Vì sao có nhiều người con gái lại không thích và có xu hướng hạ bệ những người con gái khác?

Vì sao có nhiều người con gái lại không thích và có xu hướng hạ bệ những người con gái khác và tác hại của tâm lý ghét phụ nữ ở phụ nữ là gì ?

Không biết viễn cảnh này có quen thuộc trong cuộc sống của mọi người không nhưng mình đã từng gặp qua những tình huống mà những câu nói như là “con bé đó hám trai lắm” hay những cái bỉu môi như là “con bé đó chả đẹp đẽ gì, toàn dùng photoshop” hay “chơi với con gái mệt mỏi lắm, mình thấy chơi với con trai vui hơn” được thốt ra từ chính các bạn nữ.

Những thái độ có phần gắt gỏng đối với các bạn nữ khác này mình đã chứng kiến nhiều lần trong môi trường đi học những năm cấp 2, cấp 3 hay ngay cả khi đi học ở một nơi ra rả những trào lưu ủng hộ nữ quyền như ở đại học của mình thì vẫn diễn ra đều đặn.

Những lời nói này nghe tưởng chừng như chỉ là những lời xúc phạm cá nhân, thực ra đều xuất phát từ một mindset – lối suy nghĩ tiêu cực về phụ nữ nói chung mà thậm chí có khi những bạn gái nói ra những lời này cũng không nhận thức được là họ đang mang tâm lý ghét phụ nữ. Thái độ và lối suy nghĩ này ở con gái được gọi là internalised misogyny hay là tâm lý ghét phụ nữ bắt nguồn từ sự định hình của xã hội trong cách họ được nuôi dạy, môi trường sống và sự giới hoá trong quá trÌnh trưởng thành.

Nhiều nghiên cứu cuối thế kỷ 20 cho thấy, internalised misogyny được thể hiện qua hai dạng thức chính: 

– Dạng thức thứ nhất đó là self-objectification (đồ vật hoá bản thân). Self-objectification thường được thể hiện qua việc phụ nữ tự nhìn nhận bản thân như một vật thể cần được đánh giá chỉ qua vẻ bề ngoài và bề ngoài được xem là thước đo quan trọng về giá trị của một người hay cụ thể ở đây là thước đo quan trọng về giá trị của phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy self-objectification có liên quan mật thiết đến trầm cảm và rối loạn ăn uống.

– Dạng thức thứ hai cũng phổ biến của internalised misogyny là bị động chấp nhận những vai trò giới trong xã hội và không nhận thức hoặc cố tình chối bỏ sự phân biệt giới trong văn hoá, bộ máy vận hành xã hội hay trong chính cá nhân mình. Những ví dụ của tâm lý bị động chấp nhận vai trò giới có thể được thể hiện qua những suy nghĩ như là việc bị cưỡng hiếp đôi khi là do phụ nữ tự chuốc lấy, hay, phụ nữ và đàn ông trong thế giới hiện đại nên quay trở về vai trò của họ như những năm 1950, phụ nữ nội trợ và đàn ông đi làm và chu cấp cho gia đình.

Nghiên cứu của Szymanski et al. (2009) cho thấy cả hai dạng thức của tâm lý ghét phụ nữ này kết hợp với những trải nghiệm phân biệt giới như bị chỉ trích khi có những hành vi không hợp khuôn mẫu giới hay bị trêu ghẹo, catcall ( bình phẩm về cơ thể phụ nữ hoặc tệ hơn, động chạm vào cơ thể họ) sẽ dẫn đến những căng thẳng trong tâm lý phổ biến như trầm cảm, mất ngủ, nhạy cảm trong các mối quan hệ cá nhân, rối loạn lo âu hay rối loạn cưỡng chế ở phụ nữ. Nói như vậy có nghĩa là việc con gái ghét con gái không chỉ ảnh hưởng đến người bị ghét mà còn âm thầm ăn mòn sức khoẻ tâm lý của những cô gái có xu hướng tâm lý này.

Mình có đọc một bài báo thú vị của Jen Kim trên Psychology Today năm 2016, bài báo này có nói đến quan điểm của tiến sĩ Nancy Irwin là một nhà tâm lý trị liệu cho rằng việc phụ nữ ghét phụ nữ không có nghĩa là họ ghét tất cả phụ nữ mà những đối tượng bị chỉ trích này là những phụ nữ đi ngược lại với vai trò giới của họ hay phản đối những rập khuôn về phụ nữ từ đó đe doạ đến patriarchal hierarchy hay là tháp cầm quyền bởi nam giới. Irwin nói về những phụ nữ ủng hộ Trump trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng cho rằng hai dạng phụ nữ ủng hộ việc nam giới cầm quyền bao gồm:

– Thứ nhất là những người phụ nữ sống trong gia đình với vai trò là người vợ ngoan hiền, vâng lời và việc làm chủ hay lên tiếng về quan điểm chính trị của họ khiến họ cảm thấy là một việc khó khăn hoặc đáng xấu hổ.

– Thứ hai là những người phụ nữ cho rằng họ thông minh đến độ có thể điều khiển đàn ông chu cấp và bảo vệ mình để họ không phải đối mặt với những quyết định khó khăn từ đó không phải phạm phải sai lầm nào liên quan đến quyết định của chính mình.

Benevolent sexism là một dạng phân biệt giới có quan điểm là phụ nữ cần được bảo vệ và cưng chiều bởi đàn ông. Đây cũng là một tư tưởng có liên quan đến tâm lý ghét phụ nữ nói chung và có ảnh hưởng tiêu cực đến bình đẳng giới bởi nó có vai trò nhấn mạnh và cưỡng chế vai trò giới lên cả phụ nữ và đàn ông, góp phần làm hùng mạnh sự cầm quyền hay là sự mạnh mẽ hơn của nam giới và đặt nữ giới ở vị trí thấp hơn, vị trí cần được bảo vệ.

Nghiên cứu của Dehlin & Gallier (2019) cũng cho thấy benevolent sexism có liên hệ mật thiết với những quan điểm tôn giáo như coi trọng sự trinh trắng của phụ nữ và lên án những phụ nữ có sự phóng khoáng trong tình dụ.c và slut-shame họ (trong tiếng việt đại loại là gọi một cô gái là đ.ĩ á).

Bên cạnh việc ghét những phụ nữ không tuân theo những điều lệ về khuôn mẫu chuẩn mực phụ nữ “ngoan” của xã hội ra thì benevolent sexism (phân biệt giới lành tính) còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ của những phụ nữ này bắt nguồn từ việc họ mong đợi đàn ông giống như là knight in shiny amour – kị sĩ trong áo giáp vàng trong tình cảm, luôn bảo vệ và đối xử với họ như công chúa. Nghiên cứu của Casad (2015) cho thấy những người phụ nữ này có xu hướng ít hài lòng với mối quan hệ tình cảm của họ do những người đàn ông của họ không đạt được những tiêu chuẩn như họ mong đợi.

Mình có đọc một nghiên cứu mà theo mình là khá là disturbing (khó nuốt) trong cách họ sử dụng ngôn ngữ nên mình cứ băn khoăn không biết có nên chia sẻ với mọi người không nhưng cuối cùng mình quyết định là cứ chia sẻ với mọi người và nếu mọi người có hứng thú thì có thể tìm đọc kĩ hơn. Nghiên cứu của Armstrong et al. (2014) nghiên cứu về xu hướng slut-shame như là mình có giải thích ở trước ở các nhóm nữ sinh đại học. Nghiên cứu này chia nữ sinh đại học thành hai loại đó là: high status và low status (đại loại cấp cao và cấp thấp). 

– Những nữ sinh cấp cao được đưa vào nhóm những người có gia đình khá giả, được cha mẹ chu cấp tiền để tha hồ tiệc tùng, mua sắm đồ hiệu và thuộc những hội nhóm thường xuyên tụ tập uống rượu và hook-up (hay là trải nghiệm tình một đêm) qua những buổi tiệc tùng. 

– Và nhóm còn lại là những nữ sinh xuất thân từ những gia đình ít giàu có hơn và không có khả năng tiếp cận với môi trường “cấp cao” của nhóm thứ nhất. 

Những nhà nghiên cứu tiếp tục phỏng vấn cả hai nhóm về hoạt động tình dục của họ cũng như quan điểm của họ về nhóm còn lại và sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để phân tích câu trả lời của họ.

Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều có quan điểm tiêu cực về hoạt động tình dụ.c của nhóm còn lại. Nhóm nữ sinh “cấp cao” cho rằng kiểu con gái ngoan là những cô gái biết lựa chọn những chàng trai có địa vị trong trường đại học hoặc xã hội và việc họ khám phá tình dụ.c là một chuyện cao cấp.Những cô gái này cũng coi trọng bề ngoài và đầu tư nhiều vào nó để tuân theo khuôn mẫu quý phái.  Ngược lại họ cho rằng việc nữ sinh “cấp thấp” đùa giỡn với những chàng trai xuất thân không sang chảnh như họ là hành vi đáng xấu hổ (trashy). Nhóm nữ sinh “cấp thấp” cũng cho rằng nhóm nữ sinh “cấp cao” là những phụ nữ dễ dãi (slutty) và chỉ biết tiệc tùng.

Nghiên cứu này kết luận danh từ “slut” không thực sự tồn tại theo một định nghĩa cụ thể mà được xây dựng qua tương tác xã hội khi mà những phụ nữ này tự định nghĩa khuôn mẫu gái hư để có lợi cho nhóm của mình và hạ bệ nhóm còn lại. Qua nghiên cứu này có thể thấy việc phụ nữ ghét phụ nữ là một điều rất phổ biến và cần được nói đến để tất cả chúng ta có sự hiểu biết nhất định về sự độc hại của việc rập khuôn phụ nữ và lên án họ, đặc biệt là lên án hành vi tình dụ.c của họ hay là slut-shame họ.

 Ngược lại, chuyện Slut-shame lại không phổ biến khi nói đến hành vi tình dục của nam giới, vậy thì tại sao việc này lại được chấp nhận đối với phụ nữ?

Vậy những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang có tư tưởng ghét phụ nữ nhưng không nhận biết được ở bản thân. Đây là một vài dấu hiệu của internalised misogyny mà Preston Ni nhắc đến trong Psychology Today năm 2020:

– Bạn có thói quen gièm pha bề ngoài của cả chính bản thân và những người con gái khác

– Bạn có xu hướng ganh đua với những người con gái khác đặc biệt là để dành được sự chú ý của người khác phái.

-Bạn có xu hướng hạ thấp bản thân và những người con gái khác dựa theo vai trò giới (giống như “ủa tao là con gái sao tao đủ sức bưng cái này bưng cái kia” hoặc là “phụ nữ tay lái yếu lắm”)

– Ủng hộ những chuẩn mực có lợi cho đàn ông như việc chăm con, việc nhà là của phụ nữ,…

– Đổ lỗi cho phụ nữ trong những tình huống họ là nạn nhân như việc bị chọc ghẹo, cưỡng hiếp, quấy rối..

Và một vài những xu hướng khác trong văn hoá mạng mới cũng đáng được nhắc đến như là việc bạn luôn tự nhận mình không giống những cô gái khác với hàm ý bạn ở vị trí cao hơn họ hoặc việc bạn cho rằng bạn chỉ thích chơi với con trai và con gái rất phiền phức và hai mặt vâng vâng đều là những dấu hiện bạn nên để ý để nhận định mình có phải là kiểu con gái ghét chính con gái hay không.

Reference:

Armstrong, E. A., Hamilton, L. T., Armstrong, E. M., & Seeley, J. L. (2014). “Good Girls” gender, social class, and slut discourse on campus. Social Psychology Quarterly, 77(2), 100-122.

Casad, B. J., Salazar, M. M., & Macina, V. (2015). The real versus the ideal: Predicting relationship satisfaction and well-being from endorsement of marriage myths and benevolent sexism. Psychology of Women Quarterly, 39(1), 119-129.

Dehlin, A. (2018). Young Women’s Sexist Beliefs and Internalized Misogyny: Links with Psychosocial and Relational Functioning and Sociopolitical Behavior.

Szymanski, D. M., Gupta, A., Carr, E. R., & Stewart, D. (2009). Internalized misogyny as a moderator of the link between sexist events and women’s psychological distress. Sex Roles, 61(1-2), 101-109.

NGUỒN BÀI: AMATEUR PSYCHOLOGY

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *