Cuối năm thường là thời điểm chúng ta nhìn nhận lại những gì mình đã làm trong năm vừa qua. Bạn có thể không có ý tưởng xem xét lại về năm 2021 của mình, nhưng những chia sẻ của mọi người trên mạng xã hội, hoặc trong các buổi tụ tập về mục tiêu họ đạt được, hay họ đã thay đổi ra sao có thể tác động và khiến bạn suy ngẫm về hoạt động mình đã làm.
Bạn có thể thấy biết ơn, tự hào vì nhiều điều; nhưng cũng có cảm giác mình “vẫn còn nhiều thứ chưa hoàn thành”. Vì sao cảm xúc đó dấy lên trong bạn?
BẠN THẤY NHỮNG ĐIỀU BẠN ĐẠT ĐƯỢC KHÔNG CÓ Ý NGHĨA
Bạn đã bao giờ gặp những người có hàng sa số thành tích, nhưng lại cảm thấy không vui? Điều này nghe có vẻ lạ, ai lại không hài lòng về việc có thành tựu? Ai lại không thích nhận được phản hồi tích cực về dự án lớn tại nơi làm việc?
Vấn đề là đối với một số người, thành tích khiến họ cảm thấy trống rỗng. Nó có thể khiến họ chán nản, lo lắng, thậm chí tức giận. Họ hiếm khi hiểu tại sao. Họ thậm chí có thể không nhận ra căng thẳng của họ có liên quan đến mối quan hệ của họ với thành tựu. Thông thường, tất cả những gì họ biết là họ cảm thấy kiệt sức và vô cùng không thỏa mãn, những cảm giác khó có thể sánh được với thành công mà họ đã đạt được.
Vì những lý do phức tạp, họ thấy rằng thành tựu giúp họ có giá trị hoặc xứng đáng. Thành tích không phải là một niềm vui; chúng là một điều cần thiết. Khi một người buộc phải đạt được mục tiêu chỉ để thấy có giá trị, thì họ sẽ không thể dừng lại. Đó là một gánh nặng khủng khiếp.
Vấn đề này thường bắt đầu từ thời thơ ấu, với các bậc cha mẹ (thường là vô tình) dạy trẻ em rằng giá trị của con người phụ thuộc vào thành tích của họ và những gì họ làm… không phải họ là ai. Mặt tối của cách dạy con này khiến các em nghĩ mình chưa đủ tốt. Vấn đề này trở nên căng thẳng khi những đứa trẻ đó trở thành thanh thiếu niên và người lớn. Họ mắc phải cảm giác nghi ngờ nội tâm khủng khiếp và thấy mình không đủ trong một thế giới bão hòa với quá nhiều thành tích và sự tự quảng cáo (từ bạn bè, những người nổi tiếng,…). Tệ hơn nữa, vì những người này thường có năng lực và thành công vang dội, nên nỗi đau khổ của họ dễ bị bạn bè và người thân yêu bỏ qua.
Trớ trêu thay, có tồn tại một nhóm người khác không đạt được nhiều thành tích vì áp lực của việc phải đạt và thực hiện được mục tiêu lớn đến mức họ trì hoãn. Mặc dù bề ngoài, hai nhóm có thể tỏ ra đối lập nhau – những người chịu đựng áp lực nội tại to lớn để đạt được, và những người chống lại việc đạt được vì áp lực nội tại to lớn. Nhưng động lực cơ bản là giống nhau: cả hai tập hợp con đều tin rằng họ phải đạt được chỉ để được đánh giá cao và cả hai tập hợp con đều phẫn nộ sâu sắc với thực tế đó.
BẠN ĐANG SO SÁNH TIÊU CỰC BẢN THÂN MÌNH VỚI NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC ĐẠT ĐƯỢC
Chúng ta thường có xu hướng liên tục đánh giá bản thân và những người khác trong các lĩnh vực như sức hấp dẫn, sự giàu có, thông minh và thành công. Theo một số nghiên cứu, có tới 10% suy nghĩ của chúng ta liên quan đến việc so sánh.
So sánh xã hội (social comparison) là khi mọi người xác định giá trị xã hội và giá trị cá nhân của chính họ dựa trên cách họ cân đo đong đếm với những người khác. Nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng những người thường xuyên so sánh bản thân với người khác có thể tìm thấy động lực để cải thiện, nhưng cũng có thể trải qua cảm giác không hài lòng sâu sắc, tội lỗi hoặc hối hận và thực hiện các hành vi không lành mạnh như nói dối hoặc rối loạn ăn uống.
Theodore Roosevelt gọi so sánh là “kẻ trộm của niềm vui”, và có thể ông đã đúng. So sánh xã hội có thể thúc đẩy mọi người hoàn thiện hơn, nhưng nó cũng có thể thúc đẩy thái độ phán xét, thiên vị và cạnh tranh quá mức. So sánh có nhiều khả năng khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn khi chúng ta chỉ so sánh bản thân với những đặc điểm nhất định. Ví dụ, nhiều người tin rằng họ có một đời sống xã hội kém năng động hơn những người khác. Nhưng khi so sánh như vậy, mọi người có xu hướng chỉ so sánh mình với những người hòa động nhất mà họ biết. Hiểu được sự thiên vị này có thể giúp chúng ta so sánh thực tế hơn và có động lực hơn.
Việc liên tục kiểm tra mạng xã hội chứa đầy thông tin về những thành tựu cuối năm mọi người đã và đang làm được có thể khiến bạn giảm niềm tin vào giá trị của bản thân và góp phần gây ra trầm cảm.
BẠN ĐÁNH GIÁ THẤP NHỮNG THÀNH QUẢ MÌNH ĐẠT ĐƯỢC
Trong tâm lý học, thuật ngữ lòng tự trân trọng (self-esteem) được sử dụng để mô tả cảm giác chủ quan của một người về giá trị cá nhân.
Nói cách khác, lòng tự trân trọng có thể được định nghĩa là mức độ bạn đánh giá cao và thích bản thân mình trong bất kể hoàn cảnh nào. Một người có lòng tự trân trọng thấp thường không đánh giá cao những gì mình làm được, và có xu hướng tập trung nhiều hơn vào những điểm mình cần cải thiện, hoặc những mục tiêu còn dang dở. Để từ đó, họ trách móc, chỉ trích chính mình nhiều hơn, và đặt áp lực to lớn cho bản thân.
LỜI KẾT
Một năm qua thật không phải là một năm dễ dàng cho tất cả mọi người. Chúng ta đã trải qua vô vàn những biến động do đại dịch mang lại. Hy vọng bạn sẽ có thể dành sự công nhận cho chính mình vì đơn giản là bạn đã sống sót.
Nguồn: Healthy Mind