VỀ CHÍNH TRỊ HOÁ QUÂN ĐỘI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN KHẢ NĂNG CHIẾN ĐẤU

Luôn có một sự căng thẳng nhất định giữa giới lãnh đạo quân sự và dân sự, nói theo cách bình dân chút là quan văn và quan võ. Chúng ta có thể thấy rất ít trường hợp cả hai phía đồng ý với nhau trong một vấn đề gì đó, đặc biệt là khi nó liên quan đến chiến tranh. Các lãnh đạo dân sự thường coi những mục tiêu phi quân sự quan trọng ngang hoặc hơn các mục tiêu quân sự thuần tuý. Các lãnh đạo quân sự thường chỉ tập trung vào tính logic của chiến lược quân sự (làm thế nào để tôi đánh bại/tiêu diệt được kẻ thù?), đôi khi hoàn toàn không quan tâm tới các vấn đề chính trị liên quan (làm thế nào để tôi giữ được hoà bình sau đó, hay làm sao để thoả mãn các đồng minh quan trọng, giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ).

Đi sâu hơn nữa, chúng ta thường thấy các quan chức dân sự và các sĩ quan quân đội suy nghĩ rất khác nhau, cách giải quyết vấn đề của họ cũng rất khác nhau, cho thấy sự khác biệt lớn về sự nghiệp và cách làm việc của cả hai bên. Thông thường, cần phải có một người lính, tướng sĩ chuyển sang làm chính trị gia hoặc một quan chức dân sự sáng suốt, khôn ngoan mới có thể thấu hiểu cả hai bên và giúp hai phía thoả hiệp. Tất nhiên là những người như vậy rất ít, cho nên Kenneth Pollack tin rằng không có thứ gì gọi là quan hệ tốt giữa dân sự và quân sự, chỉ là xấu đến mức độ nào thôi. Nó có thể chỉ dừng ở mức độ các lãnh đạo quân sự và dân sự cằn nhằn hoặc chửi thầm nhau trong phòng họp, cho tới mức cực điểm là dẫn tới một cuộc chiến sống còn, như Chiến tranh Bẩn thỉu (cái tên nó vậy ??‍♀️) ở Argentina từ năm 1976 đến 1983.

Khi quan hệ giữa quân sự và dân sự trở nên quá xấu, chúng ta thường gọi nó là “chính trị hoá” quân đội. Có nghĩa là quan hệ giữa hai bên đã đi đến mức bất bình thường, gây ra một trở ngại lớn đến việc chỉ huy của cả quân sự lẫn dân sự. Chính trị hoá thường dẫn đến hiệu quả chiến đấu của quân đội bị giảm sút khi lực lượng quân sự phải tham gia quản lý dân sự hoặc giới lãnh đạo dân sự kiểm soát quá chặt chẽ quân đội, hoặc cả hai cùng lúc.

Nói là vậy nhưng không phải tất cả dạng chính trị hoá quân đội nào cũng giống nhau. Theo Pollack, quan hệ giữa quân sự và dân sự có thể bị xấu đi theo ít nhất 3 kiểu, mặc dù cả 3 đều có những điểm giống và khác nhau. Kiểu thứ nhất, và cũng là kiểu được biết đến nhiều nhất là “praetorianism,” cái tên này được sử dụng lần đầu bởi Daniel R. Headrick. Praetorianism được dùng để nói đến việc quân đội có một ảnh hưởng cực lớn lên nền chính trị, bao gồm cả khi lực lượng vũ trang thực hiện đảo chính giành quyền lực và cai trị đất nước dưới dạng độc tài quân sự. Tuy nhiên, không cần phải đến mức cực điểm là quân đội đảo chính và thiết lập chế độ độc tài quân sự để được gọi là praetorianism, lực lượng vũ trang cũng có thể lật đổ chính quyền hiện tại và đưa một chính phủ dân sự mới lên cầm quyền hoặc nhẹ hơn nữa là chỉ đe doạ lật đổ chính phủ để có được chính sách mình muốn. Cái tên này bắt nguồn từ Praetorian Guard của Đế quốc La Mã, với nhiệm vụ được giao là bảo vệ Hoàng đế và từ thời Claudius trở đi, có quyền lực lựa chọn và phế chức Hoàng đế.

Nói đến ví dụ về chính trị hoá quân đội thì không thể không nói đến Trung Đông. Ngay từ sau Thế chiến 2, praetorianism dường như đã trở thành một “tệ nạn” khắp các vùng lãnh thổ Ả Rập, đến mức các nhà khoa học xã hội phương Tây coi việc quân đội nắm quyền là điều bình thường tại Trung Đông. Có ít nhất 30 cuộc đảo chính thành công và thất bại tại 6 nước Ả Rập là Ai Cập, Iraq, Jordan, Syria, Sudan và Yemen chỉ tính từ năm 1949 đến 1966. Năm 1958, quân đội Iraq đã lật đổ Vua Faysal II, mở ra một thời kỳ đảo chính liên tục khi mà các nhóm và cá nhân luôn tìm cơ hội để tranh giành quyền lực. Từ thời điểm đó cho đến lúc Saddam Hussein nắm giữ quyền lực tối cao vào năm 1979, tuỳ vào tiêu chuẩn của mỗi người, có khoảng hơn 19 cuộc đảo chính tại Iraq. Cũng giống vậy, từ năm 1949 đến khi Hafiz al-Assad giành chính quyền vào năm 1971, có hơn 15 cuộc đảo chính tại Syria. Mặc dù chính quyền quân chủ của Jordan và Saudi vẫn sống sót, nhưng cũng phải trải qua vô số các cuộc đảo chính thất bại. Thật tế thì gần như tất cả các quốc gia tại Trung Đông đều phải trải qua một số cuộc đảo chính thành công và/hoặc thất bại sau Thế chiến 2.

Praetorianism có thể dẫn tới rất nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của quân đội. Nhưng ảnh hưởng chính nhất vẫn là 2 thứ. Thứ nhất, praetorianism sinh ra sự nghi ngờ và không tin tưởng trong giới quân đội. Những người vạch kế hoạch và thực hiện cuộc đảo chính sẽ bị những người không tham gia đảo chính căm phẫn, bực tức, bản thân những người không tham gia đảo chính có thể ngay từ đầu đã không được người thực hiện đảo chính tin tưởng nên không được thông báo kế hoạch và mời tham gia. Một khi đã nắm giữ quyền lực, vị tướng quân hay đô đốc đó lại trở thành người đưa ra quyết định từ cấp cao nhất trong bộ máy chính phủ, và phải liên tục đưa ra những quyết định liên quan đến chính trị, ví dụ như quản lý và phát triển kinh tế. Tham nhũng luôn đi đôi với praetorianism vì các sĩ quan quân đội giờ đây đột nhiên có cơ hội và quyền lực để làm giàu cho mình, và một khi đã đảo chính và đi ngược lại pháp luật, thì còn sợ gì mà không làm giàu bản thân? Sự tranh giành của cải và quyền lực thường tạo ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo, và từ đó tạo ra các phe cánh chính trị ngay trong quân đội. Các phe cánh chính trị và mâu thuẫn giữa giới lãnh đạo có khả năng làm suy yếu khả năng đoàn kết và hợp tác chiến đấu giữa các đơn vị với nhau. Trong trường hợp cực điểm nhất, nó có thể dẫn đến bạo lực giữa các binh chủng hoặc đơn vị, binh lính nghi ngờ và bất tuân mệnh lệnh, các sĩ quan thực hiện chiến dịch quân đội nhưng chỉ quan tâm tới những ảnh hưởng chính trị thay vì mục tiêu quân sự. Hơn nữa, các sĩ quan quân đội có thể chỉ luôn tìm cách mở rộng quyền lực chính trị, và sử dụng vô số các thủ đoạn để đạt được mục tiêu, gây ra sự thiếu tin tưởng giữa các tướng lĩnh với nhau.

Vấn đề thứ 2 mà praetorianism sinh ra là nó đẩy các sĩ quan quân đội khỏi các kỹ năng quân sự thuần tuý. Sự xâm nhập của quân sự vào chính trị dân sự dẫn tới sự xâm nhập của chính trị vào mọi khía cạnh của quân đội, bao gồm cả việc thăng chức, khi mà các tướng quân hoặc đô đốc thường tìm cách đưa người trung thành với mình lên nắm các chức vụ cao để mở rộng quyền lực, thay vì quan tâm tới khả năng quân sự của người này. Ở cấp cao nhất, người độc tài và các tướng lĩnh thân cận của ông thường bao giờ cũng phải làm việc liên tục để vận hành chính phủ. Quản lý một bộ máy quan liêu, với hàng đống giấy tờ và đưa ra các quyết định chính trị là một việc làm toàn thời gian và ngay cả những tướng quân giỏi nhất cũng phải chịu thua, và càng không thể vừa giải quyết tất cả các vấn đề chính trị vừa lên kế hoạch chiến lược, chiến dịch, phân phát tài nguyên và giám sát việc luyện tập lực lượng của quân đội được. Chỉ có thể chọn một trong hai thứ, và thông thường thì những vấn đề quân sự sẽ bị gác lại để giải quyết những việc chính trị.

Cũng giống như vậy, praetorianism đồng thời khiến cho các sĩ quan bỏ ít thời gian và công sức vào việc luyện tập đơn vị và kỹ năng quân sự của mình hơn. Trong một số trường hợp, việc này là do các sĩ quan giờ quan tâm nhiều đến quyền lực chính trị hơn, và những thứ cần để đạt được mục tiêu chính trị lại thường không liên quan đến khả năng quân sự. Ngoài ra, các sĩ quan còn có thể không quan tâm đến nhiệm vụ của mình bởi vì giới lãnh đạo cấp trên đang bận chuyện chính trị và không thể quản lý nổi quân đội.

Còn có những tác dụng phụ khác mà praetorianism có thể gây ra trong quân đội. Việc huấn luyện binh lính có thể bị giảm chất lượng do các sĩ quan tin rằng khả năng chiến đấu của đơn vị do họ chỉ huy không còn quan trọng với con đường thăng tiến của họ. Lòng trung thành và khả năng chính trị trở nên quan trọng hơn, và các tướng lĩnh sẽ dành nhiều thời gian cho việc ấy hơn là các nhiệm vụ quân sự cần thiết. Mâu thuẫn gay gắt giữa các binh chủng với nhau mà nguyên nhân là từ mâu thuẫn giữa giới lãnh đạo truyền xuống khiến cho hợp đồng tác chiến trở nên khó khăn hơn. Các sĩ quan có thể coi “trí thức là sức mạnh” nên sẽ giữ các thông tin tình báo lại để đảm bảo quyền lực của mình trong hệ thống chính trị, nghĩa là những người đang rất cần thông tin tình báo trên chiến trường sẽ không có được nó. Cuối cùng, khi giới lãnh đạo quân sự chỉ lo chuyện chính trị mà bỏ bê quân đội thì binh lính sẽ không còn tinh thần chiến đấu và đoàn kết giữa các đơn vị cũng mất đi. Thật tế thì những đội quân bị praetorianism ảnh hưởng thường quân lính bị xuống tinh thần rất nhiều, chỉ cần thất bại nhỏ cũng đủ bỏ chạy do họ biết rằng các chỉ huy của mình hoàn toàn không có kỹ năng quân sự mà được thăng tiến nhờ có quan hệ chính trị.

Kiểu thứ 2 của chính trị hoá quân đội là kiểu trái ngược hoàn toàn với praetorianism được Pollack gọi là “commissarism,” nói theo James T. Quinlivan của RAND thì là “chống đảo chính.” Commissarism chỉ một sự can thiệp quá mức của chính trị vào trong các vấn đề quân sự để đảm bảo quân đội trung thành với mệnh lệnh dân sự. Có thể đây nghe như mối quan hệ bình thường giữa quân sự và dân sự – dân sự quản lý quân sự – nhưng commissarism dùng để chỉ khi quá trình này đi đến một mức độ nào đó hoàn toàn phi logic và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả chiến đấu của quân đội. Khi chính phủ trở nên sợ hãi với quân đội, tin rằng các tướng quân của mình đang bất tuân mệnh lệnh hoặc có âm mưu lật đổ chính phủ, giới lãnh đạo dân sự sẽ tìm cách kiềm hãm và kiểm soát quân đội, gây ra nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ quân sự-dân sự và khả năng thực hiện chiến dịch của quân đội. Cái tên commissarism bắt nguồn từ các chính uỷ (commissar) được đưa vào Hồng quân sau Cách mạng Nga để giám sát giúp Đảng Cộng sản và ngăn quân đội lật đổ chính quyền. Như vậy, commissarism là thứ trái ngược với praetorianism, bởi vì lý do mà một chính phủ áp dụng commissarism (quản lý quá mức lực lượng vũ trang) là để ngăn praetorianism (lực lượng vũ trang đó lật đổ chính phủ).

Tất nhiên là không có lý do gì mà một đội quân lại không thể bị ảnh hưởng bởi cả 2, ví dụ khi một tướng quân hay độ đốc nào đó lật đổ chính phủ dân sự thì cũng sẽ áp dụng commissarism để khoá chặt quân đội của mình, ngăn một cuộc đảo chính khác nữa, việc này khiến cho một đội quân có thể vừa bị ảnh hưởng bởi praetorianism và commissarism. Việc này thường hay xảy ra nên ranh giới để phân biệt rõ ràng giữa hai thứ này cũng khá mờ nhạt, mặc dù chúng trái ngược nhau. Lấy ví dụ gần gũi chút là ngay trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, khi Ngô Đình Diệm còn làm Tổng thống, ông sử dụng commissarism làm phương tiện để duy trì quản lý chế độ của mình, chỉ đưa người thân và người trung thành với mình lên nắm các chức vụ quan trọng. Nhưng thất bại và đến năm 1963, CIA hỗ trợ đảo chính lật đổ Diệm và chính quyền Việt Nam Cộng Hoà trải qua nhiều cuộc đảo chính liên tục cho đến khi Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền thì áp dụng praetorianism, đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ quân đội giống Diệm để bảo vệ chế độ độc tài quân sự của mình, kết quả là Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vừa dính praetorianism, vừa dính commissarism.

Do luật group không cho nói về Chiến tranh Việt Nam nên mình chỉ nói dám sơ vậy thôi, một số ví dụ nổi tiếng hơn về commissarism là cuộc Đại thanh trừng các sĩ quan quân đội của Hồng quân Liên Xô dưới thời Stalin. Ở Trung Đông chúng ta có Iraq dưới thời Saddam Hussein. Syria trong cuộc Chiến tranh Tháng 10 năm 1973 thì Hafiz al-Assad chỉ tìm được 5 chỉ huy sư đoàn mà ông tin tưởng, vì vậy ông chỉ cho thành lập 5 sư đoàn, mặc dù quân đội của ông cần gấp đôi số sư đoàn đó. Gaddafi cũng kiểm soát chặt chẽ quân đội Libya và rồi bị thua lớn tại Chad. Saudi cũng kiểm soát rất chặt quân đội, toàn bộ binh lính của Saudi Arabian National Guard đều được điều động để bảo vệ chính phủ, và chỉ tuyển quân từ tộc Najd trung thành với nhà Saud.

Kiểu thứ 3 của chính trị hoá quân đội được gọi là “palace guardism.” Trong một số trường hợp, mục đích chính (đôi khi là mục đích duy nhất) của lực lượng vũ trang một nước là bảo vệ chính phủ nước đó khỏi các mối đe doạ từ bên trong: đảo chính, cách mạng, khủng bố, nổi loạn, biểu tình, ám sát,… các kiểu, mọi người biết mà. Trong trường hợp này, quân đội sẽ trở thành và không khác gì palace guard. Điều này có nghĩa là quân đội sẽ không được hướng đến để chiến đấu với kẻ địch bên ngoài và sẽ ít khi nhận được thiết bị hoặc luyện tập để đối phó với trường hợp này, thay vào đó, quân đội sẽ được sử dụng vào việc giải quyết các vấn đề an ninh nội bộ. Nếu praetorianism tai hại vì khiến quân đội can thiệp quá sâu vào chính trị, commissarism tai hại vì khiến chính trị can thiệp quá sâu vào quân đội thì palace guardism tai hại vì nó khiến quân đội tập trung vào sai kẻ thù, thay vì dùng để chiến đấu với kẻ thù bên ngoài thì lại tập trung vào giải quyết các vấn đề an ninh trong nước đúng ra phải để lực lượng khác giải quyết. Việc này sẽ khiến quân đội gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị nếu chiến tranh nổ ra.

Một ví dụ là lực lượng vũ trang Ai Cập trước năm 1948 không khác gì một dạng palace guard chịu trách nhiệm bảo vệ Vua Farouk I, kết quả là không thể chuẩn bị để đối phó với Israel trong cuộc Chiến tranh Ả Rập-Israel 1948.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *