Chúng ta đã thường thấy cảnh trên phim và truyền hình: nhân chứng quan sát từ phía sau tấm gương một chiều trong khi những nghi phạm xếp hàng trong một căn. Họ quay sang trái, rồi sang phải, có thể có người bước tới để nhìn kỹ hơn. Sau đó, câu hỏi đặt ra là: liệu có ai trong số họ là nghi phạm mà cảnh sát đang tìm kiếm không? Nhưng nếu bạn không thể chắc chắn điều đó thì sao?
Vì sao rất khó để nhân chứng nhận diện được tội phạm?
Mặc dù lời khai của nhân chứng thường được coi là bằng chứng quan trọng để điều tra vụ án, nhưng việc nhận dạng sai có thể gây ra hậu quả nặng nề. Với rủi ro cao này, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu những yếu tố nào có thể làm cho nhân chứng khó khăn hơn trong việc nhận diện đúng và chính xác nghi phạm.
“Khi nghiên cứu về những người đã bị kết án và sau đó được tuyên bố vô tội, có tới khoảng 70% là do nhân chứng đã nhận dạng sai”, Trưởng nhóm nghiên cứu Thomas Nyman, trợ lý giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải, giải thích trong một tuyên bố.
Nghiên cứu trước đây thường tập trung vào cách cảnh sát có thể sắp xếp nghi phạm để nhận diện, nhưng nghiên cứu mới của Nyman đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn, xem xét tác động của các yếu tố khác nhau khi nhân chứng quan sát tội phạm trong điều kiện thực tế.
Nyman nói, “Không có nghiên cứu nào trước đây điều tra tác động kết hợp của việc tăng khoảng cách, giảm ánh sáng và che mặt đối với độ chính xác nhận dạng nhân chứng”.
Nhóm nghiên cứu đã tuyển 1.325 người tham gia tại Trung tâm Khoa học Heureka ở Phần Lan, để quan sát những tình nguyệt viên làm tội phạm giả từ các khoảng cách và điều kiện ánh sáng khác nhau. Những “tội phạm” này còn thay đổi cách che giấu khuôn mặt, như đội mũ trùm đầu hoặc đeo kính râm. Sau 20 giây quan sát, tình nguyện viên được yêu cầu xác định “tội phạm” trong một nhóm tám người.
Dù thiết kế nghiên cứu như một trò chơi để thu hút nhiều người tham gia nhất, nhóm đã cố gắng tạo ra một kịch bản thực tế nhất về một nhân chứng trong thế giới thực đối mặt với một tội ác. Nghiên cứu không chỉ đặt ra những câu hỏi quan trọng mà còn giúp xác định các yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận dạng của nhân chứng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng cách là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. Nhận diện chính xác trở nên khó khăn hơn nhiều khi “tội phạm” được quan sát từ khoảng cách xa nhất là 20 mét. Kính râm cũng làm giảm khả năng nhận dạng của nhân chứng, nhưng đáng ngạc nhiên là việc sử dụng mũ trùm đầu để che giấu khuôn mặt không tạo ra sự chênh lệch lớn.
Nếu không đeo khẩu trang, nhân chứng có thể nhận dạng nghi phạm từ khoảng cách 5 mét) với độ chính xác 69%, nhưng giảm xuống chỉ còn 17% ở khoảng cách 20 mét. Khi đeo kính râm vào ban ngày, độ chính xác ở khoảng cách 5 mét giảm mạnh xuống còn 32%. Khi đeo kính râm vào lúc chạng vạng, độ chính xác ở khoảng cách 5 mét gần như tương đương ở mức 33%, nhưng ở khoảng cách 20 mét, độ chính xác chỉ còn 8%.
Mặc dù nghiên cứu không phải là một bản sao chính xác của tình huống thực tế ngoài đời, nó vẫn đưa ra nhiều câu hỏi quan trọng để các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá. Nyman mong muốn thấy một cuộc điều tra có hệ thống về tần suất xuất hiện của các yếu tố như khoảng cách, ánh sáng và các loại khẩu trang khác nhau trong các vụ án thực tế.