Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phíaPhần I: Công Nữ Ngọc Vạn h…

Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía – Phần I

Việt Nam – Cao Miên (1618 – 1846) nhìn từ hai phía
Phần I: Công Nữ Ngọc Vạn hay Bà Hoàng Somdach
Nước Cao Miên (Cambodia) không có quyển sử do người Miên soạn. Chính người Pháp đã làm công việc này trong khoảng thời gian bảo hộ vì xưa kia, người Miên viết trên lá thốt nốt và chỉ giữ được trong vòng 150 năm mà thôi.
Khi khảo sát những đền đài trong vùng ANGKOR (Đế thiên Đế thích), các nhà khảo cổ Pháp thấy những bản văn đục trên bia đá, trên vách và cột đền bằng chữ Ấn Độ Bắc Phạn (Sanskrit) ghi công nghiệp của mỗi vị quốc vương. Và rải rác ở khắp lãnh thổ Cao Miên cùng miền Nam Việt Nam có nhiều bia đá, tháp thờ Thần, đánh dấu những triều đại đầu tiên từ ngày lập quốc. Các nhà khảo cổ sắp xếp những bản văn này theo thứ tự thời gian dựng nên bộ Sử Cao Miên bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 6. Đến thế kỷ thử 15, hoàng triều Cao Miên bỏ vùng Angkor, thiên đô về Phnom-Penh không xây cất đền đài nữa, bộ Sử được tiếp tục theo niên giám từng triều vua.
Hoàng gia Cao Miên bắt đầu đặt bang giao chánh thức với Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 17 dưới triều vua Chey Chetta II (1618-1628) và chấm dứt vào năm 1846 dưới triều vua Ang Dương (1845-1859) trước khi người Pháp “được mời” đến đặt nền bảo hộ.
Trải qua hơn 200 năm đã có biết bao biến cố mà mỗi quốc gia ghi lại trong quyền sử của mình có đoạn không giống quyền sử của nước bạn.
Công Nữ Ngọc Vạn hay Bà Hoàng Somdach
*Sử Cao Miên:
Năm 1618, quốc vương Cao Miên Srei Soriyopear hay Barom Reachea IV (1603-1618) thoái vị, nhường ngôi cho con là Chey Chetta. Thái tử lên ngôi tức là quốc vương Chey Chetta II (1618-1628). Ngài thay đổi tất cả những điều bó buộc của người Xiêm và từ chối việc xưng thần. Ngài dời đô về Oudong, xây cất cung điện dưới chân một ngọn đồi.
Vua Xiêm muốn tái lập uy quyền trên đất Cao Miên, xua binh tấn công. Năm 1623, có một đạo quân từ phía Bắc xâm nhập lãnh thồ, bị quốc vương Chey Chetta II thân chính đánh tan rã ở cách Biển Hồ 50 cây số. Đạo quân thứ hai tiến vào tỉnh Banteay Meas bị hoàng đệ Prah Outey đẩy lui. Năm sau, 1624, quân Xiêm theo đường biển đổ bộ miền duyên hải bị phản công dữ dội phải rút về.
Để quân Xiêm không dám quấy nhiễu nữa, quốc vương Chey Chetta II cưới một công chúa Việt Nam hầu dựa vào thế lực của triều đình Huế. [1]
Bấy giờ họ Nguyễn tránh nanh vuốt họ Trịnh ở triều nhà Lê đóng đô ở Hà Nội vào đóng ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Họ Nguyễn chiếm nước Chiêm Thành và lập thành tỉnh huyện sát ranh giới Cao Miên.
Năm 1623, một phái đoàn sứ giả ở Huế vào triều kiến Quốc vương Chey Chetta II xin cho người Việt vào cư ngụ trong tỉnh Prey Kôr và lập một cơ quan thu thuế. Nhà vua chấp thuận.
(Tập Niên giám viết tay ở thư viện Hoàng gia Cao Miên dưới triều vua Chey Chetta II, trang 369, ghi sự việc này như sau: “Năm 2169 Phật lịch, tức là năm 1623 dương lịch, một sứ giả của vua Annam dâng lên vua Cao Miên Chey Chetta một phong thư, trong đó vua Annam ngỏ ý “mượn” của nước Cao Miên xứ Prey Nokor (Sài Gòn) và xứ Kas Krobey (Bến Nghé) để đặt làm nơi thu quan thuế, vua Chey Chetta sau khi tham khảo ý kiến của đình thần đã chấp thuận lời yêu cầu trên. Vua Annam bèn ra lệnh cho quan chức đặt sở quan thuế tại Prey Nokor và Kas Krobey và từ đó bắt đầu thu quan thuế”) [2]
Triều đình Huế khuyến khích dân chúng di cư vào nam và lấy đanh nghĩa là đề giúp vương quốc Cao Miên giữ gìn trật tự, họ Nguyễn cử một vị tướng lãnh đóng tại thành phố này.
Khi quốc vương Chey Chetta II băng hà, tất cả vùng thuộc miền Nam từ Prey Kôr đến ranh giới Chiêm Thành, các tỉnh Bà Rịa và Kâmpéâp Srékatrey (Biên Hòa) đều bị người Việt Nam cai trị. (nhóm người Việt Nam đầu tiến di cư vào miền Nam ngụ ở Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay) [3]
Sau khi quốc vương Chey Chetta IImất đi nước Cao Miên trải qua ba triều vua, đến đời quốc vương Ponhea Chan (1642-1659) mới lại có sự liên lạc với Việt Nam.[4]
*Sử Việt đối chiếu:
[1] Như vậy là có một cuộc “hôn nhân chính trị” giữa Cao Miên và Đàng Trong. Nhưng biên niên sử nhà Nguyễn và các sử liệu nước ta hầu như không thấy ghi chép gì về sự kiện này. Chúa Sãi có 4 người con gái, trong đó Ngọc Liên và Ngọc Đỉnh thì có chép chuyện chồng con, còn 2 người còn lại thì chép “khuyết truyện”. Vậy người gả cho vua Chey Chetta phải là một trong 2 công nữ Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa. (khi còn tại vị chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng vẫn chỉ xưng danh là chúa nên việc gọi con gái của chúa là công nữ)
Theo cổ tích Chiêm Thành Po Romé có ghi: “… Ông hoàng này kết tình bang giao với Việt Nam. Do biết tính háo sắc của Po Romé, vua ở Huế bèn chọn công chúa đẹp nhất rồi giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô nàng xinh đẹp đến tai Po Romé, vua cho vời đến, vừa trông thấy mặt nàng là say mê, rước về làm vợ, tức là nàng Bia Út, hoàng hậu Út”. Việt sử giai thoại của Đào Trinh Nhất, Đất Việt Trời Nam của Thái Văn Kiểm, Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên đều cho rằng đó là công nữ Ngọc Khoa.
Vậy người con gái lấy vua Chey Chetta II nhiều khả năng là công nữ Ngọc Vạn – con gái thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai (Mạc Thị Giai vốn là con gái của Mạc Kính Điển, cháu gái của Mạc Thái tông Mạc Đăng Doanh). Bà trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp với tước hiệu “Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida” hay bà hoàng “Somdach Préa Péaccacyo dey Préavoréac Ksattrey”.
Cả 2 cuộc hôn nhân dù là mang dấu vết ‘chính trị’ như công chúa Ngọc Liên lấy con trưởng Mạc Cảnh Huống hay là do chúa Sãi ‘vui quá’ (hay là một vụ ‘đổi chác’ ?) mà gả Ngọc Đỉnh cho Trịnh Kiều người đem mật thư của Ngọc Tú về dâng, thì đều được chép trong ĐNTL. Thế mà cuộc hôn nhân chính trị với Cao Miên được các nhà nghiên cứu phương tây đánh giá cao, lại không hề được chép lại ?
Phan Khoang và Phù Lang Trương Bá Phát cho rằng đây là một chuyện theo các sử quan ta là không đẹp nên giấu chăng? Chử “đẹp” ở đây có hai nghĩa một nó không đẹp vì đó là cuôc hôn nhân mang màu sắc chính trị, thứ hai vì cuộc hôn nhân này, là của một công chúa người Việt với một ông vua ngoại tộc, man rợ, trong con mắt của những nhà nho đương thời đây là điều không đẹp. Công nữ Ngọc Khoa lấy vua Chiêm hay công nữ Ngọc Vạn lấy vua Miên đều “không đẹp”.
Trần Ngọc (Người Long Hồ) trong “Đất Phương Nam” cho rằng: năm 1635 thì Chúa Sãi băng hà, đáng lý ra theo truyền thống thì ngôi chúa phải thuộc về dòng trưởng, tức là về tay của người con tên “Nhuận” của hoàng trưởng tử Kỳ, nhưng không biết vì lý do gì mà chúa Sãi để lại di chúc nhường ngôi cho người con thứ hai tên “Lan”, thuộc dòng thứ, không cùng mẹ với hoàng trưởng tử Kỳ và công nữ Ngọc Vạn. Mặc dù chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan là một bậc minh quân lỗi lạc và nhân hậu, nhưng có lẽ chính vì mặc cảm “dòng thứ” mà chúa Nguyễn Phúc Lan không muốn sử sách viết gì về hai nàng công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa.
Theo sử Cao Miên chép thì phải sau năm 1623 vua Chey Chetta mới lấy một công chúa Việt Nam để dựa dẫm chống Xiêm La, nhưng các sách của G. Maspéro (L’ Empire Khmer), Moura (Royaume du Cambodge), Henri Russier (Histoire sommaire du Royaume de Cambodge), A. Dauphin Meunier (Le Cambodge) đều chép là cuộc hôn nhân này đâu đó trong khoảng thời gian vua Chey Chetta lên ngôi năm 1618. Phan Khoang và Nguyễn Văn Quế cho là năm 1620.
Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri chép trong Hồi Ký Xứ Đàng Trong năm 1621: “Ngoài ra chúa còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Cao Miên, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm…”. Như vậy vua Cao Miên đã dựa vào chúa Nguyễn từ trước năm 1621. Có thuyết cho rằng quân xiêm tấn công trong năm 1621 và 1622 chứ không phải năm 1623, tôi thấy nó khớp với tiến trình thời gian: vua Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn năm 1620 -> Xiêm đánh năm 1621/1622 và chúa Nguyễn ‘viện trợ’ trong năm này -> đổi lại năm 1623 chúa Nguyễn đặt 2 trạm thu thuế.
[2] [3] Trước kia, mối quan hệ giữa Đại Việt và Chân Lạp, không phải là không có, nhưng đến thế kỷ XVII, mối quan hệ hai nước mới trở nên trực tiếp và liên hệ liên tục. Vùng đất tiền đồn quan trọng, chứng kiến những dấu ấn của mối quan hệ hai nước chính là vùng đất Đồng Nai, Gia Định. Về tên gọi vùng đất này, có thể thời bấy giờ, nước Chân Lạp chia ra làm vùng đất chính, không rõ họ gọi như thế nào, nhưng sách sử nước ta gọi là Lục Chân Lạp (có thể tương đương với lãnh thổ Campuchia ngày nay) và Thủy Chân Lạp (Nam Bộ Việt Nam bây giờ). Vùng Thủy Chân Lạp, có rất ít người Khmer sinh sống, phần lớn họ đã tập trung ở Lục Chân Lạp, người Khmer ở Thủy Chân Lạp, tập trung ở vùng châu thổ sông Cửu Long ngày nay (Tây Nam Bộ). còn những vùng khác mà ngày nay tương đương với Đông Nam Bộ. thì hầu như không tìm thấy nhiều dấu ấn của người Khmer, thay vào đó là những nhóm cư dân bản địa mà sử Việt gọi là người Man. Nhưng đây không chỉ là một sắc tộc, mà có thể gồm nhiều tộc người mà ngày nay ở các tỉnh miền Đông, lên đến Tây Nguyên còn dấu vết của họ đó như người Mạ, Mnông, Xtiêng… Dân cư của những người này còn thưa thớt hơn cả người Khmer ở Tây Nam Bộ, cuộc sống của họ vào thế kỷ XVII cũng rất lạc hậu, họ còn đang ở trong thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy.
Vì thế, thủa ấy, vùng đất Nam bộ lúc này vẫn còn rất hoang sơ, địa thể hãi hùng, “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” dấu chân khai phá rất ít, người bản địa chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định, bé nhỏ trong khu vực. Nhưng, vùng đất này lại rất giàu tìềm năng, đất đai trù mật, xứng đáng là nơi dừng chân lý tưởng cho người Việt trên lộ trình Nam tiến của mình. Sách Phủ Biên Tạp Lục, chép về vùng đất Đồng Nai thời bấy giờ như sau: “… Đất Đồng Nai Từ Cửa Biển Cần Giờ, Soi Rạp, cửa Đại, tiểu toàn là vùng rừng rậm… Đất ấy nhiều ngòi lạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ…từ cửa biển đến đầu nguồn đi sáu, bảy ngày hết thảy là đồng ruộng, nhìn bát ngát…”. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức lại viết: “…Gò đồi trùng diệp, rừng rú liên dăng, cây cối cao lớn trọc trời, rậm rạp vài trăm dậm…”.
Do đó việc mở hai trạm thu thuế ở Sài GònBến Nghé và mộ dân Việt vào đó sinh sống khai hoang là biến cố chính trị ảnh hưởng lớn nhưng lại không thấy biên niên sử Việt chép ? ĐNTL có chép về việc lập dinh Ai Lao năm 1622 cho thấy những loại sự vụ này vẫn được ghi chép cẩn trọng. Thế mà việc lập 2 đồn thu thuế và cả việc mộ dân vào trong Saìgòn Bến Nghé năm 1623 không hề thấy chép gì cả.
Có thể triều đình chúa Nguyễn đang vào giai đoạn quyết định với chúa Trịnh Đàng Ngoài (chúa Trịnh Tùng chết, Trịnh Tráng lên thay, sau đó là xây lũy Thầy ….) nên lúc này chúa Nguyễn chỉ lo đối phó Đàng Ngoài và không hề có ý định gì với đất Cao Miên. Bởi thế sử chép về dinh Ai Lao chứ không chép về hai trạm thu thuế ở Cao Miên.
Tuy thế ngoại sử lại có chép và đánh giá rất cao về công lao của bà.
Trong một tư liệu sử chính thống phía Campuchia, ông Sihanouk lên án gay gắt về âm mưu hành động cướp nước của một người đàn bà Việt Nam tên là Ngọc Vãn (vâng, nhiều khả năng chính là công nữ Ngọc Vạn). Theo ông Sihanouk bà Ngọc Vãn đã nham hiểm dùng sắc đẹp của mình để khuynh loát người chồng của bà là vua Chey Chetta II, buộc ông này phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác đối với chúa Nguyễn. Sau một thời gian làm hoàng hậu rồi làm thái hậu nước này , bà đã giúp cho chúa Nguyễn cũng cố được gốc rễ cho di dân người Việt sống trên đất Thủy Chân Lạp.
Trong cuốn “L’ Empire Khmer”, G. Maspéro chép: “Vị vua mới lên ngôi là Chey Thettha II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thettha II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”
Trong cuốn “Histoire sommaire du Royaume de Cambodge”, Henri Russier chép: “Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng…Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam…Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và vua Chey Chetta đã đồng ý”
Vậy có thể việc xin đặt nơi thu quan thuế và mộ dân rất có thể do bà hoàng Somdach và “một vị tướng lãnh đóng tại thành phố” tự phát thỉnh cầu. Vậy nên việc đặt nền móng cho việc mở cõi đồng bằng Đồng Nai, Cửu Long ngày nay là do một tay bà hoàng Somdach làm nên chứ không phải do chúa Sãi mưu đồ sâu xa hoạch định trước kế hoạch“tằm ăn dâu” mà sau Nguyễn Cư Trinh đã tổng kết “Đời trước lập Gia Định, tất trước mở xứ Mỗi Xoài, rồi mở xứ Đồng Nai, để cho quân dân hoàn tụ, rồi mới mở xứ Sài Gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn dần như tằm ăn”
[4]Giai đoạn này thì Đàng Trong “bận rộn” khủng khiếp với người anh em Đàng Ngoài với các trận đại chiến Đinh Mão 1627, Canh Ngọ 1634, Ất Hợi 1635, Mậu Tí 1648, Ất Vị 1655.
Địa Danh Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn
Vào khoảng năm 1973, có một Việt kiều tên Nguyễn Văn Long, ở bên Miên có trên 20 năm đã kể lại rằng mãi đến thời cận đại, người dân Miên vẫn còn phàn nàn với nhau rằng chỉ vì một nàng công chúa Việt Nam mà Cao Miên phải mất đi nguyên vùng Thủy Chân Lạp bao la bạt ngàn. Dù chuyện phàn nàn của dân gian Miên có trùng hợp với tài liệu lịch sử đã được ghi lại trong cuốn “Vương Quốc Cao Miên” của Moura, nhưng theo thiển ý, chuyện dân Cao Miên gọi công nữ Ngọc Vạn bằng “Cô Chín”, mà cô lại rất xinh đẹp nên dân chúng hai vùng Prei Nokor và Kas Krobei (Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay), cũng như người Khmer thời đó đều gọi cô là “Cô Chín Xinh”. Cũng có thể vì công nữ là người vợ thứ “Chín” của vua Chey Chetta II, mà cũng có thể là người con thứ “Chín” của chúa Sãi nguyễn Phúc Nguyên, vì chúa Nguyễn Phúc Nguyên có rất nhiều con trai, trong số đó có bốn cô con gái là các công nữ Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, và Ngọc Đỉnh. Năm 1863, khi đại diện Pháp đến Miên thương lượng một hiệp ước bảo hộ vương quốc này thì Miên ưng thuận ngay. Khi Doudart de Lagreé hỏi vua Norodom ‘phần đất Nam Việt gọi là gì để ghi vào hiệp ước?’ Vua Norodom trả lời không chút do dự: “Cô Chín!” (Có lẽ vua Norodom muốn dùng chữ “Cochin” cũng không chừng? Tuy nhiên, hồi Tây mới qua chiếm Cao Miên (1862), vua Norodom làm gì biết được từ “Cochin” của tiếng Pháp; vì vậy giả thuyết cho rằng ông cũng gọi tên của vùng đất nầy theo kiểu mà dân gian hai vùng Prei Nokor và Kas Krobei đã gọi hồi giữa thế kỷ thứ XVIII có lẽ hợp lý hơn)
Như vậy đủ chứng tỏ mãi hơn 150 năm sau mà người dân Miên, ngay cả ông vua của họ, cũng không quên được một “Cô Chín” đã tóm thâu cả một vùng đất Thủy Chân Lạp bao la. Về sau, để tránh trùng tên với một vùng cũng tên Cochin ở Ấn Độ, nên người Pháp gọi vùng Nam Kỳ là Cochinchine.
Về Hai Trạm Thu Thuế Kas Krobei Và Prei Nokor
Kas Krobei là tiếng Khmer có nghĩa là “Bến Trâu”. Theo Phương Đình Dư Địa Chí, sông Tân Bình chảy qua vùng phía bắc huyện Bình Dương khoảng 5 dặm, tức vùng Bến Nghé, có tên là sông Ngưu Hống, chảy đến trước tỉnh thành lại chuyển sang hướng đông đến cửa Phù Gia, Tam Giang rồi hợp với sông Phúc Bình để chảy ra cửa bể Cần Giờ. Thuyền buôn đi lại lũ lượt, là một nơi đô hội lớn trong vùng. Tục truyền sông nầy có nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu kêu cho nên gọi là sông Ngưu Hống, nên nước sông lúc nào cũng đục. Sau khi Nguyễn Ánh thu phục thành Gia Định thì nước sông lại trong, rồi năm Minh Mạng thứ 2 và thứ 6, nước sông lại trong lần nữa. Dân gian đương thời cho rằng đây là điềm an lạc thái bình cho cư dân. Đến năm Minh Mạng thứ 17, 1846, nhà vua cho khắc hình sông vào cao đỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 3, 1850, nhà vua cho liệt tên sông vào điển thờ. Có lẽ thời đó vùng đất nầy lúc nào cũng có những tiếng gầm như tiếng trâu của hàng ngàn đàn cá sấu, cho nên những cư dân Việt Nam đầu tiên đến định cư trong vùng đất nầy đã đặt tên cho sông là sông Ngưu Hống (Bến Nghé), bến là Ngưu Tân (Bến Nghé), và rồi lâu dần cả vùng đất nầy cũng mang tên Bến Nghé. Hơn nữa theo các bô lão địa phương kể lại, lúc đầu khai phá vùng đất nầy, cư dân ở đây nuôi rất nhiều trâu để giúp người phá rừng làm ruộng. Mỗi trưa họ dắt từng đàn trâu đến phía rạch Ông Bương để cho trâu uống nước, vì vậy mà có rạch Bến Trâu, đến năm 1954 vẫn còn con rạch mang tên Bến Trâu ở vùng Phú Lâm.
Mãi đến ngày nay có nhiều người lầm tưởng vùng Prei Nokor (Prey, tiếng Miên là “rừng”, Kôr là “cây gòn”, sài là củi) chính là trung tâm Sài Gòn ngày nay. Kỳ thật, khi vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei, thì vùng Kas Krobei lại là vùng nằm khoảng trung tâm Sài Gòn ngày nay, còn vùng Prei Nokor nằm khoảng giữa Bình Chánh và Kas Krobei (Bến Nghé). Như vậy, vùng trung tâm Sài Gòn ngày nay phải là vùng Kas Krobei, tức vùng Bến Nghé khi xưa, còn vùng Chợ Lớn ngày nay phải là vùng mà chúng ta gọi là Prei Nokor thời đó.
(Về cái tên “sài gòn” để phần sau sẽ nói, vì có thuyết liên quan đến người Hoa)
nguồn:
Việc bang giao giữa Cao Miên và Việt Nam (nhìn từ phía Cao Miên) – Lê Hương
Việt sử xứ Đàng Trong – Phan Khoang
Nam tiến – Đổng Thành Danh
Hai bà Công nữ chúa Nguyễn – Nguyễn Quế
Đất Phương Nam – Người Long Hồ (bút hiệu của Trần Ngọc)
Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức
Một vài nghiên cứu về sách Gia Định Thành Thông Chí – Yang BaoYun
Wiki

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *