Một cuộc khảo sát gần đây đã đưa ra những con số đáng lo ngại về tình trạng quấy rối và tấn công tình dục trong môi trường làm việc tại Hàn Quốc. Kết quả khảo sát cho thấy gần một phần tư nhân viên tại các công ty đã trải qua quấy rối tình dục, trong khi 15% cho biết, họ đã trở thành nạn nhân của các hành vi tấn công hoặc lạm dụng tình dục.
Cuộc khảo sát này được thực hiện bởi nhóm dân sự Gapjil 119 và cơ quan thăm dò Global Research, thăm dò ý kiến của 1.000 nhân viên từ 19 tuổi trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 10/6. Kết quả cho thấy 22,6% người được hỏi thừa nhận rằng, họ đã gặp phải quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đáng chú ý, phụ nữ có tỷ lệ bị quấy rối cao hơn nam giới, với 26,1% so với 19,1%.
Vấn nạn quấy rối tình dục nơi công sở tại Hàn Quốc
Người thực hiện các hành vi quấy rối tình dục thường là các cấp trên không thuộc ban điều hành, chiếm tỷ lệ 40,7%. Đứng thứ hai là các chủ lao động với 23,5% và đồng nghiệp cùng cấp với 17,7%. Một vấn đề đáng báo động là 15% những người bị quấy rối đã cân nhắc việc tự làm hại bản thân hoặc tự tử vì những áp lực và hậu quả tâm lý mà họ phải gánh chịu sau sự việc.
Không chỉ dừng lại ở quấy rối, cuộc khảo sát còn chỉ ra rằng 15,1% nhân viên đã phải chịu đựng tấn công hoặc lạm dụng tình dục tại nơi làm việc. Phụ nữ tiếp tục là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề hơn, với tỷ lệ 19,7% so với 10,6% ở nam giới.
Ngoài ra, một vấn đề khác được nhắc đến là tình trạng bị theo dõi tại nơi làm việc. Có 10,6% người được hỏi cho biết, họ đã gặp phải tình trạng này. Tương tự như quấy rối, các cấp trên không thuộc ban điều hành cũng là những người bị chỉ trích nhiều nhất với tỷ lệ 34,9%, tiếp theo là đồng nghiệp cùng cấp với 20,2%.
Gapjil 119 nhấn mạnh rằng, so với một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 8 năm ngoái, tỷ lệ báo cáo về quấy rối và tấn công tình dục đã gia tăng đáng kể. Cụ thể, các báo cáo về quấy rối tình dục đã tăng từ 14,2% lên 20,8%, trong khi các báo cáo về tấn công hoặc lạm dụng tình dục tăng từ 13,8% lên 20,8%.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và cải thiện các luật pháp nhằm ngăn chặn bạo lực giới tính tại nơi làm việc trong năm qua nhưng Gapjil 119 cho biết rằng, hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa đạt được như mong đợi. “Thay đổi thực tế là điều rất khó khăn chỉ thông qua các cải tiến về luật pháp và hệ thống. Văn hóa tổ chức và nhận thức cá nhân trong tổ chức cũng cần phải thay đổi,” Gapjil 119 nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát lần này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực tình dục trong môi trường làm việc ở Hàn Quốc, đòi hỏi những hành động thiết thực và mạnh mẽ hơn từ các cấp quản lý và chính quyền để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho người lao động.