VÌ SAO MỘT TIẾNG GÕ VÁCH LẠI ĐÁNH LỪA ĐƯỢC MỴ?

Trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài có một đoạn thế này:

“Một đêm, khuya Mỵ nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hẹn của người yêu. Mỵ hồi hộp lặng lẽ quờ tay lên, gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ. Một ngón đeo nhẫn. Người yêu Mỵ đeo nhẫn ngón tay ấy.”(Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài)

Sau đoạn này thì chắc hẳn bạn còn nhớ về tục “cướp vợ” của người Mông đã bị A Sử lợi dụng để cướp Mỵ về làm con dâu gạt nợ nhà thống lí. Nhưng phong tục này lại không khiến tôi tò mò bằng “tiếng gõ vách” kia.

Khi học đến đoạn này tôi đã thắc mắc rằng cái gọi là “tiếng gõ vách hẹn của người yêu” mà Tô Hoài nhắc đến có ý nghĩa như thế nào mà có thể đánh lừa tâm lý Mỵ, đánh cắp sự đề phòng của Mỵ?

Trước lúc mất đi tự do, rõ ràng Mỵ được khắc họa là một người con gái độc lập, thông minh, ấy vậy mà lại bị lừa theo cách này quả thực là khiến người ta thấy vô lý. Nhưng đừng vội hiểu lầm Mỵ là một cô gái ngây thơ dễ đánh lừa, thực chất, tiếng gõ vách kia là dấu hiệu tình yêu của trai gái Tây Bắc, chính dấu hiệu đó đã khiến Mỵ lầm tưởng người yêu mình đến.

Chỉ với vài dòng này của Tô Hoài, người đọc đã được tiếp cận một phong tục rất lãng mạn của người Mông. Cũng ở Tây Bắc, người Tày có một phong tục lãng mạn không kém, đó là tục “trèo cột”, “chọc sàn”.

Chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe đến tục “trèo cột” của người Tày hay còn gọi là “pây pin thâu” (đi trèo cột). Đây là một cách tỏ tình độc đáo của trai gái người Tày. “Trèo cột” đơn giản chính là chỉ việc chàng trai trèo cột nhà cô gái để có cơ hội gặp gỡ, tâm sự cùng cô. Phong tục này đã có từ lâu đời, là cách để những chàng trai cô gái người Tày có cơ hội hẹn hò với nhau bởi các cô gái người Tày xưa ít được đi chơi buổi tối.

Các chàng trai thường chờ đến khi mọi người trong nhà cô gái đã ngủ say để thực hiện hành động “trèo cột”. Vị trí nơi buồng riêng của cô gái sẽ được chàng trai thăm dò trước, khoảng 9-10 giờ đêm, chàng trai sẽ làm động tác “chọc sàn” hay “gõ vách” như người yêu Mị hay làm để báo hiệu cho cô gái biết và phải “trèo cột” để lên nhà sàn. Những hành động này thường được đôi trai gái hẹn trước giống như một sự hẹn hò chứ không hề tùy tiện.

Cột nhà sàn ở vùng Tây Bắc không cao nhưng rất khó trèo vì phần trên cùng của cột tiếp giáp với sàn hiên và sàn nhà, khó nhất là làm sao lựa cách lên được sàn hiên để vào gian nhà trong khi leo lên đến đỉnh cột. Ở nhiều vùng, để thử thách chàng trai, nhiều cô gái còn bôi mỡ tạo độ trơn ở cột gần phòng của mình. Khó khăn như vậy, song vì tình yêu, các chàng trai vẫn cố trèo dù trượt lên trượt xuống nhiều lần.

Khi vào được gian nhà, cô gái thắp đèn, chàng trai bước vào màn, cả hai cùng trò chuyện đến đêm khuya. Có đêm, chàng trai sẽ ngủ lại ngay tại giường cô gái. Nếu chấp thuận chàng trai ngủ lại nghĩa là cô gái đã đồng ý đón nhận tình yêu của chàng trai. Dù ngủ lại hay ngồi trò chuyện đến tận đêm khuya nhưng giữa chàng trai và cô gái không được xảy ra chuyện gì vì nếu xảy ra, gia đình cô gái biết được thì chàng trai sẽ không có cơ hội đến với cô gái nữa.

Phong tục này thật lãng mạn và thú vị, quan trọng nhất là nó vừa thể hiện tình yêu mãnh liệt của những đôi trai gái người Tày, vừa là sự thử thách lòng kiên trì và ý thức giữ gìn tình yêu đẹp.

P/s: Mỵ là người dân tộc H’Mông, tục cướp vợ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài cũng là của người Mông, tuy nhiên, đoạn gõ vách rủ người yêu đi chơi lại khiến người ta liên tưởng đến tục chọc sàn, trèo cột của người Tày Tây Bắc, bởi vậy mình đã dùng nó làm dẫn để nói về tục “trèo cột”. Mong sự liên tưởng đó không gây nên hiểu lầm về văn hóa của hai dân tộc.

Chúc mọi người buổi tối tốt lành!

Thân ái.

Nguồn tham khảo: baodaklak.vn; dantocmiennui.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *