Khi Doanh nghiệp chỉ có vài ba người, mọi người vì tình yêu thương, vì đồng cảm nỗi khổ với sếp mình, vì một tương lai tươi sáng mà làm việc không nệ hà, có thể làm đến tận đêm khuya, mọi người phối hợp nhau rất nhịp nhàng, có lỗi gì thì cùng khắc phục và bỏ qua cho nhau.
Và công ty bắt đầu phát triển, nhân sự vào nhiều hơn, sự chuyên môn hóa thay thế dần cho việc kiêm nhiệm trước đây. Mọi thứ có vẻ đi vào quỹ đạo nhưng nó lại là khởi nguồn cho việc đỗ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau khi mà công tác quản trị, vận hành kém.
Đổ lỗi đầu tiên xuất phát từ việc mọi người không có bảng mô tả công việc rõ ràng. Họ chưa hiểu về công việc mình phụ trách, chẳng hạn như: đâu là trách nhiệm chính của họ, đâu là việc họ chỉ hỗ trợ thôi và đâu là việc tạm thời kiêm nhiệm. Nhân viên họ chưa biết phải làm những gì, cứ làm theo chỉ thị của sếp như một con rối, dẫn đến họ quên mất trách nhiệm chính của họ là gì và để trôi việc. Sau đó họ lại bị sếp la mắng là không hoàn thành công việc, làm việc không hiệu quả. Thế là cảm xúc dâng trào, họ tìm đủ cớ để mà đổ lỗi.
Trường hợp nữa là quản lý khi giao việc cho đội nhóm theo kiểu cả nhóm cùng làm, không phân chia ai chịu trách nhiệm chính ở mục nào, ở khâu nào hoặc quản lý để nhân sự tự chia mà không có kiểm tra xem chia như vậy ổn hay chưa. Dẫn đến sự thiên vị, cả nể giữa các nhân sự với nhau, ma cũ ăn hiếp ma mới hoặc cùng bè thì hỗ trợ nhau, khác bè thì cho tự bơi. Và khi triển khai gặp vấn đề nhân sự thiếu trách nhiệm, lại nghĩ đây là việc của người khác, hoặc bệnh “ơ em tưởng việc này chị A làm chứ”, hoặc “ơ em không biết, em chỉ biết việc của em thôi”, thế là mọi người lại có dịp lôi ra đổ lỗi cho nhau.
Ngoài ra quản lý không có tiêu chí đánh giá kết quả công việc rõ ràng cũng là một vấn đề. Rất nhiều nơi cứ đưa ra tiêu chí rất chung chung, không đo lường được. Ví dụ như với kế toán sếp yêu cầu nộp báo cáo đúng hạn mà lại bỏ qua tiêu chí độ chính xác, dễ nhìn, các số liệu phải có công thức kết nối nhau. Khi sếp kiểm tra số liệu thì không khớp, kỳ này nhảy sang kỳ kia. Hỏi kế toán thì kế toán bắt đầu ca bài ca con cá, nào là, tại bởi, lý do là để tìm một ai đó, một lý do nào đó để đổ lỗi.
Tại nhiều Doanh nghiệp, chính sếp lại là người đổ lỗi nhiều nhất, đổ lỗi cho nhân viên của mình thay vì nhìn nhận cái sai, cái lỗi và chịu trách nhiệm. Vì có câu “trên không nghiêm, dưới tắc loạn”. Một người sếp chuyên đổ lỗi thì nhân viên bên dưới cứ thế mà noi theo làm y như sếp thôi.
Những điều trên, nhiều sếp không nhận ra hoặc nhận ra mà cứ cho là chuyện nhỏ. Lâu dần sẽ trở thành một cái “nề nếp xấu”, “nét văn hóa xấu” trong Doanh nghiệp khó mà chỉnh sửa được.
Vậy nhà quản lý cần làm gì? À cứ làm tốt 4 điều trên (có mô tả công việc rõ ràng, phân công công việc rõ ràng, có chỉ tiêu đánh giá rõ ràng, chịu trách nhiệm trước về mình) là mọi thứ sẽ bắt đầu xoay chuyển, bệnh “đổ lỗi” sẽ giảm hẳn.
Nhà quản lý cũng cần xây dựng văn hóa “Cởi mở, thẳng thắn” và lan tỏa nó đến từng nhân sự. Cho nhân viên hiểu rằng việc đổ lỗi cho người khác để giữ lợi ích cho bản thân chính là hành động làm tổn hại đến lợi ích chung của toàn Doanh nghiệp. Nhà quản lý làm gương, tích cực làm gương và khuyến khích mọi người cởi mở, thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình, cái gì không hài lòng từ đồng nghiệp, từ quy trình phối hợp liên phòng ban, từ sếp để cùng nhau tháo gỡ, giải quyết.
Và quan trọng nhất đó chính là thái độ, tinh thần nhận trách nhiệm khi bản thân mình lỡ phạm điều gì đó. Nhận trách nhiệm đối với nhiều người là một việc khó làm, vì từ nhỏ chúng ta đã đổ lỗi hoặc được dạy cách đổ lỗi đến quen miệng. Tuy khó cũng cần phải rèn luyện.
Cảm ơn anh chị đã đọc đến cuối bài.
Lê Thanh Duy