vi-sao-cha-me-trung-quoc-khong-con-man-ma-cho-con-hoc-piano?

Vì sao cha mẹ Trung Quốc không còn mặn mà cho con học piano?

Zhang Weiwei đã dừng việc cho con gái 11 tuổi học piano vào tháng 1/2024 sau ba năm rèn luyện. Cô chia sẻ lý do bởi chi phí cao và con gái thiếu nhiệt tình trong khi học.

Học sinh lớp 5 này đã học với các giáo viên của Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh và đạt được cấp độ thứ 5 trong số 10 cấp độ chứng nhận trước khi từ bỏ.

Zhang, 40 tuổi, nói với Sixth Tone: “Các bài học piano giống như một khoản đầu tư để nuôi dưỡng sở thích cho con bé, nhưng chúng không có bất kỳ ứng dụng thực tế nào về thành tích học tập và đòi hỏi con bé rất nhiều năng lượng”.

Các buổi học hàng tuần của con gái cô có giá 500 nhân dân tệ (70 đô la) cho 45 phút. Sau đó, còn có các khoản chi cho sách nhạc, tiền taxi đi học và các kỳ thi đánh giá cấp. Zhang ước tính cô đã chi khoảng 30.000 nhân dân tệ một năm để con gái học piano.

Trào lưu học piano suy giảm tại Trung Quốc

Vì sao cha mẹ Trung Quốc không còn mặn mà cho con học piano?- Ảnh 1.

Piano không còn là dấu hiệu của sự tinh tế và giàu có tại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Học piano cho trẻ em từng là cơn sốt vài năm trước, nhưng xu hướng đó dường như đã giảm đi, trong khi các khoá học về các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, sáo trúc và đàn tỳ bà (một loại nhạc cụ dây của Trung Quốc) đang trở nên phổ biến hơn.

Đầu năm nay, truyền thông Trung Quốc đưa tin ngành công nghiệp piano — từ nhà sản xuất, trường dạy nhạc đến số học viên đăng ký — đã sụt giảm đáng kể về doanh thu và sự quan tâm.

Những cây đàn piano từng được bán với giá 50.000 nhân dân tệ nay chỉ còn 5.000 nhân dân tệ. Nhiều giáo viên piano đã bị giảm thu nhập, và các công ty âm nhạc buộc phải sa thải nhân viên.

Vị thế của đàn piano trong đời sống hiện đại ở Trung Quốc nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội.

“Chưa nói đến tiền mua đàn piano, bạn không thể chi trả nổi tiền học nếu bạn mua đàn”, một cư dân mạng bình luận trên nền tảng blog Weibo. Một người dùng khác đăng bài: “Sự suy thoái rõ ràng của ngành công nghiệp piano thực sự là một xu hướng chung hướng về sự hợp lý. Nó đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên lợi nhuận dễ dàng”.

Đàn piano du nhập vào Trung Quốc vào đầu những năm 1600 khi nhà truyền giáo Matteo Ricci tặng một chiếc đàn clavichord cho hoàng đế. Sự quan tâm đến nhạc cụ này đã lan rộng ra ngoài cung đình trong những thế kỷ tiếp theo. Vào những năm 1870, Thượng Hải đã có một xưởng sản xuất đàn piano, và đến đầu thế kỷ 20, chơi đàn piano được coi là một phần của giáo dục đẳng cấp thượng lưu.

Niềm đam mê đại chúng với piano có lẽ bắt nguồn từ năm 1992, khi nghệ sĩ piano người Pháp Richard Clayderman có chuyến lưu diễn nổi tiếng ở Trung Quốc. Và vị thế ngôi sao nhạc pop của nghệ sĩ piano Trung Quốc Lang Lang trong thiên niên kỷ mới chỉ củng cố thêm quan niệm rằng một cây đàn piano trong nhà là dấu hiệu của văn hóa và sự tinh tế.

Năm 2013, sản lượng sản xuất và bán piano của Trung Quốc chiếm 80% thị trường toàn cầu. Hòn đảo nhỏ Cổ Lãng Tự ngoài khơi bờ biển Hạ Môn ở miền đông Trung Quốc được mệnh danh là “Đảo Đàn Piano” vì có dân số sở hữu đàn piano bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Ở một số vùng của đất nước, các trường trung học bắt đầu mang đến điểm học tập nâng cao cho kỹ năng piano, thúc đẩy các bậc cha mẹ đầu tư mạnh vào các bài học piano. Tuy nhiên, khi chương trình điểm cộng bị loại bỏ vào năm 2018, giáo dục piano bắt đầu sụp đổ.

Sixth Tone đã phỏng vấn 13 cơ sở và studio piano ở Thượng Hải. Hai phần ba báo cáo sự sụt giảm số lượng học sinh, cho rằng suy thoái là do các yếu tố như người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng và sa thải nhân công tại nơi làm việc.

Một giáo viên piano họ Shen cho biết “nhiều doanh nghiệp liên quan đến các bài học piano đã tổ chức các lớp học theo nhóm hoặc các chương trình cấp thấp, bỏ qua bản chất thực sự của giáo dục piano.

Shen nói: “Tôi xem tình hình hiện tại như một sự phát triển tích cực. Đó là một sự thanh lọc của ngành công nghiệp này, đưa nền giáo dục âm nhạc trở về cội nguồn”.

Một giáo viên piano ở Thượng Hải, họ Jin, bắt đầu dạy ở đây vào năm 2017, cho biết việc chuyển sang dạy học trực tuyến trong những năm trước đã khiến nhiều phụ huynh chán nản với giáo dục âm nhạc. Kết quả là số lượng học sinh đang ký học dần ít hơn.

Tuy nhiên, cô nói thêm, sự suy giảm của đại dịch không cải thiện được tình hình mấy. Số lượng học sinh mới trong năm 2023 không vượt quá 10 người, trong khi trước đây, mỗi tháng có 10 người đến các lớp học thử.

Jin nói thêm: “Tôi chưa nghe nói về bất kỳ cơ sở dạy học nào của bạn bè tôi bị đóng cửa, nhưng tất cả đều đang chật vật để duy trì hoạt động”.

Bị ảnh hưởng bởi thu nhập giảm, trong những năm gần đây, cô cho biết nhiều phụ huynh chọn thuê đàn piano, với chi phí khoảng 300 nhân dân tệ một tháng, thay vì mua nhạc cụ trị giá hàng chục nghìn nhân dân tệ.

Vì sao cha mẹ Trung Quốc không còn mặn mà cho con học piano?- Ảnh 2.

Các lớp học đàn truyền thống được ưa chuộng vì giá rẻ và dễ tiếp cận. Ảnh: Sixth Tone.

Jin nói: “Các bậc phụ huynh từng nghĩ rằng nếu con cái họ không chơi piano nữa, thì nhạc cụ đó ít nhất có thể được giữ lại như một phần trang trí phong cách cho ngôi nhà, nhưng điều đó đã trở nên ít phổ biến hơn”.

Các bậc cha mẹ hiện nay dường như miễn cưỡng hơn trong việc ép buộc những đứa trẻ không có hứng thú phải học piano. “Trước đây, các bậc cha mẹ ép con cái luyện đàn, khiến chúng sinh ra phản kháng. Ngày nay, các bậc cha mẹ không muốn tranh cãi với con cái về việc luyện đàn sau một ngày dài làm việc. Họ thấy không đáng làm điều đó”, Jin nói.

Ngoài ra, một số học sinh của Jin — những trẻ từ 5 đến 10 tuổi — phải đối mặt với khối lượng bài vở ở trường nặng nề và thường làm bài tập về nhà đến 10 giờ tối, khiến chúng có rất ít thời gian để luyện tập.

Jin nói: “Tôi có một học sinh lớp một nói rằng áp lực học hành đè nặng lên em ấy. Không phải là em không muốn học đàn piano, mà là em không có thời gian để luyện tập”.

Jin hiện dạy khoảng 30 lớp một tuần, giảm so với 40 lớp vào năm 2019. Điều đó đã làm giảm thu nhập hàng tháng của cô khoảng 4.000 nhân dân tệ.

Một giáo viên piano khác, Wu Yifan, bắt đầu dạy đàn piano tại một trường học thuộc sở hữu công ty vào năm 2016 ở thành phố Quảng Châu phía nam. Wu nói: “Việc học sinh đến và đi là điều bình thường, nhưng gần đây, công ty piano không cung cấp cho tôi bất kỳ học sinh mới nào”.

Ngược lại, Wu nhận thấy sự gia tăng số học sinh quan tâm đến việc học các nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc.

Thật vậy, một cơ sở nhạc cụ, nơi Fang Xueqin dạy đàn tranh Trung Quốc, đã chứng kiến số lượng học sinh tăng đều ngay cả khi số học sinh piano giảm dần.

Fang nói với Sixth Tone: “Nhiều phụ huynh cảm thấy piano quá phổ biến, và họ muốn con cái học các nhạc cụ ngách”.

Sự thay đổi trong mối quan tâm đến giáo dục âm nhạc được phản ánh trong dữ liệu từ Hiệp hội Âm nhạc Thượng Hải, cho thấy số người tham dự kỳ thi cổ tranh vượt qua số lượng người tham dự kỳ thi piano vào năm 2023.

Theo Fang, sự quan tâm ngày càng tăng đối với âm nhạc truyền thống có thể được cho là do sự phổ biến gần đây của văn hóa dân gian Trung Quốc, thường được gọi là guochao, hay “China chic”.

Trên nền tảng chia sẻ video Bilibili, nhiều nhạc sĩ dân gian trẻ Trung Quốc tải lên những bản hòa tấu nhạc dân gian độc đáo của riêng họ, cho phép giai điệu cổ điển tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Những nhân vật trực tuyến này đã thu hút được lượng lớn người theo dõi.

Fang cho biết cô ấy nhận thấy sự quan tâm hiện tại đối với âm nhạc dân gian Trung Quốc sẽ không kết thúc khi ngày càng có nhiều thanh niên yêu thích văn hóa truyền thống.

Fang nói: “Thanh niên ngày nay thường tự tin hơn về bản sắc văn hóa của họ. Điều này đã khiến họ tiếp nhận âm nhạc dân gian thông qua các kênh khác nhau, đồng thời cũng khuyến khích việc tạo ra nhiều nội dung chất lượng cao hơn trong thể loại này.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *