vi-sao-bo-noi-vu-khuyen-khich-dat-ten-xa-sau-khi-sap-nhap-co-gan-so-thu-tu?

Vì sao Bộ Nội vụ khuyến khích đặt tên xã sau khi sáp nhập có gắn số thứ tự?

Quy định cách gọi tên “tỉnh” hoặc “thành phố” sau khi sáp nhập

Bộ Nội vụ vừa hoàn tất cùng tờ trình về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Bộ này cũng chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến.

Ngoài việc đưa ra các tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã, dự thảo cũng đưa ra gợi ý cách đặt tên với ĐVHC cấp tỉnh và ĐVHC cấp xã.

Cụ thể, trường hợp tỉnh nhập với tỉnh thì sau khi sáp nhập sẽ gọi là tỉnh. Tỉnh nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương thì đơn vị sau sáp nhập là thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp sắp xếp phường với các ĐVHC cùng cấp thì ĐVHC sau sắp xếp là phường. Trường hợp sắp xếp các xã, thị trấn với nhau thì sau sắp xếp là xã.

Gợi ý về cách đặt tên tỉnh, xã sau khi sáp nhật có gắn số thứ tự - Ảnh 1.

Dự kiến Hải Phòng là một trong 52 ĐVHC sẽ thuộc diện sắp xếp lại trong thời gian tới. Ảnh: Đàm Thanh – DĐK

Trường hợp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã làm thay đổi địa giới ĐVHC cấp huyện thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của ĐVHC cấp huyện mà ĐVHC cấp xã đó trực thuộc.

Để tạo thuận lợi cho quá trình sắp xếp ĐVHC phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, dự thảo quy định trường hợp nhập từ 4 ĐVHC cấp xã trở lên với nhau thì ĐVHC mới sau sắp xếp không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích, dân số.

Đồng thời, sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã phải giảm 70-75% so với số lượng ĐVHC cấp xã hiện nay trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đặt tên xã: Khuyến khích sử dụng một trong các tên gọi cũ trước khi sáp nhập

Ngoài quy định tên gọi là tỉnh hoặc thành phố, dự thảo cũng đề ra nguyên tắc đặt tên cấp xã, phường.

Theo đó, dự thảo nêu rõ, tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Bộ Nội vụ khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của ĐVHC có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Trong đó, Bộ Nội vụ khuyến khích đặt tên ĐVHC cấp xã mới theo tên của ĐVHC cấp huyện trước sắp xếp, có gắn số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý, tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đề án sáp nhập cấp tỉnh, thành phố phải lấy ý kiến nhân dân

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cũng đề xuất sẽ tùy định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ sẽ phân công UBND của 1 tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với đơn vị còn lại xây dựng đề án.

Trong đó, hồ sơ đề án sáp nhập tỉnh, bao gồm tờ trình, đề án theo mẫu quy định, báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của HĐND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng, đề án sáp nhập cấp tỉnh phải được lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn. Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi HĐND cùng cấp để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *