Vĩ nhân thời kỳ Phục Hưng
MICHELANGELO
Tài năng phi phàm, niềm đam mê vô tận và cả sự cống hiến không mệt mỏi vì nghệ thuật là những gì người ta nghĩ tới khi nhắc đến “thánh nhân” Michelangelo. Uyên bác và xuất sắc trong các lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc cho đến kiến trúc và thi ca, Michelangelo cùng với Leonardo da Vinci và Raffaelo được hậu thế xưng tụng là ba bậc thầy vĩ đại nhất vào của thời kỳ Phục Hưng.
Michelangelo, tên đầy đủ là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, sinh vào ngày 6 tháng 3 năm 1475 tại Caprese, xứ Toscana trong một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc, từng có nhiều đời là chủ nhà băng quy mô nhỏ nhưng nay gia cảnh đã sa sút. Cái tên Michelangelo có nghĩa là “Thiên thần Micae”, Tổng lãnh thiên thần tối cao lãnh đạo các thiên thần trung thành với Thiên Chúa chống lại phe “Thiên thần sa ngã Lucifer” trong Chiến tranh Thiên Đàng được đề cập trong Kinh Thánh.
Tuổi thơ của ông không êm đềm. Sau khi mẹ mất lúc Michelangelo chỉ mới sáu hoặc bảy tuổi, ông đã chuyển đến sống với người vú nuôi có chồng làm nghề thợ đá tại thị trấn Settignano nơi cha ông có một mỏ đá cẩm thạch và một nông trại nhỏ. Cũng tại nơi đây, Michelangelo đã tìm được tình yêu của mình với những hòn đá tưởng chừng như vô tri vô giác này. Giorgio Vasari, người viết tiểu sử về Michelangelo dẫn lại lời tự bạch của ông:
Nếu có thứ gì tốt đẹp ở trong tôi, đó là chính bởi tôi đã sinh ra trong một bầu không khí tinh khiết tại Arezzo. Qua những giọt sữa của vú nuôi, tôi đã có được sự khéo léo khi sử dụng đục và búa mà tôi sử dụng để tạo nên những vật điêu khắc.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về kinh doanh nhưng Michelangelo lại dành trọn trái tim cho nghệ thuật. Cậu được cha đã gửi tới cho theo học một trường La-tinh ở Firenze. Firenze lúc bấy giờ là trung tâm nghệ thuật và học thuật lớn nhất nước ý. Nghệ thuật nhận được sự bảo trợ từ hội đồng thành phố, các hiệp hội thương gia và các gia tộc danh gia vọng tộc như dòng họ Medici cùng với những đối tác ngân hàng của họ.
Được cha gửi gắm với hy vọng sau này sẽ nối nghiệp mình, nhưng cậu bé Michelangelo lại không tỏ vẻ hứng thú với những thứ như văn phạm La-tinh và triết học nhân văn cho lắm. Thay vào đó, cậu lại dành nhiều thời gian để sao chép những bức họa trong nhà thờ và đi theo học hỏi các họa sĩ khác. Dù đã nhiều lần ngăn cấm và dùng những trận đòn roi nhưng người cha vẫn không thể dập tắt được niềm đam mê mãnh liệt của cậu con trai bướng bỉnh. Cậu sau đó đã được cha gửi theo học danh họa Domenico Ghirlandaio, người sở hữu xưởng vẽ lớn nhất toàn thành Firenze.
Năm Michelangelo 14 tuổi, nhân vật quyền lực nhất thành Firenze là Lorenzo de’ Medici cho vời Ghirlandaio yêu cầu ông ta gửi đến những môn đệ xuất sắc nhất của mình. Michelangelo và Francesco Granacci là hai người đã được thầy mình lựa chọn, đến làm môn khách tại phủ Medici. 2 năm tiếp đó (1490–1492), Michelangelo đã theo học một học viện Nhân văn do gia tộc Medici sáng lập. Thời gian theo học tại học viện, tiếp xúc với những triết lý của Chủ nghĩa Tân Platon, đã ảnh hưởng tới cả quan điểm và tác phẩm nghệ thuật của cậu sau này.
Cũng trong thời gian này cậu đã theo học điêu khắc với một nhà điêu khắc già tên là Bertoldo di Giovanni. Khi ấy Michelangelo đã thực hiện các bức phù điêu chạm trỗ đá đầu tay của mình là “Thánh mẫu ngồi trên bậc thang” (Madonna of the Stairs) và “Trận chiến của những nhân mã” (Battle of the Centaurs). Nhờ sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của mình, danh tiếng của cậu bé 15 tuổi này đã được vang xa.
Sau cái chết của Lorenzo de’ Medici năm 1492, Michelangelo quay về quê nhà. Chính trị Firenze lúc đó dần bị một thầy tu dòng Đa Minh là Girolamo Savonarola thâu tóm. Ông ta tiên tri của ông về vinh quang của công dân, sự hủy diệt của nghệ thuật và văn hóa thế tục và các nỗ lực kêu gọi đổi mới tôn giáo. Savonarola cổ động chống lại sự tham nhũng của các giáo sĩ, sự chuyên chế cai trị và việc bóc lột người nghèo. Sau một thời gian phiêu bạt, Michelangelo quay về Firenze nhưng không nhận được đơn hàng nào từ chính quyền mới của Savonarola nên đã quay lại làm việc cho nhà Medici. Để có tiền, Michelangelo thậm chí còn cố gắng làm giả bức tượng Thánh Gioan Gioan Tẩy Giả thành một món đồ cổ để đem bán. Người trung gian sau đó đã bán cho Hồng y Raffaele Riario. Sau khi món hàng đến tay Raffaele Riario, dù nhận ra ngay đây là đồ giả, nhưng lại bị thu hút bởi sự tinh xảo bức tượng này nên đã mời Michelangelo tới Roma làm việc.
Kể từ đây, cuộc đời Michelangelo bước sang một trang sách mới, bước vào những tháng ngày bận rộn, khổ cực và không có tự do. Kể từ đây, ông đã để lại những tác phẩm vô giá cho nhân loại.
Đức Mẹ sầu bi
Năm 1498, khi mới bước sang tuổi 23, Michelangelo đã bắt đầu thực hiện tác phẩm trứ danh Đức Mẹ sầu bi (Pietà). Tác phẩm này đã được Hồng y Jean Bilhères de Lagraulas đặt làm như một đài tưởng niệm trong tang lễ sau này của ông. Ông đã mất khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành nên tác phẩm.
Đại đa số các tác phẩm thể hiện chủ đề Đức Mẹ sầu bi đều tập trung thể hiện sự bi thương, thống thiết về cảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm xác Chúa Giê-su. Tuy nhiên thoát khỏi mô thức quen thuộc này, bức tượng điêu khắc “Pietà” của Michelangelo không chỉ thể hiện sự điêu luyện và xuất sắc trong kỹ thuật điêu khắc mà còn mang một ý nghĩa hết sức lớn lao. Và cũng chính vì điều này mà tác phẩm đã đi vào lịch sử nghệ thuật nhân loại với tư thế của một kiệt tác điêu khắc vĩ đại của thời Phục Hưng.
Ở trung tâm của tác phẩm chính là Đức Mẹ Maria đang ôm xác Chúa Giê-su. Bà được thể hiện trông rất trẻ, khuôn mặt không hề toát ra vẻ oán hận và cũng chẳng hề có sự đau thương. Cái mà ta cảm nhận được là vẻ đẹp thánh thiện, bao dung và sự thanh thản, bình yên và thuần khiết bên trong con người bà. Chúa Giê-su nằm trong vòng bàn tay của mẹ, gương mặt của ngài tựa như của một người đang ngủ say, chứ không hề biểu lộ sự khổ đau sau khi bị đóng đinh. Đức Mẹ cũng không trực tiếp chạm tay vào xác Chúa, mà dùng một tấm vải để nâng lên thân thể của người, qua đó Michelangelo đã thể hiện sự thiêng liêng của thân thể Chúa Giê-su. Toàn bộ tác phẩm đều toát lên sự tinh tế và thực sự đã làm lay động lòng người khi đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và tầng sâu thẳm của ý nghĩa của hai chữ từ bi. Chính vì sự từ bi mà không hề nhìn thấy sự khổ đau trên khuôn mặt ngài. Cũng bởi vì lòng từ bi, mà Đức Mẹ đồng trinh không cảm thấy đau khổ khi mất đi đứa con trai. Các nếp vải, làn da, đường gân trên bàn tay, bàn chân, các múi cơ,… được Michelangelo thể hiện cực kỳ tinh tế và chính xác như một nhà giải phẫu học.
Tượng David
Nếu “Pieta” là bức tượng đại diện cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý thì “David” lại đại diện cho sức mạnh tráng niên và chủ nghĩa anh hùng của cộng hòa Firenze thời bấy giờ. Tượng David cao 4.5 mét, tay trái nắm hòn đá, tay phải nâng chiếc ná bắn đá trên vai. David trong bức tượng là một anh chàng khỏa thân với sức lực tràn đầy, đôi mắt tinh tường sắc như người thợ săn đang rình đợi, chiếc mũi to khỏe, đôi môi mím lại đầy vẻ cương nghị. Một David anh hùng, khỏe mạnh, tự hào vì vẻ đẹp cường tráng của thân thể mình. Điểm đặc biệt của bức tượng chính là hình ảnh chiếc ná bắn đá vắt lỏng lẻo trên vai khó lòng mà sử dụng được lại ngụ ý rằng: chiếc ná chỉ là một phương tiện còn sức mạnh của David nằm trong sự cường tráng thân thể và lòng can đảm thể hiện ở dáng điệu anh hùng. Bức tượng không những là một sự hoàn thiện mẫu mực về vẻ đẹp thể chất lẫn vẻ đẹp tinh thần của con người, mà còn là một minh chứng cho sự xuất chúng của Michelangelo với tư cách là một nhà điêu khắc có tài năng kỹ thuật phi thường cũng như sức mạnh của khả năng sáng tạo biểu tượng.
Những năm cuối đời
Không chỉ thành công trong nghệ thuật điêu khắc, Michelangelo còn xuất sắc trong cả lĩnh vực hội họa lẫn thơ ca. Ông tiếp tục điêu khắc và vẽ cho đến cuối đời mặc dù ông làm việc với các dự án kiến trúc ngày càng nhiều vào những năm lớn tuổi. Từ năm 1520 đến 1527 ông thực hiện thiết kế bên trong nhà nguyện Medici ở Firenze bao gồm thiết kế tường, cửa sổ và mái đua.
Michelangelo cũng thiết kế mái vòm của nhà thờ Thánh Phêrô tại Rome mặc dù công trình này được hoàn thành sau khi ông mất. Các kiệt tác khác của ông bao gồm tác phẩm điêu khắc Moses (hoàn thành vào năm 1515), bức vẽ “Sự phán xét cuối cùng” (hoàn thành năm 1534) và các tượng điêu khắc “Ngày, Đêm, Bình minh và Hoàng hôn” (hoàn thành năm 1533).
“Sự phán xét cuối cùng” là tác phẩm tiêu biểu cho tài năng hội họa của ông. Bức họa được vẽ trên vòm trần nhà nguyện Sistina trong vòng 4 năm ròng rã. Đây là quãng thời gian khổ cực của Michelangelo khi phải nằm trên giàn giáo chông chênh và ngửa mặt lên trần để vẽ ngày đêm. Mỗi nét vẽ của ông không chỉ mang theo sự tôn kính và trông ngóng đối với Thiên Đường mà còn làm nổi bật một tâm hồn thần thánh thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những ưu phiền nơi trần gian. Những nhân vật trong bức họa gần như khỏa thân nhưng những hình ảnh này không gây ra bất cứ ý nghĩ bất thuần nào vì cả đời ông đã dồn tất cả tâm trí vào nghệ thuật và tâm hồn thuần khiết của ông khi vẽ tranh đã khiến hình ảnh các nhân vật cũng trong sáng như một đứa trẻ thơ.
Từ những năm 1530 trở về sau, Michelangelo sáng tác thơ, khoảng 300 bài còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều tác phẩm của ông gắn với triết lý của chủ nghĩa Tân Platon – linh hồn con người, được hỗ trợ bởi tình yêu, hạnh phúc, có thể đoàn tụ với Thiên Chúa toàn năng. Quan niệm này đã là chủ đề của các cuộc thảo luận căng thẳng khi ông còn là một thiếu niên sống trong gia đình của Lorenzo de’Medici. Michelangelo mất năm 1564 ở tuổi 88 sau một thời gian ngắn mắc bệnh.
Trong đời sống cá nhân, Michelangelo rất đạm bạc. Ông từng nói với người học việc của mình là Ascanio Condivi: “Dù tôi có thể giàu có thế nào nữa, tôi đã luôn sống như một người nghèo khổ” Condivi nói ông không thích thức ăn và đồ uống, ăn “vì cần thiết hơn là vì niềm vui” và rằng ông “thường ngủ trong đám quần áo và… giày của mình.” Những thói quen đó có thể đã khiến ông không được ưa thích. Người viết tiểu sử ông Paolo Giovio nói, “bản chất của ông quá mạnh mẽ và vụng về khiến các thói quen ở gia đình của ông rất bần tiện.” Có thể ông không chủ tâm, bởi theo bản chất ông là một người cô độc và u sầu.
Nguồn:
- https://en.wikipedia.org/wiki/Michelangelo_Buonarroti
- https://www.theguardian.com/artanddesign/jonathanjonesblog/2010/mar/30/leonardo-da-vinci-michelangelo-greatest
- https://www.britannica.com/biography/Michelangelo
- https://www.biography.com/artist/michelangelo
- https://www.history.com/this-day-in-history/michelangelo-born