VÌ SAO VIỆT NAM KHÔNG THỂ CÓ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀO THẾ KỈ 17, 18

 Vào thế kỉ 17, 18 nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển không thể phủ nhận:

 – Nông nghiệp phát triển đa dạng hoá

–  Ngành nội ngoại thương tăng trưởng

 – Đô thị phát triển và lưu hàng tiền tệ gia tăng

Ý THỨC HỆ NHO GIÁO 

  Tuy nhiên những mầm mống phát triển của chủ nghĩa tư bản tại các hầm mỏ và các hội thương gia lúc này đã đủ mạnh để làm thoái hoá đạo lý truyền thống và tầng lớp lãnh đạo, nhưng lại không đủ mạnh để phá đổ hệ thống phòng thủ, tinh thần và vật chất, trực tiếp và gián tiếp mà chế độ dựng lên trước mắt tầng lớp thương gia và doanh nhân này. 

  Ý thức hệ Nho giáo luôn xem nông nghiệp là gốc rễ ( bản) và thương mại là nhánh (mạt) . Bởi vậy, chính sách nhà nước là trọng bản ức mạt. Trong phẩm trật xã hội, thương gia luôn bị xếp ở hàng cuối, sau sĩ, nông và công. Ngay từ cuối thế kỉ 15, vua Lê Thánh Tông trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn đã lên án những kẻ ” đi khắp nơi để chất vàng đầy nhà và dùng miệng lưỡi của mình để lừa dối, thậm chí bán đứng người khác”

 Sự khinh bỉ này cắm rễ quá sâu trong quần chúng và những bấp bênh của ngành thương mại quá lớn nên ngay cả những kẻ thành công trong ngành này một khi trở nên giàu có, cũng chẳng vội vàng gì tái đầu tư vào các hoạt động thương mại mới mà lại đi tậu đất, tài sản duy nhất có thể đảm bảo một vị trí vai vế trong xã hội. Bởi vậy quá trình đầu tư mang tính tư bản chủ nghĩa đã không được đẩy tới cùng và việc tích luỹ tư bản không thể lớn được. 

 Mặt khác ” sĩ” và công việc nhà nước lại có sức hấp dẫn đến độ các thương gia giáo dục con cái mình theo quan lộ hơn là nối nghiệp mình. Ví dụ điển hình nhất là Nguyễn Hữu Chỉnh con của một đại thương gia Nghệ An nhưng lại theo nghiệp văn và trở thành một vị tướng nổi tiếng sau này.

 NỀN NỘI THƯƠNG YẾU KÉM.

  Thị trường trong nước quá yếu kém : lợi tức chung do các mặt hàng đem lại không đáng kể. Triều đình có thể đóng vai trò thúc đẩy ngành tiểu thủ công và thương mại nhưng lại ko làm vì đã có sẵn các sản phẩm do xưởng nhà nước quy tụ những người thợ giỏi nhất cung cấp. Và còn do thu được thuế từ nhiều hoạt động.

 Sức mua của người dân lại quá yếu để khuyến khích các hoạt động kinh tế rộng lớn. Vào thời nhà Lê giá mỗi ngày nghỉ việc của các nô tỳ và gia nô là 30 đồng. Hai trăm năm mươi năm sau, Pierre Poivre cho chúng ta biết một ngày làm phu lao dịch giá cũng là 30 đồng. Trong khi một thợ mộc được trả 60 đồng. Hậu quả của cái nghèo triền miên về tiền của là sự ổn định triền miên về giá cả. 

 Nguyễn Thanh Nhã đã đưa ra nhiều tư liệu khác nhau giá cả của các mặt hàng căn bản vốn định giá cho các mặt hàng khác: 

– Một hộc gạo giá 15 hay 16 quan tiền năm 1636 đến năm 1750 có giá 19 tiền 4 đồng và đến năm 1822 có giá 2 quan (20 tiền)

– Một con trâu hay bò giá không đổi 5 quan tiền trong vòng từ 1741 đến 1802.

– 

Sự ổn định giá trong một thời kì dài không phải là nhân tố có lợi cho phát triển kinh tế . Chủ nghĩa tư bản Châu Âu như chúng ta biết phát triển được là do vật giá leo thang thế kỉ 16.

  Hậu quả là cả thương gia lẫn thợ thủ công đều không thể làm việc cho một thị trường rộng lớn cũng không có đủ vốn đầu tư. Vào cuối thế kỉ 17 Dampier đã ghi nhận: ” Xứ này quá nghèo đến độ các thương gia ( người Âu) bắt buộc phải đợi 3 đến 4 tháng sau khi đã trả tiền mới nhận được hàng của họ, vì những người thợ nghèo chỉ có việc làm khi có tàu đến, nhờ đó người ta có tiền ứng trước để trả công thợ”. 

 Theo Lê Thành Khôi.

 – Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX-

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *