1. Helmuth Von Molke nói một câu nổi tiếng: “Không có kế hoạch nào đứng vững sau lần chạm trán đầu tiên với quân địch.” Các vấn đề trong chiến tranh tưởng chừng như rất đơn giản, các lựa chọn thường rõ ràng và lượng kiến thức đòi hỏi để thực hiện không có nhiều, nhưng chỉ khi ta đã thực sự bắt tay vào làm, thực sự trải nghiệm chiến tranh, ta mới thấy hết được những khó khăn tiềm ẩn của nó.
Chiến tranh có thể được ví như hai người vật nhau…dưới nước. Mỗi một chuyển động của mỗi bên, sự tương tác của họ cũng như là cách họ nhìn nhận lẫn nhau, đều bị cản trở, ảnh hưởng bởi một môi trường đặc hơn so với không khí gấp nhiều lần. Hệ quả là mọi hành động của họ đều tốn sức hơn, chậm chạp hơn và thiếu chính xác hơn so với khi họ ở trên cạn.
Tương tự như vậy, mọi hoạt động trong chiến tranh đều bị ảnh hưởng bởi một thứ trở lực hiện diện mọi lúc mọi nơi. Trở lực là thứ ngăn cách giữa chiến tranh trong thực tế và chiến tranh trên lí thuyết. Thứ trở lực này là kết quả của nhiều yếu tố:
_Tính may rủi, phụ thuộc vào xác suất của chiến tranh.
_Bản chất của chiến tranh là một hoạt động bạo lực, điều này làm cho nhận thức, tâm lý của con người trong hoàn cảnh bị bóp méo đi rất nhiều.
_Sự thiếu thông tin và sự không đáng tin cậy của thông tin trong chiến tranh.
_Sự hiện diện của kẻ địch.
_Năng lực phán đoán và trực giác của những người lãnh đạo, nhất là về đánh giá rủi ro ngắn hạn và dài hạn, giữa những lợi ích có thể thấy được và những thứ không lường trước được, về ý đồ, hoàn cảnh, thực lực và sức chịu đựng của đối phương.
_Sự khác biệt giữa logic quân sự (những hành động đem lại kết quả quân sự tốt nhất) và nhu cầu chính trị.
_Sang đến thời hiện đại, công nghệ cũng đóng góp một phần vào sự bất định, khó phán đoán này, trên cả phương diện tin tình báo lẫn sự tương tác giữa các loại vũ khí, khí tài.
2. Tính may rủi, phụ thuộc vào xác suất ở đây vừa là kết quả của bản tính con người, vừa là do thiên nhiên, nhưng điểm chung là người chỉ huy không có cách nào kiểm soát được chúng. Mỗi cuộc chiến có thể bao gồm hàng trăm hàng ngàn hàng triệu người, mỗi người trong số họ làm một biến số nho nhỏ có thể cho ra vô số hệ quả khác nhau. Có vô số thứ có thể đi sai hướng trong một chiến dịch quân sự: binh lính đi lạc đường, thời tiết không ủng hộ, một nhân vật quan trọng không may bị chết, đạn pháo không may đánh trúng một vị trí quan trọng, hậu cần đưa nhầm loại đạn cho bạn,… Tất cả những điều này góp phần làm giảm đi công suất của bộ máy chiến tranh của bạn, giảm đi so với khi nó chạy ở điều kiện lí tưởng.
Một số ví dụ lịch sử: quân Mông Cổ đánh Nhật hai lần dính bão, Erwin Rommel về nhà thăm vợ đúng ngày D-Day diễn ra, tiếng pháo của quân Pháp trong trận Waterloo tình cờ dẫn đường cho quân Phổ đến trận địa. Napoleon có lẽ đã không mất tất cả sau trận Leipzig nếu như không có một tay chuẩn úy ngu ngơ kích nổ cây cầu, làm 40,000 quân Pháp mắc kẹt ở trong thị trấn, rồi trở thành tù binh cho Liên quân thứ 6. Trớ trêu nhất có lẽ là một tình huống trong thời Nội chiến Mĩ: trước thềm trận Antietam, quân miền Bắc tình cờ phát hiện được kế hoạch đánh trận của quân miền Nam bọc ngoài 3 điếu thuốc lá, bao gồm cả phân bổ quân số và bố trí của các đơn vị. Nhưng viên chỉ huy quân miền Bắc, tướng George B. McClellan, mất đến 18 tiếng để quyết định tận dụng tin tình báo này, nhưng đến lúc đó thì ông ta đã đánh mất lợi thế, và người may mắn lại là quân miền Nam.
3. Tuy chúng ta không thể nào loại bỏ được tính may rủi trong chiến tranh, ta có thể giảm thiểu sự cố bằng cách ra kỉ luật nghiêm minh và tuân theo các thù tục (routine) hàng ngày. Đây là một trong những mục đích chính của việc huấn luyện trong quân đội: giảm thiểu tính cá nhân của người lính để đảm bảo anh ta ít “đi chệch hướng” hơn. Nhưng đây cũng lại là một nghịch lí lớn: người ta cần những binh sĩ kỉ luật, biết tuân lệnh để hạn chế tính may rủi, nhưng cũng cần những người có tính chủ động, có trực giác để tự biết phải làm gì trong hoàn cảnh không có mệnh lệnh, giữa bom đạn và gian khổ.
Trong các bài huấn luyện quân đội hiện đại, thường binh lính phải trải qua một bài tập trong đó họ phải bò qua một cái rãnh bùn, dưới hàng dây thép gai gắn mìn, và đạn súng máy bay liên tục trên đầu. Mục đích của nó là làm cho người lính quen với hiểm nguy trong chiến tranh. Bản chất của chiến tranh là một hành động bạo lực. Cái nhận thức về hiểm nguy về xung quanh mình có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lí của người lính và kéo theo đó là sức chiến đấu của anh ta nếu như không được huấn luyện kĩ càng. Sự khác biệt giữa lính non, lính mới nhập ngũ so với những người lính từng trải không chỉ nằm ở chỗ kinh nghiệm, mà còn ở phản ứng đối với hiểm nguy trước mắt. Ngoài ra, những hành động quá phi nhân tính cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lí của binh lính.
4. Sự thiếu thông tin trong chiến tranh thường được gọi bằng cụm từ “sương mù chiến tranh” (the fog of war). Đây là bức màn sương bao trùm lấy mọi hoạt động của chiến tranh, tác động đến cả hai bên, và ở mọi cấp độ: từ việc một người lính không biết quân địch đang núp ở chỗ nào cho đến một bộ tổng tham mưu không rõ ý đồ chiến lược của đối phương. Đồng thời, thông tin ngay trong chính nội bộ một đoàn quân cũng thường không được thông suốt: các cấp chỉ huy cao hơn có thể không biết đến những khó khăn cấp dưới gặp phải, cấp dưới không nắm được ý đồ cũng như nhiệm vụ của cấp trên,.v.v.
Sự bất định về hiểu biết này vừa do cố gắng của cả hai bên che dấu thực lực và ý đồ của mình, vừa do khiếm khuyết của chính hoạt động thu thập tình báo. Clausewitz khá là bi quan về vấn đề tình báo khi ông ta viết rằng: “Rất nhiều báo cáo tình báo trong chiến tranh là sai, số đông hơn trái ngược lẫn nhau, và phần lớn là không chắc chắn.” Tin tình báo có thể đến chậm trễ hoặc quá sớm, hoặc nó có thể thiết sót. Ngay cả khi tin tình báo là đúng đắn, các vị chỉ huy cũng có thể không coi trọng nó, không tận dụng được nó. Sự tiến triển của công nghệ chắc chắn đã tăng thêm độ tin cậy của tin tình báo, nhưng sự phát triển của kĩ thuật do thám cũng đi kèm với kĩ thuật chống do thám, cho nên sự bất định của thông tin trong chiến tranh sẽ luôn hiện hữu.
5. Sự hiện diện của kẻ địch là yếu tố tối thượng tạo nên trở lực trong chiến tranh. Một kế hoạch đưa một sư đoàn qua một con sông sẽ rất khác nhau nếu như ở gần đấy có thể có hoặc không có một đồn pháo binh của đối phương. Ngay cả khi kẻ địch không trực tiếp tấn công, mà chỉ cần hiện hữu, mối đe dọa tấn công cũng đủ làm biến đổi kế hoạch tác chiến của ta. Đó là còn chưa kể đến các hoạt động có chủ đích lường gạt đối phương, như việc phản gián hay đánh nghi binh.
Ảnh: Schlieffen Plan của Moltke the Younger, cháu của Moltke già. Kế hoạch này nổi tiếng là tham vọng và nhiều kẽ hở, nhưng cũng đã suýt thành công.