Một bảo tàng ở Úc đã quyết định chuyển các tác phẩm nghệ thuật của Picasso vào nhà vệ sinh nữ nhằm tránh các khiếu nại phân biệt đối xử từ một du khách nam không được vào triển lãm trước đó.
Hai bức tranh và một bức vẽ của Pablo Picasso ban đầu được trưng bày trong tác phẩm sắp đặt “Ladies Lounge” (Phòng chờ quý bà) của nghệ sĩ và người phụ trách bảo tàng người Mỹ Kirsha Kaechele tại Bảo tàng Nghệ thuật Cũ và Mới của Tasmania (MONA). Tác phẩm này khai trương vào tháng 12/2020, dành riêng cho “tất cả quý bà.” MONA quảng cáo “Ladies Lounge” là một không gian xa hoa, nơi phụ nữ có thể thưởng thức đồ ăn nhẹ, đồ uống và các thú vui khác do một quản gia nam phục vụ trong khi xem nghệ thuật trong một căn phòng phủ nhung xanh.
Vì sao bảo tàng Úc chuyển tác phẩm của Picasso vào nhà vệ sinh nữ?
Tuy nhiên, MONA đã bị yêu cầu ngừng từ chối cho “những người không xác định là phụ nữ” vào triển lãm sau khi Tòa án Dân sự và Hành chính Tasmania phán quyết vào tháng 4 rằng buổi triển lãm này vi phạm Đạo luật Chống Phân biệt đối xử năm 1998 của Úc. Kaechele giải thích rằng việc từ chối đàn ông vào căn phòng là một phần của tác phẩm nghệ thuật, nhằm cho họ nếm trải sự phân biệt đối xử và loại trừ mà nhiều phụ nữ đã trải qua trong lịch sử.
Trong email gửi cho báo giới, Kaechele cho biết các tác phẩm của Picasso hiện được trưng bày trong một nhà vệ sinh nữ được nâng cấp, gọi là “Ladies Room”. “Trong khi Ladies Lounge đang được cải cách để đáp ứng các yêu cầu miễn trừ cần thiết để mở cửa trở lại, tôi đã trang trí lại một chút. Tôi nghĩ rằng một vài phòng tắm trong bảo tàng cần được cập nhật. Một chút Chủ nghĩa lập thể trong các buồng vệ sinh”, cô chia sẻ.
Vào thứ ngày 25/7, Kaechele đã đăng trên Instagram video và hình ảnh về các tác phẩm được chuyển đến nhà vệ sinh, đồng thời chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên bảo tàng có nhà vệ sinh dành riêng cho nữ. Cô khuyến khích “tất cả các quý cô” thưởng thức triển lãm mới này.
“Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ có nhà vệ sinh nữ ở Mona, tất cả đều là lưỡng tính. Nhưng sau đó Ladies Lounge phải đóng cửa do một người đàn ông kiện. Và tôi không biết phải làm gì với tất cả những bức tranh Picasso đó…”, Kaechele, vợ của chủ sở hữu MONA, David Walsh, viết.
Jason Lau, một du khách đến từ New South Wales, đã bị cấm vào triển lãm “Ladies Lounge” vào ngày 1/4/ 2023. Lau, người đã trả phí vào cửa 35 đô la Úc, tin rằng anh ta bị phân biệt đối xử giới tính trực tiếp. Anh đã nộp đơn khiếu nại lên Equal Opportunities Tasmania.
Sau phán quyết của tòa án, Kaechele cho biết cô sẽ kháng cáo quyết định lên Tòa án Tối cao của bang và xem xét các khả năng để hồi sinh khái niệm “Ladies Lounge”. Một trong những ý tưởng bao gồm việc tìm kiếm kẽ hở theo Mục 27 của Đạo luật Chống Phân biệt đối xử, cho phép ngoại lệ về giới tính trong một số trường hợp. Trong thời gian chờ đợi, phòng chờ đã đóng cửa để không phải mở cửa cho nam giới.
Kaechele sau đó đã thảo luận về các cách tiềm năng để mở lại “Ladies Lounge” thành nhà thờ, trường học, nhà vệ sinh và hơn thế nữa trong phần Hỏi & Đáp được đăng trên trang web của bảo tàng.