Bà Rịa – Vũng Tàu có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại
Ngày 20/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, một ổ dịch dại vừa được ghi nhận tại xã An Ngãi (huyện Long Điền) và có nhiều người bị phơi nhiễm với virus dại.
Trước đó, sáng 18/12, một con chó không xác định được chủ nuôi, chạy rông và cắn người tại khu vực ấp An Hòa, xã An Ngãi. Người dân đuổi kịp và diệt con chó. Bước đầu ghi nhận, đã có 5 người bị con chó này cắn, phơi nhiễm với virus dại.
Trong một diễn biến khác, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, tối 19/12, bệnh nhân N.V.B. ở xã Phước Tỉnh, huyện (Long Điền) làm nghề giết mổ và bán quán nhậu thịt chó, mèo đã tử vong do bệnh dại.
Trước đó nữa, ngày 25/11, một nữ bệnh nhân ở phường Long Tâm (TP.Bà Rịa) cũng đã tử vong do bệnh dại sau khi bị mèo cào.
Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cả 2 ca này đều do chó, mèo cắn nhưng chủ quan, không tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại.
Trước tình hình phức tạp của bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dại. Bởi khi đã lên cơn dại, 100% người bệnh sẽ tử vong.
Quan trọng nhất là ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh dại hoặc huyết thanh kháng dại.
Người nuôi chó, mèo cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus bệnh dại
Tại huyện Long Điền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã yêu cầu ngành y tế và UBND huyện tổ chức điều tra người bị chó cắn và vận động tiêm ngay vaccine phòng bệnh dại.
Trong số đó, những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại bao gồm cán bộ thú y, người làm nghề giết mổ chó. Người dân trên địa bàn xã cũng được vận động tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Long Điền giám sát chặt chẽ lịch tiêm các mũi vaccine dại còn lại của 5 người bị phơi nhiễm với virus dại.
Theo Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 12/2024, cả nước đã ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 33 tỉnh thành, nguồn chính gây bệnh dại là chó, mèo.
Một số địa phương ghi nhận trường hợp tử vong cao là Bình Thuận (10 trường hợp), Đắk Lắk (7 trường hợp), Nghệ An (7 trường hợp), Gia Lai (6 trường hợp).
Trên thế giới, bệnh dại lưu hành ở nhiều quốc gia, trong đó, 95% các trường hợp tử vong ở khu vực châu Phi và châu Á.
Riêng khu vực Đông Nam Á là điểm nóng về bệnh dại với số lượng chó thả rông lớn, cùng tình trạng buôn bán thịt chó, mèo phổ biến.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Biện pháp tốt nhất vẫn là tiêm vaccine phòng dại cho tất cả chó, mèo. Tiêm vaccine phòng bệnh dại và hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn.
Điều quan trọng nữa là hạn chế tối đa việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với virus dại từ chó, mèo.