Có 2 cách để chúng ta tin vào 1 sự việc. Hoặc chúng ta nhìn vào bằng chứng, dữ liệu, công thức toán học, thống kê, dùng chính logic, kiến thức của chúng ta để nhận định – tạm gọi là vật chứng. Hoặc chúng ta tin vào uy tín, lời nói của 1 cá nhân, tổ chức nào đó – tạm gọi là nhân chứng. Vật chứng thường sẽ chính xác hơn, vì nó khách quan, trung lập, dễ dàng kiểm định hơn. Một người nổi tiếng trung thực đến đâu đứng ra kêu gọi từ thiện, cũng không đáng tin bằng nếu họ công khai sao kê. Một thày giáo poker nói rằng theo kinh nghiệm ván bài này nên all in hay nên fold, thường cũng không hoàn hảo bằng đáp án đưa ra bởi icmizer. Tập đoàn khổng lồ Facebook có thanh minh đến đâu rằng họ không theo dõi hội thoại người dùng trong Whatsapp, cũng không thể đảm bảo bằng sử dụng những phần mềm open source như Signal.
Bitcoin thành công như vậy, chính nhờ nó thay thế “niềm tin nhân chứng” bằng “niềm tin vật chứng”. Tiền tệ bản chất cũng là 1 dạng niềm tin, rằng tờ giấy, đồng xu, những con số trong tài khoản sẽ tiếp tục có giá trị sau này. Với tiền tệ truyền thống, ta tin vào ngân hàng, vào chính phủ, còn với Bitcoin, ta tin vào toán học, vào thuật toán. Nhiều người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong 30-40 năm qua, chỉ biết đến 1 đất nước phát triển ổn định, hòa bình, nên nếu không suy nghĩ sâu sẽ mặc nhiên cho rằng “hơi đâu tin vào những thứ ảo, tao chỉ tin vào nhà nước thôi”. Họ không trải qua những gì người dân Hy Lạp, Argentina, Venezuela… đã phải chịu đựng khi bộ máy cầm quyền thất bại thảm hại trong việc điều hành nền kinh tế, tài chính của đất nước, hoặc nói đâu xa, chỉ cần về hỏi lại bố mẹ, ông bà về 3 lần Việt Nam đổi tiền từ 1975 đến 1985. Chừng nào các chính phủ trên thế giới còn mắc sai lầm (và chắc chắn họ sẽ tiếp tục mắc sai lầm) vì sự kém cỏi và tham lam, chừng đó nhu cầu cho 1 đồng tiền dựa trên “vật chứng khách quan” (không phải tin vào bố con thằng nào) sẽ vẫn còn chính đáng.
Tuy nhiên, không phải cứ bắt chước Bitcoin và sử dụng công nghệ blockchain là bạn sẽ có 1 vật chứng đáng tin. Một hệ thống chỉ đáng tin nếu mọi thành phần của nó đáng tin. Nếu bạn pha sữa cho con mà quên bất cứ công đoạn nào từ bảo quản sữa trong tủ lạnh, rửa tay, đến tiệt trùng vỏ bình, núm vú, thì con bạn vẫn có thể bị nhiễm khuẩn. Một điều tưởng chừng hiển nhiên như vậy, đang bị các dự án blockchain lấp liếm để mê hoặc nhà đầu tư. Họ vẽ lên những dự án mĩ miều, bằng những từ chuyên môn đao to búa lớn (mà bản thân họ cũng không hiểu), cứ như blockchain là liều thuốc thần dược chữa được bách bệnh, giải quyết mọi vấn đề. Người ta thao thao bất tuyệt về việc ứng dụng vào chuỗi cung ứng, kiểu như “chai rượu mà bạn uống đây chắc chắn là hàng thật, đảm bảo bởi blockchain”. Thế nhưng làm sao ta biết chai rượu này ứng với danh mục nào trong blockchain? Sử dụng 1 mã tem QR Code dán trên chai? Vậy ta lại phải tin vào người dán tem không bóc tem của chai rượu thật dán vào chai khác? Và nhỡ họ không làm giả được danh mục trong blockchain, nhưng lại làm giả được mã tem thì sao? Suy cho cùng, công nghệ quan trọng nhất ở đây trong chuỗi cung ứng không phải blockchain, mà là công nghệ in tem. Tương tự như vậy, dự án đưa sổ đỏ vào blockchain để “đảm bảo không bị chỉnh sửa” cũng vô nghĩa, vì vẫn cần tác động bên ngoài của bộ phận nhập liệu, gắn mỗi danh mục trong blockchain với 1 miếng đất. Và khác với chiếc ví Bitcoin, nơi bạn sở hữu ví có nghĩa bạn sở hữu đồng coin, ở đây bạn sở hữu “sổ đỏ điện tử” chả có nghĩa lý gì nếu người khác đang ngồi trên đất của bạn, bạn vẫn phải tin tưởng vào tòa án, vào lực lượng cảnh sát nếu xảy ra tranh chấp, vẫn cần “nhân chứng”.
Online poker cũng là 1 lĩnh vực đang bị tấn công bởi “virus blockchain”. Người ta hào hứng bàn về những dự án như CoinPoker, Virtue Poker, hay gần đây trong cộng đồng coin Việt Nam là InPoker… “ứng dụng blockchain” vào poker, để biến nó thành 1 sân chơi thiên đường, nơi người ta có thể an tâm chơi mà không lo sợ ai lừa. Nhưng tất cả chỉ là những buzzword thời thượng hoa mỹ mà không có giá trị thực tế. Người ta quảng cáo rằng dùng blockchain sẽ giúp đảm bảo thuật toán chia bài ngẫu nhiên, không ai can thiệp được. Thế nhưng RNG (random number generator – thuật toán chia bài) chưa bao giờ là vấn đề khi chơi ở những trang lớn như Pokerstars, GGPoker, PartyPoker. Những người ca thán về việc họ bị bịp, họ bị “gài bài”, “setup đụng hàng”, “ép mua bảo hiểm”, tuyệt đại đa số đều là người chơi kém đang tìm cách biện minh cho thất bại của bản thân, có vấn đề về cách nghĩ, và không thực sự hiểu về variance/sự ngẫu nhiên. Thật ra hầu như trang online poker nào cũng có 1 cơ quan trung lập cấp chứng chỉ chứng nhận rằng thuật toán của họ trung thực, không có gì khuất tất. Thế nhưng vấn đề là không ai biết họ có thực sự dùng thuật toán đó trong game hay không. Tương tự như vậy, 1 app poker dùng blockchain cũng chỉ xác thực được phần minh bạch cục bộ trong việc tạo ra con số ngẫu nhiên, còn app đó làm gì với con số ngẫu nhiên được tạo ra thì không ai khẳng định được.
Tất cả những vấn đề lớn khác của online poker đều không giải quyết được ở các dự án blockchain poker hiện nay: làm sao phát hiện và xử lý được gian lận đánh team? Chống lại bot? Ngăn chặn superuser (tài khoản VIP xem được bài đối thủ)? Tránh chủ app lạm quyền tịch thu tiền người chơi, ban người chơi? (cái này có thể giải quyết được nếu mọi action trong game đều dựa trên blockchain, bạn ăn pot là tiền về ví cá nhân của bạn, nhưng đây không phải cách các app blockchain poker hiện nay hoạt động, vì nó quá cồng kềnh, kém hiệu quả – có khi tốn vài phút cho 1 thao tác xử lý transaction, không thực tế khi người ta có thể chơi hàng trăm hands online mỗi giờ). Cách tốt nhất để có thể tin vào 1 app poker, không phải dùng blockchain, mà là open source. Còn nếu không, sử dụng dữ liệu hand history được công khai để chạy thống kê kiểm chứng – điều các chuyên gia, cao thủ poker vẫn làm – còn đáng tin cậy gấp ngàn lần ba cái blockchain cục bộ tào lao.
99% các dự án blockchain/coin hiện nay chỉ ăn theo Bitcoin, không có tính khả thi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn không thể kiếm tiền từ những dự án này. Trái lại, bạn có thể dễ dàng kiếm tiền tỉ nếu bạn bán được niềm tin cho người khác, những người tin vào lời quảng cáo, tin vào lời kêu gọi của các KoL, tin vào “nhân chứng”. Nếu bạn có thông tin mật rằng coin nào sắp lên sắp xuống, dự án nào sắp bùng nổ, cứ thoải mái chia sẻ cho mình, có khi mình cũng “đầu tư”. Nhưng khỏi mất công thuyết phục mình rằng coin đó, dự án đó có tính ứng dụng thực tế thế nào, mất thời gian của cả 2 đó.
Thôi đến giờ đi rửa tay pha sữa cho con rồi.
Theo: Jul Tran