Năm 2016, đã có một cuộc tranh cãi nổ ra tại Pháp về việc cấm áo tắm burkini (quần áo bơi dành cho phụ nữ theo đạo Hồi) trên bãi biển của nước này. Thủ tướng lúc đó, Manuel Valls, đã kêu gọi tới biểu tượng tự do, còn được biết đến là Marianne. Ông ngợi ca việc để ngực trần của bà Marianne, một biểu tượng quốc gia của nền Cộng hòa Pháp.
Ông nói: “Bà Marianne để ngực trần vì bà ấy nuôi dưỡng nhân dân! Bà ấy không trùm khăn, vì bà ấy tự do! Đó là nền cộng hòa!”
Vì sao nhân vật chính trong “Tự do dẫn đường cho nhân dân” để ngực trần?
Thủ tướng Pháp đã lấy bức tranh nổi tiếng của Eugène Delacroix năm 1830 để khẳng định quan điểm của mình. Theo quan điểm của Valls, sự trần trụi của người phụ nữ này dẫn dắt đám đông hướng tới tự do, là biểu tượng tinh thần cao nhất của các giá trị cộng hòa, bao gồm tất nhiên là tự do ngôn luận, trong đó có tự do trần trụi cơ thể.
Ví dụ tương tự này cũng được ca sĩ Rigoberta Bandini sử dụng khi cô trình diễn tại cuộc thi Eurovision để tôn vinh sự trần trụi với một bài hát mà cô đã gắn trực tiếp đến bức tranh đang được thảo luận.
Vào năm 2016, không thiếu những người chỉ trích Valls vì sử dụng tranh làm lý lẽ. Mathilde Larrere, một nhà sử học và chuyên gia về Cách mạng Pháp, đã công khai nói với ông rằng việc sử dụng Marianne như một biểu tượng nữ quyền là “ngốc”, vì hình ảnh ngực trần của bà là nghệ thuật và không liên quan gì đến tự do của phụ nữ.
“Hình ảnh Marianne ngực trần là một biểu tượng ngụ ngôn của thế kỷ 19, khi mà Luật Dân sự hạ thấp vai trò của phụ nữ và cấm họ bỏ phiếu”, bà viết trên Twitter lúc đó. Sau đó bà giải thích trong một loạt các đoạn tweet khác để giải thích hình ảnh Marianne để ngực trần liên quan tới những quan niệm thẩm mỹ cổ điển như thế nào.
Mới đây, nhà văn Carmen Domingo cũng đã lên tiếng rằng việc trần trụi ngực không phải là một hành động thể hiện cuộc chiến đấu cho quyền bình đẳng của phụ nữ.
Bất kể quan điểm của Larrere và Domingo, rõ ràng quyết định vẽ một người phụ nữ dẫn đám đông với ngực trần đã tạo ra những tranh cãi. Nếu bỏ qua “nghệ thuật”, những lời phản đối này đơn giản là sự phân biệt giới tính. Ví dụ, một nhà phê bình viết trên báo Parisian L’Avenir đã miêu tả hình tượng nữ này “đáng ghét”, tờ Journal des Artistas nói: “Người phụ nữ đại diện cho loại tiểu thư hư hỏng”.
Nói chung, cộng đồng yêu nghệ thuật rất tức giận khi Delacroix đã dám bôi bẩn không chỉ một biểu tượng tự do mà còn là người phụ nữ đại diện cho nước Pháp. Tất nhiên, vào thế kỷ 19, thuật ngữ “nữ quyền” như chúng ta hiểu trong thế kỷ 21 chưa tồn tại. Có một thực tế rằng phụ nữ không được phép bỏ phiếu vì họ thường bị coi là công dân hạng hai. Nhưng cách đây 200 năm, ngay cả những người lạc hậu nhất cũng hiểu rằng một người phụ nữ tự do là có thể làm những điều mình muốn, ngay cả khoe ngực trần.
Vào năm 2018, thuật toán “nói không với khoả thân” của Facebook đã vô tình hủy chiến dịch quảng cáo cho một vở kịch do đạo diễn Jocelyn Fibrina đạo diễn vì sử dụng bức tranh của Delacroix. Cuối cùng, mạng xã hội của Mark Zuckerberg đã phải xin lỗi khi có ý kiến rằng người phụ nữ trong tranh là biểu tượng của cuộc chiến đấu của Pháp cho tự do.
Julio Carlo Argan, một trong những nhà sử học nghệ thuật quan trọng nhất của thế kỷ 20, nói rằng “Tự do dẫn dắt nhân dân” là bức tranh chính trị đầu tiên trong nghệ thuật hiện đại, vì nó khuyến khích tự do. Tác phẩm đại diện cho ba ngày vinh quang của cuộc nổi dậy chấm dứt thời kỳ khủng bố trắng sau 16 năm trị vì của triều đại Bourbon với Charles X cực kỳ bảo thủ trên ngai vàng. Delacroix không chỉ là một người quan sát bình thường, ông ủng hộ những người nổi dậy, và chính ông cũng xuất hiện trong bức tranh khi đội mũ nồi đen.
Mặc dù danh tính của người phụ nữ ngực trần của Delacroix không rõ ràng, một số nhà sử học nghệ thuật, như Etienne Julie, đã luận điểm rằng Marianne trong bức tranh huyền thoại này là một người giặt đồ tên Anne-Charlotte, đang tìm kiếm anh trai , một nhà cách mạng đã chết. Nói cách khác, ngực trần mà người phụ nữ này khoe ra là của một người lao động.