Về vai trò của lí thuyết trong chiến tranh
1. Chiến tranh không phải là một nghệ thuật, cũng không phải một môn khoa học. Nếu như trong khoa học người ta quan sát tìm tòi và tìm ra các quy luật cố định, bất biến của tự nhiên, thì chiến tranh biến hóa như một con tắc kè hoa đích thực. Nếu như trong nghệ thuật, người ta tương tác với những vật vô tri vô giác, như việc tạc một bức tượng, hay vẽ một bức tranh, thì chiến tranh bao gồm việc tương tác với một kẻ thù biết suy nghĩ, biết phản ứng và sẽ hành động để làm hỏng kế hoạch của chúng ta. Sự hiện diện của kẻ thù là trở lực (friction) lớn nhất ngăn cản việc ta đạt được mục tiêu của mình.
Clausewitz ví chiến tranh giống như thương mại, một cuộc mặc cả bằng máu giữa các thế lực chính trị. Việc quyết định bằng vũ trang (nguyên văn: decision by arms) tạo cho cuộc mặc cả này sự uy tín của nó, giống như là thương mại thì phải có việc trao đổi tiền. Nói cách khác, hai đoàn quân đối địch không thể chỉ đứng ngắm nhau, rồi dựa trên thực lực mà mình nhận thấy của đối phương, quyết định kết quả của trận chiến/cuộc chiến dựa trên việc bên nào mạnh hơn. Việc giao tranh, đổ máu nhất định phải xảy ra để quyết định thắng thua thì cái kết quả đó mới có sức nặng, giống như là nếu hai nhà buôn chỉ có giao kèo mồm với nhau, mà không có sự trao đổi hàng hóa, tài sản thật sự, thì kết quả của cuộc buôn bán đấy không có trọng lượng.
Chuyện này đi trái ngược với tư tưởng rằng “chiến thắng tốt nhất là chiến thắng không cần đổ máu”, mà rất nhiều nhà tư tưởng, trong đó có Tôn Tử, đề ra. Lawrence Freedman trong quyển Strategy: A History của ông ta gọi đây là “cách tiếp cận gián tiếp”. Cách tiếp cận này có thể hữu hiệu khi mà chỉ có một bên theo đuổi nó. Nếu cả hai cùng tìm con đường gián tiếp, dùng mưu mẹo để qua mặt đối phương, thì kết quả sẽ là một cuộc mèo vờn chuột không có hồi kết, và cả hai bên thực hiện chuyện “dụng mưu” này lâm vào rủi ro rơi vào một tình cảnh bị bất ngờ, không lường trước được. Việc lạm dụng chuyện này vì thế là một yếu làm tăng yếu tố bất định, may rủi của chiến tranh. Tôi cho rằng một phần cái tư tưởng này làm cho nền quân sự của Trung Quốc khá yếu kém, không có khả năng và không có sự tập trung vào sử dụng, phát triển các kĩ thuật sử dụng bạo lực để đánh “trực diện”, quy ước như nền quân sự phương Tây.
2. Hàng thế hệ các nhà tư tưởng quân sự khắp mọi nơi cố gắng tìm hiểu về chiến tranh, để rồi gom các kinh nghiệm và suy diễn của mình lại thành những cuốn cẩm nang gọi là “binh pháp”. Nhưng chúng bao gồm rặt những thứ giáo điều, những điều luật cố định, như kiểu là cắm trại như thế nào, hành quân như thế nào, các vấn đề kĩ thuật như việc sử dụng vũ khí, thuần ngựa, các đội hình chiến thuật, bày trận, .v.v. Ngay trước thời của Clausewitz, vẫn có nhiều người viết sách về việc pháo phải bắn như thế nào, kỵ binh phải tấn công theo góc nào. Điều này đặc biệt diễn ra mạnh dưới ảnh hưởng chủ nghĩa duy lý (rationalism) trong Thời đại Khai minh và thế giới quan cơ học của Newton,
Rất dễ hiểu là những chước tác như thế nhanh chóng trở nên lỗi thời hoặc không nắm bắt được cái bản chất của chiến tranh. Chúng không nắm bắt được tính phức tạp vô hạn và tính thiên biến vạn hóa của chiến tranh. Những yếu tố cần thiết thì hầu như không bao giờ được biết rõ, mà kể cả có được biết thì cái tầm quan trong tương đối và mối quan hệ giữa chúng với nhau cũng sẽ rất khó để nắm bắt và dễ thay đổi một cách không thể dự đoán được theo thời gian. Vì vậy, Clausewitz cho rằng một lý thuyết “thực chứng” hay khoa học về chiến tranh là bất khả thể. Ông ta viết:
“[Các lí thuyết này]…nhắm đến những giá trị cố định, nhưng trong chiến tranh mọi thứ đều không chắc chắn, và việc tính toán phải bao gồm rất nhiều biến số. Chúng nhắm tới các đại lượng vật chất, nhưng tất cả các hành động quân sự đều bện chặt bởi các thế lực tinh thần. Chúng chỉ cân nhắc các hành động đơn phương, trong khi chiến tranh là một sự tương tác của các phe đối nghịch.”
“Mục đích chính của bất cứ lí thuyết nào là làm sáng tỏ những ý tưởng và khái niệm mà bình thường đã trở nên rối rắm và tăm tối…Nó làm một cuộc điều tra phân tích nhằm dẫn đến một sự quen thuộc chủ đề này. Lí thuyết hiện diện dành cho những ai muốn học về chiến tranh qua sách…nó sẽ soi sáng con đường cho họ, làm mềm tiến độ, huấn luyện khả năng phán xét, và giúp anh ta tránh các hố sâu. Lí thuyết hiện diện để người ta không phải bắt đầu từ đầu. Mục đích của nó là để giáo dục trí óc của những vị chỉ huy của tương lai, để hướng dẫn họ trong việc tự học, không phải là để đi kèm họ trên chiến trường; giống như là một người thầy khôn ngoan hướng dẫn và kích thích sự phát triển tri thức của một người trẻ, nhưng cẩn thận không cầm tay chỉ việc cho anh ta suốt đời…. Lí thuyết không thể cung cấp các công thức giải quyết vấn đề, mà nó cũng không thể đánh dấu con đường hẹp đến cách giải bằng các “nguyên tắc”. Nhưng nó có thể cho trí óc sự thấu hiểu một khối lớn các hiện tượng và mối quan hệ giữa chúng, rồi để cho trí óc tự do tìm đến hành động cần thiết.”
3. Đây là một trong những điểm căng thẳng (point of tension) và nghịch lí (paradox) trong lí thuyết của Clausewitz. Một mặt ông ta nhận định rõ ràng về vai trò của lý thuyết là như vậy, nhưng một mặt khác ông ta vẫn cố gắng đi tìm những phần bất biến, bản chất của chiến tranh. Nhưng đây không phải một điểm yếu mà chính là một điểm mạnh của tư tưởng của Clausewitz, nó làm cho lí thuyết của ông ta giàu sức sống. Đồn thời, Clausewitz đề cao tầm quan trọng của “thiên tài” trong chiến tranh, người mà trí lực, tính sáng tạo và trực giác đủ khả năng để nhìn thấu qua sự phức tạp của chiến tranh, người mà theo đó mọi quy luật, lý thuyết đều chỉ có thể dùng để diễn giải, chứ không để áp đặt. Điều mà thiên tài làm chính là thứ “quy luật” tốt nhất.
4. Bất kể những hạn chế kể trên, lý thuyết vẫn rất cần thiết bởi vì, như Micheal Handel chỉ ra:
_Việc rút kinh nghiệm ra từ thực tế chiến trường không phải lúc nào cũng khả thi đối với các người chỉ huy, và đến khi chiến tranh xảy đến thì việc nắm bắt kinh nghiệm lại không kịp, khó khăn, và người chỉ huy rất dễ chết vì những sai lầm của mình trước khi kinh nghiệm được rút ra. Kể cả việc học hỏi từ những người khác cũng mang tính lí thuyết hơn là thực hành, bởi vì việc truyền đạt lại cũng đòi hỏi việc tổng quát hóa các kiến thức, kinh nghiệm của cá nhân. Chiến trường phải là nơi kết tinh lại những thứ đã học, chứ không phải nơi bắt đầu học.
_Bởi vì công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay, kinh nghiệm từ những cuộc chiến trước có thể không thể áp dụng vào những cuộc chiến sau, và do đó người học phải nắm được những xu hướng phổ quát hơn, dài hơi hơn của chiến tranh, hơn là những bài học mang tính cục bộ. (ý này sẽ nói rõ hơn trong một bài viết khác)
_Nhiều khái niệm hữu ích và thực tế có thể không thể được rút ra chỉ từ kinh nghiệm thực tiễn, mà chúng cần một quá trình phân tích mà xây dựng lý thuyết cẩn thận. Lý thuyết có thể không chỉ ra cho người học câu trả lời ngay lập tức, nhưng nó dạy cho anh ta cách đặt câu hỏi và nhìn nhận vấn đề để đi đến giải pháp.
_Bản thân một lý thuyết tốt phải là một lý thuyết chỉ ra được những thay đổi về điều kiện hoặc tiền giả định mà sẽ khiến nó phải bị chỉnh sửa hoặc loại bỏ. Nghĩa là lý thuyết tốt phải mang một tính tự tri nhận (self-consciousness) khác với học thuyết (doctrine) hay là truyền thống (tradition).
5. Tôi cho rằng có một sự tương đồng nhất định giữa việc dùng lý thuyết và các bài học lịch sử để giúp các sĩ quan trẻ học cách giải quyết các vấn đề cũng giống với việc ngày nay người ta dùng big data để cố dạy cho trí thông minh nhân tạo cách giải quyết vấn đề của thế giới loài người.
Ảnh: trong trận Trường Bình, Bạch Khởi không làm theo Binh Pháp, Binh pháp dạy rằng vây thì để hở một lối để quân địch rút chạy, không bắt chúng vào đường cùng mà bật lại, nhưng Bạch Khởi vây chặt quân Triệu đến khi hàng. Ngược lại, trong trận Mohi (1241), quân Mông Cổ sau khi vây kín trại của quân Hungary, giả vờ để ngỏ một lối đi, để rồi sau đó truy kích những người bỏ chạy đến cùng.