“Người miền Tây chắc luôn, không phải người miền Tây cái gì tao cũng tính”, bà chủ quán cà phê vỉa hè dõng dạc nói khi nhìn thấy người phụ nữ đeo bộ vòng ximen dài chừng 1 gang tay vừa đi ngang qua quán của mình. Câu nói nghe ra đầy sự am hiểu vùng miền, mà theo cách nghĩ khác nó cũng có thể trở thành “chuyện làm quà” cho rất nhiều người ở một ngã tư sầm uất nhất Sài Gòn.
Tôi đã nghe rất nhiều thậm chí còn từng tham gia vào những cuộc tranh luận vì nhiều người cho rằng “đeo vàng nhiều” là “định dạng” của phụ nữ miền Tây. Hay ngay cả với ai đang lướt mắt trên bài viết này, những gì người ta nghĩ khi nhắc đến phụ nữ miền Tây ngoài tính cách con người chắc cũng sẽ không thể nào thiếu “dữ liệu” về những bộ vòng ximen.
Điều gì đã khiến một người phụ nữ miền Tây hàng chục năm qua gắn liền với những bộ vòng ximen vàng lóe?
NGƯỜI MIỀN TÂY CÓ THẬT SỰ THÍCH ĐEO VÀNG?
Người ta thường nghe râm ran chuyện về người miền Tây, nhất là phụ nữ: “mượn vàng, mua vàng giả, thuê vàng” để… đi đám cưới! Phụ nữ miền Tây bán được một vài giạ lúa là khẩn trương mơ màng đến chục chiếc khâu, bộ vòng ximen, tấm lắc… vàng 24K. Có người bỏ hẳn vài chục triệu để mua rất nhiều món vàng 18K thay vì mua một món vàng 24K bởi: “Vàng 18K rẻ, rẻ thì mua được nhiều, mang được nhiều”.
Cứ hễ mang vài chiếc cà rá, tấm lắc dày cui, cộng thêm chừng 2 bộ vòng ximen lên người thể nào người phụ nữ ấy cũng được dịp nở mặt, nở mày.
Tất cả những câu chuyện ấy là có thật nhưng không phải tự nhiên!
Có lần tìm hiểu trong nhiều tài liệu lịch sử khẩn hoang miền Nam của các nhà nghiên cứu văn hóa, tôi tìm thấy đâu đó chút lý do để có thể đi đến kết luận rằng, người miền Tây Nam Bộ vốn dĩ không tự nhiên mà có niềm đam mê thậm chí là “nghiện” vàng.
Người dân Tây Nam Bộ có sở thích đeo vàng ít nhiều cũng do ảnh hưởng của người Khmer bổn địa.
Từ hơn 3 thế kỷ trước, người Khmer đã có mặt đông đúc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và trở thành một đại bộ phận không thể tách rời của vùng Tây Nam Bộ. Bởi vì chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ (Ấn Độ Giáo) – quốc gia “nghiện” vàng nên ít nhiều trong cuộc khai hoang khẩn hóa, người dân Khmer đã tác động đến nếp sống, phong cách người Kinh ở Tây Nam Bộ.
Một nghịch lý mà bất kỳ người Việt nào cũng có thể thấy là: Miền Tây là xứ không hề có mỏ vàng nhưng lại là nơi “xài” vàng nhiều nhất Việt Nam! Vì sao?
“Vì người miền Tây tụi tui thực sự rất thích đeo vàng chứ sao!”.
VÒNG XIMEN KHÔNG PHẢI LÀ SẢN PHẨM TRANG SỨC CỦA NGƯỜI MIỀN TÂY!
Vòng ximen là cách mà người miền Tây dùng để gọi bộ vòng bằng vàng với nhiều chiếc vòng có mẫu mã, kích thước giống nhau. Điều mà có lẽ bạn không thể tìm được trên Google đó là về nguồn gốc của những bộ vòng ximen.
Phải nhờ vào sự chỉ điểm của ông Trần Văn Giàu (1971, ngụ Ô Môn, Cần Thơ) – một chuyên gia kim hoàn nổi tiếng ở miền Tây, tôi mới may mắn tìm được chút thông tin ít ỏi về vòng ximen. Điều mà khiến ngay cả khi tôi là người miền Tây cũng thấy bỡ ngỡ: Vòng ximen là một sản phẩm thời trang của Pháp, được mang về Việt Nam từ hơn 1 thế kỷ trước với tên gọi đầy đủ theo tiếng Pháp là Bracelet Femme Semaine (tạm dịch: Vòng tay nữ 7 ngày)
Sở dĩ có cái tên này là vì theo phong thủy, người Pháp chỉ mang 7 chiếc, mỗi chiếc đại diện cho một ngày trong tuần. Nguyên bản của vòng ximen là các vòng được kết nối với nhau bằng một thanh để tạo thành một món trang sức duy nhất bằng chất liệu vàng hoặc bạc… Loại trang sức vượt thời gian này có nhiều kiểu dáng, là sự tích hợp của cải thích hợp nhất với người dân vùng nông thôn, điều này giải thích cho sự phổ biến rộng rãi của nó ở các vùng nông thôn miền Tây.
Tôi đọc khá nhiều thông tin về Bracelet Femme Semaine (vòng ximen) ở các văn bản tiếng Việt và tiếng Pháp. Người ta hầu như không nhắc về lý do có mặt của nó ở Việt Nam, chính vì điều này mà đa số người Việt nghĩ đó là sản phẩm của ngành kim hoàn ở miền Tây vì nhìn thấy phụ nữ miền Tây thường đeo trên tay.
Ở miền Tây, vòng ximen được xem là loại trang sức “tích lũy của cải, vật bất ly thân” tuy nhiên với người Pháp, họ chỉ xem chúng là một phụ kiện “tối giản” mang lại nhiều may mắn, giống như vòng choker.
Vòng Bracelet Femme Semaine ở Pháp (trái) và vòng ximen của người miền Tây (phải).
ĐEO VÒNG XIMEN – THÍCH GIÀU MỘT CÁCH QUÊ MÙA VẬY ĐÓ THÌ SAO?
– Đeo cho ăn cướp nó giết chết!
– Đeo vào nhìn sến như đi hát cải lương.
– Có vàng người ta thường giấu, đi gửi còn sợ mất, riêng người miền Tây mang hết lên người.
Không dưới 2 lần chúng ta từng nghe một trong những câu nói ở trên. Đó là khi họ nhìn thấy một người phụ nữ da trắng trẻo, đeo cùng lúc vài chục chiếc vòng ximen, còn chưa kể kiềng, lắc, bông tai. Chỉ riêng người miền Tây thì vô âu, vô lo mặc kệ mọi lời xầm xì.
Phụ nữ miền Tây thường khoác thêm vài lớp áo che chắn hay sử dụng một chiếc bao tay dài đến bắp tay khi ra đường để bảo vệ mình!
Mặc dù, vòng ximen không phải là loại vòng phong thủy, không có chức năng trị đau nhức tay, càng không phải là thực phẩm chức năng thế nhưng từ bấy lâu trong nếp sống người ta vẫn thấy nó gắn liền với các cô gái hay những người phụ nữ miền Tây.
“Sắm vài bộ cho yên tâm!”, đó là quan điểm của hơn 80% phụ nữ đang đeo vòng ximen.
Trên người những bộ vòng ximen tổng trị giá vài chục có khi lên đến vài trăm triệu, phụ nữ miền Tây dù giàu nhưng vẫn bị đánh giá là khoe khoang, quê mùa.
“Thời gian trước mỗi tuần bán 5,10 bộ là chuyện bình thường. Bộ 7 chiếc, giá từ 20 triệu trở lên (vàng 24K), có khách lấy 2 bộ, có khách chỉ lấy 1 bộ rồi lần sau quay lại lấy thêm. Khách mua ximen thường là dân Sài Gòn hoặc mấy tỉnh miền Tây, sống ở Sài Gòn lâu người ta mới trữ vàng, mua sắm phòng thân, người miền ngoài cũng có nhưng thường mua trang sức đeo phong thủy như dây chuyền, cẩm thạch, hoặc vàng thẻ”, cô Trần Diệu (54 tuổi), chủ tiệm vàng Thương Tín, quận 6, TP.HCM tiết lộ.
Trên người những bộ vòng ximen tổng trị giá vài chục có khi lên đến vài trăm triệu, phụ nữ miền Tây dù giàu nhưng vẫn bị đánh giá là khoe khoang, quê mùa. Vì đôi khi không phải ai cũng hiểu, người miền Tây vốn cởi mở, phóng khoáng. Việc đeo vài bộ vòng ximen nói theo cách tích cực là sự “tự tin về tài chính”, không để ai phải ghét. Còn nếu nói theo cách của những người vương giả ghét bị soi mói thì: “Chịu không chịu thì cũng chịu chớ sao? Vì người ta có “của” nên người ta đeo!”
ĐEO VÒNG XIMEN CÓ NGUYÊN TẮC!
Vòng ximen thường được bán ra với số lượng 7 chiếc (cùng thiết kế) mỗi bộ. Số 7 này bắt nguồn từ thời nguyên thủy, tổ tiên ta tính mỗi hình bán nguyệt tượng trưng cho một ngày, một tuần có 7 ngày và mỗi chiếc vòng sẽ tương ứng với một ngày.
Và đáng chú ý là từ khi trở thành sản phẩm thương hiệu của người miền Tây, vòng ximen bị “phá nguyên tắc” về con số, có người mua 10 chiếc, 12 chiếc, 20 chiếc,… tùy kinh tế nhưng phải nhớ điều này: Các tiệm vàng ở miền Tây thường bán vòng ximen từ 7 chiếc, không bán lẻ theo các số 4, 3, 13 để tránh vận xui cho người mua và cả người bán!
Người miền Tây thường ít vận dụng phong thủy trong đời sống nhưng cứ hễ nhà nào làm ăn lớn thì thường đeo nhiều vàng. Vấn đề này có thể được giải thích theo nhiều kiểu khác nhau. Một là có “của ăn của để” nên mua vàng đeo là chuyện bình thường, hai là đeo vào cho “tướng số” thay đổi, tài vận ập vào người.
Vòng ximen được phân ra thành 5 đến 6 loại khác nhau nhưng trọng điểm là 3 loại chính: Ximen bản vuông, ximen ống, ximen mo.
Ximen bản vuông là kiểu vòng có bản hình vuông, dẹp theo các kích thước từ nhỏ đến lớn 2 li, 3 li, 4 li,… Vì là bản vuông nên dạng này thường được chạm khắc hoa văn nổi bật trên bề mặt vòng.
Vòng ximen ống là dạng vòng ống tròn, đường kính có thể ví bằng sợi bún tươi hoặc nhỏ hơn là sợi hủ tiếu, tùy thợ kim hoàn.
Vòng ximen mo là dạng vòng ximen có kiểu bo cong mặt ngoài. Dạng vòng này thường được ưa chuộng nhiều hơn vì nó tăng sự thoải mái khi vòng tiếp xúc với cổ tay, giá của vòng mo cao hơn các dạng vòng khác.
Tóm lại:
Người Việt có tâm lý gây dựng cuộc sống vì con, vì cháu sau này nên họ có truyền thống “tích lũy của cải”, nếu như người miền ngoài tích lũy bằng cách mua đất đai, nhà cửa thì người miền Tây lại tích lũy bằng vàng, dù đôi khi đó là màn đầu tư “nguy hiểm” nhất. Chính vì điều này mà đừng phán xét một người phụ nữ miền Tây khi nhìn thấy họ ở nhà tranh vách lá nhưng lại đeo nhiều vàng.
Theo aFamily