vi-sao-buc-tuong-“pho-ganh”-dat-tren-pho-am-thuc-noi-tieng-ha-noi-“co-ma-nhu-khong”?

Vì sao bức tượng “phở gánh” đặt trên phố ẩm thực nổi tiếng Hà Nội “có mà như không”?

Bức tượng “phở gánh” được đặt tại đầu phố Tống Duy Tân giao nhau với phố Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bên cạnh đó là phố cà phê đường tàu, lâu nay luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân tới Hà Nội.

Theo ghi nhận, bức tượng người đàn ông gánh phở có chiều cao tương đương với người thật, bằng đồng nhưng có màu xám hoài niệm. Do vậy, bức tượng thường xuyên ẩn khuất vào dòng người qua lại. Nếu không để ý kỹ, du khách khó nhận ra bức tượng này.

Bức tượng

Tác phẩm nghệ thuật do họa sĩ Thế Sơn và nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh thiết kế.

Bức tượng

Bức tượng “phở gánh” có chiều cao 1,6m bằng đồng được đặt ngay phố Tống Duy Tân.

Xung quanh bức tượng được lát gạch vuông nhỏ, phía dưới có những bóng đèn chiếu lên bức tượng khi đêm xuống. Hiện tại bức tượng chưa được gắn biển hay lắp hàng rào bảo vệ. Do đó, người dân xung quanh thường xuyên tận dụng khoảng trống bên cạnh để đỗ xe máy, hạn chế tầm nhìn của du khách.

Một chủ quán bán phở trên phố Tống Duy Tân cho biết: “Từ khi bức tượng người đàn ông gánh phở được dựng lên, du khách đi bộ trong phố ẩm thực có thêm một điểm chụp ảnh lưu niệm. Tuy nhiên, bức tượng khá nhỏ nên phải để ý mới nhận ra “.

“Bức tượng này rất hay, nó gần giống với một bức ảnh được chụp từ xưa mà tôi được nhìn thấy trên báo, tạp chí du lịch. Hôm nay có dịp đi qua đây, đúng thời điểm bức tượng được dựng lên, khiến tôi gợi nhớ đến những ngày tháng gian khó. Thời điểm một bát phở vẫn còn xa xỉ với nhiều người”, bà Lê Tuyết Mai (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.

Bức tượng

Nhiều du khách trong nước và quốc tế thích thú khi chiêm ngưỡng bức tượng “phở gánh”.

Bức tượng

Bức tượng “phở gánh” có chiều cao khá giống với người thật.

Trong khi đó anh Võ Hoàng Anh (Đống Đa, Hà Nội) góp ý: “Theo tôi cơ quan quản lý nên khoanh vùng, dựng hàng rào cho bức tượng, đồng thời đặt biển chú thích bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để du khách dễ nhận biết. Việc dựng hàng rào bao quanh bức tượng sẽ giúp bảo vệ bức tượng, tôi thấy nhiều người đỗ xe máy rất sát bức tượng”.

Được biết, từ năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai Đề án số 34 “Mô hình tuyến phố An toàn thực phẩm có kiểm soát – văn minh thương mại Tống Duy Tân – Cấm Chỉ”, hướng tới mục tiêu xây dựng tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ là tuyến phố kinh doanh ẩm thực đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát và văn minh thương mại.

Việc dựng bức tượng người đàn ông gánh phở nằm trong đề án này với mục đích tạo ra một không gian check-in có độ nhận diện cao bằng một tác phẩm nghệ thuật.

Bức tượng

Bức tượng “phở gánh” chưa được quây rào, nhiều người để xe máy sát với tượng.

Bức tượng

Tống Duy Tân được coi là phố ẩm thực của Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Vũ Linh – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm xác nhận, sau khi bức tượng được dựng lên, nhiều người dân dựng xe máy ngay bên cạnh bức tượng khiến không gian xung quanh bức tượng bị thu hẹp, khách du lịch khó quan sát.

“Tôi đã trao đổi việc này với lãnh đạo phường Hàng Bông để giải quyết vấn đề trật tự đô thị, nếu không sẽ làm mất đi giá trị của bức tượng. Sắp tới sẽ gắn một biển đồng, trên đó đề tên tác giả của bức tượng. Thêm vào đó là mã qr code để người dân cũng như du khách có thể quét và biết được thông tin phở gánh là như thế nào”, ông Nguyễn Vũ Linh thông tin.

Ông Nguyễn Vũ Linh cho biết thêm, hiện tại phường đã đặt biển cấm phương tiện vào buổi tối trong tuần, tăng cường xử lý trật tự đô thị khu vực đó và xử lý mái che, mái vẩy để tạo không gian thông thoáng, người dân và du khách dễ dàng tiếp cận với bức tượng.

Phố Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ (nay gọi là ngõ Hàng Bông) là một trong những khu phố hình thành rất sớm, từ năm 1873. Thời xưa, với vị trí gần trường thi, phố Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ trở thành nơi bán đồ ăn cho các sĩ tử khi tham gia các cuộc thi tại kinh thành Thăng Long.

Thời kỳ Pháp thuộc, phố Tống Duy Tân có tên là Rue Brusseaux. Sau Cách mạng tháng Tám (năm 1954) phố đổi tên là phố Bùi Bá Ký. Sau đó, phố còn có tên gọi là phố Kỳ Đồng gắn liền với bánh cuốn Kỳ Đồng nổi tiếng. Từ năm 1964, phố đổi tên thành phố Tống Duy Tân, theo tên nhà chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX – Tiến sĩ Tống Duy Tân (1837-1892).

Từ năm 2000, thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để hình thành phố văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông (ngõ Cấm Chỉ cũ). Phố Tống Duy Tân có chiều dài 200m rộng khoảng 8m (sau khi nâng cấp cơ sở hạ tầng tuyến phố không còn vỉa hè); ngõ Hàng Bông dài khoảng 100m rộng khoảng 4m và không còn vỉa hè. Sau khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Phố văn hóa ẩm thực Việt Nam tại tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông chính thức được vận hành từ tháng 3/2002 và được UBND quận Hoàn Kiếm giao cho UBND phường Hàng Bông tổ chức, quản lý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *