Trước Chiến tranh thế giới I, việc tham chiến đã được coi là quyền của bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào, và các tội phạm chiến tranh được xem là một phần của cuộc chiến.
Nhận thức về công lý của người chiến thắng cho rằng những hành động tàn ác do bên chiến thắng phạm phải sẽ không bị trừng phạt đồng thời phe chiến thắng có thể trừng phạt hoặc thậm chí hành hình những người của bên thua cuộc mà không bị trừng phạt.
Thế nhưng, Chiến tranh Thế giới I đã mãi mãi làm thay đổi bộ mặt cuộc chiến và quy tắc chiến đấu. Được trang bị các khí tài hủy diệt mới như xe tăng, pháo hạng nặng, cả hai bên tham chiến phải chịu đựng thương vong lớn đồng thời bị mắc kẹt trong các chiến hào trong nhiều năm trời. Hơn 6,6 triệu người thiệt mạng và 8 triệu binh sỹ thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Ngay từ ban đầu, những hành động tàn bạo đã là một phần của Thế chiến I. Sau khi quân Đức xâm chiếm Bỉ vào tháng 8-1914, binh lính Đức bắt đầu sát hại thường dân.
Các vụ tàn sát này, một phần bị kích động bởi niềm tin sai lầm rằng người dân ngoại thành Bỉ là lực lượng bắn tỉa, đã cướp đi sinh mạng hơn 5.000 người và kích hoạt một cuộc tranh luận gay gắt về những phương thức bạo lực nào được coi là thích hợp trong cuộc chiến.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ I kéo dài, ngày càng có nhiều dân thường của hai bên thiệt mạng, cả phe Hiệp ước (chủ yếu gồm Anh, Pháp, Nga sau đó gồm Mỹ, Italy, Bỉ và Serbia) và phe Liên minh Trung tâm (gồm Đức, Áo, Hungary, Đế chế Ottoman và Bulgari) đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm các tội ác chiến tranh.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến kết thúc, chỉ có một phe bị quy trách nhiệm cho hành động của mình. Trách nhiệm của Wilhelm về cuộc chiến đẫm máu đã trở thành chủ đề được tranh cãi nóng bỏng và cuối cùng thì trở thành một vấn đề chưa được giải đáp.
Người Đức giải thích rằng vũ khí đã bị “buộc rơi vào tay họ” bởi những mối đe dọa từ các cường quốc thù địch. Thế nhưng, đối với phe Hiệp ước, dường như Hoàng đế Đức Wilhelm II đã lợi dụng quyền lực của mình để đẩy thế giới vào cuộc chiến.
Khi kết thúc chiến tranh, các bên nhóm họp để đưa ra các điều khoản của Hiệp ước Versailles, phe Hiệp ước khẳng định rằng Đức không chỉ chịu toàn bộ trách nhiệm về cuộc chiến mà Wilhelm cần bị xét xử như một tội phạm chiến tranh.
Các cáo buộc đối với Hoàng đế cuối cùng của Đức Wilhelm II gồm: một người đứng đầu nhà nước không chỉ phát động một cuộc chiến phi pháp mà còn ra lệnh cho binh sỹ thực hiện hàng loạt vụ tàn sát dã man khiến hàng nghìn người thiệt mạng và toàn bộ lục địa bị tàn phá.
Khi đó, người bị buộc tội là một trong những nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử. Như một phần của hiệp ước, các bên ký kết nhất trí thiết lập một tòa án đặc biệt để xét xử Wilhelm vì “vi phạm tối thượng đạo đức quốc tế và sự thiêng liêng của các hiệp ước”. Phe Hiệp ước đã chính thức yêu cầu dẫn độ Wilhelm.
Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ: Chưa từng có một nguyên thủ quốc gia nào bị xét xử vì tội phát động chiến tranh và mặc dù Đức là bên thua cuộc song Đức vẫn có các đồng minh và mối quan hệ trên toàn châu Âu.
Lúc đó, cựu Hoàng đế Đức Wilhelm II đang sống lưu vong ở Hà Lan, một quốc gia trung lập, theo lời mời của Nữ hoàng Vương quốc Hà Lan khi ấy là Wilhelmina khi kết thúc Thế chiến I. Ông sống lưu vong trong một tòa lâu đài xa hoa cùng nhiều tài sản quý giá.
Bất chấp sức ép dẫn độ Wilhelm để xét xử, Hà Lan từ chối tuân thủ, cho rằng điều này sẽ làm mất đi tính trung lập của Hà Lan khi phải chọn bên. Tội lỗi của vị hoàng đế cuối cùng của Đức đã trở thành một tín điều đối với phe Hiệp ước và ở cả Pháp và Anh, điều này đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các chiến dịch bầu cử với việc tân Thủ tướng Anh khi ấy là David Lloyd George đã thề đưa Wilhelm ra xét xử và treo cổ.
Theo Điều 229 của Hiệp định Versailles, phe Hiệp ước sẽ yêu cầu Chính phủ Hà Lan, nơi Wilhelm được hưởng quy chế tị nạn chính trị, dẫn độ cựu Hoàng đế Đức. Nếu bị dẫn độ, Wilhelm sẽ phải ra hầu tòa gồm một ê-kíp 5 thẩm phán gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Nhật Bản.
Thế nhưng, rốt cục, phiên tòa này đã chưa từng diễn ra. Lý do là Hà Lan từ chối dẫn độ Wilhelm. Và cho đến đầu những năm 1920, mối quan tâm của phe Hiệp ước đã chuyển sang những vấn đề khác, như việc đảm bảo Đức sẽ tuân thủ các quy định khác của Hiệp ước Varsailles kèm theo đó là những phản đối và tranh cãi giữa các nước thuộc phe Hiệp ước về việc xét xử này.
Nếu vụ xét xử Wilhelm được thực hiện khi ông còn sống thì đây đã có thể đã trở thành một vụ xét xử mang tính thế kỷ. Liệu Wilhelm II, Hoàng đế cuối cùng của Đức từ năm 1888 đến 1918, có phạm tội chiến tranh hay không là một câu hỏi gây tranh cãi.
Đó là câu hỏi chưa từng được giải đáp trong cả cuộc đời Wilhelm còn sống. Mặc dù phe Hiệp ước cáo buộc ông phát động một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử và vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như binh lính của ông vi phạm những hành động dã man, nhưng Wilhelm chưa từng bị đưa ra tòa xét xử.
Để bù đắp cho sự bỏ qua này và cũng để làm sáng tỏ hơn các cáo buộc, một nhóm các nhà sử học và luật sư Hà Lan đã tiến hành một phiên tòa giả định để tranh luận liệu Wilhelm II có phạm tội ác chiến tranh hay không. Họ đã thực hiện dự án này trong 8 năm liền song ngày nay, cuốn sách ghi chép lại phiên tòa giả định này được trưng bày tại Lâu đài Amerongen, nơi trú ngụ đầu tiên của Wilhelm sau khi đặt chân đến Hà Lan vào ngày 10-11-1918.
Về tòa giả định này, ê-kíp nói trên đã sử dụng 5 cáo buộc đối với Wilhelm được quy định trong Hiệp ước Versailles ký năm 1919. Cáo buộc thứ nhất là chịu trách nhiệm vì đã phát động cuộc chiến; thứ hai là chịu trách nhiệm vì để binh sĩ Đức xâm chiếm nước Bỉ trung lập; thứ ba là chịu trách nhiệm vì các tội ác chiến tranh do quân Đức gây ra ở Bỉ; thứ tư chịu trách nhiệm vì tuyên bố cuộc chiến tàu ngầm không có giới hạn, vi phạm luật pháp quốc tế và thứ 5 là chịu trách nhiệm vì vi phạm luật quốc tế và lợi dụng chiến tranh.
Nhóm các nhà sử học và chuyên gia về luật hình sự và luật quốc tế, đã nỗ lực tiến hành một phiên tòa xét xử giả định mà Wilhelm đáng nhẽ có thể đã phải tham gia nếu phe Hiệp ước làm mạnh tay cho đến cùng.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS, ông Hans Andriessen, người chủ nhiệm dự án và cũng đóng vai luật sư bào chữa cho Wilhelm, giải thích cách bào chữa trong vụ xét xử giả định này như sau.
Giống như những lãnh đạo của Nam Tư trước đây và các tướng lĩnh bị xét xử ở Hà Lan trong vòng 15 năm qua, ban đầu ông Andriessen đã cố gắng bác bỏ quyền xét xử của tòa đối với vụ việc của Wilhelm. Đến phút cuối, phe Hiệp ước đã viện dẫn nhiều điều khoản thuộc Hiệp ước Varsailles bất lợi đối với Wilhelm, khiến phía Đức không có lựa chọn nào khác mà buộc phải chấp nhận.
Theo lập luận của ông Andriessen, sự cưỡng bách thi hành này khiến toàn bộ hiệp ước Varsailles trở nên vô giá trị. Lập luận của ông về bác bỏ quyền xét xử của tòa đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, phần lớn biện hộ của ông đối với các cáo buộc dành cho Wilhelm vốn dựa trên luật quốc tế lại được tòa giả định này chấp thuận.
Đối với cáo buộc tội thứ nhất, Wilhelm đã được tha bổng. Ông Andriessen bào chữa rằng phát động một cuộc chiến vào thời điểm đó là hành động đáng bị lên án mạnh mẽ song lại là phương hướng hành động chính đáng vì các bang trong nước Đức cảm thấy bị đe dọa. Wilhelm bị buộc tội thứ hai. Andriessen lặp lại lời bào chữa của mình rằng Đức lúc đó cảm thấy bị các nước thù địch xung quanh đe dọa đến mức không còn cách nào khác là xâm lược Bỉ (và tấn công Pháp), song biện hộ của ông đã bị bồi thẩm đoàn phiên giả định đó coi là không thỏa đáng.
Với cáo buộc tội thứ 3, Wilhelm một lần nữa được tha bổng vì tòa không thể thiết lập mối liên hệ trực tiếp nào giữa mệnh lệnh của ông và việc thực hiện các hành động tàn bạo.
Cáo buộc tội phạm thứ 4 là phát động một cuộc chiến tàu ngầm cũng được tha bổng. Lời bào chữa của ông Andriessen trong phiên tòa giả định đó là Anh đã bắt đầu trang bị vũ khí cho tàu thuyền chở hàng của họ thậm chí trước khi nổ ra Thế chiến I.
Điều này gây ra sự không an toàn khi tàu ngầm Đức nổi trên mặt nước đồng thời đặt nghi vấn liệu các tàu của Anh có chở cả hành khách hay không. Vì vậy, Hải quân Đức và tư lệnh tối cao của họ, không thể là bên duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc chiến tàu ngầm trong Thế chiến I.
Cáo buộc tội trạng thứ 5 đã bị tòa giả định loại bỏ vì bị xem là quá mơ hồ. Như vậy, Hoàng đế cuối cùng của Đức chỉ bị cáo buộc 1 tội trạng trong tổng số 5 tội nói trên. Theo cáo trạng của tòa giả định này thì Wilhelm sẽ bị quản thúc tại gia cho đến cuối đời.
Thế nhưng, Wilhelm sống cuộc đời còn lại của mình ở ngôi làng Doorn của Hà Lan, hàng ngày đốn củi và gặp gỡ những vị khách muốn ghé thăm ông. Ông qua đời tại ngôi làng đó năm 1941 và được an táng tại một lăng mộ nhỏ. Giới chuyên gia lịch sử hiện vẫn tranh cãi về vai trò của ông ta trong việc gây ra Thế chiến I.
Mặc dù các điều khoản quy định trong Hiệp ước Versailles đối với tòa án giả định dành cho Wilhelm đã được luật sư phản bác, nhưng hiệp ước này đã dẫn đến các vụ xét xử khác. Ví dụ, năm 1921, tòa án tối cao Đức mở hàng loạt phiên xét xử tội phạm chiến tranh ở thành phố Leipzig. Các vụ xét xử này chỉ được tiến hành với một số người ban đầu bị cáo buộc phạm tội chiến tranh từ cướp bóc đến ngược đãi tù nhân.
Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định liệu những vụ xét xử này là hợp pháp hay không và tòa án Đức khi đó đã sử dụng luật Đức, chứ không phải luật lệ quốc tế, trong các vụ xét xử. Không ai hài lòng với kết quả. Đối với phe Hiệp ước, các vụ xét xử ở Leipzig là những việc làm vô nghĩa. Thế nhưng, đối với Đức, các vụ xét xử này lại thể hiện công lý của phe chiến thắng.
Các vụ xét xử Leipzig đã kết thúc trong lãng xẹt. Mặc dù hơn 901 trường hợp phạm tội chiến tranh được xác định song chỉ có 17 vụ được xét xử. Cho đến cuối những năm 1920, các vụ phạm tội còn lại rơi vào quên lãng và không ai bị kết tội phải chịu bất kỳ hình phạt tù giam nào.
Các vụ xét xử ở Leipzig và tranh cãi về tội phạm chiến tranh của Wilhelm đã giúp thiết lập nền tảng cho cả luật pháp quốc tế và truy tố tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, cả hai đều không đạt được mục tiêu là trừng trị đích đáng bất kỳ ai vi phạm hoặc cho phép vi phạm hành động tàn bạo trong Thế chiến I.
Nguồn: Báo Công An Nhân Dân.