Ngày 16/10, tại Hội thảo khoa học “Liệu pháp Nội tiết nãn kinh” do Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em cho biết, cả nước có khoảng 13 triệu phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (từ 45 -69 tuổi). Còn nếu tính cả phụ nữ bắt đầu suy giảm nội tiết tố (35 tuổi trở lên), thì cả nước có khoảng hơn 20 triệu, chiếm 1/5 dân số.
Khi suy giảm nội tiết tố, sức khỏe của chị em xuất hiện nhiều rắc rối từ nhẹ đến nặng. Họ phải đối mặt với các vấn đề như suy giảm chất lượng cuộc sống với nhiều triệu như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau xương khớp, loãng xương và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ.
“Độ tuổi này là độ tuổi mà phụ nữ phải gánh trên vai nhiều gánh nặng, làm mẹ, làm vợ, kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp… Những vấn đề suy giảm nội tiết tố ảnh hưởng đến sức khỏe chị em, ảnh hưởng đến gia đình và cơ quan.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người, kể cả chị em lại cho rằng việc suy giảm nội tiết tố, mãn kinh là vấn đề sinh lý, do “ông trời” quy định nên cố gắng chịu đựng, không chăm sóc và tìm các giải pháp để giảm bớt đau đớn, khó chịu khi mãn kinh.
Hệ thống y tế từ xưa đến nay khi đề cập đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em chỉ chú trọng kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sảy thai, sinh non, bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư cổ tử cung….
Vấn đề tiền mãn kinh và mãn kinh chưa được quan tâm. Nhưng khi chị em không chăm sóc để giảm bớt các triệu chứng khi mãn kinh thì sẽ có nhiều bệnh lý như loãng xương, trầm cảm, mất ngủ… Do đó, chúng ta phải dự phòng từ xa để bảo vệ sức khỏe, giảm tối đa ảnh hưởng của suy giảm nội tiết “, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lưu Thị Hồng (nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em), ngay ở các cơ sở y tế cũng ít quan tâm đến chăm sóc, tư vấn cho chị em về vấn đề tiền mãn kinh và mãn kinh.
“Tư vấn cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh rất mất thời gian, vấn đề nhiều, lợi ích ít do đó, các cơ sở y tế thường chú trọng khám chữa bệnh phát sinh trong thời kỳ mãn kinh mà chưa quan tâm đến tư vấn”, PGS Hồng nhấn mạnh.
PGS Hồng cho biết, tuổi mãn kinh trung bình ở các nước phát triển là 51 – 52 tuổi và ở Việt Nam là 48 – 50 tuổi. Có tới 70-80% phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi các triệu chứng mãn kinh. Trong đó 20-35% triệu chứng vừa và nặng, như vậy có tới 1/3 phụ nữ chịu tình trạng này khi bước vào tuổi mãn kinh.
Các triệu chứng phổ biến của tiền mãn kinh như: tăng cân, mất ngủ, nóng bừng mặt, vã mồ hôi, bứt rứt, khó chịu, khô teo âm đạo, khó khăn khi quan hệ tình dục, viêm nhiễm âm đạo, loãng xương, xơ vữa động mạch, alzheimer…
Theo PGS Hồng, một khảo sát trên 1.100 phụ nữ mãn kinh tại Việt Nam cho thấy, phụ nữ mãn kinh thường gặp các rối loạn: bốc hỏa (gần 40%); hồi hộp (gần 63%); chóng mặt (61%); rối loạn giấc ngủ (62%); vã mồ hôi ban đêm (20%).
Cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ (hơn 69%); hay buồn chán (gần 47%); hay quên (gần 85%); hay lạnh bàn chân, bàn tay (16%); khó tập trung (58%); dễ cáu gắt (52%); nhức đầu (72%); ngủ kém về đêm (61%); đau lưng (68%); đau khớp (gần 66%); đau nhức tay chân (gần 71%)…
Theo PGS Hồng, dù các vấn đề của phụ nữ mãn kinh rất nhiều nhưng phụ nữ thường không đi khám chuyên khoa mà tự tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc qua lời khuyên của bạn bè, người bán thuốc… Chỉ khi các triệu chứng nặng, gây đau đớn hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống mới đi khám..
TS, bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh, Phó khoa Phụ Nội tiết (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: “Mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời mỗi phụ nữ nhưng trải nghiệm mãn kinh của mỗi phụ nữ sẽ khác nhau bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, sinh học…
Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ mãn kinh ở Việt Nam đang chịu đựng giai đoạn này 1 cách âm thầm vì thiếu thông tin cơ bản về các triệu chứng rối loạn mãn kinh, gây tác động tiêu cực đế sức khỏe và chất lượng sống”.
Để vượt qua thời kỳ mãn kinh an toàn và khỏe mạnh, TS Hạnh cho biết, chị em cần chăm sóc sức khỏe tinh thần (thư giãn, học cách chia sẻ với người thân, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng); luyện tập thể dục thường xuyên (kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp); dinh dưỡng hợp lý (không hút thuốc lá hay các chất kích thích, ăn chế độ giàu thực vật, chất xơ, bổ xung canxi, vitamin D để phòng loãng xương…); môi trường sống thông thoáng và nhiệt độ phù hợp…
TS Hạnh cũng nhấn mạnh, phụ nữ muốn dùng các thuốc nội tiết tố cần đi khám và được bác sĩ tư vấn, chỉ định, kê đơn, không tự ý dùng thuốc vì có thể sẽ sinh ra tác dụng phụ, gây guy cơ ung thư vú, đột quỵ, huyết khối.
Thời gian sử dụng, đường dùng của thuốc (uống hay bôi ngoài da…), liều dùng bao nhiêu.. đều phải được bác sĩ khám, chỉ định tùy theo đối tượng…
Ông Tuấn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn quốc gia về Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh; Hướng dẫn đào tạo nhân lực, triển khai phòng khám tư vấn mãn kinh tại các bệnh viện Sản Phụ khoa; Truyền thông giáo dục cho cộng đồng phụ nữ chủ động đến khám và điều trị.