1. Các nhà nước, các dân tộc trong lịch sử bước vào chiến tranh vì vô vàn những lí do khác nhau, trong vô vàn những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, tạo nên sự khác biệt muôn màu giữa các cuộc chiến. Chiến tranh là một “con tắc kè hoa đích thực”. Sự tổng hòa các điều kiện địa lí, chính trị, xã hội, công nghệ, khí hậu tạo thành một “hệ sinh thái” riêng biệt mà mỗi cuộc chiến xảy ra. Clausewitz dùng cụm từ “zeitgeist” để gọi hiện tượng này, tiếng Anh dịch ra là “the spirit of the age”, tiếng Việt là “tinh thần của thời đại”.
2. Khi người ta bàn về những cuộc chiến trong quá khứ, người ta thường mắc vào việc quy kết quả thắng thua về một yếu tố khác biệt giữa hai bên tham chiến, và dễ dàng nhất, trực quan là quy về sự khác nhau về công nghệ, kĩ thuật. Tất nhiên đây là một sai lầm. Mặc dù công nghệ, kĩ thuật tác chiến rất quan trọng, nhưng chiến thắng hay sự vượt trội của một đơn vị nào đó trong một thời kì nào đó không phải chỉ do sự vượt trội về công nghệ.
Một số ví dụ: Sự vượt trội của kỵ binh hạng nặng ở châu Âu vào đầu và giữa thời Trung Cổ bắt nguồn từ tổ chức xã hội phong kiến (feudalism) thời đó, dẫn đến chuyện một nhóm nhỏ những binh sĩ chuyên nghiệp với trang bị tốt, giáp dày dễ dàng đánh bại những đám quân bộ binh gồm toàn nông dân không được huấn luyện. Cho đến khi các đội hình bộ binh chuyên nghiệp ra đời, như kiểu bộ binh Thụy Sĩ, kỵ binh nhanh chóng mất địa vị của mình. Quân Mông Cổ không vượt trội chỉ nhờ mỗi cung phức hợp hay ngựa Mông Cổ, mà còn do cách tổ chức quân đội, cách phối hợp, liên lạc giữa các đoàn quân, sự thiên tài của những người như Thiết Mộc Chân, Oa Khát Đài, Sử Bộ Tài. Quân Anh thắng những trận như Crecy, Agincourt không hẳn là nhờ trường cung Welsh quá tốt, mà nhờ chuyện các hiệp sĩ Pháp mắc kẹt trong một không gian bùn lầy chật hẹp, tiến không được, lùi cũng không xong. Tương tự như thế, không phải đợi đến khi Hốt Tất Liệt mời kĩ sư từ Iraq sang để xây dựng máy bắn đá đủ nặng thì Tương Dương-Phàn Thành mới thất thủ, mà do chính sách chiến lược sai lầm của nhà Tống, Tương Dương-Phàn Thành vốn đã không thể cứu chữa.
Những đoàn quân mạnh nổi tiếng trong lịch sử như quân Macedonia của Alexander, quân đoàn La Mã, quân Mông Cổ, Grande Armée của Napoleon hay như Wehrmatch trong thời WW2 đều mạnh mẽ phần nhiều là vì tổ chức của họ rất tốt, mang tính cách mạng, cân bằng được nhu cầu kiểm soát của bộ máy chính trị bên trên với sự chủ động hành động của bộ máy quân sự.
Thật không may là cái ý niệm sai lầm này được nuôi dưỡng bởi nhiều nguồn: các kênh truyền hình lịch sử chăm chăm vào câu lượt xem, các nhóm tìm hiểu lịch sử theo kiểu mì ăn liền, pop history, những người chuyên về kĩ thuật nhưng có hứng thú với lịch sử, v.v.. Đối với những người tìm hiểu về lịch sử và chiến tranh thật sự, họ sẽ chẳng bao giờ phải nói “Chiến tranh quan trọng là yếu tố con người” bởi vì đơn giản là vấn đề vũ khí đóng vai trò quyết định không hề là một vấn đề có thực với họ. “Chiến tranh quan trọng là yếu tố con người” là một thứ truism không phải nói cũng biết.
3. Tốc độ phát triển của công nghệ trong lịch sử cho đến trước thời Cách mạng Công nghiệp khá là chậm, không có thay đổi nhiều, thay đổi diễn ra từ từ trong hàng thế kỉ, chủ yếu là sự cải thiện chất lượng của những công nghệ sẵn có, không mang tính đột phá. Trong giai đoạn này, các trận chiến mang một số đặc điểm như này:
_Tính cục bộ, tức là hai đoàn quân chiến đấu với nhau tại một bãi chiến trường nhất định, dù có rộng lớn nhưng cũng không thể quá vài kilomet vuông;
_Ít có khả năng có sự chi viện của các đoàn quân khác, trừ các trận vây hãm thành kéo dài hàng tháng, có nghĩa là chiến thắng trong ngày mang tính quyết định, là chiến thắng cuối cùng.
_Hành quân và đánh trận là hai hoạt động riêng biệt.
_Chiến tranh không thể diễn ra liên tục mà bắt buộc phải theo mùa, việc trú đông (winter quartering) là cần thiết đối với tất cả các đoàn quân.
_Việc phối hợp giữa các cánh quân cách nhau hàng vài trăm kilomet là bất khả thi, mỗi đoàn quân ở ngoài mặt trận hoạt động gần như độc lập với chỉ đạo chính trị từ lãnh đạo bên trên, trừ phi lãnh đạo đó đi cùng với đoàn quân. Các đoàn quân này nhiều khi cũng phải sống nhờ lương thực từ vùng đất nơi họ chiếm đóng, chứ không được cung ứng lương thực một cách liên tục từ hậu phương.
_Chiến thắng chiến thuật có tác động trực tiếp đến tình thế chiến lược và kết cục của chiến tranh. Nhiều khi một chiến thắng chiến thuật là đủ để ép một triều đình đối phương kí hòa ước chấp nhận thua.
Nhưng đến thể kỉ thứ 19, sự ra đời của các loại hỏa lực pháo hạng nặng, chính xác, tầm xa, việc tất cả các nhà nước ở châu Âu đều triển khai các “đạo quân quốc gia” (*), ứng dụng của xe lửa và điện tín vào quân sự thay đổi hoàn toàn bộ mặt của chiến tranh:
_Việc hành quân và đánh trận vốn trước đây là hai chuyện riêng biệt, bất cứ đoàn quân nào cũng cần một khoảng thời gian dài đáng kể để dàn quân trước khi tham chiến, thì nay mỗi đoàn quân cần phải sẵn sàng để đánh trận bất cứ lúc nào, bất cứ địa điểm nào. Christopher Mewett dùng cụm từ meeting engagement để chỉ hiện tượng này. Một trận đánh cũng không thể diễn ra một cách ít nhiều mang tính quy ước như trước, mà nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào, mùa nào liên tục, kéo dài bất hạn định.
_Việc sản xuất vũ khí được công nghiệp hóa, cơ giới hóa.
_Các chiến trường trở nên “trống vắng” hơn, người lính phải chiến đấu theo đội hình ngày một tản mát hơn để giảm thiểu sức công phá của các loại hỏa lực ngày càng chết chóc, chính xác hơn.
_Các chiến trường phình to ra bởi vì các đoàn quân trở nên đông đảo hơn, các cánh quân cách xa nhau có thể được phối hợp dễ dàng hơn nhờ điện tín và xe lửa. Nếu như vào năm 1815 trận Waterloo diễn ra trong một ngày, thì đến năm 1914 trong cùng khoảng thời gian đó người ta còn không đi hết được chiều dài của chiến trường của trận Tannerberg trên một cái ô tô.
_Các đoàn quân dễ dàng được chi viện hơn, việc đánh bại một đoàn quân của quân địch không dẫn đến chuyện vỡ trận hay chấp nhận thua.
_Các đoàn quân phụ thuộc nhiều vào đường tiếp vận từ hậu phương hơn: nhu cầu đạn dược, lương thực, nhiên liệu, thuốc men và thông tin liên lạc với lãnh đạo chính trị đòi hỏi tạo phải có một mạch máu nối liền hậu phương và tiền tuyến một cách liên tục. Mạch máu này gọi là line of communication. Các đoàn quân khó mà có thể sống dựa vào đất của kẻ địch được nữa. Các loại học thuyết quân sự như blitzkrieg của Đức Quốc Xã hay Deep Battle của LX đều nhắm vào việc phá hủy cái “chiều sâu chiến lược” của kẻ địch, tức là không gian của cái line of communication này.
_Sự ra đời của cấp độ chiến dịch (operational level of war), thêm vào 2 cấp độ truyền thống là chiến lược và chiến thuật, cũng là một hệ quả của chuyện này. Các nhà lí luận quân sự Liên Xô như A. A. Svechin, M. V. Frunze, M. N. Tukhachevskiy, và V. K. Triandafillov cố gắng cập nhật nó để theo kịp ảnh hưởng của sự phát triển của công nghệ lên chiến tranh, thể hiện qua những hệ quả bên trên.
4. Nếu như trước đây việc tranh chấp đất đai là chuyện của các triều đình với nhau, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thường, thì kể từ sau Cách mạng Pháp, chiến tranh bỗng chốc trở thành chuyện của người dân. Trước Cách mạng Pháp, các triều đình châu Âu duy trì các đạo quân chuyên nghiệp. Chúng có thể ví như những cái đao quý: nhưng vì quá quý nên không ai dám mạo hiểm làm mất hoặc gãy nó, vì như thế sẽ làm cho họ hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ. Chiến tranh vì thế mang tính chất khá “thư thả” về cường độ, giống như những cuộc mặc cả bằng máu hơn là một chiến đấu sống còn. Những đoàn quân chuyên nghiệp này không thể đọ lại những đoàn quân quốc gia của nước Pháp cách mạng, sinh ra nhờ chế độ levee en masse, được dẫn dắt bởi thiên tài của Napoleon và Berthier. Các mất mát của Grande Armee dễ dàng được thay thế bởi nguồn nhân lực của 30 triệu dân Pháp – những người thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng hòa.
Chủ nghĩa quốc gia dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa cộng hòa (republicanism) biến những tranh chấp vốn trước tưởng chừng nhỏ nhặt, như việc tranh chấp một dải đất, một xung đột nhỏ lẻ, thành một vấn đề danh dự quốc gia, dân tộc. Đó là lí do tại sao trong quá khứ việc bán đất, cắt đất, trao đổi giữa các triều đình phong kiến, quân chủ diễn ra như cơm bữa, còn thời nay nó là chuyện không tưởng.
Từ thời Cách mạng Pháp cho đến hết thế chiến thứ Hai, cái tinh thần của thời đại là việc “tổng lực hóa của chiến tranh” (totalization of war). Tổng lực hóa của chiến tranh là xu hướng tổng động viên tất cả các thành tố của sức mạnh nhà nước và tái tổ chức đời sống quốc nội để phục vụ cho chiến tranh.
Khi hình thái của chiến tranh thay đổi như này, Clausewitz nhận ra rằng chiến lược cũng sẽ phải thay đổi theo: mục tiêu của nó không thể nhắm vào vào những chiến thắng chiến thuật, bằng cách mang nhiều quân nhất đến vào thời điểm-địa điểm quyết định nữa, bởi vì ngay cả việc tiêu diệt một đạo quân lớn của kẻ địch cũng không còn đủ để kết thúc chiến tranh, đem lại một hòa ước có lợi. Chủ nghĩa quốc gia và sự tổng lực hóa chiến tranh dẫn đến việc sự sống còn của cả một quốc gia được đặt lên bàn cân, người ta không thể chấp nhận đầu hàng chỉ vì tổn thất vài trăm ngàn người. Mỗi quốc gia đều có thể gọi ra những đạo quân mới, hoặc nếu không thể thì phát động một cuộc chiến tranh nhân dân. Nói cách khác, kết quả của những cuộc giao tranh chiến thuật đơn lẻ ngày càng trở nên kém quan trọng, và kết quả của một cuộc chiến liên quan nhiều đến sức mạnh kinh tế, tiềm lực quân sự và liên minh ngoại giao của một quốc gia hơn.
Tất nhiên, kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, tinh thần của thời đại đã đổi khác đi rất nhiều, đó sẽ là chủ để của một bài viết khác.
5. Vì công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, có hai hệ quả ta phải nhìn nhận:
_Việc xác định xem liệu trong tương lai lợi thế chiến thuật nghiêng về phe tấn công hay phòng thủ, thu thập tình báo hay phản gián sẽ vô cùng khó khăn bởi vì phát minh, cải tiến, đột phá diễn ra mỗi ngày.
_Các kinh nghiệm có từ những cuộc chiến trước có thể không hề giúp gì cho cuộc chiến tiếp theo, vì tinh thần thời đại, trong đó có một biến số thay đổi rất nhanh của nó là công nghệ, cũng đã thay đổi.
Ảnh: levee en masse – sự ra đời của các đạo quân quốc gia