VỀ VẤN ĐỀ “NĂNG LỰC PHI THƯỜNG” CỦA LÊ LONG ĐĨNH: Hôm qua tôi có đọc được một bài vi…

VỀ VẤN ĐỀ “NĂNG LỰC PHI THƯỜNG” CỦA LÊ LONG ĐĨNH

VỀ VẤN ĐỀ “NĂNG LỰC PHI THƯỜNG” CỦA LÊ LONG ĐĨNH:
Hôm qua tôi có đọc được một bài viết, đại ý nói Lê Long Đĩnh là một vị vua có tài năng, và lịch sử đã bất công với ông, thậm chí nhận xét nếu thiếu “tài thao lược” của vị vua này thì quốc gia có thể đã đi đến chỗ sụp đổ (???).
Tôi xin trích dẫn một số nguồn nói về vị vua này- với mục đích để phản biện:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 1:
Trang 29a “1008, Vua đi đánh hai châu Đô Lương, Vị Long, bắt được người Man, sai lấy gậy đánh, người Man kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu…bắt được người thì làm chuồng rồi nhốt vào đốt”.
Trang 30a “Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui.”
Trang 30b “Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính.”
Tống Sử, Quyển 488-Ngoại Quốc 4: Chí Trung (Tên của Tống Chân Tông ban cho Lê Long Đĩnh), mới hai mươi sáu tuổi (ĐVSKTT chép là 24), hà khắc bạo ngược không có khuôn phép nào, người trong nước đều không theo.
K.W.Taylor, A History of the Vietnamese, Cambridge University Press: (Đoạn dịch sau đây là của tác giả) Tốc độ và mức độ anh ta trác táng với sức lực tuổi trẻ của mình- ý nói thời gian ở ngôi ngắn ngủi của Long Đĩnh, có thể chỉ ra rằng hình mẫu của một ông vua cuối triều đại tồi tệ (mà các sử gia Việt Nam miêu tả về Lê Long Đĩnh) không hoàn toàn là chuyện bịa đặt. Nhưng kẻ háo hức muốn anh ta (Long Đĩnh) biến mất khỏi chính trường thậm chí có thể đã cổ súy những hành vi quá quắt của anh ta.
Cương Mục, Chính Biên, Quyển 2 Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Quyển 1- Khai Minh Vương: Miêu tả đại khái giống Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Đồng thời tất cả những tác phẩm trên có miêu tả tương tự như Đại Việt Sử Lược.
Tôi hiểu biết còn nông cạn, không dám nhận xét Lê Ngọa Triều là một vị vua tốt hay tồi. Tuy nhiên, có thể thấy các sử gia từ cổ chí kim, từ trong đến ngoài nước, từ phương đông đến phương tây, đều có những nhận xét tương tự và tương đối tiêu cực đối với vị vua này. Và để có thể thay đổi cách nhìn về một nhân vật lịch sử như vậy, cần có những nguồn tư liệu đáng tin cậy. Ở thời điểm hiện tại, thật khó có thể tìm được một nguồn tư liệu nào cổ hơn Tống SửĐại Việt Sử Lược mà có miêu tả về Lê Long Đĩnh. Tôi thắc mắc rằng, không biết tác giả ở bài viết ngày hôm qua, dựa vào những căn cứ nào mà có đưa ra những nhận xét trái ngược hẳn với rất nhiều những sử gia và những nhà nghiên cứu nổi tiếng như vậy?. Hy vọng với lời văn chau chuốt và với khối lượng thông tin đồ sộ của mình, tác giả của bài viết đó có thể cho tôi và nhiều độc giả khác được mở rộng tầm mắt, với công lao của vị vua trẻ tuổi này.
Quan điểm của tôi:
  • Tống Sử không hề có áp lực gì trong việc nói xấu Lê Long Đĩnh. Tống Sử còn ghi: “Hoàng Đế (Tống Chân Tông) nói: Lê Hoàn bất nghĩa mà được ngôi, Công Uẩn lại học theo lối ấy, thật đáng ghét vậy”. Tức không bênh ai. Vậy liệu Tống Sử có “tôn Lý, vùi Lê”?
  • Việc Lê Long Đĩnh ác hay không ác, hiếu sát hay không hiếu sát, không thể kết luận rằng “đều do các sử gia đời sau bịa đặt ra để tôn nhà Lý, bôi bác Lê Long Đĩnh”. Vì không có căn cứ nào chứng minh điều này.
  • Ngô Sĩ Liên không phải là một sử gia chỉ chăm chăm chép sử, không hề có suy nghĩ của riêng mình. Khi nhà Lê thay nhà Đinh, ông đã chửi mắng Dương Vân Nga và Lê Hoàn hết lời. Vậy có lý do nào khi Lý Công Uẩn thay Lê Long Đĩnh ở trường hợp tương tự, ông lại thiên vị Lý Công Uẩn và phải đi bôi xấu Lê Long Đĩnh?
  • “Trổ tài kinh bang tế thế” không có nghĩa là sửa đổi quy chế theo triều Tống và đào mương, xây bến thuyền.
  • “Vị vua trẻ tuổi này phải ra tay dẹp loạn ngay sau khi lên ngôi”. Vâng bởi chính ông đã giết anh trai mình sau 3 ngày lên ngôi, người mà đã giành được ngai vàng sau 8 tháng xung đột. Đây có thể coi là “công lao”? Loạn này từ đâu mà ra? Nếu suy luận thì có thể thấy việc Long Đĩnh giết vua cướp ngôi có thể đã trực tiếp kích nổ quả bom chiến loạn. Bởi sau nhiều tháng giao tranh, người chiến thắng lại bị giết => Vậy các thân vương khác có lý do gì để không làm loạn, mưu đồ bất chính cho riêng mình?
  • Cuối cùng, việc thực hiện nhiều chiến dịch thành công, dẹp được các cuộc nổi loạn, khởi nghĩa, đánh dẹp người man v…v… Không có nghĩa rằng quốc gia đó thái bình hay giàu có, càng không có nghĩa đó là một ông vua có tài, hay nhân hậu, hay quan tâm tới dân chúng. Việc dẹp “thành công” các cuộc khởi nghĩa nông dân vào cuối thời Lê-Trịnh đã minh chứng cho điều này.
Ảnh: Hình ảnh Lê Long Đĩnh do Đình Toàn thể hiện trong “Khát vọng Thăng Long”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *