Bất chấp biến động của vàng thế giới, giá vàng miếng SJC vẫn đứng khá vững khi tiếp tục giao dịch trên mốc 67 triệu đồng chiều bán ra.
Vàng mất “hào quang” trước khả năng Fed giữ nguyên mức lãi suất điều hành
Cập nhật mới nhất từ công cụ giám sát biến động lãi suất FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đã đặt cược tới 95,3% vào khả năng Fed sẽ bỏ qua quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 14/6. Chỉ còn 4,7% tin rằng, Fed nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản ở kỳ họp tới.
Thông tin chính thức sẽ được Uỷ ban thị trường mở liên bang công bố trong vài giờ tới. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã giảm xuống 4% trong tháng 5 từ mức 4,9% trong tháng 4, mức thấp nhất trong hơn hai năm và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 4,1%.
Vàng thế giới đã “xuyên thủng” mốc 1.950 USD/ounce từ đêm qua và tiếp tục “lình xinh” quanh mốc này sáng nay. Từ mức đỉnh 2.050 USD từng đạt được vào đầu tháng 5 khi thị trường còn hoài nghi các biện pháp tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Fed, giá vàng đến này đã giảm 100 USD, tương đương giảm 4,87%.
Trái với biến động của vàng thế giới, giá vàng trong nước nhìn chung vẫn giữ được “hào quang” khi biến động trong biên độ giao dịch hẹp. Riêng trong ngày hôm nay, vàng miếng SJC đồng loạt tăng 50.000 đồng mỗi chiều tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC). Hiện giá vàng được yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 67,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Ở chiều ngược lại, DOJI giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều mua/ bán, về mức 66,4 – 67 triệu đồng/lượng (ở chiều mua và bán).
Đa phần các hãng vàng để giữ chênh lệch giá vàng ở mức 600.000 đồng mỗi lượng. Cá biệt, PNJ giảm 50.000 đồng chiều bán ra về 66,95 triệu đồng, qua đó thu hẹp mức chênh về 550.000 đồng mỗi lượng. Đây cũng là hãng vàng hiếm hoi đang bán ra cho thị trường dân cư với giá thấp hơn 67 triệu đồng.
Tỷ giá trung tâm ổn định
Chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng đô la với rổ 6 loại tiền tệ đã giảm xuống khoảng 102,95 điểm sau khi mất khoảng 0,3% trong phiên trước đó. Chỉ số này lần đầu tiên đánh mất mốc 103 điểm kể từ phiên giao dịch giữa tháng 5. Dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ yếu hơn thúc đẩy kỳ vọng về kha rnawng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tạm dừng chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ cũng là nguyên nhân chính kéo đồng USD rơi sâu.
Tuy nhiên, các thị trường vẫn bị chia rẽ về việc liệu ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ giữ nguyên lãi suất hay tiếp tục thắt chặt chính sách trong kỳ họp tiếp theo sau đây 1,5 tháng. Các nhà đầu tư cũng chuẩn bị cho các quyết định chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản. ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong tuần này và một lần nữa vào tháng 7 để chống lạm phát đã kéo dài thời gian qua. Mặt khác, BOJ được dự đoán sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong tuần này khi sự phục hồi kinh tế tiếp tục bị cản trở bởi tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Đồng USD thế giới hạ nhiệt, tỷ giá trung tâm cũng bớt phần nào áp lực. Từ đầu tuần đến nay, tỷ giá trung tâm gần như đi ngang ở mức 23.700 đồng. Các ngân hàng cũng yết tỷ giá USD/VND khá ổn định. Tại Vietcombank, tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.330 đồng/USD (mua vào) và 23.670 đồng/USD (bán ra).