Tây Ninh và Kompong Cham, sự lụi tàn của thánh địa Cát Tiên ở Lâm Đồng (thế kỷ IV-XI), là những chứng tích liên quan đến lịch sử xung đột và tiếp biến văn hoá đó giữa hai vương quốc này.
Có thể vì nguyên nhân lịch sử này, cộng với nguyên nhân địa lý là bồn địa Biển Hồ Tonlé Sap vẫn còn dư địa để phát triển, nên người Khmer đã bỏ trống Nam Bộ suốt nhiều thế kỷ. Như các bằng chứng khảo cổ học cho thấy, từ cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ XVI, lác đác chỉ có một vài di tích bi ký, đền thờ của Chân Lạp xuất hiện ở Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, chứng tỏ nhà nước Chân Lạp chỉ khai thác cầm chừng (cho dân đến khai thác mật ong, sáp ong, cho thương nhân buôn bán qua thuỷ lộ sông Bassac…), chứ không màng đến việc khai hoang và phục hoá các di sản của đế quốc Phù Nam. Phải đến khi Chân Lạp bị người Siam (Xiêm) tấn công, phải liên tiếp dời đô từ Angkor xuống Phnom Penh vào năm 1434, từ Phnom Penh lên Lovek vào năm 1528, từ Lovek xuống Oudong vào năm 1593, người Khmer mới chuyển trọng tâm đất nước từ tây bắc xuống đông nam Biển Hồ, xuôi dòng MeKông và tìm đến Nam Bộ định cư ở các vùng đất cao, tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Bộ máy hành chánh được thiết lập đến cấp khet (tỉnh), srok (huyện), và được nối dài với bộ máy tự quản ở cấp khum (xã), phum (xóm).
Sử gia Nhật Bản Yumio Sakurai thì lập luận rằng người Khmer đã bỏ hoang nhiều khu vực ở hạ lưu sông Mekong như vùng Đồng Tháp Mười trong hơn một nghìn năm. Vượt qua các vấn đề về chủng tộc và ngôn ngữ, chúng ta vẫn chưa rõ về mối quan hệ giữa các trung tâm chính trị vùng hạ lưu sông Mekong trước thế kỷ XVII cũng như sự ràng buộc của các thủ lĩnh Khmer hạ lưu (Okna) với triều đình Campuchia vùng thượng lưu.
Những dấu vết dân cư lúc bấy giờ hay các biến cố chính trị sau này cho thấy trong mối tương quan với vùng Lục Chân Lạp thì vùng hạ lưu Thủy Chân Lạp như là đất rìa và thực chất là nơi trú ngụ của phe thất thế trong cuộc tranh giành quyền bính. Các ông chủ đất ngụ ở Nam Vang không mấy thiết tha gắn bó, sẵn sàng dùng để “đổi chác”, “trả ơn” cho các thế lực bên ngoài chống lưng mình. Một con bài mặc cả chính trị.
Thái độ đó của những ông hoàng Cao Miên khiến vùng hạ lưu Thủy Chân Lạp bao la trở thành miếng mồi béo bở cho vua Xiêm, chúa Nguyễn và những vị khách thất thế ở phương bắc lạc trôi dạt bờ: người Hoa.
—
Sau khi diệt vua Vĩnh Lịch rồi, nhà Thanh phong cho các hàng tướng Hán tộc có công, trong số đó có Thượng Khả Hỉ trấn thủ Quảng Đông, Cảnh Trọng Minh trấn thủ Phúc Kiến, Ngô Tam Quế trấn thủ Vân Nam, gọi chung là “tam phiên”. Năm 1673 vua Khang Hi đã ra lệnh bãi bỏ các phiên, Ngô Tam Quế cử binh làm phản, 2 phiên Quảng Đông và Phúc Kiến hưởng ứng, 3 phiên liên hợp với họ Trịnh ở Đài Loan, thành lập mặt trận phản Thanh, gây nên cuộc đại loạn toàn cõi Hoa Nam. Nhưng chẳng được bao lâu thì bị dẹp.
Năm 1679, Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến cùng Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền dong buồm xuôi nam cậy nhờ chúa Nguyễn. Điều dễ hiểu là chúa Nguyễn không thể cho ở sát bên mình một lực lượng to tớn như thế, lại nữa nếu chứa chấp họ thì có thể bị rắc rối với triều đại mới ở phương bắc, nên đã đẩy tất cả vào phía bắc Thủy Chân Lạp – vùng đất chúa Nguyễn “bảo hộ” – khai hoang lập ấp, binh Long Môn họ Dương vào ở vùng Mĩ Tho sâu trong đất Miên, còn binh Cao Lôi Liêm họ Trần thì án ngữ khối dân Mạ ở cù lao (Giản/Đại) Phố, Biên Hoà.
Nặc Nộn đệ nhất ở Sài Gòn dĩ nhiên gật đầu ngay, đang buồn vì không có binh lực mạnh đánh ngược lại Oudong mà chúa Nguyễn thì chiến sự mặt bắc chưa yên bao lâu nên đâu dễ động binh, nay có binh tướng phương bắc tới thì như vớ được vàng, chiêu mộ lập ngay đạo binh, như Sử Miên chép : “Sau khi thất trận, hoàng thân Ang Non chạy xuống miền nam, thỏa thuận với chúa Nguyễn cho người Việt vào định cư ở tỉnh Bà Rịa và Đồng Nai và 4000 người Trung Hoa tị nạn. Nhóm người này trung thành với nhà Minh, vừa bị Mãn Thanh lật đổ, không muốn sống đưới chế độ ngoại lai … Hoàng thân Ang Non chiêu mộ người Việt và Người Trung Hoa lập thành một đạo binh tấn công quốc vương Chey Chetta IV vào năm 1682”.
Khác với những nhóm lưu dân người Việt đến đó trước đây là chỉ lưu tâm đến phá rừng làm ruộng rẫy, những nhóm người Hoa Nam mới đến này mang theo cả tài năng buôn bán đặc trưng khét tiếng hậu thế của mình, nhanh chóng biến hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho thành hai Đại Phố trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài sầm uất: Nông Nại Đại Phố và Mỹ Tho Đại Phố. (người Hoa không nói được chữ “đ” nên họ gọi Đồng Nai là Nông Nại)
“Cù Lao Phố chỗ sông sâu thuận tiện cho tàu biển đậu. Trần Thượng Xuyên chiêu tập thương buôn nước Tàu, xây dựng đường sá, nhà lầu đôi tầng, rực rỡ bên sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn ở giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, và nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.”(Gia Định Thành Thông Chí)
“Tại Mỹ Tho, phố xá buôn bán đông đúc. Chợ phố Mỹ Tho có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngã sông, biển đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo.”(Gia Định Thành Thông Chí)
“Ở đây người Hoa cùng người Việt khai phá đất mới làm ruộng, lập vườn trồng cau bán cho thương nhân Mã Lai. Ruộng bằng phẳng tốt … có những vườn cau xum xuê. Nhà nào cũng có chứa cau khô và cau tươi đầy sân, đầy lẫm để bán đi các nơi xa gần. Đời sống dân Mỹ Tho thời đó có phần sung túc hơn ở Gia Định. Phụ nữ thì nuôi tằm, dệt cửi cũng hơn, mà nhà nông cày cấy cũng hơn.”(Đại Nam Nhất Thống Chí)
—
Nếu từ “Minh Hương” có nghĩa là những người có cố hương là “Minh” thì đồng thời với Dương Ngạn Địch / Trần Thượng Xuyên cũng có một “Minh Hương” khác từ Quảng Đông vượt biển dạt bờ Mang Khảm hoang vu phía nam Thủy Chân Lạp, sau này lập nên tiểu quốc Hà Tiên: Mạc Cửu.
Sử Cao Miên chép: “Một thương nhân người Quảng Đông rời Trung Hoa năm 1671 đi qua Phillipines và Java. Cuối cùng ông ta đến triều đình Chân Lạp ở Udong và giành được sự tin tưởng của nhà vua Chey Chettha IV (Ang Sor). Sự ghen tị của các quan chức cấp cao người Khmer cuối cùng buộc ông phải xin nhà vua cho ra cai quản vùng đất Banday Mas. Nhà vua Khmer sau đó chấp thuận và ban cho ông danh hiệu Okna”
Theo “Mạc thị gia phả” thì khi Mạc Cửu đến vùng Mang Khảm (Banday Mas), thì vùng này hãy còn là một vùng đất hoang vu. Tại đây ông thấy có nhiều người Hán, Mã Lai, Nam Dương và Ấn Độ tụ tập buôn bán, một số cư dân vùng này chuyên sống bằng nghề buôn lậu và cướp biển, ông bèn tìm cách mở sòng bạc kiếm lời. Mạc Cửu tìm cách lên Nam Vang yết kiến quốc vương Cao Miên để có thể được nhà vua chính thức cho phép khẩn đất lập làng. Tại Nam Vang, quốc vương Cao Miên phong cho Mạc Cửu làm chức Ốc Nha (Okna, danh hiệu dành cho quan chức cao cấp Khmer), và cho phép ông trở lại khai khẩn vùng Mang Khảm, tức vùng lỵ sở của Hà Tiên ngày nay.
Chỉ trong vòng 10 năm ông đã chiêu tập dân lưu tán từ các nơi, nhất là người Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến và Hải Nam, đến khẩn hoang các vùng Phú Quốc, Sài Mạt, Gia Khê, Hương Úc, Cần Bột, Luống Cày và Cà Mau. Mạc Cửu chủ trương để cho dân tự do khai khẩn và canh tác trên mảnh đất của chính mình mà không bị thu thuế. Ông chỉ đứng ra mua lại sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính nhờ tài tháo vát của Mạc Cửu mà chẳng bao lâu sau đó ông đã qui tụ rất đông lưu dân sơ tán từ các nơi hội tụ về Hà Tiên lập nghiệp, nhất là những Hoa kiều gốc Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Hải Nam và Phước Kiến. Lúc đó tại vùng Hà Tiên, ghe thuyền các nơi, kể cả ngoại quốc, đến mua bán tấp nập.
Tiểu quốc Hà Tiên thời Mạc Cửu bao gồm cả một vùng đất bao la bạt ngàn từ Kompong Som, Kampot, Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Vùng đất này nằm giữa tuyến giao lưu của các luồng thương mại, các nguồn hàng, các dự án chính trị, di dân, và các nền văn hóa từ các vùng núi của Lào và Campuchia xuống, người Malay từ bán đảo Malay-quần đảo Indonesia, người Thái từ phía Tây, và các nhóm người Hoa xung quanh vùng vịnh, và nam tiến của người Việt.
Trong tham luận năm 1768 trình bày trước Viện Hàn Lâm Lyon, ông Alexander Hamilton, người từng đến Hà Tiên năm 1718 và gọi vùng này là Ponthaimas, mô tả họ Mạc như những thương nhân khôn khéo, chăm chỉ, biết cách khai phá vùng đất trù phú để trở nên thịnh vượng, lại biết sử dụng chính sách ngoại giao khéo léo để được các nước láng giềng hùng mạnh che chở. Hà Tiên vì thế không chỉ là một cảng thị thương mại sầm uất mà còn là “kho lúa dồi dào nhất của phần đất miền Đông châu Á”, nơi người Malay, Nam Hà (Đàng Trong), Siam đều trông vào để bảo đảm cho những nạn đói.
—
Nhà Thanh nhập quan là sự khởi đầu của dòng di cư của người Hoa xuống Đông Nam Á, tiếp theo đó thời kỳ được gọi là “thế kỷ người Hoa” ở Đông Nam Á (1740-1840) (Anthony Reid 2004), thế kỷ được coi là thời kỳ “thịnh trị” Khang Hy-Ung Chính-Càn Long, đánh dấu với sự gia tăng dân số gấp đôi từ 150 triệu lên hơn 300 triệu, dẫn đến nhu cầu lương thực gia tăng mạnh dọc theo duyên hải từ Quảng Đông lên Phúc Kiến, thúc đẩy các cuộc di cư xuống phía Nam buôn bán và nhập khẩu gạo ở hai đồng bằng Mekong và Chao Phraya(Thái).
Người Hoa nhanh chóng phát triển mạnh mẽ với những sở trường đồng thời là ưu thế văn hoá mà không tộc người nào ở Đông Nam Á sánh bằng: thương mại, dịch vụ, thủ công, với sự hỗ trợ của mạng lưới thương nhân Hoa kiều hải ngoại. Họ can dự vào một loạt các sự kiện kinh tế, chính trị, và quân sự khắp khu vực, từ chiến tranh ở Thái, xung đột ở đảo Java, Manila, cho đến việc điều hành các khu khai mỏ thiếc dọc theo bán đảo Malay và quần đảo Indonesia làm xáo trộn bức tranh chính trị Đông Nam Á, và khỏa lấp những khoảng trống vắng nhà nước tập quyền ở khu vực. Để rồi sau đó, đến lượt các vùng đất này trở thành nơi tranh chấp của những vương quốc tập quyền khu vực.
Riêng với Việt Nam và Cao Miên, ảnh hưởng của người Hoa thời kỳ này còn hằn rõ nét tới tận bây giờ, đó là sự thành hình của lục tỉnh nam kỳ và biên giới “xốp” giữa Việt Nam – Cao Miên.
Ở phía bắc Thủy Chân Lạp, sự phát triển nhanh chóng nền kinh tế hàng hóa mà người Hoa gầy dựng ở Nông Nại – Mỹ Tho đã tạo cơ sở cho chúa Nguyễn đưa dân “Ngũ Quảng” (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi, theo LiTana thì dân vùng bắc Bố Chính cũng chạy nạn chiến tranh vào theo) di cư ồ ạt vào. Và trong một chừng mực nào đó nó tác dụng ngược lại mối quan hệ Đàng Trong – Chiêm Thành. Người Hoa thời bấy giờ “xưng thần” với chúa Nguyễn nhưng họ lại có quyền tự do hành động rất lớn, vả chăng thời đó chúa Nguyễn cần người khai khẩn và mặt bắc lại chưa yên nên chưa lưu tâm cai trị họ. Nhưng một phần thế lực Minh Hương cũng không phải “trung thành”: “ăn mặc đều nhờ sản vật của Chân Lạp”, (không phải nhờ chúa Nguyễn). Bởi thế để giữ gìn an toàn cho đám quân, dân về phía trước càng lúc càng đông, càng tiến xa, Chiêm Thành là một cản trở mà Nguyễn phải dẹp bỏ, cho nên năm 1693 Bà Tranh (Po Thot) bị bắt, Chiêm Thành trở thành trấn Thuận Thành.
Ở phía nam Thủy Chân Lạp, sức mạnh của một trung tâm giao thương không chỉ cho phép vùng đất này có khả năng đúc tiền riêng, mà còn được biết đến như một huyền thoại về sự thịnh vượng xung quanh biển Đông và vịnh Thái Lan. Và dĩ nhiên không thể tránh khỏi đôi mắt thèm thuồng của người Thái, không chỉ bởi nó giàu, nó là “kho lúa dồi dào nhất của phần đất miền Đông châu Á”, mà còn bởi vị trí chiến lược của nó – án ngữ bờ đông vịnh Thái Lan.
Và khi các cuộc xâm lược của người Thái và Khmer diễn ra thường xuyên, một phần bởi vị thế cực kỳ dễ bị tập kích của Hà Tiên, họ Mạc cần chúa Nguyễn để chống lưng, một phần Hà Tiên còn tìm kiếm sự kết nối với không gian Việt Nam thông qua góc độ văn hóa, tôn giáo. Người Hoa không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có những giá trị văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú: Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, các phong tục vòng đời người, các lễ hội dân gian với sức sống mãnh liệt làm nên tình đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Sợi dây văn hóa có sức sống mãnh liệt này đã lần mò kết nối hai gọng kiềm nam bắc Thủy Chân Lạp.
Ngay khi chúa Nguyễn nắm trong tay đủ cả hai gọng kiềm Minh Hương năm 1708, quá trình nam tiến bức tốc trở thành giai đoạn nhanh nhất lịch sử, chỉ trong vòng 50 năm, chúa Nguyễn hốt toàn bộ vùng nam bộ ngày nay.
Đó là bởi vì sự kết nối này không những tạo ra một “trục biên giới” Biên Hòa – Mỹ Tho – Hà Tiên xẻ dọc chia đôi miền “Thủy Chân Lạp”, án ngữ cửa ra biển của người Miên. Mà còn hình thành một “trục văn hóa Khổng Mạnh” gạt phăng văn hóa Ấn Độ sang bên lề, tạo điều kiện để “cuốc cày đi trước nhà nước theo sau”, tạo đà cho một quá trình “tằm ăn dâu” lâu dài, mới định hình vùng đất nam bộ như bây giờ.
Lẽ dĩ nhiên “gạt phăng” ở đây là “chiếm phần chủ đạo”, bởi tập họp “người Gia Định” theo Trịnh cho thấy, bao gồm nhiều chủng loại: Hán nhân “lưu dân nước ta”, người Thanh được gọi là người Đường; người phương Tây có: Phú Lãng Sa, Hồng Mao, Mã Cao (Bồ?); ngoài biển vào có Đồ Bà theo đạo Bái Nhật – hẳn là Trịnh có thấy họ rạp người quỳ lạy hướng về Mecca. “Người các nước ấy đến kiều ngụ đông đảo chung lộn mà y phục, khí dụng đều theo quốc hoá của họ”, còn phải kể những người Khmer vẫn còn có mặt. Chính vì vậy mà khi nói chuyện với nhau, có tiếng “Đường” tiếng Miên lẫn lộn, rõ là nhiều hơn bình thường như gần đây nên Trịnh bảo là “người ở hạt khác đều không biết”. Như thế Gia Định của thế kỉ XVII, XVIII đã mang tính chất tứ chiếng giang hồ – quốc tế, nếu muốn nói nghiêm chỉnh hơn. Còn về vùng đất tự trị cuối cùng ở châu Á – Hà Tiên thì đây vốn là trung tâm thương mại của khu vực, tuy nhiên Trung Quốc mới là thị trường quan trọng nhất của Hà Tiên, và tập hợp dân Hoa mới là chủ đạo, đặc biệt đây là “thế kỷ người Hoa” ở Đông Nam Á như đã nói.
—
Đất nước rộng lớn chứa nhiều chủng loại người, nhất là dân phiêu lưu không chịu vào khuôn khổ, trên một vùng còn rất nhiều sơ hở về quyền bính ràng buộc nên rối loạn cũng là điều xảy ra thường xuyên. Những người Hoa lưu lạc là yếu tố nhân lực chính khai thác vùng của các chính quyền cũ yếu thế, đồng thời lại cũng là yếu tố gây đảo lộn lớn. Chúa Nguyễn xoá vương quốc Chiêm Thành (1693) vì thấy cản trở trên con đường liên hệ với vùng đất mới phương Nam, nhưng sự chống đối của người Chàm khiến cho vương triều lay lắt này trở lại như cũ một thời gian, để năm 1695 T. Bowyear còn được mời đến giao thương. Sự nới lỏng này là do sự xúi giục và tham gia của lớp người Thanh – người Hoa của triều đại mới, đến muộn phải kèn cựa giành chỗ đứng, mưu cầu quyền lợi, và thường là thất bại. Khách buôn Lí Văn Quang tụ đảng đến hơn 300 người, xưng là Đông Phố Đại Vương, mưu đánh úp dinh Trấn biên (1747).
Trên vùng Hà Tiên lại cũng thấy một âm mưu lạc loài của những người đến muộn như nhóm Trần Thái quấy rối Mạc Thiên Tứ (1768), dây dưa đến sự can thiệp của quân Xiêm. Trần Liên, quan Xiêm mà rõ là gốc Thanh, đã thay mặt Xiêm cai trị, tàn phá ải địa đầu này của Nguyễn (1773). Và rồi tiếp tục lại vẫn thấy dân phiêu lưu trong cuộc đảo lộn cuối đời với Trung nghĩa quân Tập Đình vắn số và Hoà nghĩa quân Lí Tài hơi bền dai hơn.
Tất cả những phức tạp đó là biểu hiện của một “nước” Đàng Trong đang thành hình với những khuyết điểm nội tại, còn phải vượt qua hơn phần tư thế kỉ rối loạn để chuyển biến thành một nước Việt Nam càng phải đương cự với nhiều vấn đề của thế giới vốn chỉ mới len lén bước vào trong thời gian này.
—
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
Đất Phương Nam – Người Long Hồ (bút hiệu của Trần Ngọc)
Khai khẩn Nam Bộ: Chứng tích lịch sử của quá trình hợp dung văn hóa đa tộc người – Lý Tùng Hiếu
Hà Tiên, chìa khóa nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông cửu long – Hãn Nguyên
Sự hình thành đường biên giới Việt Nam, Campuchia – Vũ Đức Liêm
Bài sử khác cho Việt Nam – Tạ Chí Đại Trường
Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức