VÌ SAO CÓ NGƯỜI LÀM RƠI MÀN HÌNH VẪN NGUYÊN, CÒN BẠN RƠI THÌ CÓ MÁY MỚI?

Vui thì xem hoạt hình khi ăn cơm, nhắn tin cùng bạn bè, nghe nhạc ủng hộ bằng tâm,… buồn thì kiểm tra hộp thư công việc, xem phim từ tình cảm sướt mướt đến hành động giật gân hay bỗng dưng sờ mèo,… Màn hình điện thoại có lẽ là đối tượng được hầu hết mọi người nhắm nhìn mỗi ngày, thậm chí có nhiều người không biết chán là gì.

Nỗi sợ luôn là kẻ thù của chúng ta, và khi ta dùng điện thoại, điều đó cũng không ngoại lệ: nhiều người còn dám khẳng định rằng trong các loại cường như cường độ, cường công, cường hào ác bá,… thì em thích nhất là cường lực. Phải rồi, ai lại chẳng muốn thiết bị yêu thích của mình được nguyên vẹn cơ chứ, nhưng đời thì trớ trêu hơn thế, cụ thể là mặt đường hay mấy viên đá vô tình sẵn sàng tiễn màn hình của bạn đến tiệm, và bạn sẽ mãi oán trách những lời “hứa hẹn” của bên bán hệt như cách người yêu cũ tiễn mấy lời hẹn thề xuống mé sông nào đó (trai hư không tốt, trai tưởng tốt cũng không tốt nốt, tức).

Khi mua một thiết bị mới, ngoài các yếu tố như máy ảnh, bộ nhớ, bộ xử lí,… có lẽ yếu tố ngoại hình và khả năng giữ gìn điều đó là một trong những ưu tiên hàng đầu, trừ khi bạn đủ giàu để đổi máy như người yêu của những chàng trai hư không tốt trong truyền thuyết.

Bỏ qua miếng dán và tấm cường lực, mặt kính của máy mới là thứ quan trọng mà chúng ta đang bàn đến.

TỪ NHÀ SẢN XUẤT…

Cụ thể, mình lấy thông tin của nhà sản xuất kính Corning Glass với thế hệ kính mới nhất, Victus.

Kính cường lực Gorilla Glass Victus là thế hệ kính cường lực tiếp theo (kế nhiệm Gorilla Glass 6) của Corning với độ bền vượt trội và cải thiện độ linh hoạt, chống trầy xước,… Trong các thử nghiệm, Gorilla Glass Victus cho thấy nó có thể chịu được 1 cú rơi đầu tiên xuống bề mặt cứng từ độ cao 2 mét.

Corning cho biết, kính thông thường sẽ bị vỡ từ độ cao khoảng 0.8 mét. Gorilla Glass 5 có 80% cơ hội sống sót khi rơi từ độ cao 1.6 mét, Gorilla Glass 6 đã cải thiện điều đó, đặc biệt là trên các mặt gồ ghề nhưng độ cao vẫn giữ nguyên.

Gorilla Glass Victus cũng có khả năng chống trầy xước tốt hơn. Trong thử nghiệm độ cứng Knoop (tập trung vào lực tác động và sử dụng mũi kim cương để làm trầy xước), kính Gorilla Glass Victus chỉ bị trầy xước nhẹ với tải trọng 8 Newton, trong khi các mẫu kính cạnh tranh khác chịu lực kém hơn một nửa.

ĐẾN NGƯỜI DÙNG THỬ NGHIỆM…

Dĩ nhiên, sống sót không có nghĩa là toàn vẹn.

Để kiểm chứng điều này, PhoneBuff đã tiến hành thử nghiệm thả rơi Galaxy Note20 Ultra và iPhone 11 Pro Max. Các thử nghiệm của PhoneBuff bao gồm thả rơi mặt sau, góc và mặt trước. Mỗi thử nghiệm được tiến hành 10 lần liên tiếp, ở độ cao 1,5m.

Apple từ lâu cũng đã sử dụng kính cường lực của Corning, tuy nhiên không sử dụng phiên bản thương mại như các hãng smartphone khác mà sử dụng phiên bản đặt hàng riêng. iPhone 11 Pro Max được cho là sử dụng loại kính cường lực tương đương với Gorilla Glass 6, mà Apple gọi là kính cường lực cho smartphone cứng nhất thế giới.

Tuy nhiên theo kết quả thử nghiệm của PhoneBuff, thì chiếc iPhone 11 Pro Max đã bị nứt vỡ nghiêm trọng ở cả mặt trước và mặt sau, cụm camera cũng bị hư hỏng nặng. May thay là màn hình cảm ứng vẫn có thể hoạt động.

Trong khi đó, Galaxy Note20 Ultra trông khá nguyên vẹn. Không có bất kỳ vết nứt nào trên màn hình, chỉ có một vài vết nứt nhỏ ở góc phía sau gần module camera. Các chức năng của chiếc smartphone này vẫn hoạt động bình thường.

PhoneBuff đã chấm Galaxy Note20 Ultra số điểm gần như hoàn hảo là 39/40, còn iPhone 11 Pro Max chỉ được 30/40 trong thử nghiệm thả rơi. Hy vọng rằng với iPhone 12, Apple sẽ sử dụng loại kính cường lực thế hệ mới cứng hơn và bền hơn, để người dùng không còn phải lo lắng trước những sự cố đánh rơi nữa.

VÀ NGƯỜI DÙNG THỰC TẾ…

Chuyện thật người thật, mình vừa làm rơi ở độ cao nửa mét xuống sàn nhà và bể một góc phần tư màn hình + nhảy màn trên chiếc Samsung Galaxy Note FE dùng Corning Gorilla Glass 5. Sẵn tiện lúc mang đi hủy, mình đã dùng tay gõ trực diện màn hình vào góc của cục đá khoan giếng nhưng màn hình hầu như không có vấn đề gì.

Quả nhiên, người ta luôn bảo rằng nhân phẩm rất quan trọng vì góc rơi và bề mặt chịu lực mới là yếu tố ảnh hưởng đến độ nứt vỡ. Kính dù có nâng cấp, cải thiện đếm mấy thì chúng vẫn là kính mà thôi.

KHÔNG BỂ, NHƯNG XƯỚC

Nhẹ hơn rơi vỡ, chúng ta có xước. Theo công bố, màn hình điện thoại chống chịu khá tốt các ngoại lực đến từ nhiều loại vật liệu khác nhau.

Nhiều người vẫn hay dùng thang độ cứng Mohs, đặc trưng cho tính chất chống lại vết trầy xước trên những khoáng vật khác nhau dựa trên tính chất: khoáng vật có độ cứng lớn hơn sẽ làm trầy khoáng vật có độ cứng nhỏ hơn.

Có nhiều bài test đã chứng mình chìa khoá, dao, kéo cũng không thể làm trầy được màn hình, nhưng có một thứ bạn nên cẩn thận là CÁT, bởi cát luôn là nguyên nhân khiến màn hình trầy xước nhiều nhất trong quá trình sử dụng, nhất là những chiếc túi kém vệ sinh có khả năng chứa đủ cát để tạo nên một bãi biển nhân tạo.

Cát là vật liệu dạng hạt nguồn gốc tự nhiên bao gồm các hạt đá và khoáng vật nhỏ và mịn, chẳng hạn như  silica (dioxide silic hay SiO2), thường ở dạng thạch anh, là chất với độ trơ về mặt hóa học cũng như do có độ cứng đáng kể hay thậm chí có cả san hô hay mai của động vật cùng các vật liệu hữu cơ hay có nguồn gốc hữu cơ khác. Do đó, chúng hoàn toàn có thể tạo ra các vết xước từ nhỏ đến lớn, từ lông mèo đến… rất nhiều lông mèo.

Vì vậy, hãy bảo vệ thiết bị của bạn bằng cách dùng cẩn thận, để ở nơi sạch sẽ, cẩn thận với các loại ốp cứng hay miếng dán thiếu chất lượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *