Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần II: Cao Miên có phải chủ đất của vùng Đồng Nai-Bà Rịa ?
Có một vấn đề là cả sử Việt và sử Cao Miên đều mặc định vùng Bà Rịa – Đồng Nai cũng là thuộc Thủy Chân Lạp sau bị người Việt lấn dần.
Theo sử Cao Miên trong phần trước, họ coi đó là 2 “tỉnh” của họ: “Năm 1623, một phái đoàn sứ giả ở Huế vào triều kiến Quốc vương Chey Chetta II xin cho người Việt vào cư ngụ trong tỉnh Prey Kôr… ngỏ ý “mượn” của nước Cao Miên xứ Prey Nokor (Sài Gòn) và xứ Kas Krobey (Bến Nghé) để đặt làm nơi thu quan thuế … Khi quốc vương Chey Chetta II băng hà, tất cả vùng thuộc miền Nam từ Prey Kôr đến ranh giới Chiêm Thành, các tỉnh Bà Rịa và Kâmpéâp Srékatrey (Biên Hòa) đều bị người Việt Nam cai trị.”
Tuy nhiên ta cần để ý rằng, họ không chép bất kỳ sự kiện “xin/mượn/mộ dân” nào ở 2 vùng Đồng Nai, Bà Rịa. Mà ta biết rằng nhóm người Việt Nam đầu tiến di cư vào miền nam ngụ ở Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay như An Toàn Hầu Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định Thành thông chí, chép như sau về Mô Xoài – Đồng Nai trước sự kiện năm 1658, tức là trước khi chúa Nguyễn can thiệp sâu vào nội bộ hoàng gia Cao Miên (phần sau sẽ nói): “Khi ấy địa đầu đất trấn Gia Định là hai xứ Mỗi Xoài, Đồng Nai (đất trấn Biên Hòa ngày nay) đã có dân lưu tán của nước ta cùng ở lẫn với người Cao Miên, để khai khẩn ruộng đất, mà người Cao Miên sợ phục uy đức của triều đình, lại nhường mà tránh, không dám tranh giành ngăn trở.”
Như vậy vùng nam Sài Gòn dân ta cần “xin/mượn” thì mới vào sống chứ vùng Đồng Nai – Bà Rịa hay nói cách khác là “vùng biên giới với Chiêm Thành” thì dân ta vốn đã ở lẫn lộn với dân Cao Miên từ trước. Hoặc giả chính Cấn Trai thi sĩ cũng chỉ “nghe” kể lại và vội quy chụp (theo kiểu “nho giáo”) rằng thì là do “uy đức” của triều ta mà dân Miên “nhường”. Hoặc thực ra lúc đó chả có mấy người Cao Miên sống ở Đồng Nai – Bà Rịa, một vùng “rừng” đợi chờ người “Việt” vào khai khẩn. Như sách Phủ Biên Tạp Lục, chép về vùng đất Đồng Nai thời bấy giờ như sau: “… Đất Đồng Nai Từ Cửa Biển Cần Giờ, Soi Rạp, cửa Đại, tiểu toàn là vùng rừng rậm… Đất ấy nhiều ngòi lạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ…từ cửa biển đến đầu nguồn đi sáu, bảy ngày hết thảy là đồng ruộng, nhìn bát ngát…”
Phần sau tui bê nguyên bài “Việc mãi nô dưới vòm trời Đông Phố và chủ đất thật của vùng Đồng Nai” của tác giả Bình Nguyên Lộc đăng trên tập san sử địa số 19-20. Đây là bài sử rất hay, thú vị, cho rằng vùng Đồng Nai – Bà Rịa thật ra là vùng đệm giữa Chiêm Thành và Cao Miên chứ không thuộc nước nào cả.
—
Việc mãi nô dưới vòm trời Đông Phố và chủ đất thật của vùng Đồng Nai
(Bình Nguyên Lộc)
Việc dùng nô lệ thì ở xã hội nào thuở xưa cũng có, chớ không riêng gì trong xã hội Việt Nam, nên xin bạn đọc chớ tức giận mà đọc thấy những tiết lộ sau đây của chúng tôi, chỉ có lợi chứ không có hại, vì rồi ta sẽ thấy rằng dân tộc Việt Nam nhân đạo hơn tất cả các dân tộc khác đối với nô lệ.
Năm tôi lớn lên tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, thì thấy quanh tôi có một thứ người giống hệt người Việt Nam, nhưng nói tiếng Việt lơ lớ. Họ sống tự đo bằng nghề đi làm thuê cho dân làng, và người trong làng gọi họ là “Mọi”.
Vì còn quá bé (6 tuổi) tôi chẳng biết họ là ai, lại ở chung với ta, luôn luôn nghèo, chỉ có một người là được một ông nhà giàu gả con gái cho, mà đó là một cô gái tàn tật.
Nhưng rồi tôi lớn lên, tôi thấy họ tiến bộ, họ nói tiếng Việt đã giống ta lắm, rồi lấy vợ lấy chồng người Việt. Hiện nay có con cháu họ còn, và đã làm nên đanh phận tại Sài Gòn nầy.
Cho tới năm 15 tuổi, sửa soạn đi Sài-Gòn để vào học “ly-xê”(?) tôi mới nghe thân phụ tôi cho biết rằng họ là nô lệ, được người Việt khắp tỉnh tự động phóng nô.
Nghĩa cử ấy, người Việt đã tự động làm thật sự vì người Pháp thuở ấy không hay biết chuyện đó; hay có biết mà làm ngơ thì không rõ, chớ pháp luật của Pháp không hề có can thiệp lần nào hết. Tôi quên nói rằng còn một người không được phóng thích, nhưng họ được đối xử y như tôi tớ; và có trả lương chút ít, một số tiền tượng trưng đề ăn quả bánh, còn áo quần, thuốc hút gì đều do chủ đài thọ hết.
Thân phụ tôi cho biết rằng họ được phóng nô năm 1913, tức trước khi tôi sinh ra một năm (ít lắm cũng trong làng của tôi). Mãi cho đến bốn năm năm sau, tôi mới chú ý đến họ, vì tôi đã được học chủng tộc học, dân tộc học tại trường.
Thuở ấy người Pháp có lập một bảo tàng viện dân tộc học tại Saigon (Museé ethnographique) mà cái gì của bất kỳ nhóm người sơn cước nào ở Đông Dương cũng đều được chưng bầy ra, do đó mà tôi mới chợt nhớ đến người “Mọi” trong vùng tôi. (Nay nhắc lại chuyện củ, tôi tự hỏi nấm 1954 mà Pháp bàn giao cho chính phủ ta, họ đã thủ tiêu cái bảo tàng viện ấy bằng cách nào mà ta không hay biết để đòi lại ?)
Tôi về làng gặp lại họ, điều tra về họ thì tôi rất kinh ngạc mà được chính người Việt Nam cho biết rằng họ là chủ nhân chánh hiệu của vùng đất mà dân ta đang sống, chớ không phải là người Cao Miên. Theo thân phụ tôi cho biết, bằng vào truyền khẩu trong gia đình thì dân ta đi cư vào cái nơi mà nay tên là Biên Hòa thì không có gặp người Cao Miên, mà gặp thứ người đó. Đó là một tiết lộ quan trọng, vì ta học sử địa, ta cứ nghe dạy rằng dân ta di cư vào xứ của người Cao Miên, nhưng mà không phải thế, thì là làm sao ?
Mặc dầu năm nay (1970) đã 92 tuổi, thân phụ tôi cũng chẳng biết gì cho nhiều vì cuộc di cư đầu tiên xảy ra vào giữa thế kỷ 17. Người không biết rằng sách học đã dạy như vậy, chỉ nghe ông bà kể lại rằng không có gặp người Cao Miên mà chỉ gặp người đó mà thôi.
Họ sống thành bộ lạc, làm lúa rẫy chớ không biết cày, nhưng họ đã có dụng cụ bằng kim khí, đồng và sắt. Họ chỉ lùi dần vào rừng, chớ không có chống lại với ta, và cho tới năm tôi lên 6, thì tôi chỉ còn thấy nô lệ, chớ hết thấy bộ lạc nữa.
Những nô lệ này không phải là bị dân ta dùng sức mạnh đề bắt như thời xưa, mà ta mua trẻ con. Họ còn kém cỏi nên năm nào tới mùa giáp hạt, họ cũng đói kém vài tháng, và bán con, đổi lấy gạo và muối.
Nhưng không phải là họ lùi bước ngay, mà họ có sống chung với ta ít lắm cũng năm bảy mươi năm, nên phong tục của họ, có vài điểm lọt vào xã hội ta, mà một tục, được Trịnh Hoài Đức nói đến về nếp sống của dân Việt ở Nam Kỳ, sử gia Phan Khoang dịch đăng trong quyển Xứ Đàng Trong. Nhưng Trịnh Hoài Đức không biết đó là phong tục của dân thổ trước ấy, trình bày như là người Việt Nam Kỳ bày ta các tục ấy. Dân đó, ngày nay còn giữ tục ấy, còn dân Việt ờ Nam Kỳ thì đã bỏ từ lâu rồi.
Thế thì sử sách của ta còn sơ lược về điềm ấy. Có lẽ trên giấy tờ thì đất đá của vua Cao Miên, nhưng dân thì không phải chỉ có dân Cao Miên, và riêng ở vùng tôi sinh trưởng thì không hề có dân Cao Miên.
Như đã nói, năm tôi lên sáu thì trong làng chỉ có một người nô lệ là chưa được giải phóng, và năm tôi hai mươi, trở về làng, học hỏi về họ thì người nô lệ ấy đã qua đời rồi, nên tôi chỉ biết về chế độ nô lệ trong vùng qua những lời kể của thân phụ tôi mà thôi.
Theo thân phụ tôi thì thật ra cũng có một số chủ nhà tàn ác, hành hạ nô lệ quá lắm, bắt làm nhiều, cho ăn ít, lại còn đánh đập khi nào năng suất của nô lệ kém, nhưng giết chết thì không có, mà số người tàn ác như vậy cũng quá ít đối với số người nhân đức. Tôi tin thân phụ tôi được, bằng vào sự phóng nô, và cảnh nô lệ sống tự do lẫn lộn với dân ta mà tôi được chứng kiến.
Người nô lệ được giải phóng, được hội tề hương chức ghi tên vào bộ đình trong làng, tức mặc nhiên xem họ có quốc tịch Việt Nam. Họ không tìm về với cộng đồng của họ vì những bộ lạc ấy đã lùi xa từ mấy chục năm rồi, không còn làm sao mà tìm được nữa, với lại họ đã quen với nếp sống Việt Nam, được dân làng cho tới lui, thuê làm lụng, họ không có lạc hướng, hoặc đau khổ gì hết. Họ không còn bị gọi là “Mọi” nữa, năm tôi trở về làng để tìm lại họ, thì họ được Việt hóa hoàn toàn rồi.
Phủ Biên tạp lục của Lê Quí Đôn cũng có nói đến đám nô lệ ở Nam Kỳ ấy, nhưng họ Lê cho rằng đó là nông nô, nhưng theo chỗ chúng tôi thấy tận mắt thì không phải. Họ cày, cấy, gặt, viết dở, và các chủ nô lệ chỉ bắt họ làm các công việc khác mà thôi, chở không đề họ làm nghề nông. Tất cả mọi công việc đồng áng đều do đân ta làm lấy hết. Hình như là phải học nhiều thế hệ mới giỏi nghề nông được, nhưng đân ta không biết cái lẽ đó, dạy họ vài năm, coi không xong thì thôi. Vả lại còn biết bao nhiêu công việc nặng nhọc, thì nô lệ cũng chẳng được ngồi không, mặc dầu họ dở nông nghiệp. Thuở ấy chưa có nhà máy xay lúa trong làng, thì xay, giã là công việc vất vả để dành cho nô lệ. Đốn cây, leo cây, cũng là công việc của nô lệ, gánh nước từ sông lên cũng do họ đảm trách. Đó là công việc hằng ngày, thỉnh thoảng có dịp khiêng gánh nặng, hoặc đào giếng thì họ lại có dịp trổ tài.
Nhưng họ không phải ngu đần đâu vì tôi có thấy những người ấy biết chữ Nho và rất ưa “nói chữ”. Chữ Nho mà lại dễ học hơn nghề nông thì thật là khó hiểu !
Nhưng năm tôi trở về làng thì lại có người có nô lệ trở lại, những đứa trẻ mới được mua, chưa dùng được. Tôi hỏi ra thì là các chú lái buôn Tàu đi lên rừng, thỉnh thoảng mưa về một đứa để bán lại cho ta. Nhưng không rõ do đâu mà rồi chỉ ho heo có mấy đứa trẻ lại thôi, hình như là đân làng đã biết luật pháp cấm đoán, họ đã tự động phóng nô hồi luật pháp chưa vào làng, họ không dại mà phạm tội khi họ biết luật rồi. Những đứa trẻ mới mua sau, được ngụy trang là con cháu và được đối xử như con cháu thật sự. Nhưng từ đó (1930) không còn việc mãi nô nữa, mặc đầu dân nô lệ cũ vẫn cứ còn có mặt trong làng sanh con đẻ cháu ra hoài hoài.
Ta xem sử sách đông, tây, kim, cổ, ta thấy nhiều nơi nhiều thời, đối xử với nô lệ tàn bạo hơn dân ta nhiều lắm, còn ở Trung Hoa thì chính tôi tớ là người nô bộc thuộc Hoa tộc, cũng bị ngược đãi đôi khi đánh chết cũng chẳng sao. Nhưng sự kiện mãi nô nầy chỉ là nguồn gợi thắc mắc cho chúng ta về chủ đất thật sự của cái nơi mà ta đã đi cư đến.
Ngày nay, sau nhiều năm học hỏi, chúng tôi lại khám phá ra được mấy điều nầy nữa. Là trọn tỉnh Long Khánh chỉ mới được dân ta đến khẩn hoang và định cư không trên 70 năm (cho tới năm nay – năm bài báo này đăng 1970). Như vậy thì vào giữa thế kỷ 17 cho đến năm 1900 thì giữa Biên Hòa và Phan Thiết là rừng rậm với những bộ lạc có con đân làm nô lệ cho ta.
Điều đó cũng có thể không gì là lạ. Đó là một cái “No manslands” giữa hai quốc gia Cao Miên và Chiêm Thành, họ cố ý không khẩn hoang cả một vùng rộng lớn đề lấy rừng sâu làm thành lũy thiên nhiên hầu chống xâm lăng.
Nhưng ai làm chủ khoảng rừng rậm mênh mông ấy, trên giấy tờ ? Trên thực tế, thì đó là người Mạ, người mà dân ta đã gặp. Nhưng họ không có nước thế họ là thần dân của ai đó, mà kẻ đó là Chiêm Thành hay Cao Miên ?
Trong tỉnh Biên Hòa, dân ta lượm được, hoặc đào được rất nhiều tượng Chàm, mà hai tượng danh tiếng là một tượng ở làng Tân Hòa, được thờ trong một ngôi đền do dân ta xây cất, tượng này chỉ là tượng Saruda thôi, nhưng nó danh tiếng vì người thủ đền là một nhà trí thức Việt Nam, ông Nguyễn Xích Hồng, người Việt Nam đầu tiên đã mở Trung học tư thục tại Sài gòn. Nhưng một tượng khác lại danh tiếng hơn vì được hầu hết các nhà khảo cổ Việt Nam biết đến hiện đang thờ tại một đền thờ ở thành phố Biên Hòa.
Như vậy thì biên giới Miên Chiêm ở đâu ?
Chắc không ai biết cả, nhưng bằng vào sự có mặt của tượng chàm tại thành phố Biên Hòa ngày nay, ta có thể suy ra rằng biên giới ấy không phải là ranh giới của hai tỉnh Long Khánh và Bình Thuận như toàn thể các sử gia ta đều tưởng, từ bao lâu nay, mà có thể là tại thành phố Biên Hòa ngày nay, bay ở dưới nữa, rất xa.
Cả Chàm lẫn Cao Miên đều theo văn hóa Ấn Độ, thì tượng thờ của họ hơi giống nhau, nhưng vẫn có khác, mà các nhà khảo cổ đều cho rằng tượng Biên Hòa là tượng Chàm chớ không phải tượng Cao Miên.
Tôi bèn học ngôn ngữ của người Mạ, thứ người ngày xưa đã làm nô lệ cho ta ấy, đã xem họ có phải là những người thuộc phần tử Cao Miên chậm tiến không.
Nhưng việc học hỏi của tôi không cho tôi biết sự thật được. Trong ngôn ngữ của người Mạ (họ tự xưng là Chi-au Mạ. Chi-au chỉ có nghĩa là “người” mà thôi. Nhưng nhiều sách lại ngỡ Chi-au là một phần của Chi-au Mạ, nên viết rằng họ là người Châu Mạ, Chi-au biến thành Châu), trong ngôn ngữ của họ có một số danh từ Cao Miên y hệt như trong ngôn ngữ Việt ở miền Nam, (mà cả ngôn ngữ Việt miền Bắc cũng có một số ít danh từ Cao Miên nữa) nhưng căn bản vẫn là Mã Lai, một phương ngữ Mã Lai rất gần với phương ngữ mà tất cả mọi dân tộc ở trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đều dùng (Sô-Đăng, Bà Na, Gia Rai, Chàm, và cả Việt nữa).
Điều ấy phù hợp với khoa chủng tộc học Âu Châu, khoa ấy xác nhận rằng người sơn cước Việt Nam thuộc chủng Anh-Đô-Nê-Diêng, nói nôm nô là chủng Proto-Malais, tức Cổ Mã Lai. Cổ ở đây là ở vào giai đoạn văn hóa và vóc dáng cổ, chớ không phải là sống vào thời cổ.
Như vậy thì không có gì là Cao Miên hết ở Biên Hòa.
Mà cũng không chắc rằng đó là đất Chàm, mặc đầu người Chàm cũng nói tiếng Mã Lai, y như người Mạ, vì theo truyền khẩu trong các gia đình ở Biên Hòa thì tổ tiên chúng tôi không có gặp người Chàm nào hết khi di cư vào mà chỉ thấy chủ đất thật sự là người Mạ mà thôi.
Những tượng Chàm lượm được hoặc đào được, người Mạ không biết là của ai. Sự không biết ấy, chứng tỏ rằng họ không phải là người bổn xứ thật sự, người bổn xứ rất cổ, đã bị tiêu điệt rồi chăng? Mà cái người bổn xứ thật có đã để lại tượng Chàm, xem ra, không phải là người Chàm, bởi Biên Hòa với Bình Thuận, mặc dầu cách trở nhau vì rừng, nhưng vẫn là địa bàn liên tục thì người Chàm, Biên Hòa không thể bị tiêu diệt khi người Chàm Bình Thuận còn tồn tại.
Người đó là ai ? Xét địa danh, cũng không biết được gì hết.
Không rõ nhà học giả tiền bối Trương Vĩnh Ký đã dựa vào tài liệu nào, mà ngài lập ra được một bản danh sách của các địa danh Cao Miên ở Nam Kỳ, trong danh sách đó thì sông ngòi, non núi ở Biên Hòa, lại mang tên Cao Miên.
Chúng tôi kiểm soát lại thì không có sự thật nào hết, riêng trong tỉnh Biên Hòa. Những địa danh Cao Miên bị Việt hóa, ngày nay vẫn còn mang dấu vết Cao Miên. Thí dụ: Trà Vinh, Long Hồ, Mỹ Tho. Trong khi đó thì những địa danh bị Việt hóa ở Biên Hòa và Long Khánh lại mang dấu vết Mã Lai thí dụ như Gia Ray, Gia (Ya là một phương ngữ Mã Lai có nghĩa là Sông, hoặc Nước, bị ta biến thành Gia). Mà như thế thì đó là địa danh Mạ, hoặc Chàm, chớ không thể nào mà là địa danh Cao Miên.
Có một thứ danh mộc mà miền trung gọi là cây “bằng lăng”. Danh mộc ấy, từ Mỹ Tho tới Cà Mau, dân ta gọi bằng một danh từ Cao Miên, ấy là cây “thau lau”. Còn từ Mỹ Tho lên tới Biên Hòa thì là ta vẫn dùng đanh từ “bằng lăng”, hoặc một danh từ khác của người Mạ, mà chúng tôi đã quên mất rồi. Đó là một bằng chứng nữa rằng đất ấy không phải là đất Cao Miên thật sự.
Những sự kiện sử địa nói trên đặt ra một nghi vấn đáng được ta nghiên cứu lại, nhất là ông Sihanouk đã có lần đòi gần hết đất Nam Kỳ nầy, bảo rằng đó là đất của tổ tiên ông.
Ông Ngô Đình Diệm rất không ưa dấu vết Cao Miên, có lẽ vì cuộc đòi hỏi điên rồ của ông Sihanouk, nên ông đã ra lịnh Việt hóa hầu hết những địa danh mang dấu vết Khơ-Me Cao Miên, thí dụ Mê Sô, bị ta biến ra thành Mỹ Tho thì ông bắt sửa ra là Định Tường. Nhưng những địa danh từ Mỹ Tho lên tới Biên Hòa không phải là địa danh Cao Miên, lại cũng được sửa đồi, có lẽ là vì người cộng sự của ông cứ yên trí rằng đó là địa đanh Cao Miên. Thí dự quận Cần Đước bị cãi lại là quận Cần Đức. Nhưng Cần Đước là tiếng Việt, Cần Đước là loài thủy tộc giống như con rùa ăn thịt được. Đó là xứ có nhiều con Cần Đước, chớ không phải là một địa danh Cao Miên.
Các sử gia ta không nghiên cứu, cứ chép lại sử cũ của triều Nguyễn, mà sử ấy không chép theo nghe thấy tại chỗ, mà theo văn kiện chánh thức, văn kiện này cho rằng ta xin phép vua Cao Miên cho dân ta di cư vào đất họ. Nay những điều nghe thấy lại nói trái lại thì tưởng đoạn sử ấy của miền Nam còn phải lâu lắm mới đúng sự thật được. Chúng tôi xin trình dưới đây những khám phá mới nhất đã soi sáng phần nào đoạn sử hỗn loạn và mù mờ đó, những khám phá này, chưa hẳn là sự thật, nhưng vẫn cho ta hi vọng đi đến sự thật về sau.
Ai cũng biết rằng nước Phù Nam chánh quốc là nước Cao Miên hiện nay. Họ lại có đất phụ dung mà họ không ở, là toàn cõi Nam Kỳ và ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Nha Trang của ta nay, như bia Võ Cảnh đã chứng minh.
Theo tài liệu mới nhất về nước Phù Nam của ông Pierre Dupont (B.S.E.I. 1949) thì nước Chân Lạp cướp nước Phù Nam, nhưng chỉ cướp được có cái phần đất mà nay là nước Cao Miên mà thôi, và Nam Xiêm La xưa mà thôi, còn từ Nam Kỳ ra tới Nha Trang, cũng là lãnh thổ của Phù Nam thì họ không bao giờ cướp được cả.
Nhưng theo chúng tôi, thì chắc là họ không thèm cướp vì Nam Kỳ quá nô địa, mà dân Cao Miên thì không ở được nơi đất ẩm như dân Việt Nam, mà hễ không cướp Nam Kỳ thì đất Bình Thuận, Nha Trang có khô ráo bao nhiêu, họ cũng không làm sao mà cướp được.
Về sau, có một quý tộc Chân Lạp cướp đất ấy, để lập quốc riêng, nhưng lại đặt trung tâm ở Nha Trang và cướp luôn cả Chiêm Thành, tự xưng mình là vua của nước Hoàn Vương gồm Chiêm Thành, Nha Trang, Bình Thuận. Nam kỳ vẫn bị bỏ quên.
Và rồi không có tài liệu nào cho biết rằng sau đó nước Chân tạp có chiếm Nam Kỳ hết. Tên quý tộc phiêu lưu nói trên bị một quý tộc Chiêm Thành giết đi, ông này bỏ tên nước cũ của dân ông là tên Lâm Ấp, bỏ luôn tên Hoàn Vương và xưng quốc hiệu là Châmpa (Tàu phiên âm là Chiêm Ba, hoặc Chiêm Thành), sáp nhập Lâm Ấp với phần đất bắc Phù Nam là Nha Trang và Bình Thuận.
Có lẽ chỉ có một vài nhóm Cao Miên tự động di cư xuống Nam kỳ rồi thì vua Cao Miên thấy đất không chủ, nhận luôn làm của mình. Cứ lật hồ sơ hành chánh của Pháp, ta nhận được rằng cho tới trăm 1930 mà dân ta khẩn hoang Nam Kỳ chưa xong, thì hẳn vào thế kỷ 17, không có mấy người Cao Miên định cư ở đất này đâu.
Những sách dân tộc học của ta, như Phủ Biên Tạp Lục của Lệ Quý Đôn cũng nói rõ rằng chúng ta khẩn hoang đất Đông Phố, mà khi nói đến khẩn hoang thì phải hiệu rằng ở đó không có dân mà chỉ có rừng.
Tóm lại Nam Kỳ cũng chưa xứng đáng là thuộc địa của Cao Miên nữa chớ đừng nói là chánh thức cúa họ. Họ không có mất nhiều quá như ngày nay họ tưởng khi mà họ thấy từ Biên Hòa đến Cà Mau ruộng đất mênh mông. Vào thế kỷ 17 đất này vẫn còn là đất hoang vu, có chủ từ 2000 năm, nhưng chủ cũ là Phù Nam cũng bỏ mà chủ mới là Cao Miên cũng chẳng ngó ngàng gì tới hết.
Xin trở lại người Mạ mà chúng tôi đã biết và đã học ngôn ngữ. Họ nhớ rằng xưa kia, tổ tiên của họ có thống nhất các bộ lạc lại được dưới quyền một người chúa độc nhất. Các sử gia Pháp cũng xác nhận điều đó. Địa bàn của họ vào năm 1930 là bắc Phước Tuy (Bà Rịa), Bắc Biên Hòa, Long Khánh, Lâm Đồng Bảo Lộc, Di Linh, Ban Mê Thuột.
Nhưng xưa hơn, có lẽ địa bàn ấy đi tới Mỹ Tho bằng sự xuất hiện của danh từ “thau lau” chỉ loại danh mộc đã nói ở trên kia từ Mỹ Tho trở xuống. Phủ Biên tạp lục cũng cho biết rằng ta khẩn hoang với công nhân nô lệ tại đất Lôi lạp (tức Gò Công, Long An). Tác giả Lê Quý Đôn lại phân biệt rõ hai thứ nô lệ, một thứ da đen tóc quăn, và một thứ da tương đối sáng. Thứ da tương đối sáng đích thị là người Mạ, họ giống Việt Nam y hệt, vì theo nghiên cứu riêng của chúng tôi trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam thì họ và ta đồng chủng với nhau. Còn da đen tóc quăn thì ăn khớp với lời miêu tả dân Phù Nam của Đường Thư và Tân Đường Thư.. Có lẽ đó là người Phù Nam ở đất phụ dung Nam Kỳ, người Phù Nam chính gốc đã bị Khơ-Me hóa còn người Phù Nam ở xa thì bị thoái hóa nên phải làm nô lệ.
Ta đã chắc được về tình trạng từ Long Khánh đến Mỹ Tho và từ Mỹ Tho trở xuống Cà Mau thì các văn kiện hành chánh của Pháp là những chứng tích không thề chối cãi. Người Cao Miên có mặt thật sự ở đó, nhưng chỉ là những nhóm nhỏ, tập trung tại những vùng phì nhiêu nhất, mà nay họ vẫn còn tồn tại và còn là địa chủ thật sự như thường, còn thì toàn cõi là rừng hoang, điều lầm, do tổ tiên chúng tôi khai khẩn ?
Năm kia, trong một tạp chí khác, tôi đã đựa vào Nguyễn Văn Siêu để gọi địa bàn của dân Mạ là nước Xích Thổ. Liền saú đó từ trong tạp chỉ này, 1 nhà học giả Lê Thọ Xuân có một bài gián tiếp đính chánh điều này. Ông Lê Thọ Xuân cho biết rằng vua Thiệu Trị dạy rằng nước Xich Thổ là nước Xiêm-La và họ Lê có chưng bằng chứng hẳn hoi. Thật ra thì Ông Nguyễn văn Siêu không có lầm đâu. Ông đã lầm về Bà Rịa thật đó, nhưng về Xích Thổ thì không. Ai có đọc Phương Đình Dư Địa Chỉ thì thấy rằng Nguyễn Văn Siêu giống hệt Lê Quý Đôn, là một nhà nho hiếm hoi giỏi kỹ thuật và khoa học nhân văn trong khi các nhà nho khác chỉ biết văn thơ.
Nước Xích Thổ mà họ Lê nói đến, quả thật là nước Xiêm, Nhưng đó là địa danh Tàu, phiên âm địa danh Thái Sudokai. Còn Xích Thổ của Nguyễn Văn Siêu không phải là địa danh phiên âm, mà là địa đanh sáng tác dựa vào địa chất học. Các nhà địa lý ta đã sáng tác địa danh thí dụ như nước của người Gai-Rai (nay ở tỉnh Phú Bổn – Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Pleiku ra 2 tỉnh: Pleiku và Phú Bổn) được họ gọi là Thủy-Xá và Hỏa-Xá, thực ra thì họ cũng dịch chứ không hẳn là sáng tác, nhưng không phải phiên âm. Nguyễn văn Siêu đã trót mang tiền án vụ Bà Rịa nên ông mất hết tín nhiệm, nhưng người mang tiền án không phải luôn luôn tái phạm.
Một dân tộc đã thống nhứt là dân Gia Rai, được vua chúa ta nói đến, mặc dầu là chung đụng với họ, thì tại sao một đân tộc khác là dân Mạ, cũng đã đã thống nhất, có hợp chủng với ta, lại không được ta gọi tên nước như đân Gia Rai đã được gọi ?
Sự thống nhất các bộ lạc Mạ đều được toàn thể các nhà dân tộc học Pháp nhìn nhận là đúng sự thật, mà họ lại hợp chủng với ta thì không thế nào mà ta không gọi nước họ bằng một tên nào đó. Các nhà viết sách xưa, ít có dẫn chứng, Có lš Nguyễn Văn Siêu nói theo văn kiện nhà nước triều Nguyễn chớ không phải theo sách nào hết.
Một vấn đề cần được dứt khoát là sự có mặt của hai tượng Chàm danh tiếng ở Biên Hòa. Chúng tôi đã không tin rằng đất Biên Hòa của Chàm. Nhưng sau khám phá của ông Pierre Dupont thì ta phải hiểu như thế này :
Khi hậu Duệ của vua Lâm Ấp tiêu điệt của nước Hoàn Vương ngoại chủng thì tự nhiên đất của bọn ngoại chủng đương nhiên lọt vào tay họ và nước mới là nước Chiêm Thành làm chủ luôn một vùng Phù Nam rộng từ Nha Trang cho tới Mỹ Tho. Nhưng sau, cứ có tranh chấp hoài giữa Cao Miên và Chiêm Thành, mà Chiêm Thành thi bận chống xấm lăng ở phương Bắc nên cứ bỏ lần vùng đất ấy, lùi về tới ranh giới Bình Thuận ngày nay. (Nước Phù Nam chưa kịp biết kiến trúc và tạc tượng đá thì đã bị Chân Lạp diệt hồi thế kỷ thứ 6, nên tượng ấy cũng không thể là của Phù Nam, mặc đầu Phù Nam, cũng theo văn hóa Ấn Độ y như Cao Miên và Chàm)
—
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
Việc mãi nô dưới vòm trời Đông Phố và chủ đất thật của vùng Đồng Nai – Bình Nguyên Lộc
Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức
Phủ Biên Tạp Lục – Lê Quý Đôn